Một mối quan hệ tinh tế

Chủ Nhật, 11/11/2018, 10:31
Ngày 26-10-2018, vẫn là cái bắt tay giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Bắc Kinh, vẫn không có một nụ cười trên gương mặt hai nhà lãnh đạo, nhưng, như Chủ tịch Trung Quốc đã khẳng định trong cuộc hội đàm sau đó, quan hệ Trung - Nhật “đã trở lại bình thường”.


Sắc thái tinh tế của một cú bắt tay

Tháng 11 năm 2014, Trung Quốc là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế APEC tại Bắc Kinh. Bên lề hội nghị thượng đỉnh diễn ra nhiều cuộc gặp song phương nhưng cuộc gặp thượng đỉnh song phương Trung-Nhật đã thu hút mọi con mắt của các nhà quan sát quốc tế. 

Quan hệ Trung-Nhật đang ở vào một trong những giai đoạn tồi tệ nhất, không chỉ bởi những mắc mớ trong quá khứ nhiều chục năm trước mà còn vì những va chạm gay gắt ngay ở thời điểm đó. 

Xung đột gay gắt xung về chủ quyền quanh nhóm đảo trên biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đã lan nhanh trên đất liền với việc bùng nổ các cuộc biểu tình của người Trung Quốc, thậm chí dẫn tới đập phá hàng hóa cũng như trụ sở một số doanh nghiệp Nhật Bản...   

Bởi vậy, cuộc gặp diễn ra ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã diễn ra dưới con mắt săm soi của hàng trăm phóng viên quốc tế cùng những chuyên gia phân tích hình thể, lễ nghi mà những sắc thái tinh tế cho phép người ta rút ra vô số thông điệp.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

Trái với thông lệ của một nước chủ nhà, Chủ tịch Tập Cận Bình không đón khách mà Thủ tướng Shinzo Abe đã phải đứng chờ ông Tập ở Đại Lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn nghi thức ngoại giao bình thường. 

Khi gặp nhau, ông Shinzo Abe chủ động hướng bàn tay về phía chủ nhà với cử chỉ thân thiện, nói vài lời chào hỏi nhưng ông Tập không đáp lại. Hai người bắt tay nhau cho phóng viên chụp ảnh với vẻ mặt lạnh như tiền rồi sau đó ông Tập lắc nhẹ tay ông Abe, không nói gì và quay đi...

Những cử chỉ này mang thông điệp rõ ràng đến nỗi người người ta hiểu rằng tranh chấp giữa hai nước xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà lớn hơn là cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc khu vực còn lâu mới có thể tìm ra bước đột phá để đi tới hòa hoãn.

Những sắc thái tinh tế như vậy luôn là một mảng không thể thiếu trong các cuộc gặp gỡ giữa các yếu nhân Trung Quốc và Nhật Bản, khi mà bất cứ một sự khác thường nào cũng bị suy diễn thành những tín hiệu bất thường, làm dậy sóng dư luận cũng như truyền thông.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9-2016, cuộc đàm phán song phương giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe là cuộc gặp duy nhất nước chủ nhà Trung Quốc không treo cờ hai nước để làm phông nền chụp ảnh.

Hay đầu năm 2018, khi tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đến Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ngỏ lời khen chiếc cà vạt màu đỏ tươi của ông Taro Kono.

Ngay lập tức, truyền thông Nhật Bản giận dữ “kết tội” phía Trung Quốc trịch thượng bởi cho rằng ông Lý ngụ ý việc Ngoại trưởng Nhật đeo cà vạt màu đỏ mang ý nghĩa cầu may mắn là để “lấy lòng” Bắc Kinh...

Chỉ cần một chuyến đi thăm ngôi đền Yasukuni ở Tokyo của một yếu nhân nào đó, một bài phát biểu hớ hênh về thời kỳ Minh Trị duy tân cũng đủ trở thành khúc mắc trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đấy là chưa kể những va chạm trên thực địa ở vùng biển Hoa Đông, khi mà hai phía thường xuyên nắn gân nhau bằng những hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Những sắc thái đó, khi được phóng chiếu qua con mắt nhạy cảm của hai phía Nhật Bản và Trung Quốc, cho thấy sự mong manh trong mối quan hệ Nhật-Trung.

Sự đảo chiều kịch tính

Đấy là một mối quan hệ nhiều trắc trở và không hề dễ dàng.

Quan hệ Trung-Nhật trong lịch sử từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1945 là mối quan hệ giữa kẻ bị chiếm và kẻ đi xâm chiếm, giữa niềm kiêu hãnh của một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng hùng mạnh với sự tủi nhục của quốc gia đất rộng người đông mà phải cam chịu áp bức.

Những năm tháng sau chiến tranh, quan hệ Trung-Nhật không có sự đột biến nào, cho đến khi hai nước ký Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật có hiệu lực vào ngày 23-10-1978. 

Cũng ở thời điểm đó, Trung Quốc bắt đầu chính sách mở cửa với tham vọng thoát khỏi định danh một quốc gia thuộc “thế giới thứ ba”, trong khi Nhật Bản đã trở thành một cường quốc công nghiệp. 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, trong dịp đến Tokyo tháng 10-1978 để tham gia nghi thức trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp định Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật, đồng thời tiến hành chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 8 ngày đã nói với hơn 400 phóng viên đại diện cho các hãng truyền thông quốc tế: “Lần này tôi đến Nhật Bản chính là muốn học hỏi từ đất nước này!”.

Quá trình “học hỏi” đó của Trung Quốc (tất nhiên là không chỉ đối với riêng Nhật Bản) kéo dài suốt 4 thập niên và đã mang lại những kết quả bất ngờ trong tương quan so sánh với chính Nhật Bản.

Những con số có thể nói lên nhiều điều. Tạp chí Cửa số phương Nam của Trung Quốc dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy GDP của Nhật Bản trong năm 1978 gấp 6,7 lần Trung Quốc, nhưng đến năm 2017, GDP của Trung Quốc đã gấp 2,5 lần Nhật Bản. 

Sau 4 thập niên, tỷ lệ GDP của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới tăng từ 1,8% lên 15,2%, còn của Nhật giảm từ 11,8% xuống còn 6%.

Năm 2006, GDP của Trung Quốc bằng 62% của Nhật Bản. Đến năm 2013, GDP của Nhật Bản chỉ bằng 52% của Trung Quốc. Trong cùng thời gian, chi phí quân sự của Nhật Bản vào năm 2006 gấp 1,1 lần Trung Quốc và đến năm 2013, chi phí quân sự của Trung Quốc đã gấp 2,2 lần của Nhật Bản...

Sự đảo chiều đầy kịch tính đó khiến nhiều người phải sửng sốt và nó đã có tác động không nhỏ đến quan hệ Trung-Nhật. Từ một quốc gia bị xếp vào diện “thế giới thứ ba”, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Gần như đương nhiên, cách nhìn nhận về nhau cũng thay đổi. Trong khi Nhật Bản coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một nhân tố tiềm ẩn nguy cơ trong cuộc cạnh tranh chiến lược thì Trung Quốc có tham vọng có tiếng nói trọng lượng hơn trên bàn cờ quốc tế, trong đó có cả khu vực Đông Bắc Á, rộng hơn là toàn bộ châu Á.

Sự thay đổi vị thế cũng như cách đánh giá về nhau giữa hai quốc gia hàng đầu châu Á như vậy tất yếu dẫn tới những cọ xát mà vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và Nhật Bản ở khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku năm 2010 là khởi đầu cho một chuỗi những xung đột dây chuyền trong những năm tiếp theo. 

Nó khiến cho cuộc gặp mặt bên lề thượng đỉnh APEC Bắc Kinh tháng 11-2014 trở thành một màn diễn đỉnh cao với gương mặt lạnh lùng của hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Shinzo Abe trước ống kính của đông đảo phóng viên quốc tế.

4 năm sau, ngày 26-10-2018, vẫn là cái bắt tay giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Bắc Kinh. Vẫn không có một nụ cười trên gương mặt hai nhà lãnh đạo, nhưng, như Chủ tịch Trung Quốc đã khẳng định trong cuộc hội đàm sau đó, quan hệ Trung-Nhật “đã trở lại bình thường”.

Người góp phần đưa quan hệ giữa hai cường quốc nhiều hiềm khích trở lại với quỹ đạo bình thường là Tổng thống Mỹ Donald Trump!

Còn nhiều biến số

Không nghi ngờ gì nữa, chính sách “nước Mỹ trước tiên” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cương quyết thực hiện kể từ khi bước vào Nhà Trắng đã làm đảo lộn mọi sắp xếp địa chính trị trên thế giới, khiến cho nhiều nước buộc phải tiến hành “cài đặt” lại các mối quan hệ với bạn bè, đồng minh và với cả đối thủ.

Đông Bắc Á, nơi hợp lưu của 3 nhân tố: chính sách khó dự đoán của Tổng thống Donald Trump, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những biến chuyển xung quanh vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, cũng chứng kiến những sự điều chỉnh chiến lược của cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Cuộc thương chiến với Trung Quốc do Tống thống Mỹ khơi mào đã đặt Trung Quốc vào tình thế hiểm nghèo, khi mà nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều thập niên qua chắc chắn sẽ phải hứng chịu những tác động tiêu cực. 

Như một lẽ tự nhiên, Trung Quốc phải nhanh chóng tìm kiếm những bạn hàng mới, đối tác mới để phân tán rủi ro, giảm thiểu sức ép từ những đòn thế liên tiếp mà Washington phát động, trước mắt là đòn áp thuế tổng lực.

Không gì thích hợp hơn là một Nhật Bản cũng đang có mong muốn xích lại gần Trung Quốc.

Bởi với phương châm “nước Mỹ trước tiên”, ông Trump không ngại ngần gì mà không cảnh báo sẽ áp thuế lên một số mặt hàng của Tokyo, trước hết là xe hơi và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản.  

Nhưng điều đáng ngại hơn là ông Trump, trong quyết định đầu tiên của mình sau khi vào Nhà Trắng, đã ngay lập tức rút Mỹ khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một văn bản mà các nước tham gia đã mất nhiều công đàm phán trong thời gian dài.

Đây là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy nước Mỹ quay lưng lại với hệ thống thương mại đa phương, vốn là công cụ mà Nhật Bản rất kỳ vọng để giúp cho nền kinh tế nước này bật lên trong những năm trước mắt.

Ngay lập tức, Nhật Bản nắm lấy vai trò dẫn dắt cuộc chơi. TPP được thay thế một cách ngoạn mục tại thượng đỉnh APEC tháng 11 ở Đà Nẵng bằng Hiệp ước Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP với Nhật Bản đóng vai trò thúc đẩy quan trọng. Và trong bối cảnh ấy, Nhật Bản cũng tìm cách điều chỉnh chiến lược với phương châm “chuyển hướng sang châu Á”, với Trung Quốc là một lựa chọn.

Có thể nói, chính phương châm “nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đã là yếu tố quan trọng (nhưng không phải là duy nhất), đẩy Nhật Bản xích lại gần Trung Quốc.

Nhưng, cũng như sự tinh tế trong những cú bắt tay hay các thủ tục lễ tân giữa lãnh đạo hai nước, quá trình cải thiện quan hệ Trung-Nhật trong tam giác quan hệ Mỹ-Nhật-Trung đòi hỏi một sự tinh tế ở cấp độ chiến lược!

Trung Quốc sẽ cố gắng để chuyển đi thông điệp với người dân nước này rằng sự ấm lên trong quan hệ với Nhật Bản không đồng nghĩa với sự thỏa hiệp về những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. 

Trong khi đó, Tokyo cũng không đánh cược toàn bộ vào một mối quan hệ vẫn còn ẩn chứa không ít rủi ro với Bắc Kinh. Một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc có thể là một lựa chọn tốt nhưng tầm quan trọng của liên minh an ninh Nhật-Mỹ là không thể thay thế! 

Bởi thế, dù hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản xuất hiện trước ống kính phóng viên quốc tế với gương mặt nào, quan hệ Trung-Nhật vẫn ẩn chứa rất nhiều biến số, có tác động không nhỏ đến việc định hình diện mạo địa chính trị của cả thế giới những năm trước mắt.

Yên Ba
.
.