Nghi án Tập đoàn Viễn thông AT&T "hợp tác mờ ám" với chính quyền

Thứ Bảy, 19/11/2016, 05:21
Năm 2013, Hemisphere được tờ The New York Times tiết lộ và mô tả chương trình trong phần giới thiệu Powerpoint của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA), còn tờ The Times đưa tin đó là “sự hợp tác” giữa Tập đoàn viễn thông AT&T đặt trụ sở tại thành phố Dallas bang Texas và chính quyền Mỹ.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố Hemisphere là công cụ được triển khai để chống tội phạm ma túy. Tuy nhiên, tài liệu nội bộ AT&T rò rỉ cho thấy Hemisphere thực ra được sử dụng bên ngoài cuộc chiến chống ma túy và bao gồm mọi thứ từ điều tra án mạng cho đến bê bối lừa đảo Medicaid - chương trình trợ cấp y tế phục vụ hơn 50 triệu công dân Mỹ có mức thu nhập thấp. 

Cụ thể, Hemisphere là chương trình bí mật do AT&T điều hành thu thập hàng nghìn tỷ dữ liệu cuộc gọi điện thoại đồng thời phân tích để xác định vị trí mục tiêu cũng như những đối tượng nhận cuộc gọi là ai. 

Hemisphere bị phơi bày trước công luận vào thời điểm AT&T đang thỏa thuận mua lại Hãng Time Warner – tập đoàn sở hữu nhiều công ty truyền thông giải trí như Hãng phim Warner Bros, Kênh truyền hình HBO – trong thương vụ trị giá 85 tỷ USD.

Phát hiện chương trình mật từ một vụ án mạng nghiêm trọng

Ngày 11-11-2013 tại thành phố Victorville bang California miền tây nước Mỹ, cảnh sát và nhân viên coroner (điều tra những cái chết bất thường) phản ứng trước báo cáo của một người lái môtô về hài cốt người được phát hiện bên ngoài thành phố. Họ xác định một phần sọ trẻ em và tiếp đó tìm thấy hài cốt là của các thành viên gia đình McStay bị mất tích trước đó 3 năm. 

Joseph 40 tuổi, cùng với vợ Summer 43 tuổi, và 2 con Gianni 4 tuổi và Joseph Jr. 3 tuổi bị đánh bằng dùi cui đến chết và chôn xác ở sa mạc. Bộ phận điều tra từ lâu nghi ngờ Charles Merritt liên quan đến vụ mất tích bí ẩn của gia đình McStay và đã thẩm vấn đối tượng ngay sau vụ biến mất được báo cáo với chính quyền.

Merritt là đối tác kinh doanh của McStay là người cuối cùng nhìn thấy khi người này còn sống. Merritt khai cũng từng vay 30.000 USD từ McStay để trả nợ cờ bạc. Nhưng, cảnh sát vẫn chưa có đủ chứng cứ mạnh để bắt giữ Merritt. 

Thậm chí, sau khi vị trí phần mộ được phát hiện và dấu vết ADN của McStay được tìm thấy trong chiếc ôtô của Merritt, cảnh sát vẫn không thể quy tội giết người đối với Merritt. Và, vụ việc chỉ bắt đầu sáng tỏ cho đến khi cảnh sát sử dụng chương trình bí mật gọi là Dự án Hemisphere của AT&T. 

Trụ sở AT&T tại Tháp Whitacre trung tâm TP Dallas bang Texas.

Theo tài liệu tòa án về những gì mà Hemisphere phát hiện, Merritt sử dụng điện thoại gần phần mộ gia đình McStay vào ngày 6-2-2010, tức chỉ 2 ngày sau khi gia đình này biến mất một cách khó hiểu. 

Merritt bị bắt giữ 1 năm sau khi hài cốt gia đình McStay được phát hiện và đối tượng hiện đang chờ ngày ra tòa xét xử về tội giết người. Hemisphere không là “sự hợp tác” giữa AT&T và chính quyền Mỹ mà đúng hơn nó là sản phẩm do tập đoàn viễn thông nghiên cứu phát triển, tiếp thị và bán với giá hàng triệu USD/năm. 

Theo tài liệu nội bộ AT&T rò rỉ, Hemisphere không cần có giấy phép để sử dụng kho dữ liệu khổng lồ của tập đoàn mà chỉ cần cam kết từ cơ quan hành pháp là không tiết lộ chương trình bí mật này khi cuộc điều tra được công bố.

Trong khi các công ty viễn thông bắt buộc phải chuyển giao siêu dữ liệu cuộc gọi điện thoại cho chính quyền theo quy định của pháp luật, AT&T có lẽ cố gắng kiếm lợi nhuận từ chúng - theo chuyên gia phân tích chính sách công nghệ Christopher Soghoian của Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU). 

AT&T, đặt trụ sở tại Tháp Whitacre trung tâm thành phố Dallas bang Texas, sở hữu hơn ba phần tư số thiết bị chuyển mạng kết nối cáp viễn thông trên đất liền và là người khổng lồ lớn thứ 2, chỉ sau Verizon, chia sẻ cơ sở hạ tầng không dây cũng như các tháp phát sóng di động ở Mỹ. AT&T giữ lại dữ liệu tại Tháp Whitacre từ tháng 7-2008, tức lâu hơn những nhà cung cấp dịch vụ khác.

Cụ thể là, Verizon giữ lại dữ liệu chỉ trong 1 năm, còn Sprint trong 18 tháng. Sự tiết lộ về Dự án Hemisphere cho thấy đây không phải là lần đầu tiên AT&T bị phát hiện làm việc với cơ quan hành pháp và vượt khỏi những quy định luật pháp. 

Sự hợp tác đặc biệt với chính quyền để tiến hành hoạt động gián điệp người dân của AT&T bắt đầu từ ít nhất vào năm 2003 – khi đó giới lãnh đạo tập đoàn ra lệnh cho chuyên viên kỹ thuật Mark Klein (sau này trở thành người thổi còi tiết lộ tài liệu mật) trợ giúp Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) lắp đặt một thiết bị ghi âm lén trực tiếp vào trung tâm chính cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) là “Room 641A” ở San Francisco của tập đoàn. 

AT&T tạo ra ngôn ngữ lập trình để khai thác dữ liệu phục vụ hoạt động gián điệp của NSA và tập đoàn bị chỉ trích dữ dội vào năm 2007 khi hợp tác với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Và, đó cũng là năm mà Hemisphere ra đời.

Sự hợp tác gián điệp gây xấu hổ của AT&T

Năm 2013, Hemisphere được triển khai đến cho 3 trung tâm hỗ trợ điều tra (ISC) nằm trong chương trình điều tra ma túy gọi là HIDTA của DEA. Ngày nay, Hemisphere được sử dụng ở ít nhất 28 trung tâm tình báo trên khắp nước Mỹ với đội ngũ nhân viên liên bang cũng như địa phương. 

Trong đó, một trung tâm nằm ở thành phố Los Angeles gọi là Trung tâm Thông tin tội phạm khu vực Clearinghouse và cũng chính là nơi mà số điện thoại đi động của Merritt được gửi đến để phân tích. 

AT&T có nhiệm vụ thực hiện phân tích cho khách hàng cơ quan hành pháp thông qua những trung tâm tình báo này. Tài liệu nội bộ năm 2014 của AT&T nêu rõ tập đoàn muốn giữ kín Hemisphere như thế nào: “Cơ quan chính quyền đồng ý không sử dụng dữ liệu làm bằng chứng trong bất cứ vụ kiện hành chính hay tòa án nào trừ phi không có bằng chứng hữu dụng nào khác”. 

Gia đình nạn nhân Joseph McStay và Charles Merritt (ảnh phải).

Adam Schwartz, luật sư trưởng Tổ chức Ranh giới điện tử (EFF), cho rằng điều đó có nghĩa là AT&T không cho phép các nhà điều tra có sự lựa chọn nào ngoài việc xây dựng cuộc điều tra giả để che giấu sự sử dụng Hemisphere nếu như họ có kế hoạch truy tố ra tòa án bất cứ ai. 

Sau khi AT&T cung cấp đường dẫn thông qua Hemisphere, bộ phận điều tra sẽ sử dụng phương pháp thông thường của cảnh sát – giống như là xin lệnh tòa án để nghe lén hay theo dõi nghi phạm nhằm mục đích thu thập bằng chứng đủ mạnh để tiến hành truy tố tội phạm. 

Schwartz mô tả biện pháp đó là “cấu trúc song song”: “Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một tài liệu AT&T đòi hỏi cấu trúc song song phục vụ cho chính quyền. Đây là điều gây lo ngại và không phải là cách mà cơ quan hành pháp nên làm tại đất nước này”. 

Schawrtz phát biểu: “Thẩm phán, bị cáo, công chúng và giới truyền thông không hề biết AT&T và lực lượng cảnh sát trên khắp nước Mỹ nhận tài trợ từ Nhà Trắng đang sử dụng cơ sở siêu dữ liệu lớn nhất thế giới để gián điệp mọi người dân”.

EFF, ACLU và Trung tâm Thông tin quyền riêng tư điện tử (EPIC) đều bày tỏ mối lo ngại về hoạt động gián điệp sử dụng Dự án Hemisphere bất hợp pháp của AT&T và đang cố gắng thu thập thêm nhiều thông tin hơn nữa về chương trình mật song không có nhiều thành công. 

EFF cũng đang chờ quyết định tòa án về Luật Tự do thông tin (FOIA) để chống lại Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến Hemisphere.

Charles Merritt tại phiên tòa năm 2014.

Người phát ngôn AT&T Fletcher Cook tuyên bố với báo chí: “Cũng giống như các công ty viễn thông khác, nếu một cơ quan chính quyền tìm kiếm dữ liệu cuộc gọi khách hàng thông qua lệnh tòa án hay thủ tục pháp lý bắt buộc, chúng tôi phải tuân thủ luật pháp để cung cấp thông tin không chứa nội dung như là số điện thoại và ngày giờ thực hiện cuộc gọi”. 

Song Soghoian cho rằng AT&T đã đi sai đường: “Họ bảo họ chỉ hợp tác với cơ quan hành pháp theo yêu cầu nhưng thật là đáng kinh tởm khi họ khai thác dữ liệu của hàng triệu công dân vô tội, xây dựng một kế hoạch kinh doanh và dịch vụ theo nhu cầu của cơ quan hành pháp”.

Các cơ quan cảnh sát trả từ 100.000 cho đến 1 triệu USD/năm hoặc hơn thế để được AT&T cho phép sử dụng dữ liệu từ Dự án Hemisphere. Năm 2007, hạt Harris bang Texas trả cho AT&T 77.924USD và 4 năm sau đó hóa đơn tăng gấp hơn 10 lần – đến 940.000USD! 

Sau khi xây dựng thành công Dự án Hemisphere, AT&T bán nó vào bất cứ khi nào chính quyền cần đến. AT&T lưu giữ chi tiết về mỗi cuộc gọi điện thoại, nội dung trò chuyện với ứng dụng Skype hay phương thức giao tiếp khác đi qua cơ sở hạ tầng công ty kể từ năm 1987 – theo báo cáo về Hemisphere của tờ The Times năm 2013. 

Theo tờ báo này, quy mô dữ liệu điện thoại của AT&T còn lớn hơn cả khối lượng dữ liệu do NSA thu thập. Cơ sở dữ liệu AT&T đặc biệt hữu dụng để truy tìm một thuê bao di động giữa muôn vàn số điện thoại “rác”, giống như khi bọn buôn lậu ma túy sử dụng một loạt những chiếc điện thoại gọi là “burner phone” (hay còn gọi là điện thoại ẩn danh) trả tiền trước để tránh bị cảnh sát theo dõi – đó là những điện thoại giá rẻ và dễ tìm chỉ sử dụng một lần để giao tiếp gây khó khăn cho chính quyền phát hiện nhân thân người dùng. 

Loại dịch vụ điện thoại trả trước này (không liên quan gì đến thẻ tín dụng hay tài khoản ngân hàng cá nhân) bảo đảm rằng thiết bị và thẻ SIM không đăng ký với danh tính của người dùng với chính quyền. 

Một số chiến dịch Hemisphere được cơ quan chính quyền gắn tên mã tùy theo địa phương, ví dụ như: ở Atlanta đặt là “peach” (quả đào), còn ở Hawaii là “sunshine”(ánh nắng).

Duy Minh
.
.