Nhà văn Anh Salman Rushdie:

Muốn ăn sáng cùng Shakerspeare

Thứ Sáu, 09/12/2011, 13:41
Cách đây 30 năm, nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie đã được nhận được giải thưởng cực kỳ danh giá Booker nhờ tiểu thuyết “Những đứa trẻ lúc nửa đêm”. Rushdie cũng là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, đặc biệt là tiểu thuyết “Những vần thơ quỷ Satan” (1988), từng khiến ông trở thành tội đồ trong mắt những phần tử Hồi giáo cực đoan. Hiện nay, ông là Chủ tịch Pen Club Anh và là một trong những ứng cử viên sáng giá từ nhiều năm nay của giải Nobel văn chương.

Salman Rushdie sinh năm 1947 tại Bombay (Mumbai ngày nay). Vì tiểu thuyết Những vần thơ quỷ Satan, ông đã bị giáo chủ Ruhollah Khomeni của Iran ra lệnh cho các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới truy nã tử hình. Và thế là suốt một thời gian dài, nhà văn đã phải sống chui lủi, mai danh ẩn tích (tất nhiên, không phải vì thế mà ông đã không thể li dị  vợ cũ và cưới vợ mới!). Mãi tới tháng 9/1998, Tehran mới hủy bỏ lệnh tử hình ông.

Trong bài trả lời phỏng vấn được tiến hành nhân một phần tư thế kỷ sau khi tiểu thuyết Những đứa trẻ lúc nửa đêm được phát hành lần đầu, Rushdie đã bộc lộ rất nhiều tâm sự của mình. Ông đã nói khá nhiều về những suy tư của ông trong giai đoạn phải bí mật náu mình vì bị các thế lực Hồi giáo cực đoan truy nã.

Khi người ta hỏi tôi về những năm tháng đó, thì tôi đã trả lời: “Đó là những tháng năm rất khó khăn”. Và có người bảo với tôi rằng: “Bù lại, bây giờ ông đã thực sự lừng danh!”. Như thế đó có thể là sự đền bù thích đáng. Ở một bên đầu cân là 9 năm của cuộc đời ta, còn bên kia, “thực sự lừng danh”.

Thế đấy! Hãy thử tưởng tượng xem, quỷ sứ vào nhà bạn và nói: “Tôi được giao nhiệm vụ báo với ngài rằng, ngài sẽ chết vào năm 72 tuổi 4 tháng và 15 ngày, nhưng hoàn toàn vô danh tiểu tốt. Nhưng nếu ngài đồng ý chết vào tuổi 63 bốn tháng 15 ngày thì tôi sẽ giúp ngài nổi danh toàn thế giới”.

Một số người chấp nhận cuộc chơi đó - cái thế giới mà chúng ta đang sống trong nó điên khùng như thế đấy!

Nhà - đó là nơi, mà ta cảm thấy mình hạnh phúc.

Đôi khi viết được tiểu thuyết cũng không dễ dàng hơn là mang nặng đẻ đau.  Có lẽ các bạn sẽ hỏi các nữ văn sĩ xem làm việc gì thì cực nhọc hơn.

Ngày nào tôi cũng dành cho việc này những sức lực mới mẻ nhất. Trở dậy từ giường, tôi vào phòng làm việc và bắt đầu viết. Tôi vẫn còn mặc nguyên bộ pijama, thậm chí còn chưa đánh răng. Nhưng tôi ngay lập tức “ra tay gạo xay ra cám”.

Tôi cảm thấy trong thời gian ngủ, ở trong tôi đã tích tụ lại được một hạt nhân sáng tạo vừa vừa và tôi không muốn để nó uổng phí. Vì thế nên tôi làm việc trong một hai giờ, cho đến khi xuất hiện cảm giác là công việc bắt đầu ổn. Và khi ấy tôi mới đi đánh răng, rửa mặt.

Đôi khi cũng có những ngày rất dễ dàng. Tự nhiên chúng xuất hiện, thế thôi. Ai biết được là những hôm đó sức mạnh nào trỗi dậy ở trong ta?

Tôi tốt nghiệp đại học năm 1968, còn Những đứa trẻ lúc nửa đêm được in hai mươi năm sau đó. Trong khoảng thời gian giữa hai việc này thì nhìn chung, tôi đã cố được đâu hay đấy. Tôi đã làm trong hãng quảng cáo hai ngày một tuần để năm ngày còn lại có thể ngồi ở nhà viết. Tôi đã phải cưỡng lại sự cám dỗ vì những người làm nghề quảng cáo đã dùng đủ mọi trò để lôi kéo tôi.

Nếu ta không thành công như một nhà văn, thì một triển vọng như thế có vẻ rất hấp dẫn. “Đừng ngốc nghếch!” – giọng nói nội tâm ngăn cản bạn. Giờ thì tôi nghĩ rằng, cái chàng trai trẻ là tôi khi ấy đã hành xử rất dũng cảm: Tôi đã quyết định làm một thằng ngốc. Cương quyết làm theo ý mình bất chấp mọi sự. Theo tôi, đó là một hành động dũng cảm, quyết định trở thành người mà mình muốn trở thành và bất chấp mọi hệ lụy có thể xảy ra.

Nếu phải chọn một cuốn sách duy nhất từ tất cả những cuốn sách đã được viết ra trong 60-70 năm qua thì tôi có lẽ sẽ chọn Trăm năm cô đơn.

Các bạn hãy quan sát những quốc gia mà chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã trở thành thâm căn cố đế. Tại tất cả các nơi đó đều áp bức phụ nữ. Các nữ tín đồ Hồi giáo đều biết rõ những vấn đề của nền văn hóa Hồi giáo - họ phải gánh chịu chúng trên chính bản thân mình. Và tôi thường có cảm giác rằng, khi nào tới lúc cần phải thay đổi thì những người khởi xướng chính là phụ nữ.

Nếu con tôi lại có những định kiến, thì tôi sẽ rất xấu hổ. Vì đối với tôi điều đó có nghĩa: tôi là một ông bố tồi.

Tại Cambrighe, tôi đã nghiên cứu về lịch sử, chứ không phải văn học.  Một trong những bài học chính mà tôi đã tiếp thu được ở đó là: câu hỏi “Sẽ ra sao, nếu như?...” không thú vị chút nào. Thực ra điều quan trọng  duy nhất là câu trả lời cho câu hỏi “Nó là cái gì?”. Thảo luận về việc điều gì sẽ xảy ra nếu như Hitler giành được thắng lợi trong chiến tranh thế giới thứ hai không phải là việc thú vị, vì y đã bị bại trận.

Thú vị là điều khác: Tìm hiểu xem tại sao y lại bại trận và đâu là hệ lụy của việc y đã thua? Đối với nhà văn, đó là điểm khởi đầu tuyệt vời nhất. Hãy đặt ra các câu hỏi: Điều gì đã thực sự xảy ra? Tại sao lại như vậy?  Hãy tin tôi đi, không dễ trả lời các câu hỏi này, vì trong cách nhìn của những người khác nhau ngay cả những sự kiện đơn giản nhất cũng hiện lên theo những cách rất khác nhau. Đặc biệt là trong thời đại của chúng ta, khi đối với một số người này thì đó là tên khủng bố, còn đối với một số người khác, thì đấy đích thực là một anh hùng.

Trong những ngày mà tôi cần sự bảo vệ,  tôi đã hiểu ra rằng, từ “đe dọa” và “nguy hiểm” hoàn toàn không đồng nghĩa. Có mức độ đe dọa chung mà các cá nhân phải chịu - nó có thể cao, trung bình hoặc thấp. Có thể đánh giá nó theo cách này hoặc theo cách khác. Mức độ cao buộc phải thông qua những biện pháp bảo vệ đặc biệt nào đó, còn mức độ thấp chỉ có nghĩa là ta cần phải cẩn thận hơn. Nhưng nguy hiểm chính là sự báo động liên quan tới những hành động cụ thể ở mức độ đe dọa chung.

Thí dụ, mức độ đe dọa đối với một con người cụ thể có thể là cao, nhưng nếu con người đó quyết định đi xem phim mà không nói cho ai biết điều này, vào rạp khi đèn đã tắt và rời khỏi rạp khi đèn còn chưa bật sáng, thì sự nguy hiểm liên quan tới việc này rất nhỏ. Vả lại ở rạp chiếu bóng lúc nào cũng có những người bảo vệ.

Thế là đã bảy năm rồi tôi sống một cuộc đời bình thường, và giờ đây, cuốn sách đó (tức Những vần thơ quỷ Satan) được đọc như một tiểu thuyết bình thường và hiển nhiên là người ta viết về nó những lời phản hồi bình thường. Ai đó thích nó, ai đó buồn nôn vì nó, và có cả một đống những ý kiến trung tính về nó. Nhưng đó thôi là một chủ đề nóng và không còn là lý do để gây nên những tai tiếng nữa như nó từng là như thế. Cuối cùng, nó đã được chỉ là một cuốn sách.

Câu chuyện này đã mở mắt cho tôi nhiều điều. Nhờ nó tôi mới hiểu ra rằng, người ta có thể căm thù mạnh mẽ như thế nào. Nhưng tôi cũng được biết thêm việc khác: con người cũng có thể đoàn kết và thân ái lớn như thế nào. Bạn hỏi tôi lòng dũng cảm.

Đây là một thí dụ: người phụ nữ làm việc trong hiệu sách nhận được điện thoại và một giọng nói lạ  vang lên: “Bọn tao biết con mày đi học theo đường nào”, nhưng chị ấy vẫn tiếp tục bán sách. Nhiều hiệu sách bị ném bom cháy nhưng ở đấy người ta vẫn tiếp tục bán sách. 

Ông chủ nhà xuất bản in sách của tôi ở Na Uy bị bắn trúng lưng và nay chỉ nhờ sức khỏe bẩm sinh quá tốt nên ông ấy mới sống sót được. Trước đây, ông từng là thành viên đội tuyển trượt tuyết Na Uy. Giả sử mà ông yếu hơn thì ông đã không thể thoát chết được. Và vừa mới hồi phục chút ít sau khi bị thương nặng, ông đã cho tái bản cuốn sách. Đấy mới thực sự là lòng dũng cảm!

Cũng lắm khi tôi tham dự các dạ tiệc và ai cũng bảo: “À, hóa ra ông ấy cũng thích sinh hoạt thượng lưu!”. Cứ làm như trong việc giải trí có điều gì đó xấu. Cũng làm như những nhà văn đôi khi đi giải trí thì sẽ gây nên những hoài nghi! Có lẽ Scott Fitzgerald đã bị khổ về chuyện này hơn tôi nhiều.

Nhưng dù thế nào thì khi bắt đầu thiên niên kỷ mới và người ta trưng cầu ý kiến độc giả về cuốn tiểu thuyết tuyệt nhất trong số tất cả những gì đã được viết ra thì cuốn Gatsby vĩ đại đã lọt vào mọi danh sách “hót” nhất của Mỹ ở vị trí thứ nhất. Đấy, cái người mà đã bị buộc tội “sến”, tay chơi hoa lá cành, nhưng đã viết được cuốn tiểu thuyết Mỹ vĩ đại nhất. Làm cách nào mà ông ấy viết được thế?

Ông ấy viết được thế không phải vì ông ấy luôn quá chén trong các dạ tiệc mà vì ông ấy là thiên tài. Và còn vì ông ấy biết cách rèn giũa và sử dụng tài năng đó, mà điều này thì đòi hỏi phải lao động. Đại đa số các nhà văn mà tôi quen biết đều cần mẫn lao động. Nhưng khi họ rời khỏi căn nhà của mình và nheo mắt lại vì ánh đèn pha chiếu rọi vào mình thì họ lại hay bị buộc tội là quá phù hoa.

Khi ở đằng sau lưng bạn đã tích tụ được một số cuốn sách rồi thì bạn dù muốn hay không đều phải làm quen với cảnh: trên đời này có những người hoàn toàn không thích những gì bạn viết. Những gì bạn viết không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của họ. Mọi cuốn sách đều có chung một đặc điểm: Nếu bạn đọc sách và bạn không cảm thấy thích nó thì bạn thường là căm thù nó. Vì bạn đã tiếp xúc với sách một cách rất gần gụi. Đọc sách, đó là sự trải nghiệm riêng tư diễn ra trong chính chúng ta.

Vì thế khi bạn không thích một cuốn sách nào đó, bạn cảm thấy, bạn bị xía vào lòng. Và vì thế phản ứng của độc giả rất quyết liệt: Hãy cút khỏi lòng tôi đi! Đó hoàn toàn không như điện ảnh. Điện ảnh thì ai biết nó ở đâu. Nhưng sách thì lại thẩm thấu vào trong lòng ta và điều đó đôi khi làm ta rất khó chịu. Tôi nghĩ rằng, chính vì thế nên những bài điểm sách đôi khi quá chua cay, ngay cả nếu như những người viết ra chúng trong đời thường không phải là như thế.

Hơn tất cả mọi điều tôi muốn viết được những cuốn sách có thể tồn tại lâu dài. Những đứa trẻ lúc nửa đêm tới tháng tư này (năm 2006) sẽ tròn 25 tuổi và tôi rất tự hào về việc cho tới nay cuốn sách này vẫn sống. Nó bây giờ vẫn là thời sự đối với con người, đối với thế hệ sinh ra sau khi nó được in lần đầu tiên.

Họ vẫn tìm nó, chọn nó, nó vẫn tạo ra được cảm xúc trong lòng độc giả. Khó khăn hàng đầu, đó là vượt được vật cản giữa các thế hệ. Nếu tác phẩm không chết, khi đã trôi qua bốn năm thế hệ rồi thì có thể coi là nó đã vượt qua được thử thách của thời gian. Thật tiếc là tôi không thể tận mắt nhìn thấy điều này.

Nhưng ít nhất thì việc vượt qua được vật cản đầu tiên cũng đã xảy ra trước mắt tôi. Nhưng tôi coi việc thử thách qua thời gian mới là quyết định. Làm sao viết được điều sẽ trở thành quan trọng và quý giá đối với cả những người sẽ sống 100 năm sau chúng ta?  Tôi đang cố gắng trả lời câu hỏi này bằng công việc của mình.

Tôi biết những gì ư? Tiên đoán không phải là chuyên môn của tôi. Các nhà tiên tri đã gây cho tôi quá nhiều chuyện rồi nên tôi càng không muốn gia nhập đội ngũ của họ. Vì thế, tôi sẽ không tiên đoán xem chuyện gì sẽ tới sau 50 năm nữa. Ngay cả tìm hiểu xem những gì đang diễn ra cũng đã quá khó rồi.

Nếu có thể thì nên gặp ai trong bữa ăn sáng? Về phần mình thì tôi chọn Shakerspeare. Dù rằng, trong suốt một thời gian dài, câu hỏi yêu thích của tôi lại là: liệu Shakerspeare có “hay” khi ở trên giường không? Dù khủng khiếp thế nào thì tôi vẫn lo rằng, câu trả lời sẽ có”

Huyền Anh
.
.