Ngồi xuống uống trà đi

Thứ Tư, 07/01/2015, 15:24
Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Bằng hữu của Ngô là người có kiến văn vô cùng sâu rộng, người đã khai hóa cho sự đần độn, chiếu rọi cho sự mê muội của Ngô ở nhiều lĩnh vực, từ văn học cho đến thi ca, từ giáo dục cho đến khoa học, từ trong nước cho đến quốc tế…

Dẫu rằng trên thông thiên văn dưới tường địa lý, nhưng không phải lúc nào bằng hữu của Ngô cũng có thể am tường vạn vật triệu việc được.

Mỗi lần như vậy, bằng hữu của Ngô sẽ gắt “Hỏi gì lắm thế, thôi, ngồi xuống uống trà đi”. Mấy lần, Ngô vặn: “Tại sao không ngồi xuống uống rượu mà lại ngồi xuống uống trà?”.

“Thôi, ngồi xuống uống trà đi. Hỏi gì lắm thế”, bằng hữu của Ngô vẫn giữ giọng rất đều.

1. Mấy nay Ngô thấy thiên hạ đang ầm ào về chuyện nhà công vụ hay căn hộ cho người có chức vụ thuê ở. Nhà công vụ là gì, tức là nhà dành cho người có chức vụ đang làm việc công, việc công nghĩa là việc hướng đến lợi ích dành cho đám đông.

Đại loại theo như gã bạn có kiến văn vô cùng sâu rộng của Ngô thì, “Nếu như Ngô có chức vụ đang làm việc công nhưng chưa có điều kiện mua nhà do hoàn cảnh khó khăn thì Ngô sẽ được cho thuê lại một căn hộ hay được giao một căn biệt thự cổ (cũ) nào đó để Ngô tiện cho việc sinh hoạt. Tiền nhân dạy rồi, “An cư thì mới lạc nghiệp”.

Ngô có chỗ ăn ở ổn định, vợ con Ngô có chỗ nắng không cháy da, mưa không ướt áo thì Ngô mới có thể tận tâm tận tình, mẫn cán với công việc được. Rồi giả như sau này, áo gấm thành áo nâu nhưng Ngô vẫn chẳng thể mua nổi nhà, thì cơ quan đơn vị sẽ căn cứ vào hoàn cảnh, rồi sự đóng góp của Ngô tạo điều kiện cho Ngô mua lại căn hộ mà Ngô từng thuê ở, Ngô có hiểu không?”.

“Còn không thì khi đã có nhà riêng, tức là khi đã có nhà riêng chứ chưa cần nghỉ hưu, Ngô nhé! Nếu có tự trọng thì Ngô phải trả lại căn nhà công vụ ấy cho tổ chức để tổ chức còn phân lại cho đồng chí, đồng nghiệp của Ngô, những người đang gặp nhiều khó khăn hơn Ngô”, vẫn lời bằng hữu của Ngô.

“Nhưng giả như, họ không trả thì sao?”, Ngô hỏi.

“Ngô hỏi lắm quá, ngồi xuống uống trà đi”, bằng hữu bảo.

Rồi đột nhiên, bằng hữu cất tiếng, “Ngô là kẻ có đọc sách, mình đố Ngô xưa làm quan để làm gì?”.

“Phàm làm quan nhân, theo lễ Khổng – Mạnh thì trợ vua giúp dân. Theo nhẽ thường tình thì lập danh lưu sách. Còn một nhẽ khác”, Ngô trả lời.

“Nhẽ gì?”, bằng hữu cật vấn.

“Nhẽ của phường ó diều, thì làm quan là nhằm vinh thân phì gia”, Ngô đáp.

“Ngô sai rồi, để mình nói cho Ngô nghe. Việc làm quan để vinh thân phì gia không có gì là đáng chê trách cả. Vì sao ư? Bất cứ cá nhân nào cũng đều muốn mình phải hơn người từ vị thế cho đến sự thụ hưởng. Đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng, Ngô ạ. Làm quan hay làm dân gì, thì mong ước là như nhau. Nhưng Ngô biết không, làm gì thì làm đều phải có điểm dừng, chứ làm người mà không có điểm dừng thì hỏng ngay. Mỗi chúng ta phải có một cái thắng của riêng mình. Giống như mình hay như Ngô, mấy lúc muốn vui quá trớn, giật mình nghĩ đến vợ con đều phải tự kéo cái thắng của chính mình lại”, bằng hữu nói.

“Quan chức thì kéo thắng bằng gì?”, Ngô hỏi.

“Bằng danh dự, bằng lòng tự trọng, bằng thân phận của người thân, chứ bằng gì hả Ngô?”, bằng hữu tiếp lời.

“Vậy cho Ngô hỏi, Quan nhân có người nghèo không? Ngô tin là có, nhưng chắc chắn số này không nhiều. Mà không thể nghèo được, nghèo là nghèo so với đồng liêu thôi chứ so với chuẩn nghèo thì thành đại gia con bà nó rồi. Còn lại, đa phần là rất đại phú. Vậy thì tại sao lại còn rắp tâm lấy thêm một căn hộ công vụ làm gì? Bằng hữu trả lời thấu đáo giúp Ngô đi”, Ngô ấm ức mà làm một hơi.

“Ngô hỏi lắm quá Ngô. Ngồi xuống, uống trà đi”, bằng hữu Ngô trở về câu nói quen thuộc.

“Nhưng rồi Ngô lại nghĩ thế này, bằng hữu ạ. Có vẻ như dân mình cũng không sòng phẳng với quan nhân lắm đâu. Quan nhân giàu, đáng nhẽ dân phải mừng chứ. Quan nhân giàu thì quan nhân mới không còn nhu cầu trục lợi cho cá nhân nữa, quan nhân không nghĩ đến tiền nữa. Quan nhân chỉ còn tận tâm tận lực với chức trách được giao thôi. Phàm người không phải lo lắng về tiền, thì luôn có những hành động thú vị”, lời của Ngô.

“Ngô ơi Ngô, Ngô ngồi xuống uống trà đi, Ngô đừng nghĩ nữa”, bằng hữu Ngô vẫn cương quyết mời.

2. Ngô lại thấy, thiên hạ lại đang ồn ào chuyện người tử tế, người không tử tế. Người không tử tế thì đang mắng lại người tự cho mình là tử tế. Còn người tự cho mình tử tế thì đang đau đớn nhìn những người mà mình nghĩ rằng chưa tử tế.

“Bằng hữu của Ngô, thế nào là một người tử tế?”, Ngô hỏi.

“Làm thế nào mà mình có thể biết đâu là một người tử tế, đâu là một người không tử tế hả Ngô?”, bằng hữu trả lời.

“Ơ, nói huề vốn vậy thì Ngô hỏi bằng hữu làm gì cho nhiễu sự ra?”, Ngô cáu.

“Thế này, Ngô bình tĩnh nghe mình nói. Tử tế là một phạm trù phi triết học thì không giải thích được. Tử tế, không phải là như Ngô ngồi viết một bài báo vặt là ngay lập tức biến thành người tử tế được đâu. Tử tế cũng không phải là suốt ngày ngồi mắng người khác không tử tế là thành tử tế đâu. Tử tế, cũng không phải là suốt ngày tự nhủ “Anh là người tử tế” thì sẽ là người tử tế đâu”.

“Giống như Ngô thấy mấy anh mấy chị suốt ngày ngồi bàn chuyện dân chủ không?. Đó, tử tế mà chúng ta đang hướng đến cũng từa tựa vậy. Tự dưng thất nghiệp, biến thành nhà dân chủ. Tự nhiên lười biếng, hóa ra nhà dân chủ. Tự nhiên đâm đơn kiện bố ruột, trở thành nhà dân chủ. Tự nhiên không xin được việc làm, đóng vai nhà dân chủ. Đóng vai ấy xong, tự nhiên chửi loạn như bà già mất gà. Đụng đâu cũng chửi, thấy ai làm gì cũng chửi, đúng cũng chửi mà sai cũng chửi. Thậm chí, vừa đúng vừa sai cũng chửi nốt. Ngô có chửi được không? Được chứ. Mình thấy Ngô chửi còn duyên nữa là khác. Mình có chửi được không? Được chứ. Mình chửi cũng không kém duyên so với Ngô là mấy đâu. Nhưng, chửi có giải quyết được vấn đề không. Chắc chắn là miệng gần tai, ai chửi nấy nghe, Ngô ạ”.

“Ngô muốn làm người tử tế, thì Ngô phải bắt đầu từ những hành động tử tế. Ngô ra đường, không xả rác, đó là hành động tử tế. Ngô ngang một vườn hoa, không đưa tay ngắt hoa kê lên mũi ngửi, đó là một hành động tử tế. Ngô thấy người ta rơi ví, Ngô nhặt được, Ngô cố tìm cách trả lại cho người đánh rơi, đó là một hành động tử tế.

Nhà Ngô có con chuột chết, Ngô bỏ vào túi đựng rồi cho vào thùng rác chứ không quẳng sang sân nhà hàng xóm, đó là một hành động tử tế. Ngô đi máy bay, không lên cơn tăng động mà đùa có bom, hay “Tôi là không tặc”, đó là một hành động tử tế. Ngô có bạn gái, không để bà xã của Ngô đánh ghen với bạn gái trên máy bay, đó là hành động tử tế.

Ngô không khai gian tuổi để thăng tiến, để lùi ngày về hưu, đó là hành động tử tế. Ngô không vin cành quýt để bẻ cành đào, đó là hành động tử tế. Ngô không trốn thuế thu nhập, đó là hành động tử tế. Ngô không ăn cắp nhạc của người khác biến thành ca khúc của mình, đó là hành động tử tế… Có rất nhiều hành động nhỏ nhưng đó là hành động tử tế, Ngô biết không?

Chính từ những hành động nhỏ ấy, chúng ta mới hy vọng vào ngày mà mọi người đều trở nên tử tế như nhau. Ngô còn nhớ câu chuyện đức vua đãi tiệc mừng cưới công chúa không, mình nhắc lại nhé.

Kén được rể quý, đức vua vui lắm. Ngài quyết định mở tiệc trên toàn cõi vương quốc. Để không khí tiệc thêm phần vui vẻ, ngài truyền cho toàn bộ dân chúng mỗi người phải mang một ly rượu vang đổ vào hồ nước tại quảng trường của kinh đô.

“Nước sẽ biến thành rượu vang, chúng ta sẽ say sưa ngay bên hồ rượu vang của tình thân hữu này”, đức vua nói với dân chúng.

Ngày trọng đại của công chúa diễn ra, mọi thứ gần đúng như dự tính của nhà vua, duy có điều hồ nước vẫn là hồ nước, hoàn toàn không có chút rượu vang nào cả. Hóa ra, mỗi cá nhân trong vương quốc đều có chung ý nghĩ, “Nếu những người khác đã đổ rượu vang xuống hồ, mình lén thay rượu vang của mình bằng nước lã thì cũng không ai phát hiện ra”.

Tử tế nó vậy đấy, Ngô ạ. Hành động tử tế nảy sinh từ ý niệm tử tế, tử tế phải bằng hành động, tử tế không từ lời nói hay những đánh giá khen chê. Bao giờ, chúng ta được uống rượu nho đúng nghĩa ở Hồ Con Rùa tại Thành phố Hồ Chí Minh, hay Hồ Gươm ở Thủ đô Hà Nội, thì lúc ấy chúng ta đã có thể tin rằng tử tế hiện diện.

Tử tế, không đến từ sự kêu gào, không hiện hữu ngày một ngày hai. Đó là sự tu dưỡng lâu dài mà thành. Còn giờ, họ nói mãi những câu sáo rỗng thì hóa phản cảm, Ngô có thấy vậy không(?)”.

Bằng hữu dứt câu, Ngô ú ớ như người vẫn chưa dứt cơn mê. Chẳng còn câu nào khác, đành học bằng hữu mà nói,

“Thôi, bằng hữu ngồi xuống uống trà đi”.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.