Ngồi nhìn tiếng Việt

Thứ Sáu, 19/07/2019, 11:40
Tiếng Việt ngày càng méo mó chăng? Nghĩ thế, bèn đọc thông báo này, đại khái: “Thông tin dự án đã bị lọt lộ; nhiều đoạn đường bị sạt sụt; giao lộ X đang bị ùn ứ; nguyên nhân cháy do điện bị chạm chập; hàng rong phải kiên quyết bị đẩy đuổi; nhiều công việc cùng thời điểm cần được phối kết và lồng lắp” v.v…


Đọc xong. Ngẩn tò te. Ấy là cách nói trớ, nói lấp liếm cho qua truông, chứ không sử dụng đúng từ nhằm phản ánh đúng sự việc đang xảy ra.

 Vui cái sự đời

Xem đấy, do vị trí nhà đang ở nên y có dịp quan sát cứ vào mỗi chiều tan tầm, từ con đường Thích Quảng Đức ra ngả đường Nguyễn Kiệm lên Gò Vấp, xe cộ ùn tắc kinh khiếp làm tắc nghẽn giao thông, mọi người đứng chôn chân tại chỗ, tha hồ hít ngửi khói xe…

Thế nhưng quan chức nọ kiên quyết bảo tình hình chưa đến nỗi trầm trọng vì chỉ mới “ùn ứ”! Hoặc sau một cơn mưa như bò đái, phố xá lênh láng thành sông, mênh mông là nước, khiến xe cộ chết máy phải bì lõm dẫn bộ ì ạch, quan chức nhà mình lại bảo chỉ là chuyện nhỏ vì đường chỉ “tụ nước” v.v…

Rồi gần đây nhất, từ “mở lon Việt Nam” lại bị lên thớt xử trảm! Rằng, quan chức nọ há mồm oang oang thì, là, mà cái từ “lon”: “Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... Từ “lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề”.

Cái sự lo này, thiệt đáng hoan nghênh vì nói theo tục ngữ nước Nam là “lo bò trắng răng”, “Lo bằng lo sang sứ”. Mệt. Nghe bàn đến cái sự lo lắng thái quá này, nào phải riêng y, nhiều người cũng lắc đầu ngán ngẩm. Chi bằng, ta thử khảo sát xem từ lon xuất hiện tự bao giờ cho vui cái sự đời.

Trước hết, xin nói rằng, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) chưa ghi nhận cái nghĩa như hiện nay ta đã hiểu. Thế thì, Việt Nam tự điển (1931) có giải thích gì không? Thưa, có. Chẳng hạn, “1. Lon: loài thú nhỏ, hình như con cầy: Con gì mà lon thế? Con lon, con cày; 2. Lon: Bởi tiếng Pháp galon nói trạnh ra. Khoanh tròn đeo ở tay áo nhà binh: Quan binh đeo lon”.

Ngoài ra còn nghĩa nữa: “Lon: Thứ chậu lòng nông và thành đứng: Lon cho lợn ăn, lon dã/ giã cua. Cái lon xách nước, cái lược chải đầu (câu hát)”. Y phân vân một chút vì bấy lâu nay, ai cũng nghĩ cái lon ấy kích cỡ nhỏ như lon đựng sữa bò mà thôi. Ở đây, “lon cho lợn ăn”, “lon xách nước” rõ ràng quá to, to quá cỡ thợ mộc, vậy dám nói rằng, cái lon này không nằm trong ngữ cảnh của câu nói “Mở lon Việt Nam”.

Khi tìm dấu vết của từ “lon”, thú thật, y chỉ tìm ra từ bơ/ cái bơ. Cụ Lê Đại (1875-1951) - một chiến sĩ tiên phong của phong trào Đông Kinh nghĩa thục, bị Pháp đày ra Côn Đảo 17 năm tù nhưng vẫn giữ vững khí tiết một nhà nho yêu nước, thương nòi, lúc bị giam ở Hỏa Lò, cụ cho biết: “Chân xích dính với tay/ Đít ngồi gắn xuống bục/ Nước cho một bơ đầy/ Cơm phát lưng rá hộc”.

Cái bơ này, chính là cái lon như nghĩa mà ta đang hiểu. Các ông trong Hội Khai Trí tiến đức cho biết: “Bơ: Bơ sữa. Dịch ở chữ beurre: Cái ống bơ (cái ống đựng bơ dùng để đong gạo)”. Ta hiểu là cái hộp dùng đựng bơ/ sữa bò của người Pháp đã được người nước Nam tận dụng làm dụng cụ đo lường. Trải qua năm tháng, từ bơ đã mất dần nghĩa và được thay thế bằng lon. Từ lúc nào và tại sao thế? Đố các nhà ngôn ngữ học có thể giải thích rành mạch.

Nếu ngớ nga ngớ ngáo đến cỡ ngáo chữ, bèn cho rằng, “cụm mở lon Việt Nam trái thuần phong mỹ tục”, ta bèn thay lon bằng chai, lọ, ve, hộp… vì cùng là các thứ dụng cụ dùng để đựng cơ mà. Hợp lý quá đi chứ?  

Hợp lý cái con khỉ mốc. Dụng cụ đo lường trong tiếng Việt trong sáng và phong phú, chớ nên cẩu thả. Người Việt cẩu thả ở đâu thì không biết, chứ một khi đụng đến cái từ lon “hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó...” thì lại cực kỳ cẩn trọng. Cẩn trọng vì nó còn là động thái phản ánh tính cách của một người.

Chuyện kể nghe chơi

Nói có sách mách có chứng bằng cách… kể chuyện cười này nghe chơi:

Ngày xửa ngày xưa có hai anh bạn đều đậu tú tài, một hôm họ thử tài học với nhau. Một anh sai vợ làm gà mời bạn. Gà dọn lên bàn, thơm nức mũi. Chủ nhà bảo:

- Gà có rồi. Anh xơi dấu gì trước?

Khách chả hiểu gì cả, bèn ợm ờ:

- Thôi thì “tiền chủ hậu khách” xin mời bác ra tay trước.

Chỉ chờ thế, chủ nhà hớn hở:

- Nếu vậy, tôi xin ăn dấu sắc!

Nói xong, anh ta đánh vần “anh cờ anh canh sắc cánh”. Vợ anh ta nghe thế liền cắt đôi cánh bỏ vào chén chồng, nhưng đúng “com-lê” ăn nhậu thì “nhất phao câu, nhì đầu cánh” nên trong chén anh ta đầy đủ cả. Vợ thầm khen chồng mình chỉ với một “dấu sắc” mà có đủ ba thứ ngon nhất. Đến phiên khách, anh ta chọn “dấu huyền” và đánh vần “inh mờ inh minh huyền mình”. Thế là gần cả con gà bỏ vào trong chén của khách. Đã thế, khách còn cà khịa:

- Còn chị, chị chọn dấu gì?

Thấy trên mâm trống trơn, khách lại còn chế giễu, chị vợ đanh đá:

- Đang còn “dấu huyền” của em nữa, bác có ăn nốt nữa không, em xin mời bác.

Nói xong, chị ta tốc váy, đứng dậy...

Đơn giản vậy thôi. Dù giận dỗi, dù bực bội “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”, người ta vẫn có cách nói mà như… không nói gì cả. Ta thử quan sát lúc dân gian miêu tả cái lon mà “thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó”:

Thân em như nguyệt nửa vành
Anh yêu, anh kéo, anh bành em ra
Em giằng, anh cũng chẳng tha
Khi nào giặc đến, anh đà mới buông

Chắc gì đã là sự vật đó? Vâng, chỉ là miêu tả… cái nỏ. Đơn giản như đang giỡn. Có chuyện giỡn chơi này cũng thú vị không kém. Vào đầu thế kỷ XIX, ở làng An Hòa, huyện Núi Thành (Quảng Nam) có lão nông chọc cười thuộc hàng cao thủ võ lâm. Ông ta trước tên Nguyễn Tấn Nhơn, sau đổi Thiệm, do làm chức thủ sắc - tức giữ sắc thần của làng nên “chết tên” Thủ Thiệm.

Lúc vợ chẳng may “đi bán muối”, Thủ Thiệm khóc người đầu ấp tay gối bằng cách cho treo trong nhà tấm biển đề hai chữ “Khuynh thiên”. Ai nấy cũng đều lấy làm lạ, vì thông thường người ta phải ghi “Trinh thuận” mới là người sính chữ nghĩa. Ông Thủ Thiệm giải thích:

- Trinh thuận là dành cho người đàn bà lúc còn sống, chứ chết rồi thì còn “trinh thuận” với ai? Do đó, phải đổi là “Khuynh thiên”, vì hiểu nôm na là “nghiêng trời”, mà nghiêng trời tất “méo đất”. Nay, vợ tôi chết rồi, còn đâu nữa mà không...?

Ở miền Nam, có cụ Vương Hồng Sển là người sưu tập đồ cổ rất nổi tiếng, không những thế mà cụ còn viết khá nhiều sách khảo cứu rất có giá trị. Đọc sách của cụ, điều khiến ta thích thú là thỉnh thoảng bên cạnh những vấn đề cực kỳ nghiêm túc, cụ lại chêm vào những câu ba lơn, ba trợn ba trạo rất dí dỏm, thú vị, giống như ăn bún bò Huế mà ớt cay xé lưỡi vậy! 

Trong tập Tự vị tiếng Việt miền Nam, cụ có viết một đoạn về “Câu hát xưa của vùng Ba Cụm, Chợ Đệm”:

“Đệm sút vun, bàng vẫn là bàng
Anh đi ghe ở bạn, chị ở nhà bịt cái răng vàng, đợi ai?

Đó là câu hát của trai kia chọc gái, gái có chồng chèo ghe chài; gái ở nhà không thủ trinh. (“Vun” là cơi đắp lên, làm cho cái viền bao đệm thêm dày thêm; “bàng” là cọ bàng, dùng đan “đệm”, đan “bao” gọi đệm bàng, bao bàng).

Câu này có nghĩa hay ho của nó, thế mà một hôm có một học giả quê ở Chợ Đệm, đi kháng chiến về là Bảy Trấn, đến đọc cho tôi nghe một câu như vầy, và bảo tôi nếu nhớ thì xin bổ túc: “Đệm ba đu, em còn chê chưa khéo”. Lúc đó tôi đành chịu bí, và nhớ đâu như vầy:

Đệm ba đu, em còn chê chưa khéo
Chờ cho trăng lặn rồi, em đòi đắp xéo mới nghe

Cố nhiên anh Trấn chưa chịu. Nay vỡ lẽ ra tôi mới rõ, có lẽ anh nghe thấp thố: “Đệm sút vun...” rồi người nào đó nói lái lại là “Đ... suốt đêm” nhớ ba chớp ba nháng thành ra “Đệm ba đu...” v.v... Ấy tiếng Việt ta ác ôn như thế, chứ danh từ “đu” là vô nghĩa và vẫn không có trong nghề đương dát. 

Câu này tôi chịu rằng tục, để hay không là quyền người in từ điển, còn tôi có nhiệm vụ lượm một tiếng xưa, thì phải ghi chép lại đây, vì có như vậy mới gọi là làm giàu cho tiếng nói”.

Cụ Sển nói có lý lắm lắm. Sực nhớ, có lần Trung niên thi sĩ Bùi Giáng nhiều lần ghé chơi nhà xuất bản nọ. Có bà chị bao dung, đôn hậu và cũng thường giúp đỡ cho ông ít nhiều. Biết chị là người bảo vệ tài sản cơ quan nên lần nọ ông cao hứng đọc thơ tặng:

Muôn lời thâm tạ chị Hai
Người còn thì của lai rai vẫn còn       

Tất nhiên nghe xong, chị Hai... đỏ mặt, không giận vì biết ông Bùi đùa đó thôi! Đắc địa nhất vẫn là từ “của” thanh lịch mà đa nghĩa. Thế thì, chọn cách nói thế nào cho lọt tai người nghe vốn là phẩm chất thông minh của người Việt. Chớ nên lo quá xa để rồi phát biểu lơ ngơ láo ngáo nghe mà rầu. 

Có điều, làm nên sự đa dạng lẫn éo le, phong phú lẫn tréo ngoe trong tiếng Việt, trộm nghĩ vẫn là từ đồng âm dị nghĩa. Đơn cử từ vú, chẳng hạn. Hò đối đáp xứ Nghệ có câu cực hay, khi các o táo tợn hát đố:

Trời sinh ra núi Ba Vì
Còn như đôi vú ai thì sinh ra?

Các nho sinh láu lỉnh mà rằng:

Vú em bác mẹ sinh thành
Mỗi ngày một lớn do... tay anh vun trồng!

Ngoài nghĩa này, y chọn lấy cách giải thích của Việt Nam tự điển (1931): “Vú: Người đàn bà đi ở nuôi con hay trông con cho người ta: Vú sữa, Vú già. Vú bõ - nói chung về người ở già: Vú bõ trong nhà; vú em: Người vú nuôi trẻ”.

Hoàn toàn không có nghĩa nào như Phương ngữ Nam Bộ của Bùi Thanh Kiên đã ghi nhận: “Vú: Từ gọi thân mật dành cho mẹ trong một số gia đình ở Nam Bộ”. Vì lẽ đó, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hải Tùng - nguyên ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu Tây Nam Bộ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, thân phụ của nhà văn Bích Ngân đã nghĩ ra một tình huống phì cười giữa con dâu với ông già chồng:

Mới về vài bữa làm dâu
Cha chồng hỏi: “Vú mày đâu?”, bất ngờ
Nàng dâu ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
Cha chồng giục nữa, nó sờ bên nây
Ổng la: “Tao hỏi vú mày”
Nàng dâu vén áo: “Bên này, hả ba?” 

Lê Minh Quốc
.
.