Myanmar: Vết xe còn đó!

Thứ Bảy, 27/02/2021, 15:11
278 câu hỏi từ 16 nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được gửi đến trước phiên họp trực tuyến về “Rà soát chính sách thương mại lần thứ hai của Myanmar trong khuôn khổ WTO” (ngày 18-2), đi kèm phát biểu của 23 thành viên tại phiên họp. Những xáo trộn chính trị dường như đã phủ một cái bóng lớn hơn khá nhiều so với sự hình dung của các tướng lĩnh quân đội Myanmar, lên mọi khía cạnh đời sống của quốc gia Đông Nam Á này.


Những mệnh đề bắt buộc

Dĩ nhiên, ở phiên họp của WTO, gam màu chủ đạo vẫn là những hứa hẹn phát triển tươi sáng. Bởi thực ra, 5 năm qua (giai đoạn 2015-2020), dưới sự điều hành của một chính quyền dân sự, nền kinh tế Myanmar đã bộc lộ những dấu hiệu thực sự khởi sắc. Có điều, cũng chính vì vậy, một mệnh đề được đặt thẳng ra không úp mở tại phiên họp đó: Những biến động chính trị hiện tại ở đất nước ấy đang khiến không ít đối tác cảm thấy quan ngại. Và bởi vậy, như một khối thống nhất, với ý thức rõ rệt rằng ổn định chính trị ở các quốc gia thành viên ASEAN chính là nền tảng cần thiết để đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng, bài phát biểu chung của khối thể hiện cả tình đoàn kết, động thái trấn an các đối tác ngoại khối, lẫn cả những dự cảm lo lắng kín đáo.

Điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. Trước và sau cuộc biểu tình phản đảo chính (ngày 17-2) có quy mô lớn nhất kể từ khi chính biến Myanmar nổ ra đầu tháng 2 - khi  quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), đã liên tiếp có những lời cảnh báo hoặc những động thái răn đe, ảnh hưởng trực tiếp đến tiềm năng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới của quốc gia Đông Nam Á ấy.

Bà Aung San Suuu Kyi đã trở thành một biểu tượng đấu tranh đích thực của đông đảo người dân Myanmar khao khát thay đổi.

Không phải ngẫu nhiên, cũng như không thể nói đơn giản là chỉ do sức ép từ những người biểu tình trong nước mà ngày 16-2, người phát ngôn của Hội đồng Hành chính Nhà nước do quân đội lập nên - Thiếu tướng Zaw Min Tun - phải đăng đàn để tái khẳng định rằng quân đội sẽ không nắm quyền lâu và mục tiêu của họ là tổ chức bầu cử lại để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng. Song song với điều đó, ông cũng cam kết: Trong thời gian chờ đợi cuộc bầu cử mới diễn ra, chính sách đối ngoại của Myanmar không thay đổi. Myanmar vẫn duy trì cởi mở với doanh nghiệp và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế.

Tuy nhiên, đến nay, thời điểm tổ chức cuộc bầu cử ấy vẫn chưa được công bố. Và đến nay, bầu không khí trong xã hội Myanmar vẫn sôi sục như một vạc dầu, với quân đội trên các đường phố, với việc đông đảo người dân gõ nồi niêu xoong chảo (hành động mang ý nghĩa xua đuổi tà ma truyền thống ở đất nước này) vào mặt họ.

Còn bên ngoài biên giới, Myanmar đang phải đối diện với những gì?

Ngày 11-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định áp đặt lệnh trừng phạt với giới tướng lĩnh Myanmar, bao gồm cả Thống tướng Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing - người đang giữ cương vị đứng đầu chính quyền quân sự lâm thời - và Phó Tổng tư lệnh Soe Win cùng một số nhân vật khác. Họ sẽ không thể tiếp cận một ngân quỹ trị giá 1 tỷ USD đang được gửi ở Mỹ - đã bị cho đóng băng - nếu không chấp nhận từ bỏ quyền lực. Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng sẽ siết chặt khâu kiểm soát xuất khẩu của Myanmar.

Quân đội trên đường phố, minh chứng cho sự chia rẽ không thể che giấu trong lòng một quốc gia.

Một tuần sau, ngày 18-2, đến lượt Anh và Canada cùng lên tiếng, khẳng định sẽ trừng phạt các cá nhân chịu trách nhiệm chính trong cuộc biến động chính trị (bị đánh giá là cuộc đảo chính) ấy. Na Uy cũng tuyên bố sẽ tạm cắt các nguồn viện trợ, còn Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên nghị trình bàn thảo về chủ đề này, trong một phiên họp trực tuyến đạc biệt. Trong một tuyên bố chung, Đại sứ quán của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và 11 quốc gia khác đã thể hiện sự ủng hộ đối với mong muốn "dân chủ, tự do, hòa bình, thịnh vượng" của người dân Myanmar, khẳng định thế giới đang theo dõi sát tình hình quốc gia Đông Nam Á ấy.

Thật khó có thể tin là đà phát triển kinh tế của Myanmar vẫn có thể tiếp tục, trong một bối cảnh ngặt nghèo như vậy. Điều đó cũng có nghĩa là mọi đối tác làm ăn của họ đều sẽ phải cân nhắc, và chính giới tướng lĩnh Myanmar cũng phải suy nghĩ, bởi những xáo trộn đang làm ảnh hưởng tới chính “nồi cơm” của họ.

Ở hai phía lằn ranh

Có lẽ cũng sẽ là tương đối phiến diện, nếu chỉ quy kết rằng mâu thuẫn giữa quân đội và chính quyền dân sự vừa bị phế truất bằng vũ lực chỉ là những nỗ lực tranh giành quyền lực đơn thuần giữa các nhóm chính trị, hoặc còn đơn giản hơn, tất cả những gì diễn ra chỉ là cách quân đội Myanmar cố gắng thâu tóm quyền lực trở lại vào tay mình.

Cần phải khẳng định rằng giới tướng lĩnh quân sự cũng nhận được sự ủng hộ riêng dành cho họ và xung đột về quan điểm giữa họ với làn sóng cấp tiến mà lãnh tụ tinh thần - bà Aung San Suu Kyi - khởi phát thể hiện một lằn ranh chia cách trong xã hội Myanmar. Nếu ở Mỹ có phái Bảo thủ (conservative) và phe Tự do (liberal), thì Myanmar cũng vậy.

Dù ít ỏi hơn nhưng các tướng lĩnh Myanmar được sự cổ vũ của những cộng đồng ưa thích các lề thói truyền thống. Có thể kể tới các chức sắc Phật giáo, những người theo dân tộc chủ nghĩa và các tổ chức về xã hội, sắc tộc. Quân đội Myanmar, từ lâu, đã tự xây dựng hình ảnh như những người bảo vệ, phục vụ khối thống nhất quốc gia thay vì lãnh đạo Myanmar. Năm 2015, khi tự nguyện tuyên bố trao lại quyền lực cho chính quyền dân sự, họ đã làm tròn được vị thế ấy.

Tuy nhiên, cũng bởi vậy, việc lại đưa ra cáo buộc về gian lận bầu cử, việc dùng vũ lực bắt giam các nhà lãnh đạo chính phủ, việc gán cho bà Aung San Suu Kyi những cáo buộc “lặt vặt” như vi phạm Luật xuất nhập khẩu hay vi phạm Luật phòng chống thiên tai... càng khiến những tầng lớp ủng hộ chính quyền dân sự, đặc biệt là giới trẻ, phẫn nộ. Họ lo ngại khi thấy phe quân sự sử dụng một thứ “tội danh” quen thuộc trong quá khứ, để vô hiệu hóa kết quả một cuộc bầu cử Quốc hội. Và họ không cam lòng trở lại thời kỳ đó.

Giới trẻ Myanmar đang được cổ vũ bởi các động thái của phương Tây.

Sau 5 năm thay đổi, phe dân sự ở Myanmar đã có một đội ngũ hùng hậu hơn, với nhiều thứ “vũ khí” hơn, để đứng đối diện với những họng súng. Đó không còn là một đám đông hiền lành và “dễ bảo” của quá khứ nữa. ngày 18-2, một nhóm có tên gọi Tin tặc Myanmar (Myanmar Hackers) đã đánh sập các trang web của chính phủ quân sự, bao gồm trang web của Ngân hàng trung ương, trang tuyên truyền của quân đội Myanmar, Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Myanmar. Trên trang Facebook, nhóm tin tặc này tuyên bố: "Chúng tôi chiến đấu vì công lý ở Myanmar”.

Cả thế giới nhìn thấy điều đó, và cả thế giới cũng đã thấy mạng Internet tại đất nước này liên tục bị cắt. Ai cũng biết rằng đó là hành động đối phó có thể hiểu được từ quân đội nhưng trong thế giới phẳng hiện tại, đây vẫn là một động thái không dễ giải thích.

Có lẽ các tướng lĩnh Myanmar cũng đã sớm nhìn thấu tình hình nhưng vấn đề là họ đã trót “cưỡi lên lưng cọp”. Những biện pháp trừng phạt bằng các công cụ kinh tế - tài chính bây giờ gợi cho giới quan sát quốc tế nhớ lại rằng thực ra, nếu không vì đã quá khốn đốn bởi những đòn đánh kiểu ấy năm cũ, chưa chắc tiến trình chuyển giao quyền lực ở Myanmar trước đây đã diễn ra suôn sẻ và gây bất ngờ đến vậy.

Myanmar từng được truyền thông phương Tây ca ngợi hết lời, bởi tiến trình đó. Và bây giờ, khi mọi chuyện đảo chiều, dĩ nhiên là nó sẽ kéo theo những hậu quả khó lường.

Một lộ trình chuyển giao quyền lực mới đã được dự tính sẽ triển khai trong khoảng 2-3 năm. Đó là một quãng thời gian quá dài và quá đủ để đẩy lùi cả nền kinh tế vừa kịp tươi tắn trở lại ấy lại quay về với cái vẻ tàn tạ cũ, nếu những người biểu tình nhất định không thỏa hiệp, không lùi bước, không cam chịu...

Đông Phong
.
.