NATO chuẩn bị đường lối quân sự mới: Không quân tử cũng phòng thân

Thứ Năm, 03/06/2010, 16:10
Tổng thư ký NATO Aders Fogh Rasmussen và người lãnh đạo nhóm "12 nhà thông thái" Madeleine Albright (cựu Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1997 tới năm 2001) ngày 17/5 đã công bố bản báo cáo phân tích về đường lối chiến lược mới của liên minh này. Tựu trung, NATO vẫn muốn giữ cho mình thế thượng phong bằng những động thái tiến thoái khác nhau trong các dự định chi phí cho ngân sách quân sự.

Tổng thư ký NATO Aders Fogh Rasmussen và người lãnh đạo nhóm "12 nhà thông thái" Madeleine Albright (cựu Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1997 tới năm 2001) ngày 17/5 đã công bố bản báo cáo phân tích về đường lối chiến lược mới của liên minh này. Tựu trung, NATO vẫn muốn giữ cho mình thế thượng phong bằng những động thái tiến thoái khác nhau trong các dự định chi phí cho ngân sách quân sự.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ đã xuất hiện những ý kiến cho rằng, không cần phải có NATO nữa vì liên minh này đã không còn đối thủ chính yếu là khối Hiệp ước Warsaw. Và sau cuộc chiến trên bán đảo Balkan cũng như ở Afghanistan, đồng thời sau việc kết nạp một loạt những thành viên mới, đã đến lúc phải có một chiến lược mới. Tuy nhiên, các chuyên viên trong đội hình "12 nhà thông thái" do cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đứng đầu, những người được giao khởi thảo chiến lược mới đó, đã hành động theo kiểu để cho mọi người đều vui vẻ và không ai cảm thấy buồn.

Trong cái gọi là nhóm "12 nhà thông thái", ngoài bà cựu Ngoại trưởng Mỹ Albright và cấp phó của bà là cựu lãnh đạo  hãng Royal Dutch Shell, ông Jeroen van der Veer (người Hà Lan), còn có đại diện của cộng đồng ngoại giao và khoa học Canada, Anh, Đức, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Latvia và Hy Lạp.

Nhóm "12 nhà thông thái" đã được NATO đặt hàng nghiên cứu và soạn thảo quan điểm chiến lược mới của NATO. Tài liệu này được dùng để thay văn bản cũ từng được thông qua năm 1999 và sẽ được xét duyệt trong hội nghị thượng đỉnh NATO họp vào tháng 11/2010 tại Lisbon. Trong đó thể hiện quan điểm chung của các nước thành viên NATO về vấn đề an ninh hạt nhân và an ninh năng lượng, hệ thống phòng thủ tên lửa, cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố và nạn cướp biển…

Bản báo cáo của "12 nhà thông thái" đã vạch ra cho NATO thấy rõ hơn ba mối đe dọa đối với liên minh này: nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa có mang theo đầu đạn hạt nhân hay các loại vũ khí khác, các cuộc tấn công khủng bố và các cuộc tấn công mạng. "Các nhà thông thái" thừa nhận rằng, hiện nay không tồn tại các nguy cơ bị tấn công theo kiểu quân sự truyền thống đối với NATO. Để đối phó với những mối đe dọa mới trong những điều kiện mới, "12 nhà thông thái" lại nhấn mạnh tới nhu cầu "thay đổi mạnh mẽ liên minh" để tạo cho nó khả năng xử lý những "thách thức không quy chuẩn trong lĩnh vực an ninh".

NATO theo hình mẫu cần có ở năm 2020 sẽ không thể tự hạn chế hoạt động ở trong khu vực lãnh thổ của mình muốn giảm thiểu các nguy cơ về an ninh. Tuy nhiên, liên minh này không thể nhận những sứ mệnh mà nó không thể thực hiện được, đồng thời vẫn phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng cho những chiến dịch cần thiết phải tiến hành. Bản báo cáo tiếp tục bảo vệ quan điểm răn đe hạt nhân một khi vũ khí hạt nhân đang là một thực thể trong các quan hệ quốc tế. Theo lời bà Albright, NATO cần phối hợp cùng LB Nga đấu tranh chống lại những nguy cơ chung như chủ nghĩa khủng bố, sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cướp biển và buôn lậu ma túy… "Hợp tác, như đã rõ, đó là đường đi hai chiều. Nhưng nhìn từ góc độ phát triển liên minh, cánh cửa hợp tác với Moskva cần được để mở ở mọi cấp" - bà Albright nhấn mạnh.

Theo quan điểm của Tổng thư ký NATO, không thể loại trừ tình huống cần tiến hành chiến sự ở ngoài khu vực lãnh thổ các nước thành viên NATO. "Về những tiêu chí để tiến hành các chiến dịch ở ngoài vùng lãnh thổ các nước thành viên NATO, tôi muốn nhấn mạnh tới hai điểm. Thứ nhất, sự can thiệp như vậy phải được thực hiện chỉ vì sự an ninh của các nước thành viên liên minh. Thứ hai, những sứ mệnh như vậy phải được hoàn thành dưới dạng đòn đáp trả những thách thức cụ thể trong lĩnh vực an ninh và theo đúng tinh thần nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ", - ông Rasmussen nói.

Bà Madeleine Albright cũng đồng tình với ý kiến này của ông Rasmussen: "NATO không có ý định  trở thành sen đầm quốc tế". Tuy nhiên, bà cũng nói thêm: "Chúng ta đang nhìn thấy những việc kinh khủng đang diễn ra trên thế giới và vì thế cần phải sẵn sàng bảo vệ các quốc gia của chúng ta, ngay cả nếu cần ra khỏi ranh giới lãnh thổ của mình".

Bà Albright cho biết, nhóm "12 nhà thông thái" đã đề nghị NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới: "Chúng tôi đề nghị đưa hệ thống phòng thủ tên lửa thành sứ mệnh của NATO". Còn Tổng thư ký NATO thì lại cho biết "quyết định về hệ thống phòng thủ tên lửa vẫn còn chưa được thông qua" mà phải tới hội nghị thượng đỉnh tháng 11 tới ở Lisbon mới được xem xét thông qua: "Đây mới chỉ là đề nghị của một nhóm chuyên gia độc lập nhưng tôi ủng hộ hoàn toàn đề nghị đó". Trước đó, ông Rasmussen đã không chỉ một lần tuyên bố rằng, việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cần được tiến hành với sự tham gia của LB Nga để "tạo nên một hệ thống phòng thủ tên lửa chung, nó sẽ trở thành mái nhà an ninh chung từ Vancouver tới Vladivostok". 

Trong khi đó, NATO đang quan tâm chưa đầy đủ tới những nước Trung Âu và Đông Âu, vốn rất lo lắng cho an ninh của mình vì vẫn "hãi" nước Nga. Đó là kết luận trong bản báo cáo phân tích của Trung tâm cải tổ châu Âu, một viện nghiên cứu độc lập ở London, mà tờ The New York Times đã dẫn ra. Các chuyên gia của Trung tâm này cho rằng, nếu NATO tiếp tục hững hờ như thế với nỗi lo an ninh của nhóm nước trên thì một số quốc gia thành viên sẽ tiếp tục dửng dưng với việc tham gia vào các chiến dịch của NATO ở ngoài khu vực lãnh thổ châu Âu. Bởi lẽ, một khi không cảm thấy an toàn ở ngay chính lãnh thổ của mình thì khó có thể nghĩ tới việc tác chiến ở đất khách quê người… Các tác giả của bản báo cáo trên nhận xét, một loạt các nước ở Trung Âu và Đông Âu vì thấy NATO không quan tâm tới những mối lo ngại của họ nên đã cố gắng tìm các ký những hiệp định song phương về an ninh với Mỹ.

Bà Albright cùng các chuyên viên đề nghị NATO nhận về mình trách nhiệm thiết kế hệ thống phòng thủ tên lửa như một phương thức tự bảo vệ trước Iran. Tổng thư ký NATO Rasmussen hoàn toàn tán đồng ý tưởng này…

Cũng phải nói rằng, xem xét kỹ văn bản báo cáo dày tới 55 trang này sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi không có câu trả lời về những vấn đề cốt tử. Thí dụ như quan hệ với nước Nga. Theo "12 nhà thông thái", NATO cần hợp tác với LB Nga trong vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa. Nhưng những câu nhấn mạnh như trên thực ra chỉ mang tính hình thức từ lâu. Thật tiếc, các tác giả bản báo cáo trên đã không chịu tốn công để xây dựng một hệ thống luận điểm về mối quan hệ chặt chẽ hơn trong một số vấn đề quân sự hay thậm chí cả việc để Moskva tham gia vào NATO. Mà chỉ có một kịch bản như thế mới có thể giúp NATO thôi là một liên minh quân sự mà sẽ trở thành một liên minh chính trị vững chãi hơn nhiều. Trong bản báo cáo cũng nói rất mù mờ về chuyện bảo vệ thông tin…

Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, NATO vẫn chủ trương "phòng thân" bằng cách cố gắng duy trì các chi phí quân sự ở mức cao. Tổng thư ký NATO Rasmussen cho rằng, việc cắt giảm ngân sách quân sự quá đáng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc tế trong nhiều năm tới. Trong bài trả lời phỏng vấn báo The Financial Times, ông Rsasmussen nhấn mạnh: "Với tư cách nguyên Thủ tướng Đan Mạch, tôi biết rằng điều đó sẽ là thế nào: khi cần phải cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội, đôi khi không dễ dàng loại bỏ chương trình quốc phòng khỏi những cắt giảm như thế. Nhưng nếu ta thực hiện những cắt giảm quá sâu về chi phí quốc phòng, ta sẽ làm rạn nứt nền an ninh dài lâu và ta biết rằng, sự thiếu vắng an ninh không chỉ ngăn cản phát triển kinh tế, du lịch và thương mại mà còn dẫn tới những chi phí lớn hơn cho nền an ninh quốc tế".

Nhận định này của ông Rasmussen được đưa ra khi NATO tiếp nhận bản báo cáo của nhóm "12 nhà thông thái". Tổng thư ký NATO chào đón ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cho toàn bộ các quốc gia thành viên NATO và cho rằng, một hệ thống chung như thế có thể củng cố bền vững hơn các mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ: "Theo tính toán của chúng tôi, giá của sự liên kết các hệ thống này chỉ tốn của 28 thành viên NATO khoảng gần 200 euro trong 10 năm"

Hoàng Long
.
.