Nghị trường năm tháng không phai: Khẳng định vị thế

Thứ Hai, 26/10/2020, 17:01
Với tính chất cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, sự phát triển của Quốc hội Việt Nam vừa thể hiện sâu sắc bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân, vừa khẳng định vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Nâng tầm vị thế quốc gia

11 giờ 20 phút sáng 10-9-2020, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân đã gõ chiếc búa tuyên bố bế mạc Đại hội đồng AIPA 41. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 của Việt Nam như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thành công của Đại hội đồng AIPA 41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020 và đặc biệt là Đại hội đồng AIPA 41 cũng là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa XIV.

Nhìn lại lịch sử gần 75 năm qua, hoạt động đối ngoại của Quốc hội có vai trò quan trọng trong ngoại giao nhà nước, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Quốc hội, Nhân dân Việt Nam với Quốc hội, nhân dân các nước. Quốc hội quyết định các chính sách lớn về đối ngoại như tham gia các tổ chức quốc tế, phê chuẩn các điều ước quốc tế quan trọng; giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thực hiện các chính sách cơ bản về đối ngoại, qua đó góp phần thúc đẩy công tác đối ngoại của Nhà nước.

Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thiết lập quan hệ với gần 180 quốc gia và là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Nhiều sự kiện ngoại giao đặc biệt quan trọng đã ghi dấu ấn trên trường quốc tế như việc đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26), diễn ra từ ngày 18 đến 21-1-2018 tại Hà Nội. Thành công của Hội nghị là việc chúng ta ra Tuyên bố APPF Hà Nội về tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương.

Thời kỳ đổi mới, Quốc hội Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế quan trọng. Hiện, Quốc hội đẩy mạnh và nâng tầm hoạt động đối ngoại đa phương đến năm 2030 nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm tại các diễn đàn tổ chức nghị viện khu vực và thế giới mà Quốc hội nước ta là thành viên. Đồng thời, hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội được triển khai theo hướng tiếp tục mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ưu tiên các đối tác có quan hệ đặc biệt, các đối tác láng giềng, truyền thống.

Theo ông Vũ Hải Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đối ngoại Quốc hội vừa mang tính nhà nước vừa mang tính nhân dân. Mang tính nhà nước vì Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thể hiện ý chí của Nhà nước trong công tác thực hiện các chính sách đối ngoại. Mang tính nhân dân vì mang tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri đến với quốc tế. Do vậy, sự đóng góp của ngoại giao Quốc hội trong tổng thể ngoại giao nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Như vậy, cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, ngoại giao nghị viện đã, đang và sẽ tiếp tục giữ vai trò là một trụ cột quan trọng trong tổng thể ngoại giao nhà nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Các đại biểu tại Lễ khai mạc Đại hội đồng lần thứ 41, Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41).

Tăng cường hiệu lực, tránh những quan điểm sai lệch

Đánh giá về Quốc hội, đây đó có những ý kiến sai lệch, nhất là quan điểm chống phá của các thế lực thù địch. Họ đưa ra luận điểm hạ thấp vai trò, vị thế của Quốc hội, cho rằng ở Việt Nam, Đảng Cộng sản cầm quyền thì Quốc hội chỉ là “bù nhìn”, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng “chỉ là hình thức”. Quan điểm sai trái này cần phải nhận diện để đấu tranh phản bác. Thực tế, Đảng lãnh đạo Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng là nguyên tắc hiến định, song không có nghĩa Đảng làm thay việc của Quốc hội. Đường lối, chính sách của Đảng là cơ sở chính trị để Quốc hội cụ thể hóa bằng công tác lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia.

Với vị trí đặc biệt của Quốc hội trong bộ máy nhà nước ta, phương thức lãnh đạo của Đảng luôn có sự đổi mới nhằm phát huy vai trò Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, bảo đảm cho ý chí của Đảng và lòng dân (do Quốc hội đại diện) thống nhất với nhau. Do đó, Quốc hội mạnh và thực quyền cũng chính là Đảng mạnh, thể hiện rõ ý chí Nhân dân. Quyền lực này đảm bảo trên thực tế hoạt động của Quốc hội, hoàn toàn không phải “chỉ hình thức” như các luận điệu sai trái.

Để phát huy vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong tình hình mới, Quốc hội đã và đang tăng cường cả về chất lượng đại biểu và phương thức hoạt động. Tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là yêu cầu khách quan nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các Ủy ban, đoàn và từng đại biểu Quốc hội. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, kể từ nhiệm kỳ tới, tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ nâng lên 40%, đánh dấu bước phát triển mới của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Cùng với đó, Quốc hội tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban với vai trò cơ quan thẩm tra, cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh.

Hoạt động giám sát tối cao cũng được thực hiện ngày càng sâu sát, thực chất, Quốc hội làm rõ những tồn tại, hạn chế, đưa ra giải pháp thiết thực để thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của bộ máy nhà nước. Trong các nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã xem xét rất kỹ lưỡng những vấn đề hệ trọng quốc gia, nhất là các dự án có nguồn vốn lớn, dự án liên quan an ninh, quốc phòng.

Trước những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Quốc hội lấy ý kiến đại biểu để quyết định theo đa số, thể hiện rõ việc thực thi quyền lực nhà nước, ý chí Nhân dân (như dự án sân bay Long Thành, dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu, việc mở rộng địa giới Hà Nội...). Không phải dự án nào cũng được Quốc hội thông qua nếu như qua thảo luận còn nhiều vấn đề lớn chưa được làm rõ. Điển hình năm 2010, chỉ với 37% số đại biểu tán thành, chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD đã không được Quốc hội khóa XII thông qua.

Khắc sâu năm tháng

Năm tháng trôi qua, nhiệm kỳ Quốc hội nối dài thêm những con số. Quốc hội khóa XIV sắp khép lại, mốc 75 năm - 3/4 thế kỷ - một quãng đường đủ dài với điểm tựa quá khứ vẻ vang, vững tin hướng về tương lai. Và 5 năm một lần, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu chọn người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của mình vào cơ quan quyền lực ở Trung ương (Quốc hội) và địa phương (Hội đồng nhân dân).

Còn nhớ, tháng 3 năm 2011, Quốc hội khóa XII họp kỳ cuối cùng. Trong phiên bế mạc, khi nói lời chia tay một nhiệm kỳ Quốc hội sống động với nhiều dấu ấn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó đồng thời là Chủ tịch Quốc hội khóa XII) chia sẻ: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đang dần khép lại nhưng dư âm và ấn tượng tốt đẹp chắc sẽ còn đọng mãi. Nhìn lại chặng đường gần 4 năm hoạt động (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII rút ngắn chỉ 4 năm so với 5 năm như thông thường), chúng ta có thể nói rằng, với tâm niệm phải làm gì để xứng đáng với lòng mong đợi và sự tin cậy của Nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, tích cực nghiên cứu, tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đồng thời, thông qua hoạt động Quốc hội, mỗi chúng ta đều thấy mình trưởng thành hơn, có thêm tri thức và kinh nghiệm công tác.

“Rồi đây, trong chúng ta, có đại biểu tiếp tục tái cử, có đại biểu đảm đương nhiệm vụ khác theo sự phân công của Đảng và Nhà nước nhưng tôi tin chắc rằng, dù ở cương vị nào, mỗi đại biểu cũng mãi khắc sâu kỷ niệm về những năm tháng hoạt động ở Quốc hội và sẽ tiếp tục đóng góp sức mình vào công việc chung của đất nước, vì sự cường thịnh của Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam anh hùng” - Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.

An Nhi
.
.