Mỹ - Trung tính toán trên “bàn cờ” Triều Tiên
- Khả năng xảy ra xung đột Mỹ-Trung?
- Căng thẳng Mỹ - Trung có dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới?
- Dấu hiệu xấu trong quan hệ Mỹ - Trung
Trung Quốc đến nay vẫn được xem là quốc gia có quan hệ mật thiết nhất với Triều Tiên. Vì vậy, Mỹ thường kêu gọi Trung Quốc siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mỗi lần Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không hài lòng về cách phía Washington yêu cầu Bắc Kinh phải mạnh tay và chủ động hơn trong việc dàn xếp những bất ổn ở Bình Nhưỡng.
Quan điểm của Trung Quốc trong thời gian qua là, Mỹ nên kiềm chế, thậm chí nên tái đàm phán với Triều Tiên thay vì đẩy trách nhiệm sang Trung Quốc. Truyền thông miêu tả các cuộc tiếp xúc gần đây giữa nhiều quan chức cấp cao Mỹ - Trung mang hơi hướng “thẳng thắn, thực tế và hữu ích”.
Hai bên cho thấy họ sẵn sàng gác lại những khác biệt trong nhiều vấn đề, khẳng định sẽ cùng đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên đi theo “một đường hướng mới”.
“Tình anh em” rạn nứt
Dù là đồng minh lớn nhất nhưng Trung Quốc gần đây liên tục phản đối việc Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa, nhiều lần ủng hộ các lệnh trừng phạt do LHQ đưa ra với Bình Nhưỡng. Đáp trả trước hành động phóng tên lửa vi phạm nghị quyết của LHQ, Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu than đá của Triều Tiên cho tới hết năm nay.
Cụ thể, lệnh cấm của Trung Quốc gửi đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ tới Triều Tiên, bởi than đá là mặt hàng xuất khẩu chính và chiếm tới 90% hoạt động thương mại của Bình Nhưỡng.Mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đang trở thành cái cớ chính đáng để Washington thuyết phục Bắc Kinh trước kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc. |
Giới chức Trung Quốc khẳng định, lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên chỉ là bước đi kế tiếp sau khi Hội đồng Bảo an đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn liên quan tới các vụ thử hạt nhân trong năm 2016 của Bình Nhưỡng.
Đáp trả động thái nêu trên, truyền thông nhà nước Triều Tiên chỉ trích “cường quốc láng giềng đang nghiêng về phía kẻ thù”. Trong bài bình luận, hãng thông tấn trung ương KCNA không nhắc trực tiếp tới Trung Quốc nhưng cho hay “một quốc gia thường tự xưng là láng giềng thân thiện” đang đe dọa rằng Triều Tiên sẽ phải hứng chịu những thiệt hại lớn.
Bài viết ám chỉ Trung Quốc đang đứng về phía đối địch để làm suy thoái hệ thống xã hội của Triều Tiên. Theo đó, Bắc Kinh đang đứng về phía Washington trong khi biện hộ cho cách cư xử ích kỷ của mình với những lý do rằng điều đó không gây tác động tiêu cực đến đời sống của người dân Bình Nhưỡng mà chỉ nhằm vào chương trình hạt nhân.
Sự kiên nhẫn của Trung Quốc với quốc gia láng giềng Triều Tiên đang dần cạn kiệt. Dường như Bắc Kinh không còn tin tưởng “người anh em” bấy lâu vẫn được cho là giữ mối quan hệ hòa hảo kể từ khi ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo.
Chủ tịch Tập và nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc đã vô cùng tức giận trước thái độ của ông Kim Jong-un và các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Trong đó, một vụ thử hạt nhân năm 2016 của Triều Tiên còn diễn ra gần với biên giới Trung Quốc, khiến người dân đại lục không khỏi lo lắng. Ngoài ra, cái chết của Choi il (đang được cho là Kim Jong-nam - anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un) - thì thực sự khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.
Bởi theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đã bảo vệ ông Kim Jong-nam trong suốt nhiều năm ông này sống lưu vong. Sau cái chết của Kim Jong-nam liên quan tới chất độc thần kinh VX, nhiều nghi vấn đặt ra, có cả giả thuyết chính Bình Nhưỡng là thủ phạm.
Trước bối cảnh này, các nhà lãnh đạo và phân tích phương Tây cho rằng Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa đối với Triều Tiên. Bắc Kinh sẽ giữ thái độ quan sát đối với Bình Nhưỡng, theo sát các động thái của Triều Tiên để áp lệnh trừng phạt vào Bình Nhưỡng đồng thời cần thiết tìm sự kết giao với Washington.
Triều Tiên sẽ trở nên ít hữu dụng hơn đối với Bắc Kinh nếu vẫn duy trì vấn đề hạt nhân và việc kết nối quan hệ Mỹ - Trung sẽ là bàn đạp thúc đẩy bình ổn trên Bán đảo Triều Tiên. Trong một diễn biến mới nhất, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Trung Quốc phải gia tăng áp lực với Triều Tiên để ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân vi phạm các nghị quyết LHQ.
Như vậy, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã và đang đẩy Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Khi đó, Bình Nhưỡng trở thành “con bài mặc cả mới” trong tiến trình gây dựng quan hệ song phương Washington - Bắc Kinh.
Làm mới quan hệ
Có vẻ như quan hệ Mỹ - Trung đang gặp phải ít nhiều khó khăn. Suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump liên tục có những lời chỉ trích nhằm vào Trung Quốc liên quan tới nhiều lĩnh vực như chính sách tiền tệ, thương mại cho tới vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Động thái của ông Trump khiến nhiều người cho rằng hai cường quốc lớn nhất thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc đối đầu nguy hiểm.
Chưa hết, ngày 17-3, trên mạng xã hội Twitter, ông Trump đã cáo buộc Bắc Kinh không sử dụng ảnh hưởng của họ với tư cách một đối tác ngoại giao và thương mại chủ chốt của Triều Tiên.
Mỹ - Trung thể hiện một giọng điệu thân mật về vấn đề Triều Tiên nhằm mở đường cho cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Donald Trump. |
Ông Trump viết: “Triều Tiên đang hành xử vô cùng tồi tệ. Họ đã “chơi khăm” Mỹ trong nhiều năm qua. Trung Quốc gần như không hành động gì để giúp đỡ”.
Tuy nhiên, quan hệ song phương Mỹ - Trung đang dần có những bước tiến tích cực đầu tiên. Tổng thống Donald Trump đã tiến hành nhiều cuộc điện đàm đầu tiên với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, nhấn mạnh tôn trọng chính sách lâu đời “một Trung Quốc”. Thêm vào đó, mối đe dọa từ Triều Tiên là nguyên nhân khiến Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, đồng thời tạo nên cơ hội để “xoa dịu” những căng thẳng trước đây.
Ngay sau khi Mỹ đưa ra những chỉ trích, Trung Quốc cũng đã có những hành động thể hiện sự “cứng rắn” đối với Triều Tiên, phải kể đến biện pháp mạnh tay nhất là tạm dừng việc nhập khẩu than từ Triều Tiên từ nay đến hết năm 2017.
Do tính chất cấp thiết và quan trọng, khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên đã trở thành nội dung trao đổi với nhiều chủ đề khác nhau, chiếm nhiều thời lượng trong cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Trump.
Rõ ràng, hai bên đang tích cực trao đổi nhằm xây dựng tiêu chí chung khéo léo và cẩn trọng cho vấn đề này. Hiện tại, Triều Tiên đang có nhiều dấu hiệu liên tục cho các chương trình hạt nhân, và những vụ thử tên lửa gần đây chính là dấu hiệu thách thức đối với Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đang trở thành cái cớ chính đáng để Washington thuyết phục Bắc Kinh dịu giọng trước kế hoạch Mỹ cho triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Bởi trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối và coi THAAD là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Thế nên, Triều Tiên dần trở thành bàn đạp để “làm mới” quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chưa dừng lại ở đó, các cuộc gặp mặt của nhiều quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã đưa ra những thông điệp cảnh báo rất rõ ràng với Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Donald Trump tỏ ra vô cùng “cứng rắn và quyết liệt”, tuyên bố Mỹ sẽ không theo đuổi cách tiếp cận kiên nhẫn chiến lược “sai lầm” và cảnh báo rằng hành động quân sự của Mỹ với Triều Tiên là một lựa chọn “đang được thảo luận”.
Phía Trung Quốc đã nhất trí khẳng định Triều Tiên đang đe dọa sự ổn định trong khu vực, nhấn mạnh Bắc Kinh và Washington nên tăng cường hợp tác để trước hết kìm hãm Bình Nhưỡng, và sau đó là “tiến thêm một bước” trong quan hệ song phương.
Tất nhiên, Trung Quốc cũng tỏ thái độ nhẹ nhàng khi mong muốn thuyết phục Triều Tiên điều chỉnh phương hướng đối đầu và từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân. Theo đó, Bắc Kinh tôn trọng quan điểm lấy ngoại giao làm chìa khóa giải quyết vấn đề, và thúc giục Mỹ - Triều Tiên nối lại đàm phán.
Có thể nói, việc đưa ra các biện pháp kiềm chế cũng như loại bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề lớn mà Mỹ và Trung Quốc cần phải hợp tác trong giai đoạn ông Trump giữ chức Tổng thống Mỹ.
“Chúng tôi chia sẻ quan điểm chung rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vào lúc này đang khá cao, rằng mọi thứ đã đạt đến mức độ nguy hiểm, và chúng tôi cam kết về việc làm mọi thứ có thể để ngăn chặn bất kỳ xung đột nào bùng phát”, Tổng thống Donald Trump cho biết.
Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ và Trung Quốc cần thiết chung tay giải quyết vấn đề Triều Tiên sẽ thúc đẩy quan hệ tốt hơn, gần gũi hơn và nhanh chóng hơn cho cả hai nước. Tuy nhiên, cả Washington và Bắc Kinh vẫn chưa “tung hết bài” trong vấn đề Triều Tiên.
Việc hai bên thể hiện một giọng điệu thân mật gợi ý rằng có lẽ hai nước đang tiến hành các cuộc “mặc cả” nhằm mở đường cho cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Donald Trump vào tháng 4 tại Mỹ. Điều đó cũng cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có những tính toán của mình trên “bàn cờ” Triều Tiên...