Năm mới với tổng thống Mỹ Barack Obama: Lại khởi đầu nan

Thứ Tư, 03/02/2010, 15:29

Đã bắt đầu năm thứ hai cầm quyền của vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ, nguyên thủ quốc gia da màu đầu tiên ở đất nước có lịch sử hơn 200 năm này. Bắt đầu trị vì trong Nhà Trắng ở một giai đoạn cực kỳ phức tạp và khó khăn của khủng hoảng kinh tế và những cuộc chiến đang ở tình thế gần như sa lầy tại Iraq và Afghanistan, ông Obama đã tỏ ra cố gắng cải thiện thực trạng từ gia tài buồn thảm mà ông phải thừa hưởng từ người tiền nhiệm George Bush.

Khát vọng đổi mới của cử tri Mỹ trong cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại đã là yếu tố quan trọng bậc nhất đưa ông Obama vào Nhà Trắng. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm chấn động nước Mỹ và tạo nên những vòng sóng điếng người lan tỏa khắp năm châu. Cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố mà người tiền nhiệm George Bush bắt đầu sau ngày 11/9/2001 với những lầm lẫn, những sai lệch thông tin và những bất đồng với các chiến hữu Âu châu đã khiến không chỉ riêng xã hội Mỹ mệt mỏi mà còn khiến nhiều phần thế giới trở nên xa lánh với Washington.

Hơn bao giờ hết cử tri Mỹ thèm muốn có những điều chỉnh mạnh mẽ để có thể tạo nên lối thoát ra khỏi bế tắc. Và họ đã gắn những hy vọng đó với ông Obama, người đã liên tục sử dụng các từ "hy vọng" và "thay đổi" trong diễn văn vận động tranh cử Tổng thống đầy hấp dẫn của mình.

Thuật ngữ "học thuyết Obama" đã xuất hiện trong giai đoạn vận động tranh cử Tổng thống năm 2008 và đã được cả những người ủng hộ đảng Dân chủ lẫn những đối thủ chính trị của ông Obama sử dụng, mặc dầu không ít người trong hàng ngũ ủng hộ đảng Cộng hòa cho rằng, ông Obama ở thời điểm đó (đang là Thượng nghị sĩ từ bang Illinois) chưa thể có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại để xây dựng nên một học thuyết. Bản thân ông Obama đã tự nêu ra một số luận điểm căn bản trong học thuyết mang tên mình như: kết thúc cuộc chiến ở Iraq, xoá sổ Al-Qaeda và Taliban, ở Afghanistan, đấu tranh chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân, giảm sự phụ thuộc của nước Mỹ vào những nhập khẩu năng lượng từ bên ngoài và củng cố các mối quan hệ với các đồng minh…

Nhiệm vụ cuối cùng trong "học thuyết Obama" đã được chờ đợi từ lâu và những người Dân chủ đã coi đó là một điểm nhấn để tấn công vào chính quyền của đảng Cộng hòa: ai cũng thấy rõ rằng, khi ông Bush cầm quyền, Nhà Trắng thay vì tiến hành một chính sách ngoại giao rộng mở và "vuốt mặt nể mũi" các đồng minh đã chủ trương cách hành xử quan phương, "tự tung tự tác" trong các công chuyện quốc tế và đặt ngay cả những chiến hữu thân cận nhất vào những tình thế lắm khi là sự đã rồi.

Quả thực là sau khi ông Obama vào trị vì Nhà Trắng, Washington đã chú trọng hơn nhiều tới chính sách ngoại giao thêm bạn bớt thù và giảm thiểu những hành vi "ông kễnh". Một trong những quyết định mang tính biểu tượng là nữ đại diện mới của Mỹ Susan Rice tại  LHQ, tổ chức quốc tế mà bộ máy của ông Bush trước kia vẫn có thiên hướng coi là "cồng kềnh rách việc" và thường xuyên "qua mặt", đã được nhận hàm Bộ trưởng trong đội hình của Tổng thống Obama.

Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Washington cũng đã tác động không nhỏ tới cuộc đấu tranh chống lại sự phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới cũng như tới quan hệ với quốc gia mà nhiều năm nay Mỹ vẫn coi là tiềm tàng nguy cơ trong lĩnh vực này. Đó là nước Cộng hòa Hồi giáo IranWashington hơn ba thập niên qua đã không duy trì quan hệ ngoại giao. Tehran cũng đã nhiều năm nay kiên trì bảo vệ quyền được phát triển công nghiệp năng lượng hạt nhân riêng của mình.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Obama đã không chỉ một lần cho thấy rằng, ông sẽ không nhìn Iran bằng con mắt của người tiền nhiệm Bush. Những chính trị gia theo phái "diều hâu" ở trong đội hình của vị Tổng thống Mỹ thứ 43 Bush có lẽ trong mơ cũng không thể tưởng tượng được rằng sẽ có một ngày  Iran cũng được lôi cuốn vào những nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề Afghanistan - đối với họ, Tehran luôn là kẻ thù số dách. Thế nhưng, Tổng thống Obama đã cố gắng làm thay đổi định kiến này.

Sau khi vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ chính thức nhậm chức, Washington và Tehran đã bóng gió ngỏ lời sẵn sàng đối thoại, buộc các nhà quan sát đua nhau phỏng đoán cách mà ông Obama với lời hứa đàm phán thay đối đầu sẽ "xử lý" những khát vọng hạt nhân của Iran như thế nào? Tuy nhiên, cho tới hôm nay, vẫn không có thay đổi gì đáng kể trong câu chuyện đó và vấn đề hạt nhân của Iran vẫn tiếp tục là một trong những tâm điểm nóng trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Cũng không có thay đổi gì đáng kể trong cách hành xử của ông Obama đối với vấn đề Iraq. Tháng 2/2009, vị Tổng thống Mỹ thứ 44 đã tuyên bố rằng bộ phận chính trong lực lượng quân nhân Mỹ đồn trú ở Iraq tới cuối tháng 8/2010 sẽ được rút khỏi đây. Giới quan sát cho rằng, quyết định trên chỉ là bước đi tiếp những gì mà đội hình của người tiền nhiệm Bush đã làm: thoạt tiên gia tăng sự có mặt về quân sự tại Iraq và tới khi tình hình an ninh được cải thiện thì tìm cách thỏa thuận với chính quyền Iraq về thời hạn rút quân. Thế nhưng, trong thực tế, tình hình an ninh ở Iraq vẫn cực kỳ bất ổn và những vụ khủng bố bằng đánh bom liều chết vẫn là chuyện thường ngày ở đất nước nhiều dầu mỏ nên đa đoan này.

Thực chất, quan điểm của ông Obama trong vấn đề Iraq vẫn dựa trên cách nhìn cũ của Nhà Trắng dưới thời cầm quyền của ông Bush… Ông Obama cũng sử dụng "thủ pháp Iraq" của vị Tổng thống Mỹ thứ 43 vào vấn đề Afghanistan, lĩnh vực mà giới quan sát cho là rối lẫn nhất trong chính sách đối ngoại của ông Bush… Và ngay từ đầu, ông Obama đã coi đây là hoạt động cần được ưu tiên, vì vốn đã không tiếc lời phê phán cuộc chiến Iraq do những người Cộng hòa khởi sự, những người Dân chủ rất muốn kết thúc cuộc chiến ở Aghanistan một cách thắng lợi.

Trong cách diễn giải của những người Dân chủ, cuộc chiến ở Afghanistan, khác với cuộc "phiêu lưu quân sự" của ông Bush ở Iraq, đã thực sự là câu trả lời đối với những vụ khủng bố diễn ra ngày 11/9/2001 và được hướng tới chống lại những kẻ thù thực sự của nước Mỹ - những phần tử khủng bố do tên trùm khét tiếng Osama bin Laden cầm đầu. Chính bởi vậy nên ông Obama đã chuyển trọng tâm của những nỗ lực chống khủng bố từ Iraq sang Afghanistan và hứa hẹn sẽ đè bẹp Al Qaeda đến mức để nước Mỹ và cả thế giới được ngủ ngon. Thế nhưng, những gì diễn ra trong một năm qua lại cho thấy, lòng vả cũng như lòng sung, ông Obama thực ra không phải là người trái ngược với ông Bush mà lại có rất nhiều điểm tương đồng với người tiền nhiệm, mặc dù đã được hóa trang cho đỡ trùng khít hơn.

Mọi phát ngôn và hành xử của ông Obama  trong năm 2009 trong vấn đề Afghanistan tựu trung vẫn chỉ là: Washington sẽ gửi sang chiến trường Afghanistan nhiều quân hơn và đồng thời yêu cầu Kabul cũng như Islamabad sự hợp tác chặt chẽ và có trách nhiệm hơn nữa. Lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan  trong thời gian ông Obama lên cầm quyền đã tăng từ 30 nghìn tới 70 nghìn người. Và sẽ còn tăng nữa.

Dưới sức ép của Mỹ, Pakistan đã có những hoạt động mạnh mẽ hơn để chống lại các lực lượng khủng bố nhưng bản thân quốc gia này lại bị nhấn chìm sâu hơn vào vực thẳm mâu thuẫn nội bộ trầm trọng. Còn về phần chính phủ Afghanistan của Tổng thống Hamid Karzai thì mọi sự lại trở nên không "cầu được ước thấy", đặc biệt sau những lình xình trong gian lận phiếu ở cuộc bầu cử vừa qua.

Tổng thống Obama trong một bài phát biểu ngày 1/12/2009 đã kể thêm chi tiết về những việc ông dự định làm. Theo đó, tới giữa năm 2010 quân số của lực lượng Mỹ đồn trú ở Afghanistan sẽ vượt qua mức 100 nghìn để tiếp tục trấn áp lực lượng Taliban và những phần tử Al-Qaeda để rồi tới mùa hè năm 2011 Washington sẽ có thể rút quân khỏi đây.

Nói tóm lại, theo ý tưởng của ông Obama, thời gian còn lại dành cho chiến dịch Afghanistan là trên dưới một năm rưỡi và đó thực ra cũng chỉ sự thực hiện ý tưởng của ông Bush: tẩn kẻ thù thật mạnh để nó tàn hơi rồi thu xếp ba lô về nhà. Có một điều lạ là, trong bài diễn văn trên của Tổng thống Mỹ, không có câu nào nói tới trùm khủng bố Bin Laden mà lẽ ra cần phải bắt sống hay tiêu diệt từ lâu. Có lẽ đấy đã trở thành nhiệm vụ bất khả thi rồi. Năm 2009 đã trở thành năm có nhiều lính Mỹ bỏ mạng ở Afghanistan nhất (gần 300 người). Và các chỉ huy quân sự Mỹ do tướng Staley McChrystal  đứng đầu liên tục kêu thiếu nhân lực. Triển vọng giải quyết ổn thoả cuộc chiến Afghanistan vì thế càng trở nên mờ mịt.

Thực tế này khiến người Mỹ phải nhớ lại ông Bush và những nỗi cay đắng cũ vì chiến tranh Iraq, điều hoàn toàn không hay ho gì đối với vị Tổng thống được bầu lên cùng khẩu hiệu đổi mới. Rõ ràng là nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Không phải ngẫu nhiên mà những đối thủ chính trị của Tổng thống Obama ngày càng lớn tiếng hơn nói rằng, kỹ năng cười niềm nở và nói hay ho của một chính khách không phải là phương thức tốt nhất để giải quyết các vấn đề quốc tế. Có lẽ vì vậy, ở thời điểm hiện nay, chỉ số tín nhiệm của dân chúng Mỹ đối với vị Tổng thống thứ 44 đã bị tụt xuống mức thấp chưa từng thấy.

Họa vô đơn chí, sau cuộc bầu cử bất thường vào Thượng viện Mỹ ngày 19/1/2010 tại Massachusetts để tìm người thế chỗ Thượng nghị sĩ mới quá cố thuộc đảng Dân chủ Edward Kennedy, ông Obama còn bị mất quyền kiểm soát đối với cơ quan lập pháp có quyền lực lớn nhất đất nước này. Đảng viên Cộng hòa Scott Brown đã giành được chiến thắng với 52% số phiếu bầu, trong khi nữ ứng cử viên của đảng Dân chủ Martha Coakley chỉ nhận được 47% số phiếu bầu. Ông Brown đã trở thành Thượng nghị sĩ thứ 41 của đảng Cộng hòa trong Thượng viện có 100 ghế của nước Mỹ. Đảng Dân chủ giờ chỉ có 59 ghế trong Thượng viện và điều này sẽ khiến ông Obama gặp nhiều khó khăn trong các nỗ lực phê chuẩn các dự luật mà ông sẽ phải trình trước Quốc hội Mỹ…

Năm 2010 tới với Tổng thống Obama có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn

Hoàng Phong
.
.