Mùa tranh cử 2016: Những dấu mốc kỳ lạ

Thứ Sáu, 11/11/2016, 11:04
Nước Mỹ đã có một kỳ bầu cử kỳ lạ. Nhưng còn những điều lạ lùng hơn từ lịch sử để lại thành tập quán cho đến nay. Dưới đây là những điểm thú vị của bầu cử Mỹ, theo BBC.

“Chủ nghĩa vô thần” không được làm quan chức

Nước Mỹ duy trì sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Nhưng một số tiểu bang vẫn yêu cầu các ứng cử viên ít nhất có niềm tin vào Chúa. Như bang Texas yêu cầu quan chức phải “thừa nhận sự tồn tại của Đấng Tối cao”, theo Hiến pháp của bang. Bang Tennessee cũng duy trì luật tương tự, chỉ những người có niềm tin vào Chúa mới được nắm giữ chức vụ trong bộ phận nhà nước. Các tiểu bang khác có luật tương tự là: Nam Carolina, Bắc Carolina, Mississipi, Maryland và Arkansas.

Không bán rượu trong ngày bầu cử

Tuy hiện nay không còn tiểu bang nào cấm bán rượu trong ngày bầu cử nhưng một số thành phố vẫn tiếp tục thực hiện như ở bang Indiana. Trên thực tế, có 18 thành phố ở bang Hoosier có luật địa phương là cấm bán rượu vào ngày 8-11.

Tập quán này có từ thời cựu Tổng thống George Washington. Trong khi tranh cử vào Nhà Trắng từ năm 1758, người sáng lập nước Mỹ đã dành toàn bộ ngân sách chiến dịch của ông (chỉ gần 100 USD) vào rượu để chiêu đãi cử tri. Vì vậy ngày này nước Mỹ không bán rượu.

Điểm sản xuất rượu của George Washington tại bang Virginia, năm 2007.

Nhãn dán “Tôi đã bầu”

Hiện chưa rõ nhãn dán được sử dụng phổ biến trong bầu cử, nhưng cử tri Mỹ thường thấy sticker (nhãn dán) với dòng chữ “Tôi đã bầu” sau khi rời khỏi phòng bỏ phiếu. Một công ty ở bang Florida đã tuyên bố họ thiết kế sticker “bản gốc” và dùng trên toàn quốc. Công ty bắt đầu in nhãn dán trên cả nước từ năm 1986.

Một số tiểu bang ở Mỹ còn thiết kế nhãn dán riêng cho mình. Cử tri bang Georgia có dán nhãn hình trái đào, loại quả biểu tượng của bang. Còn thành phố Chicago thì bỏ hình thức nhãn dán để tiết kiệm chi phí. Một số nghiên cứu cho thấy truyền thống sử dụng sticker này có thể từ tâm lý của người đi bầu, họ dùng nó để nói với người khác là “tôi đã bầu”.

Nhãn dán “Tôi đã bầu”.

Giới hạn thời gian trong phòng bỏ phiếu

Bang Indiana chỉ dành 3 phút cho cử tri trong phòng bỏ phiếu sơ bộ và chỉ 2 phút cho bầu cử chung. Luật của bang Alabama cho cử tri 4 phút để bỏ phiếu. Tuy nhiên nếu không có người đợi vào bỏ phiếu thì cử tri có nhiều thời gian hơn để bầu.

Cấm “kẻ ngốc” đi bỏ phiếu

Hiến pháp bang Kentucky cấm “kẻ ngốc và người điên” đi bỏ phiếu, tức là loại trừ những người không đủ năng lực. Trong thực tế, cụm từ kẻ ngốc và người điên được dùng phổ biến trong hiến pháp các bang Ohio, New Mexico và Mississipi để chỉ những người có khuyết tật về tâm thần. Trong khi đó người khuyết tật được đi bỏ phiếu với sự giúp đỡ của bạn bè, người thân.

Bỏ phiếu nhiều lần

Ít nhất bảy tiểu bang cho phép cử tri thay đổi lá phiếu nếu họ đã bỏ phiếu trước ngày bầu cử. Chính vì vậy ứng cử viên đảng Cộng hòa, Donald Trump, đã kêu gọi cử tri tại bang Wisconsin đi bỏ phiếu lại nếu họ cảm thấy “hối tiếc” về lá phiếu đã bầu cho bà Hillary Clinton. Bang Wisconsin cho phép cử tri thay đổi lá phiếu đến 3 lần trước khi bỏ phiếu chính thức. Các tiểu bang khác cũng cho phép thay đổi là Minnesota, Pennsylvania, New York, Connecticut và Mississipi.

Thú cưng tham gia chính trị

NextGen là một nhóm vận động cho vấn đề biến đổi khí hậu. Họ đang có kế hoạch mang theo chó con đến điểm bỏ phiếu ở các bang Iowa, North Carolina, Pennsylvania, Nevada và New Hampshire nhằm lôi kéo các cử tri trẻ tuổi đi bầu cử. Nhóm này đưa ra ý tưởng khi họ thấy một giai thoại về tỷ lệ cam kết bỏ phiếu cao hơn hẳn ở các nơi mà tình nguyện viên của điểm bầu cử mang theo chó con đến cùng, theo Business Insider.

Một nhóm vận động sẽ đưa cún con đến các điểm bầu cử để thu hút cử tri đi bầu.

Cấm đánh nhau

Nghe có vẻ cũ nhưng bất cứ ai đánh nhau thì sẽ không được làm quan chức ở bang Tennessee. Các quan chức sẽ bị phạt và bị cách chức nếu họ đánh nhau hoặc đấu tay đôi.

Tuyên thệ tổng thống bằng Kinh Thánh

Mặc dù Hiến pháp Mỹ không yêu cầu tổng thống tuyên thệ bằng Kinh Thánh, nhưng George Washington bắt đầu truyền thống này khi ông dùng Kinh Thánh Masonic cho lễ nhậm chức của mình.

John Adams sử dụng một cuốn sách luật Hoa Kỳ trong lễ nhậm chức năm 1825, còn Theodore Roosevelt không sử dụng cuốn sách nào khi tuyên thệ lần đầu vào năm 1902. 

Nhưng các tổng thống Mỹ khác đều chọn Kinh Thánh trong lễ nhậm chức. Họ thường chọn một câu hay đoạn cụ thể trong Kinh Thánh để đọc lời tuyên thệ. Franklin Roosevelt dùng duy nhất một đoạn Kinh Thánh trong tất cả 4 lần tuyên thệ của ông. Còn Tổng thống Barack Obama đọc lời tuyên thệ trong kinh thánh giống như của ông Abraham Lincoln và Martin Luther King.

Những dấu mốc

Về lý thuyết, chỉ cần công dân Mỹ được “sinh bằng cách tự nhiên”, ít nhất 35 tuổi, thường trú tại Mỹ ít nhất 14 năm sẽ được tranh cử tổng thống.

Trên thực tế, gần như tất cả các tổng thống Mỹ từ năm 1933 trở lại đây đều từng là thống đốc, thượng nghị sĩ hoặc cấp tướng 5 sao. Không những thế, ứng viên phải được Đảng đề cử và được truyền thông quốc gia chú ý, theo BBC. 

Trong cuộc bầu cử năm 2016, có ít nhất 10 thống đốc hoặc cựu thống đốc, 10 người đã hoặc đang là thượng nghị sĩ tham gia tranh cử. Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chỉ được chọn một ứng viên đại diện tranh cử.

Vào tháng 2-2016, vòng bầu cử sơ bộ được tổ chức cả trong và ngoài nước Mỹ để chọn ra các đại biểu tham gia Đại hội đảng toàn quốc vào tháng 7.  Các đại biểu của mỗi đảng cam kết ủng hộ cho một ứng viên nhất định để đảng đó đề cử chạy đua vào Nhà Trắng. Người nào được nhiều đại biểu ủng hộ nhất sẽ trở thành ứng viên Tổng thống của đảng đó.

Tháng 7-2016, đảng Dân chủ nhất trí chọn bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ. Còn đảng Cộng hòa đề cử ông Donald Trump, một tỷ phú bất động sản ở New York. Hai ứng viên phó tổng thống là ông Tim Kaine, Thượng nghị sĩ bang Virginia của đảng Dân chủ và ông Mike Pence, Thống đốc bang Indiana của đảng Cộng hòa.

Bỏ phiếu từ vũ trụ

Một dự luật năm 1997 của bang Texas cho phép các phi hành gia bỏ phiếu từ không gian. Theo NASA (Cơ quan Hàng không Mỹ), các phi hành gia nhận lá phiếu thông qua e-mail bảo mật. Sau khi điền xong lá phiếu gửi lại văn phòng bầu cử bằng e-mail.

Phi hành gia Kate Rubins gửi phiếu bầu từ Trạm không gian vũ trụ.

Những tranh cãi và bê bối suốt cuộc đua

Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump liên tục gây ra những tranh cãi và những phát ngôn gây xôn xao dư luận. Ông mô tả người nhập cư Mexico là những “kẻ hiếp dâm và tội phạm”. Ông phát ngôn thiếu lịch sự đối với nhiều người, từ thẩm phán, hoa hậu hoàn vũ, nhà báo Fox News,… Ông Trump bị nhiều bê bối bủa vây như cáo buộc trốn thuế suốt 18 năm và nhiều nghi vấn quanh quỹ từ thiện Trump.

Đầu tháng 10 xuất hiện một đoạn băng ghi lời ông Trump bình luận tục tĩu về phụ nữ hồi năm 2005 đã khiến ông bị nhiều người tẩy chay và tố cáo. Sau đó Đảng Cộng hòa bị chia rẽ sâu sắc về việc này. 

Trước làn sóng “tẩy chay”, Trump đã phải xin lỗi, và cho rằng “những lời này không phản ánh con người tôi”. Còn bà Clinton cũng chịu nhiều áp lực, đặc biệt là bê bối e-mail cá nhân và những nghi vấn về số tiền quyên góp cho Quỹ Clinton. Bà Clinton còn đối mặt với những câu hỏi về tình hình sức khỏe.

Hai ứng viên Tổng thống đã trải qua 3 cuộc tranh luận trực tiếp, còn ứng viên phó tổng thống đối mặt trực tiếp 1 lần.

Quy trình vòng chung kết

Bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào thứ ba ngay sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11. Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà họ dùng phiếu phổ thông để chọn các “đại cử tri” trong bang, những người ủng hộ ứng cử viên mà họ muốn trở thành tổng thống. Số lượng đại cử tri mỗi bang tỉ lệ thuận với dân số. California, bang có dân số lớn nhất, có 55 đại cử tri. Ngược lại, Delaware, bang có dân số nhỏ nhất, chỉ có 3 đại cử tri.

Tổng số đại cử tri từ 50 bang là 538. Muốn trở thành tổng thống, ứng cử viên phải giành tối thiểu một nửa, tức là 270 phiếu đại cử tri. Người giành phần lớn phiếu phổ thông của một bang sẽ thu về toàn bộ phiếu đại cử tri của bang. 

Theo Hiến pháp Mỹ, nhiệm kỳ của Tổng thống bắt đầu vào trưa ngày 20-1 của năm kế sau cuộc bầu cử. Tổng thống mới sẽ bắt đầu chương trình nghị sự chính sách kỹ lưỡng sau khi nhận bàn giao từ Tổng thống mãn nhiệm.

Chi phí bầu cử kỷ lục

Theo thông cáo báo chí mới đây của Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm CRP (Trung tâm nghiên cứu đóng góp cho các chính trị gia), chi phí cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 có thể là cao nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

Cụ thể, các ứng cử viên và các đảng phái toàn liên bang đã và đang chi tới hơn 6,6 tỷ USD cho các chiến dịch tranh cử của mình. Ứng viên Hillary Clinton và đối thủ Donald Trump đã chi ra hơn 1,13 tỷ USD, nhiều hơn 100 triệu USD so với chi phí mà các ứng cử viên tổng thống năm 2012 đã bỏ ra.

Văn Nguyễn - D.T.
.
.