Người Anh xếp hạng Thủ tướng từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tới nay: Công nào, danh nấy

Thứ Tư, 25/08/2010, 09:00
Bảng xếp hạng các vị Thủ tướng Anh kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tới nay được công bố trên số báo The Financial Times ra ngày 1/8/2010. Một ban giám khảo gồm 106 nhà sử học và chính trị học đã cộng tác với Trường Đại học Tổng hợp Leeds để biên soạn danh sách này.

Đương kim Thủ tướng Anh David Cameron, thủ lĩnh đảng Bảo thủ, không có tên trong danh sách vì các nhà khoa học cho rằng, ông Cameron, chính thức nhậm chức từ ngày 11/5 vừa qua, thay cho ông Brown, chưa đủ thâm niên để bộc lộ các phẩm chất lãnh đạo nội các của mình.

Ông Cameron sinh năm 1966 và là vị Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh kể từ năm 1842 tới nay. Theo đánh giá của báo chí Anh, bảng xếp hạng 12 vị Thủ tướng Anh từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tới nay có nhiều điều bất ngờ.

"Lịch sử sẽ thiện chí với tôi vì chính tôi đã định viết nên lịch sử - Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói như vậy. Và nhìn chung, ông đã nói trước không sai. Ngay ở thời điểm hiện nay, hơn 45 năm sau khi Churchill qua đời (năm 1965), ông vẫn là một trong những nhân vật lịch sử dễ được nhận biết nhất ở Anh và là một trong những thủ lĩnh chính trị được ưa chuộng nhất.

Anthony Eden.

Churchill từng đứng đầu nội các Anh từ năm 1940 tới năm 1945 và từ năm 1951 tới năm 1955. Ông từng được nhận giải Nobel về… văn chương năm 1953, vượt lên trước cả nhà văn Mỹ lừng danh Ernest Hemingway (người phải tới năm sau mới được nhận giải Nobel văn chương)…

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Churchill chỉ được các nhà khoa học Anh xếp ở vị trí thứ 6 trong danh sách các vị Thủ tướng thành công nhất từ chiến tranh thế giới thứ hai tới nay. Điều này được lý giải là bởi các nhà sử học Anh chỉ đánh giá về những kết quả làm việc của ông Churchill trong nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai (1951-1955), chứ không chú tâm vào thời gian ông làm Thủ tướng ở thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Churchill đã làm việc không nhiều vì khi nhậm chức (năm 1951), ông đã 76 tuổi. Sức khỏe giảm sút, cộng thêm với hai lần bị đột qụy đã khiến cho ông Churchill phải từ chức năm 1955, nhường ghế Thủ tướng cho vị Bộ trưởng Ngoại giao trong nội các của ông là ông Anthony Eden.

Thêm vào đó, nhiệm kỳ thứ hai làm Thủ tướng của ông Churchill đã nằm trong giai đoạn suy giảm tất yếu ảnh hưởng của đế chế Anh và bị gắn với nhiều khủng hoảng ngoại giao. Chính trong giai đoạn đó, Thủ tướng Churchill theo thói quen cũ đã điều binh khiển tướng lúc thì tới thuộc địa Kenya đang bị quân khởi nghĩa làm náo động, lúc thì tới xứ Mãlai tràn ngập quân du kích khiến cho London phải sa lầy tại đó tới 12 năm…

Margaret Thatcher.

Nhìn chung, các nhà khoa học Anh cho rằng, các đời Thủ tướng nước này trong nửa cuối thế kỷ XX đã xử lý tồi nhất các vấn đề ngoại giao. Nhìn từ một góc độ, đó là giai đoạn không đơn giản đối với đế chế Anh từng một thuở không bao giờ biết mặt trời lặn.

Sau năm 1945, "hòn đảo sương mù" đã không còn ở vị thế siêu cường thế giới nữa và ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào những làn gió thổi qua Đại Tây Dương từ Washington, rất lợi bất cập hại. Cho tới nay, các nhà khoa học Anh vẫn chưa xây dựng được một bộ tiêu chí ổn định để đánh giá về "những mối quan hệ đặc biệt" giữa London và Washington.

Vị Thủ tướng được coi là thành công nhất trong lịch sử nước Anh nửa cuối thế kỷ XX là ông Clement Attlee, lãnh đạo nội các Công đảng trong giai đoạn từ năm 1945 tới năm 1951. Ông là vị Thủ tướng thứ 62 trong lịch sử nước Anh.

Kế hoạch tái thiết đất nước của ông Attlee đề ra việc quốc hữu hóa nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, áp dụng rộng rãi các ưu đãi xã hội, đảm bảo công ăn việc làm 100% cho dân chúng và xây dựng hệ thống bảo vệ sức khỏe công cộng (National Health Service)…

Chính những thành tích trong đối nội này có lẽ đã làm nhòa đi ảnh hưởng tiêu cực của nhiều vấn đề rắc rối trong ngoại giao mà ông Attlee đã vấp phải khi làm Thủ tướng. Và cũng phải nói rằng, khác với Thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ Churchill, ông Attlee của Công đảng đã giải quyết những vấn đề trên vùng lãnh thổ mênh mông của đế chế Anh bằng những biện pháp tiến bộ hơn.

Chính trong giai đoạn ông Attlee lãnh đạo nội các Anh đã bắt đầu quá trình phi thực dân hóa và hai nước Ấn Độ cùng Pakistan đã được trả lại độc lập. Cũng trong giai đoạn đó đã bắt đầu những cuộc thương lượng về giải phóng Myanmar và Sri Lanca… Ông Attlee mất ngày 8/10/1967.--PageBreak--

Ở vị trí thứ hai trong danh sách những vị Thủ tướng thành công nhất nước Anh từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay là "bà đầm thép" Margaret Thatcher. Và cũng chỉ một mình bà Thatcher được các nhà khoa học Anh đánh giá tích cực về những thành tích ngoại giao.

Có lẽ những hoạt động thắng lợi của binh lính Anh trong vụ khủng hoảng liên quan tới quần đảo Falklands với Argentina cho tới hôm nay vẫn khiến các nhà sử học và chính trị học trên "hòn đảo sương mù", khiến họ trở nên có nhiều nhã ý hơn đối với "bà đầm thép" khi đánh giá về bà. Tuy nhiên, tác động chính của bà Thatcher có lẽ vẫn là việc cải cách lại nền kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội kèm theo các chương trình tư nhân hóa rộng khắp và giảm các chương trình xã hội.

Ngay sau khi lên nắm quyền, "bà đầm thép" đã lập tức bãi bỏ các chương trình xã hội mà ông Attlee đã khởi xướng… "Bà đầm thép" cũng là người có thời gian làm Thủ tướng Anh lâu nhất trong thế kỷ XX…

Gordon Brown.

Vị thủ lĩnh lâu năm của Công đảng Tony Blair được xếp ở vị trí thứ ba, ngay sát bà Thatcher của đảng Bảo thủ. Theo lời ông Mark Gill, một trong những người tham gia vào việc biên soạn danh sách các vị Thủ tướng Anh thành công nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai tới nay, ông Blair đã có cơ hội vượt lên trên so với bà Thatcher nếu ông không quyết định ủng hộ Washington trong việc mang quân vào Iraq năm 2003.

Chính sự việc này đã bị hai phần ba số các chuyên gia đánh giá là thất bại lớn nhất trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông. Ngoài sự cố này, các nhà khoa học Anh đều cho rằng, nhìn chung, ông Blair trên cương vị lãnh đạo nội các đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội Anh và chế độ hợp hiến.

Đứng ở vị trí thứ tư là ông Harold MacMillan, "tay trong" của ông Churchill của đảng Bảo thủ, lãnh đạo nội các Anh từ năm 1957 tới năm 1963. Các nhà khoa học Anh đánh giá cao việc ông này củng cố và cải thiện quan hệ đồng minh với Mỹ. Cũng trong giai đoạn làm Thủ tướng của ông MacMillan đã bắt đầu quá trình phi thực dân hóa rộng rãi châu Phi…

Cũng bị đánh giá không được quá cao như mong đợi giống ông Churchill là vị Thủ tướng thứ 67 của nước Anh, Harold Wilson, một trong những chính trị gia có sức hấp dẫn lớn nhất trong lịch sử "hòn đảo sương mù".

Ông từng đại diện cho Công đảng trong 5 kỳ bầu cử Quốc hội và giành được 4 chiến thắng nhưng lại chỉ được xếp ở vị trí thứ 5 trong danh sách các vị Thủ tướng thành công nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Người từng cùng với ông Wilson được ban nhạc huyền thoại The Beatles tụng ca trong ca khúc Taxman, ông Edward Heath của đảng Bảo thủ, lãnh đạo nội các Anh từ năm 1970 tới năm 1974 cũng chỉ được xếp ở vị trí thứ 9.

Có lẽ nguyên do là vì, trong giai đoạn ông Heath làm Thủ tướng, các rối loạn an ninh ở Bắc Ireland đã lên tới mức đỉnh điểm, kể cả sự kiện bi thảm vẫn được gọi là ngày chủ nhật đẫm máu 30/1/1972, khi binh lính Anh đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình của các tín đồ Thiên chúa giáo.

Ở vị trí thứ bảy và thứ tám là ông James Callaghan (Công đảng, 1976-1979) và ông John Major (đảng Bảo thủ, 1990-1997). Ông Callaghan được ghi danh như chính trị gia đầu tiên ở "hòn đảo sương mù" luôn làm tốt phận sự trên mọi cương vị quan trọng trong chính phủ như Bộ trưởng Tài chính, hay Bộ trưởng Ngoại giao…

Thế nhưng, quá trình làm Thủ tướng của ông lại không hề có một sự kiện đáng kể nào. Ông Major thường bị buộc trách nhiệm vì việc suy giảm uy tín của đảng Bảo thủ, bắt đầu từ năm 1992 và kéo dài cho tới giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

Trong ba nhân vật bị coi là kém cỏi nhất trong số các Thủ tướng Anh từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tới nay chỉ có một trường hợp có thể coi là hơi bất ngờ. Người ở vị trí sau cùng là ông Anthony Eden, từng lãnh đạo nội các Anh thay cho ông Churchill phải về hưu vì tình trạng sức khỏe. Trước khi lên làm chủ văn phòng Thủ tướng trên phố Downing, ông Eden được coi là một chính trị gia thành công - ông từng làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chiến tranh và nổi tiếng là một nhà ngoại giao giỏi.

Tuy nhiên, khi trở thành Thủ tướng, thì ông lại hành xử không mấy hiệu quả và sau gần hai năm lãnh đạo chính phủ, đã buộc phải từ chức dưới sức ép của dư luận xã hội vì cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, bị coi là thất bại lớn nhất trong lịch sử đương đại của nền ngoại giao Anh…

Ở vị trí thứ 11 là Sir Alec Douglas-Home của đảng Bảo thủ. Ông Douglas-Home chỉ trụ được ở cương vị Thủ tướng có độc một năm, từ  ngày 16/10/1963 tới ngày 16/10/1964. Ông leo được vào vị trí lãnh đạo nội các một cách tình cờ, do người tiền nhiệm MacMillan bị ốm và được biết tới nhiều hơn không phải với tư cách nhà chính trị mà là với tư cách người chơi cricket chuyên nghiệp.

Điều bất ngờ duy nhất là vị trí được xếp hạng của ông Gordon Brown. Vị Thủ tướng thứ 74 của nước Anh, lãnh đạo nội các từ tháng 6/2007 tới tháng 5/2010 phải ngồi ở vị trí thứ 10. Cũng giống như hai ông Eden và Douglas-Home, ông Brown trở thành Thủ tướng không phải qua bầu cử mà do được kế nhiệm từ vị thủ lĩnh mạnh hơn.

Thế nhưng, khác với hai người kể trên, ông Brown đã trụ lại được ở ghế Thủ tướng khá lâu. Tuy vậy, ông vẫn bị đánh giá là một trong ba vị Thủ tướng kém cỏi nhất trong lịch sử nước Anh 65 năm qua và phải nhận những điểm số tiêu cực về chính sách đối nội cũng như đối ngoại và cả trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù chính ông lại cho mình có công cứu nền kinh tế Anh thoát khỏi khủng hoảng

Hoàng Phong
.
.