Nghĩ về những công trình trọng điểm

Thứ Ba, 12/01/2021, 12:10
Cảng hàng không quốc tế Long Thành - thêm một công trình trọng điểm quốc gia đã chính thức được phát lệnh khởi công với kỳ vọng “trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn của khu vực”. Nhìn lại mấy chục năm đổi mới, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được thông qua, có dự án về đích đúng hẹn và đáp ứng kỳ vọng, song cũng có dự án “cứ hẹn mà chưa đến” kèm đội vốn, gây rất nhiều tốn kém, hệ lụy…


Theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.

Phối cảnh nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đánh giá của ICAO, từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Được mô tả với những mục tiêu, kỳ vọng to lớn như vậy, dự án sân bay Long Thành cũng như các công trình trọng điểm quốc gia khác tiêu tốn nguồn vốn lớn. Với trên 16 tỉ USD, dù được huy động qua nhiều kênh song con số “khủng” nói trên khiến Quốc hội rất băn khoăn khi xem xét lựa chọn. Hiện thực như thế nào, có hoành tráng như mục tiêu đưa ra hay không, cần chờ thực tiễn trả lời.

Tại phiên thảo luận ở tổ năm 2015, đại biểu Quốc hội vừa nhận thấy sự cần thiết và ý nghĩa to lớn của dự án nhưng cũng thực sự đắn đo khi phải tính toán nguồn vốn và các công đoạn thực thi. Bày tỏ tâm tư của mình, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, giao thông bao giờ cũng nên đi trước một bước. Nếu đi sau sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của dân trí, của đất nước.

Quốc hội nên cho chủ trương đầu tư, nếu sau này mới cho chủ trương thì sẽ muộn, không đón nhận được cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nếu làm sân bay Long Thành, đại biểu đắn đo giữa nguồn vốn đầu tư lớn ảnh hưởng tới nợ công và đảm bảo an sinh xã hội, do đó cần có quy hoạch tổng thể rõ hơn về sân bay này, có cam kết huy động vốn thực hiện. Đại biểu Chu Sơn Hà thì cho rằng, nếu gắn dự án sân bay Long Thành vào bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều người sẽ nói không nên đầu tư. Tuy nhiên, nếu để dừng lại, Quốc hội không cho chủ trương xây dựng thì các đơn vị thực hiện sẽ lùi thời hạn chuẩn bị lại, đến lúc làm lại chậm thêm... Cuối cùng, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án, xác định lộ trình thực hiện.

Trong mấy chục năm đổi mới, Quốc hội nhiều lần phải đắn đo khi xem xét những dự án trọng điểm, đó là sự cân nhắc giữa mục tiêu, hiệu quả và nguồn vốn, công nghệ. Để xây dựng đất nước ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, hiển nhiên cần những dự án làm trục, xương sống, có khả năng kết nối, làm động lực phát triển của cả chiến lược lâu dài. Nhưng, tiềm lực quốc gia, túi ngân sách eo hẹp, như “tấm chăn mỏng” nên kéo dãn, đắp chỗ nào là cả một vấn đề không dễ tính toán. Phần lớn nguồn vốn trọng điểm đó là những dự án thuộc về giao thông, điện lực, công nghiệp, những huyết mạch, trụ cột của nền kinh tế.

Dự án thi công đường dây 500 KV là một ví dụ, đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được triển khai giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, rất thiết yếu nhưng cũng là thời điểm vô cùng khó khăn về vốn. Sau nhiều phiên thảo luận, cuối cùng Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư. Đường dây 500 KV Bắc - Nam mạch 1 dài 1.487 km, được khởi công xây dựng tháng 4-1992 và hoàn thành đóng điện tháng 5-1994.

Ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam của 4 tổ máy nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500 KV, kết nối hệ thống điện Bắc - Nam theo cả hai chiều. Đây là dấu mốc quan trọng, đường dây siêu cao áp 500 KV đi vào hoạt động đã giúp nâng cao độ an toàn cung cấp điện và chất lượng điện cho hệ thống điện quốc gia. Đến nay, dự án đã chứng tỏ hiệu quả, lợi ích mang lại to lớn như thế nào và cho thấy quyết định sáng suốt của Quốc hội, Chính phủ lúc đó.

Nhưng, không phải dự án nào cũng suôn sẻ và hiệu quả, đúng hẹn như vậy. Dự án đường Hồ Chí Minh là một trong 4 con đường giao thông huyết mạch, chạy từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, dự án tiếp tục lỗi hẹn và chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra.

Theo báo cáo này, đường Hồ Chí Minh - một dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua chủ trương đầu tư cách đây 16 năm, nay lại một lần nữa chậm tiến độ và nguồn vốn còn cần ít nhất hơn 24.000 tỉ đồng nữa mới có thể hoàn thành. Được thông qua chủ trương đầu tư từ 2004, dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km.

Theo nghị quyết ban đầu, dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, dự án này đã được Quốc hội Khóa 13 điều chỉnh vào năm 2013, kéo dài thời gian thông tuyến sang năm 2020. Dù vậy, sau 7 năm được điều chỉnh, dự án vẫn không thể về đích đúng hẹn. Đến nay, dự án mới hoàn thành 2.218 km/2.744 km, đạt 80,8% và khoảng 258 km tuyến nhánh, đang triển khai đầu tư 237 km. Còn lại khoảng 289 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện, với số vốn còn thiếu khoảng 24.210 tỉ đồng. Thêm nữa, dù được kỳ vọng là trục giao thông trọng điểm phía Tây, kéo theo các mục tiêu phát triển quan trọng về kinh tế, xã hội dọc theo tuyến này nhưng thực tiễn khai thác còn khác xa.

Một dự án giao thông trọng điểm quốc gia khác cũng đã tốn nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, bàn thảo của Quốc hội là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án với nguồn vốn đầu tư kỷ lục, lên tới 55,85 tỷ USD, tức gấp gần 4 lần dự án sân bay Long Thành. Ban đầu, kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc xuyên Việt được nêu ra là: Năm 2010 sẽ hoàn thành báo cáo khả thi; từ năm 2011-2020 xây dựng khu đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang; năm 2030 đưa vào khai thác tuyến Vinh - Nha Trang; năm 2035 sẽ hoàn thành toàn tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với một dự án ngốn nguồn vốn “khủng” đến như vậy, đại biểu Quốc hội thực sự lo lắng về tính khả thi, việc huy động, sử dụng vốn và hiệu quả khai thác. Và kết quả, năm 2010, Quốc hội Khóa XII đã không thông qua dự án (chỉ có 185 đại biểu, chiếm 37,53% trong tổng số 427 đại biểu có mặt tán thành chủ trương đầu tư dự án; có 208 đại biểu, chiếm 42,19% không tán thành, 34 đại biểu, chiếm 6,9% không biểu quyết). Đây là một trong những dự án trọng điểm bị Quốc hội gác, thể hiện rõ ý chí, bản lĩnh của các vị đại biểu dân cử.

Sau khi Quốc hội gác dự án, dự án tiếp tục được Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu nhưng với tên gọi “đường sắt tốc độ cao” thay cho tên cũ “đường sắt cao tốc”. Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải lại trình Chính phủ dự án tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, cũng như những lần trình trước, dự án tiếp tục gây ra nhiều tranh luận, phản ứng về nguồn vốn, công nghệ xây dựng, lộ trình triển khai và hiệu quả “thực tế khác trên giấy” ra sao...

Rõ ràng, việc đầu tư xây dựng những dự án trọng điểm quốc gia, nhất là về giao thông - huyết mạch thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, với những dự án tiêu tốn nguồn vốn khổng lồ, việc tính toán tính khả thi, công nghệ áp dụng, hiệu quả thực tế... đòi hỏi phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, tránh những dự án nhãn tiền gây bức xúc dư luận, hao tốn biết bao tiền của như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

An Nhi
.
.