Ngoại giao Yoga

Thứ Ba, 12/05/2015, 19:59
Ấn Độ từ lâu dường như đã không thể hoặc không sẵn sàng để trở thành một cầu thủ lớn trên đấu trường thế giới. Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi đang tìm mọi cách để thay đổi tình thế hiện thời với sự bứt phá mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao.

Sau gần một năm cầm quyền, Thủ tướng Modi đã tăng cường các cam kết của Ấn Độ với nhiều nước láng giềng. Đồng thời, ông cũng “ve vãn” Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ thông qua một loạt các chuyến thăm song phương. Ông luôn thể hiện thái độ tích cực và hăng hái với tư cách là đại diện cho Ấn Độ tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong các cuộc họp BRICS (nhóm năm quốc gia có nền kinh tế mới nổi), G20, và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Đặc biệt hơn, để bù đắp cho một đội ngũ đối ngoại nhỏ và yếu, ông đang khai thác quyền lực mềm đáng kể của Ấn Độ là các di dân, giới trí thức, hay thậm chí những người yêu thích Yoga.

Giải quyết những khó khăn

Từ khi lên nhậm chức Thủ tướng vào cuối tháng 5/2014, Narendra Modi đã dần nhận thấy những giới hạn ngoại giao trong bối cảnh nền tảng thể chế yếu kém ở Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ (IFS) chỉ có khoảng 900 người - một đội ngũ cán bộ nhỏ bé đối với một quốc gia hơn 1 tỷ dân có tham vọng toàn cầu. Chính phủ trước đã cam kết tăng gấp đôi quy mô của IFS, nhưng lưỡng lự về thời gian để làm được như vậy.

Dù bằng cách nào, việc tăng nhân lực sẽ phải mất nhiều năm để trở thành hiện thực và đội ngũ ngoại giao của Ấn Độ sẽ vẫn nhỏ hơn một cách đáng kể so với các đối tác toàn cầu. Trong khi đó, IFS nổi tiếng bảo thủ trong cách tiếp cận, thiên theo quyết sách của từng cá nhân, và thường chống lại những ý tưởng mới. Tất cả điều đó có khả năng sẽ hạn chế những tác động của đề xuất tăng nhân lực nói trên.

Narendra Modi từng nhận định rằng Ấn Độ thiếu “cơ bắp” ngoại giao nhưng lại được bổ sung bằng sức mạnh mềm (Bollywood, Yoga, Phật giáo, và truyền thống triết học phong phú). Ấn Độ có những nhà trí thức lớn, cùng cộng đồng người Ấn rộng khắp, giàu có, và ngày càng tham chính ở các trung tâm chính trị và kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tiềm năng sức mạnh mềm của nước này phần lớn vẫn chưa được khai thác.

Chính quyền trước thời Modi đã có những bước gia tăng sử dụng tốt hơn sức mạnh này, bao gồm việc lập một bộ phận ngoại giao công chúng nhỏ trong Bộ Ngoại giao vào năm 2006 và mở rộng Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ trên toàn thế giới. 

Những nỗ lực này, tuy nhiên, vẫn nhợt nhạt trong khi Ấn Độ lại luôn gặp khó trong việc tập hợp các yếu tố khác nhau tạo nên sức hút của đất nước nhằm phục vụ cho chính sách đối ngoại. Các tài nguyên sức mạnh mềm đã không thể chuyển thành đầu tư nước ngoài ở cấp độ mà Ấn Độ mong muốn. Chẳng hạn như, Ấn Độ thu được rất ít lợi ích từ sự bùng nổ Yoga toàn cầu hay chưa thể thúc đẩy du lịch phát triển khi so sánh với nhiều nước láng giềng.

Nhận thức được những khó khăn này, Thủ tướng Narendra Modi bắt tay xây dựng những chiến lược rất riêng. Đầu tiên, ông đã tiếp cận với cộng đồng 25 triệu người Ấn Độ trong các chuyến thăm chính ở nước ngoài. Nhiều trong số những người di cư tương đối giàu có, có sẵn các mối quan hệ kết nối rộng khắp, và rất tích cực tham gia vào chính trị.

Ông cũng kết nối với những hội người Ấn Độ hoạt động trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ, kêu gọi người Mỹ gốc Ấn Độ nâng cao vai trò ngày càng nổi bật trong tài trợ vận động bầu cử. Phát biểu bằng tiếng Hindi và truyền thông điệp ái quốc đi khắp thế giới, ông Modi thúc giục cộng đồng người Ấn tại Mỹ, Australia hay Nhật Bản “hãy hướng về quê hương, nối vòng tay và phục vụ nước mẹ Ấn Độ”. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn họ sẽ trở thành cầu nối giúp tăng cường hình ảnh quốc tế của Ấn Độ, và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong việc tìm cách khắc phục những hạn chế của bộ máy quan liêu, ông Modi cũng đã bắt đầu phân cấp các yếu tố của chính sách đối ngoại của Ấn Độ, đi cùng với chiến lược kết nối giữa các tiểu bang, thành phố và các cơ quan địa phương khác ở Ấn Độ trước khi tiếp cận cộng đồng ở nước ngoài. Thủ tướng tận dụng tối đa cơ chế “thành phố kết nghĩa”, nhân dịp các chuyến công du nước ngoài để mở ra nhiều thỏa thuận liên kết với các thành phố phát triển như Tokyo (Nhật Bản) hay Brisbane (Australia). Với ông Modi, mối quan hệ giữa các quốc gia chỉ có thể phát triển đầy đủ “nếu có thể đưa các tiểu bang và các thành phố lại gần với nhau”.

Điều khác lạ ở vị Thủ tướng này so với những người tiền nhiệm là Narendra Modi đã sử dụng ngoại giao kỹ thuật số để cải thiện hình ảnh của đất nước. Lựa chọn hàng đầu của ông là Twitter với hơn 9,5 triệu người truy cập thường xuyên. Ông đã sử dụng dịch vụ này để giới thiệu mối quan hệ gần gũi của ông với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật, hoan nghênh các công ty nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ.

Đáng kể nhất là việc ông công khai mời Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự Lễ Kỷ niệm Ngày Cộng hoà Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhanh chóng chớp lấy sự tham gia trực tuyến của ông Modi. Họ “theo dõi” Thủ tướng Ấn Độ trên Twitter, và liên tục đăng tải hình ảnh với ông Modi để xác nhận lại tầm quan trọng của mối quan hệ với Ấn Độ.

Narendra Modi cũng sử dụng hàng loạt các tiện ích công nghệ khác như Facebook, YouTube, Tumblr, LinkedIn, Pinterest, và StumbleUpon. Trong tháng 11/2014, ông đã chia sẻ bức ảnh cá nhân đầu tiên trên Instagram (từ Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 25 của ASEAN tại Myanmar), và nhận được hơn 32 nghìn lượt “like” (yêu thích).

Mới đây, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã tung ra một ứng dụng điện thoại thông minh tích hợp các dịch vụ lãnh sự, thông tin về chính sách đối ngoại của Ấn Độ, và một tính năng “theo dõi Thủ tướng” cho phép người dùng theo dõi các chuyến thăm nước ngoài của ông Modi. Các kênh này được thiết kế để bổ trợ cho nền ngoại giao thông thường của Ấn Độ, giao tiếp trực tiếp với giới tinh hoa chính trị và công chúng trên toàn thế giới.

Ý tưởng phá cách

Cùng với việc tìm cách tăng cường vị thế quốc tế của Ấn Độ bằng cách cải tạo các công cụ được sử dụng để giao tiếp với thế giới, ông Modi đã bắt đầu cập nhật việc truyền tải thông điệp của quốc gia nhằm biến Ấn Độ thành một nước lãnh đạo tư tưởng toàn cầu. Thủ tướng mong muốn Ấn Độ phải nổi lên như “một cơn sóng lớn”, tạo ra hướng đi mới cho thế giới trong khi vẫn tích cực bảo vệ di sản nhân loại. Ông muốn dựa trên cả hai nền văn hóa cổ xưa và hiện đại của Ấn Độ, tiếp tục những nỗ lực của các vị tiền nhiệm để hồi sinh hình ảnh quốc tế của quê hương, bởi vì Ấn Độ là quốc gia trẻ nhất và cũng cổ xưa nhất thế giới.

Nhìn lại quá khứ, ông Narendra Modi đã cố gắng tận dụng các truyền thống triết học và tôn giáo của Ấn Độ phục vụ cho chính sách đối ngoại, trong đó Yoga đã đi đầu trong các nỗ lực của ông. Thủ tướng miêu tả Yoga là “món quà của Ấn Độ cho thế giới” và đã vận động thành công để Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 21/6 hàng năm là Ngày Yoga thế giới, nhận được sự ủng hộ của 177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông cũng thử nghiệm sử dụng lịch sử Phật giáo của Ấn Độ để tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, và Nepal bằng cách nhấn mạnh các liên kết tâm linh và triết học của Ấn Độ với phần còn lại của châu Á thông qua một “con đường du lịch Phật giáo”.

Thủ tướng Modi hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ đưa lại cho Ấn Độ một vị trí hàng đầu trên bàn chính trị quốc tế, đảm bảo an ninh, có bạn bè, đầu tư và công nghệ nước ngoài. Những nỗ lực này cũng có mục tiêu chính trị trong nước. Phát biểu bằng tiếng Hindi trước khán giả nước ngoài làm ngoại giao của Ấn Độ trở nên dễ tiếp cận với người Ấn Độ, những người có thể sẽ không chú ý nếu không nói tiếng Hindi. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để khuếch trương các chuyến đi nước ngoài cho phép ông Modi khắc họa mình như là một chính khách quốc tế, làm sống lại niềm tự hào về “nhãn hiệu” Ấn Độ và thu hút đầu tư.

Trong khi ca ngợi những thành tựu văn hóa và lịch sử của Ấn Độ, ông Modi và nhóm cánh hữu trong đảng BJP có nguy cơ kéo căng “các giới hạn của độ tin cậy”. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu từ lâu đã tuyên bố rằng nhiều thành tựu của khoa học hiện đại đã được biết từ thời Ấn Độ cổ đại. Bản thân ông Modi từng trở thành đề tài châm biếm trên các mặt báo toàn cầu do đã kể chuyện về thần Ganesh - người đã đặt phần đầu của một con voi lên trên cơ thể mình - là bằng chứng cho thấy người Ấn Độ cổ đại đã thực hành phẫu thuật thẩm mỹ.

Những người khác, bao gồm các nghị sĩ đảng BJP, đã xác nhận lập luận này và thêm các câu chuyện về vụ thử hạt nhân trong thế kỷ thứ 2 trước công nguyên và máy bay của Ấn Độ cổ. Rõ ràng, ông Modi cần phải cẩn trọng, không để cho các nỗ lực thúc đẩy quyền lực mềm của Ấn Độ biến thành trò hề.

Có thể khẳng định, ý tưởng phát huy ảnh hưởng của Ấn Độ ở nước ngoài một cách sáng tạo là cần thiết khi chính phủ mới tìm cách xây dựng nền kinh tế của Ấn Độ và các nguồn lực ngoại giao truyền thống. Chính phủ Modi đã nâng thanh chắn khai thông mối quan hệ giữa tiềm năng quyền lực mềm của Ấn Độ và chính sách đối ngoại của mình. Lần đầu tiên, nhà nước Ấn Độ đang bắt đầu sử dụng một cách có hệ thống của các nguồn tài nguyên con người và văn hóa giàu có mà trước đây đã phát triển khá độc lập với các chính sách của nhà nước.

Cho đến nay, thương hiệu ngoại giao mới và tràn đầy sinh lực của Narendra Modi đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới. Vẫn còn quá sớm để phán xét liệu những sáng kiến này sẽ thành công hay không trong việc thay đổi quan điểm của công chúng toàn cầu, các nhà lãnh đạo và giới đầu tư hay không. Thủ tướng cần thêm thời gian đủ dài để có thể thúc đẩy kinh tế và nâng tầm vị thế chính trị của Ấn Độ. Tuy nhiên, việc hàng chục nghìn người Ấn Độ ở nước ngoài chào đón Thủ tướng Modi trong những chuyến công du cho thấy ít nhất ông đã thành công trong việc chiếm được vị trí trong trái tim của cộng đồng hải ngoại…

Trần Quân
.
.