Một lời biện hộ cho thơ

Thứ Tư, 03/06/2020, 14:52
Ngày nay, khi không ngồi ở bàn làm việc viết thơ, các nhà thơ thế kỷ 21 viết thơ trên mạng xã hội, họ viết thơ trên instagram.

Nhà thơ, họ có đủ những cách kỳ lạ để viết thơ. Như thi hào Robert Frost nói rằng ông không ngồi ở bàn làm việc viết thơ bao giờ và cả đời mình ông không sở hữu chiếc bàn làm việc nào, ông viết thơ trên những tấm bảng, và có khi, ông ngồi trên tàu hỏa và viết thơ lên đế giày của mình. 

Nhưng đó là thời của Frost, còn ngày nay, khi không ngồi ở bàn làm việc viết thơ, các nhà thơ thế kỷ 21 không viết lên đế giày như Frost, thay vì thế, họ viết thơ trên mạng xã hội, họ viết thơ trên instagram.

Một ngày nọ, trên tài khoản instagram của Khloe Kardarshian, thành viên của đế chế truyền hình thực tế về chị em nhà Kardarshian, bỗng nhiên đăng một tấm ảnh với dòng chữ: "nàng có sức mạnh để thay đổi thế giới, nhưng nàng không thể bảo vệ người nàng yêu" - r.m.drake. 

Sau đó là chuỗi ngày Khloe đăng rất nhiều những trích dẫn của một người có tên r.m.drake. Người chị em ruột của Khloe, một người mẫu nức tiếng cũng nổi tiếng nhờ mạng xã hội là Kylie Jenner nhanh chóng bắt nhịp. 

Cô đăng: "có một bông hoa trong trái tim nàng, nó chỉ thêm chỗ trống để bừng nở, và khi nàng trao cho nó tự do, nàng cho cả thế giới thấy rằng những điều đẹp nhất có thể mọc lên ở những nơi tăm tối nhất mà không cần đến ánh sáng." Cũng là của r.m.drake.

Rupi Kaur - nữ nhà thơ tiên phong trong phong trào thơ instagram, cô có cuốn “Sữa và mật” từng được chuyển ngữ và xuất bản ở Việt Nam.

r.m.drake không phải là biểu tượng rap đương đại Drake, đó là bút danh của một nhà thơ ở Miami, một người xuất thân là giám đốc sáng tạo từng làm việc cùng McDonalds và Kellogg. Năm 2012, anh bắt đầu đăng thơ trên instagram, và chỉ hai năm sau, anh đã có nửa triệu người theo dõi. 

Tuyển tập Beautiful Chaos (Sự hỗn độn đẹp đẽ) của anh bán chạy thứ tư ở mảng thi ca trên Amazon, và anh bán chạy hơn cả những thi sĩ đã đi vào sách giáo khoa như Edgar Allan Poe, Walt Whitman hay Allen Ginsberg.

r.m.drake không phải trường hợp hi hữu. Phần lớn những nhà thơ bán chạy nhất ngày nay đều xuất thân từ instagram. Họ không cạnh tranh với những nhà thơ đương đại xuất bản theo phương cách truyền thống, họ cạnh tranh hẳn với những Homer hay Maya Angelou, những thi sĩ đã từ trần từ lâu, những thi sĩ kinh điển. 

Và trong khi mạng xã hội thường bị coi như hung thủ nhấn chìm văn hóa đọc, instagram lại đang cổ súy cho thơ. Đã có những lúc, thơ trở thành một thứ lỗi mốt, nhưng giờ đây, thơ đang tiến trở lại thời hoàng kim của nó.

Chỉ là, đó có phải thời hoàng kim mà chúng ta mong muốn cho thơ?

Những bài thơ instagram hầu như đều kiệm lời, đôi khi chỉ ngắn ngủi vài chữ - và nó buộc phải thế, cũng như loài chuột phải tự thu bé mình để vượt qua thời đại tuyệt chủng, thơ cũng phải tiến hóa để thu bé mình lại trong thời đại công nghệ, chúng ta lướt mạng xã hội nhiều hơn là đọc, và thật dại dột nếu viết ra những trường thi như T.S Eliot, chưa nói tới chuyện instagram cũng giới hạn một bài đăng ở mốc 2.200 kí tự. 

Rupi Kaur, một trong những nhà thơ instagram nổi tiếng nhất, viết: "tôi đang học / cách yêu anh / bằng cách yêu chính tôi", một bài khác: "hãy chấp nhận bản thân / như mình được sinh ra". Độ dài không phải thước đo về sự nghiêm túc của thơ. 

Chiyo, nhà thơ nữ vĩ đại của Nhật Bản sống vào thế 18 cũng viết những bài haiku ngắn như thế: "A! Hoa Asagaô / Chiếc gầu vương hoa bên giếng / Đành xin nước nhà bên". Nhưng nếu như sự kiệm lời của thơ haiku giống như cú rơi của một hòn sỏi nhỏ lên mặt nước, rất khẽ khàng thôi nhưng đủ để mặt nước xao động, và sự trống trải của nó mở ra một bầu không gian để tâm hồn len lỏi tỏa đầy, thì sự kiệm lời của Rupi Kaur giống như là bởi tất cả chỉ có như vậy mà thôi, từng từ từng chữ đã nói hết những điều cần phải nói.

Không phải những bài thơ Rupi Kaur hay Lang Leav viết không rung động. Ngược lại, sự đơn thuần của chúng vang vọng với mọi người, và chúng phơi lộ mình cho ta, không đòi hỏi ta thời gian để nghiền ngẫm. 

Như thức ăn nhanh, chúng ngon và ăn lúc nào cũng được (đâu phải ngẫu nhiên khi ta đến một thành phố xa lạ và e ngại những món ăn mới thì ta luôn chọn đồ ăn nhanh, bởi chúng dù chẳng bổ béo gì nhưng vị của chúng rất quen thuộc và vừa miệng). 

Allen Ginsberg đã viết gì trong Howl? Quá dài, quá nhiều những từ trúc trắc, quá nhiều trí tuệ trong đó, và với một số người, không thể hiểu nổi. 

Một độc giả bị bòn rút khi đọc Allen Ginsberg, Nhưng ngôn từ của các nhà thơ instagram thì bày biện sẵn, không ẩn ý, không chơi chữ, nhẹ nhàng như sự thốt ra của một suy nghĩ bất kỳ. Thơ của họ giống như một tấm phông nền ta trải lên đằng sau làm duyên cho cuộc sống của mình, không khai trí hay gợi ý một suy nghĩ gì mới nhưng khẳng định cho ta những điều từ lâu ta đã biết.  

Với những người yêu văn chương chính thống, họ không coi những người viết thơ trên instagram là nhà thơ, cũng như không thể coi người viết fan fiction là tiểu thuyết gia vậy. 

Để chứng minh rằng nổi tiếng nhờ "những bài thơ nhăng nhít" dễ như thế nào,  Thom Young, một giáo viên đã lập ra tài khoản châm biếm chuyên đăng những câu ngắn gọn ngốc nghếch và nghĩ một lúc thì ra cả nắm, chẳng hạn như: "tình yêu/ khiến cô hoang dại", và chỉ trong một năm, Young có tới gần 50.000 người theo dõi. 

Công thức làm thơ rất đơn giản: gõ một câu viết gì đó nói về tình yêu, cắt câu ấy thành hai hay ba câu nhỏ, bỏ lên một màn phông màu xám có chiều u buồn, đổi phông chữ thành Courier, đăng lên instagram và gắn kèm năm mươi chiếc hashtag.

Và vì thế, thơ instagram không hẳn (chỉ) là thơ. Nó cũng là một kiểu làm content (nội dung) để kiếm tiền. Họ cũng không che giấu điều đó. Lang Leav, một nữ thi sĩ nổi tiếng người Thái Lan với các tác phẩm xuất bản toàn cầu đã nói về việc làm thế nào mà nhà xuất bản đã giúp cô xây dựng một chiến lược sáng tạo nội dung và thu hút cộng đồng người hâm mộ trên mạng xã hội. 

Ta vẫn thường hình dung những nhà thơ như những người sáng tác chỉ để mà sáng tác, như Emily Dickinson có thể sáng tác hàng ngàn bài thơ mà không ai đọc, hoàn toàn ngây thơ và không có một ý niệm nào về danh vọng hay tiền bạc. 

Hay so sánh như Paul Celan, thì thơ giống như một thông điệp trong chai thả trôi lơ lửng, với hy vọng một ngày nào đó sẽ dạt vào bờ bến để một người vô tình đọc được. Nhưng thơ instagram không phải thứ thi ca được thả nổi vô thưởng vô phạt, nó là chiếc bình được gửi trực tiếp từ đường bưu điện, nó biết ai là người nhận, và người nhận cần gì. 

"Đôi khi tôi đăng một cái gì đó buồn buồn và viết: Bạn ổn không?, và tôi giống như là: "Ê, chỉ là hư cấu thôi. Tôi ổn." Vậy mà nhiều người tin rằng đó là thật, có lẽ bởi nó thật đối với họ".

Theo cách ấy, một bài thơ instagram cũng được trau chuốt như một khẩu hiệu bán hàng bắt tai được tính toán cẩn thận. Nó không còn là tiếng lòng nữa, không còn sự nỉ non trong nội tâm, sự âm ỉ trong những cơn chiêm bao của người nghệ sĩ.

Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, có gì xấu đâu nếu như thơ trở thành một ngành công nghiệp? Âm nhạc cũng trở thành một ngành công nghiệp và chúng ta vẫn có rất nhiều những nghệ sĩ tuyệt vời. Vậy tại sao thơ thì không thể?

Một bài thơ điển hình của r.m.drake: làm người là / chịu tan vỡ và / tan vỡ tự thân nó / là một vẻ đẹp.

Một trong những bức họa nổi tiếng nhất của họa sĩ Carl Spitzweg thế kỷ 19 mang tên "Nhà thơ nghèo". Bức tranh mô tả một căn phòng lụp xụp, đồ đạc vương vãi, chỉ có một ô cửa sổ nhỏ tí hin không đủ để khiến căn phòng bớt tù túng, và nằm trên một tấm nệm là một nhà thơ đang sáng tác. 

Khi nhắc đến nhà thơ, tính từ ta nhớ đến đầu tiên là nghèo. Ngay cả những thi sĩ lớn nhất cũng sống trong cảnh bần hàn. T.S. Eliot - một trong những tên tuổi thơ ca lớn nhất thế kỷ 20 - làm thư ký trong một ngân hàng, ông chỉ viết trong những giờ giải lao rảnh rỗi, và suốt đời mình ông thường xuyên phải vay mượn người thân, đến cả quần lót cũng phải vay mới đủ tiền mua được.

Còn những nhà thơ instagram đã tìm ra cách để kiếm tiền. Với hàng triệu bản bán ra, họ sống tốt mà không lo về tài chính. Họ không cần phải phân thân như T.S.Eliot, như William Carlos Willams hay Charles Bukowski, họ chỉ cần làm thơ, dù có thể bạn không coi đó là thơ cũng được.

Nhưng là thơ hay không phải là thơ, thực sự thì điều ấy có quan trọng hay không? Là thơ thì sao mà không phải là thơ thì sao? Giáo hoàng văn học Đức Marcel Reich-Ranicki từng viết, trong một tiểu luận mà tôi rất thích trích dẫn, "Xin cứ nói thẳng: Thơ ư, có thật cần không? Hàng triệu người sống không thơ mà có sao đâu. Họ chẳng biết gì đến thơ mà vẫn hoàn toàn hạnh phúc. Họ chẳng thấy thiếu gì hết và còn tránh được khối điều phiền toái".

Thế giới này vốn dĩ đã thờ ơ với thơ, vậy thì cớ gì mà chỉ vì những thứ giả thơ lại phải rùm beng lên chứ? Thơ hay không thơ cũng thế mà thôi. Nếu nhân loại có thể sống thiếu điều gì đó, thì hẳn thơ cũng được liệt vào danh sách thải bỏ tiềm tàng.

Hiền Trang
.
.