Nếu bom hạt nhân dội xuống Hạ Môn
Song, trước và sau sự kiện đó, cũng còn không ít lần thế giới lâm vào tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" tương tự, tiêu biểu như tại cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất.
Tập kích bất ngờ và phản ứng giới hạn
Chiều 23-8-1958, lúc 17h30 phút, pháo binh của quân đội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đồng loạt khai hỏa. Hàng vạn khẩu pháo đã được tập trung về Hạ Môn, duyên hải tỉnh Phúc Kiến từ trước đó, dồn dập bắn phá dữ dội các mục tiêu quan trọng ở Kim Môn, bên kia eo biển, nơi chỉ cách Hạ Môn 18 hải lý (khoảng 33 km) về phía đông.
Đó là một sự khiêu khích "uy phong" Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, thách thức cả một hiệp ước phòng thủ quân sự chung mà Washington đã ký với Đài Bắc. Song, đó cũng là một nước cờ được bộ chỉ huy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tính toán khá kỹ lưỡng.
Vào thời điểm đó, một lực lượng lớn không quân và hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương vừa được điều sang Trung Đông, nhằm ứng phó với tình hình các diễn biến tại Lebanon. Bởi vậy, quân đội Mỹ không đủ lực lượng dội bom, để oanh tạc và vô hiệu hóa các trận địa pháo đang ào ạt pháo kích từ bên kia eo biển.
Pháo kích Kim Môn. |
Nhưng thực ra, từ khoảng một tuần trước đó, một trong những phi đội máy bay ném bom B-47 vẫn còn hiện diện tại Kim Môn đã nhận được mật lệnh: Nếu xung đột leo thang, phi đội ấy sẽ mang theo những quả bom hạt nhân chiến thuật, dội xuống Hạ Môn.
Đó là chỉ thị từ chính Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ vào thời điểm đó - tướng không quân Nathan Twining. Trong bối cảnh gặp khó khăn trong việc bố trí binh lực nhằm bảo đảm thực hiện các cam kết thuộc hiệp ước phòng thủ chung với Đài Loan, ông sẵn sàng lựa chọn vũ khí hạt nhân như một biện pháp cứng rắn, nhằm ngăn cản quân đội đại lục vượt biển đánh sang hoặc ít nhất là gây tổn thất cho quân đội Quốc dân đảng của Đài Bắc.
Tuy nhiên, ngày 25/8, khi "Bộ tư lệnh phòng vệ Kim Môn" vẫn còn bị nhấn chìm dưới những làn mưa đạn pháo, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - Dwight Eisenhower, trong cuộc họp với các quan chức chủ chốt của Nhà trắng cũng như Lầu Năm Góc, quyết định: "Không sử dụng vũ khí hạt nhân, chỉ sử dụng các vũ khí thông thường trợ giúp Đài Loan".
Bốn ngày sau, 29-8, sau khi điều động các lực lượng tác chiến hỗn hợp của quân đội Mỹ tới Viễn Đông, ông khẳng định lại với tướng Twining cùng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ: "Chúng ta sẽ không vội vàng sử dụng vũ khí hạt nhân, cho dù Kim Môn bị pháo kích ác liệt tới đâu".
Đối sách này được gọi là "phản ứng có giới hạn", và khi Eisenhower tuyên bố nó, ông đã vấp phải rất nhiều sự phản đối từ các tướng lĩnh thuộc phái "Diều hâu". Không chỉ Twining, Lawrence Kuter (một tướng không quân khác, cũng là một trong những tác giả của kế hoạch tấn công hạt nhân vào Hạ Môn) thẳng thừng gọi quyết định ấy của tổng thống là "một thảm họa".
Theo Kuter, "hoặc là chúng ta (quân đội Mỹ) sử dụng loại vũ khí hiệu quả nhất của mình (vũ khí hạt nhân) nhằm giúp đỡ đồng minh, hoặc là rút bỏ và đừng tham dự vào cuộc khủng hoảng (tại eo biển Đài Loan) này".
Có thể hiểu rằng, những vị tướng như Nathan Twining hay Lawrence Kuter - những người hiểu rất rõ uy lực của bom hạt nhân, những người đã thấy hai thành phố Nagasaki và Hiroshima bị hủy diệt trong nháy mắt, đồng thời chứng kiến việc Nhật Bản nhanh chóng chấp nhận đầu hàng sau những cú đòn khủng khiếp đó, để chính thức khép lại Chiến tranh thế giới lần thứ hai - rất muốn không quân Mỹ tái hiện lại chiến công ấy.
Khi quân sự chỉ là công cụ của chính trị
Song, dù cũng xuất thân quân ngũ, dù cũng là một trong những vị tướng từng cùng quân đội Mỹ ca khúc khải hoàn ở Đệ nhị thế chiến, Dwight Eisenhower lại nhận thức về cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan hoàn toàn khác những người đồng đội cũ.
Sự khác biệt ấy xuất phát từ nhãn quan của một chính trị gia, điều có lẽ chính là yếu tố quan trọng nhất đưa ông đến vị trí chủ nhân Nhà Trắng.
Bắt đầu từ ngày 31-3-1958, nghĩa là trước khi cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan diễn ra, Liên Xô tuyên bố đơn phương chấm dứt các hình thức thử nghiệm hạt nhân.
Điều này đặt Hoa Kỳ vào một tình cảnh tương đối khó "tiến thoái": Muốn giành quyền đóng vai "người tốt" trước "cử tọa" là cả thế giới, Mỹ thậm chí cũng sẽ phải hạn chế thử nghiệm, đừng nói đến khinh suất sử dụng vũ khí hạt nhân để can dự vào cuộc xung đột Đài - Lục.
Nhân loại còn chưa hết hãi hùng với những gì đã xảy đến cho hai thành phố bất hạnh của Nhật Bản, và điều tương tự lặp lại với Hạ Môn sẽ chỉ khiến làn sóng bài Mỹ thêm sôi sục trên toàn thế giới, vào thời điểm ấy.
Bên cạnh đó, vì Hạ Môn chỉ cách Kim Môn 18 hải lý, dội bom hạt nhân xuống những địa điểm mà Nathan Twining đã chọn cũng có thể gây tổn hại đến những phần lãnh thổ mà quân đội Quốc dân đảng đang kiểm soát.
Nguy hiểm hơn cả, việc sử dụng phi đội B-47 mang bom hạt nhân hoàn toàn có thể kích hoạt một hiệu ứng dây chuyền, thúc đẩy leo thang xung đột hạt nhân trên toàn thế giới, khi một siêu cường quân sự như Liên Xô bị "chọc giận". Liên Xô sẽ có cớ để đường đường chính chính mở kho "đồ chơi" của mình, với lá cờ chính nghĩa.
Điều này, thực ra sau đó, đã được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô - Nikita Khruschev - gián tiếp xác nhận vào ngày 7-9-1958, qua một bức điện gửi Eisenhower.
Tướng Nathan Twining. |
Trong đó, người lãnh đạo tối cao của Liên Xô cảnh báo: "Trong thời đại của vũ khí hạt nhân, tên lửa siêu thanh hay các loại vũ khí với uy lực chưa từng thấy khác, về cơ bản, các hạm đội hải quân từng làm mưa làm gió trên biển chỉ còn thích hợp cho những chuyến tham quan mang tính lễ tân. Đó là còn chưa nói đến việc chúng sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của các loại tên lửa".
Rõ ràng, Khrushev đã phát đi những tín hiệu hăm dọa đối với hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ - đoàn chiến hạm khi đó nhận lệnh tới tuần tra ở eo biển Đài Loan.
Không thể có bất cứ sự hiểu nhầm nào được. Vào thời điểm đó, quan hệ Xô - Trung đã bắt đầu xấu đi, nhưng những sự chia rẽ và mâu thuẫn về quan điểm giữa hai bên vẫn chưa đến lúc được công khai.
Ngày 31-7-1958, Nikita Khruschev vẫn còn công du Bắc Kinh - chuyến thăm được xem như một sự biểu thị ngầm rằng việc Bắc Kinh hạ lệnh pháo kích Kim Môn được Moskva ủng hộ. Liên Xô và Trung Quốc vẫn còn là "người một nhà", và nói như Khruschev: "Trong bối cảnh khả năng độc quyền - lũng đoạn vũ khí hạt nhân của nước Mỹ đã chấm dứt, việc họ vẫn có ý đồ sử dụng vũ khí hạt nhân để đe dọa nước khác là hoàn toàn không có hy vọng".
Là Tổng thống Hoa Kỳ, Dwight Eisenhower nắm bắt được tất cả những thông tin đó, nhận được tất cả các thông điệp đó, và hiểu hết những hệ lụy, để rồi ra quyết định quan trọng đó: kìm giữ không cho xung đột leo thang, bất chấp "máu ăn thua" của đám tướng lĩnh võ biền.
Ông đã đúng. Không cần thiết phải chấp nhận mạo hiểm quá mức, cộng thêm các biện pháp ngoại giao - chính trị, Liên minh quân sự Mỹ - Đài Loan vẫn đủ tiềm lực để đứng vững. Nhưng nếu những quả bom ấy dội xuống Hạ Môn, không ai có thể chắc chắn về điều gì.
* Phi đội dội bom Hạ Môn dự kiến gồm 5 máy bay B-47, mang theo các quả bom hạt nhân chiến thuật có dung lượng nổ tương đương khoảng 10.000 đến 15.000 tấn thuốc nổ TNT. Phi đội này luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, cho đến khi Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower tuyên bố từ bỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. * Nathan Twining cũng chính là một trong những người đề xuất ý tưởng sử dụng bom nguyên tử tại Điện Biên Phủ, để giải cứu cho quân Pháp đang khốn đốn trong vòng vây Việt Minh tại tập đoàn cứ điểm đó, năm 1954. Nhưng cuối cùng, dĩ nhiên, ý tưởng này không được chấp nhận. |