Một góc nhìn về nhà báo, nhà văn Ngô Tất Tố: Mềm dẻo và kiên định

Thứ Ba, 06/03/2007, 10:00

TS. Cao Đắc Điểm vốn là người chuyên hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, ông đã dành rất nhiều sức lực và tâm huyết cho việc sưu tầm và nghiên cứu về di sản văn học và báo chí của Cụ Ngô Tất Tố. Phóng viên ANTG Cuối tháng đã có một cuộc trò chuyện với ông.

Phóng viên (PV): Nhà văn Ngô Tất Tố bước vào làng báo, làng văn từ những năm 20 của thế kỷ trước. Cụ Tố qua đời vào năm 1954. Theo TS, nếu nhìn từ góc độ hôm nay, việc nghiên cứu di sản văn học và báo chí của Cụ Tố có tác động thế nào đến nhận thức của chúng ta đối với cuộc sống xung quanh?

TS. Cao Đắc Điểm (CĐĐ): Cụ Tố đã sống trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, đầy biến động của dân tộc ta, giữa buổi giao thời của toàn xã hội Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ trước, khi trên cả đất nước liên tiếp diễn ra sự đối đầu một mất một còn giữa cái cũ và cái mới, sự cọ xát cực kỳ quyết liệt giữa truyền thống với những yếu tố ngoại lai, sự đan xen thôn tính lẫn nhau giữa quá khứ và hiện tại. Nếu nói báo chí và văn học là tấm gương phản chiếu thời đại thì quả thực là Cụ Tố để lại cho chúng ta khối lượng rất lớn những tư liệu, những thông tin, những cảm nhận thời cuộc, cả những thông điệp xử thế có ý nghĩa dài lâu, giúp chúng ta có thể nhận ra nhiều chiều hơn, nhìn ra rõ hơn những lợi thế cũng như những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt giữa thời mở rộng giao lưu, hội nhập và toàn cầu hoá hôm nay...

PV: Thực ra mà nói, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào của mọi cộng đồng xã hội, khi diễn ra cuộc chiến vĩnh cửu giữa cái mới và cái cũ, giữa cái bên trong và cái bên ngoài, giữa quá khứ và hiện tại... thì cần phải xác định vị thế như thế nào trong trận đối đầu gay gắt và quyết liệt đó?

TS. CĐĐ: Đọc lại các tác phẩm của Cụ Tố, dù là trên báo chí hay trong lĩnh vực văn học, bao giờ ta cũng có thể thấy rằng, giữa những diễn biến sôi động của cuộc sống, Cụ Tố luôn xuất phát và hướng tới hồn cốt của cội nguồn, thần sắc của truyền thống, hào khí của dân tộc. Cụ Tố coi đó là cái gốc để hành xử, cái để mà "dĩ bất biến ứng vạn biến". Từ hơn sáu mươi năm trước, chính Cụ Tố đã đề nghị lấy ngày 10/3 âm lịch, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương làm Quốc lễ.

PV: TS có thể cho biết, đề nghị ấy được Cụ Tố đưa ra như thế nào?

TS. CĐĐ: Trong bài "Giỗ Tổ đến nơi rồi!" đăng trên tờ Đông Pháp ngày 14/4/1942, Cụ Tố viết: "Dân tộc Việt Nam phải có ông Thủy tổ như các dân tộc khác. Ông Thủy tổ ấy, mấy nghìn năm nay, tiền nhân dặn là Cụ Hùng. Ngày giỗ Cụ Hùng, mấy triều đại này, nước nhà có tế, nhưng còn nhà tư thì không. Có trọng Tổ quốc mới biết làm hết bổn phận với Tổ quốc. Thiết tưởng ngày 10 tháng 3 là ngày kỷ niệm Vua Hùng cũng nhận cho là "ngày lễ", cho những người làm việc sở công cũng như sở tư và các học sinh được nghỉ, thì không một người Việt Nam nào còn có thể quên ngày đó được".

Thời trai trẻ Cụ Tố được tắm mình trong giáo huấn của đạo Khổng và Cụ có một quãng đời từng là nhà Nho. Với vốn Hán học uyên thâm, khi ngược dòng lịch sử khảo cứu văn học trung đại của dân tộc, Cụ đã trân trọng giới thiệu những tinh hoa đạo lý từ các bậc tiền nhân tiêu biểu của nền Phật học nước nhà. Cụ Tố đã nghiên cứu nền văn minh Hán học, khảo dịch tư tưởng và học thuật các nước đồng văn chữ Hán và triết học phương Đông... Cụ cũng từng khái quát "Nho giáo từ nay trở về sau ở nước ta", phê bình sách Nho giáo của một học giả cùng thời và khảo dịch nhiều tác phẩm Nho giáo cũng như Phật giáo. Cụ Tố từng khẳng định, giáo dục Hán học đã đào luyện nhiều nhân tài cho đất nước ta. Đạo Khổng đã góp phần quan trọng hun đúc tinh thần tự cường của dân tộc ta, khiến nước ta tuy nhỏ nhưng vẫn không để cho bất cứ một nước láng giềng khổng lồ nào nuốt chửng. Nhưng giáo dục Hán học cũng "chế tạo" cả "các hạng người vô dụng", văn chương khoa cử "làm hư những người tập về nghề ấy" và rồi chính giáo dục Hán học lại đã "đưa nước ta đến cõi diệt vong".

Cần phải nói rằng, là người hiểu biết thâm hậu về văn hóa truyền thống nhưng Cụ Tố rất thức thời, khi bước vào nghề báo, Cụ đã vượt qua chính mình, chuyển đổi tư duy rất nhanh để kịp cập nhật với đương đại.

PV: Một tố chất truyền thống trong nhân cách người dân mình là luôn luôn nhanh nhạy và rất tinh tế (cười).

TS. CĐĐ (cũng cười): Đúng thế. Tôi cho là khi đã thực thụ làm nghề báo, không thể cứ nghĩ rằng Cụ Tố vẫn còn nguyên dạng là "ông đồ", bởi lẽ tâm tư, tầm nhìn, kể cả ngôn từ biểu cảm... giữa nhà báo "đương đại - tân học" với ông đồ "cổ cũ - cựu học" rất trái ngược nhau, đối kỵ nhau, làm sao mà dung hợp và cùng tồn tại trong một con người được. Từ chỗ có một quãng đời làm nhà Nho, bước vào làm báo, viết văn, Cụ Tố đã trở thành nhà Hán học, người trí thức của thời hiện đại và khi đó Cụ vẫn giữ cốt cách, khí phách, tính cương nghị đã được giáo dục Hán học đào luyện căn cơ...--PageBreak--

PV: Có thể nhận định như thế này, Cụ Tố đã là người rất biết đón nhận cái mới trước biến đổi của thời cuộc, nhưng Cụ tự hun đúc cho mình cách xử thế rất mầu nhiệm. Tức là năng động trong sự kiên định. Trong không khí nhiễu nhương của buổi giao thời, Cụ biết gìn giữ những giá trị quý báu và nghiêm ngặt của đạo làm người mà không bao giờ quá đà. Là người Nho học nhưng Cụ Tố không lạm dụng vốn Hán học và vị thế cao sang, chân truyền của kẻ sĩ trong tâm lý người Việt. Tôi nhớ, năm 1931, trên tờ Đông Phương, Cụ Tố đã có bài viết "Mấy lời nhắn nhủ các ông đồ". Sau khi cảnh báo các ông đồ về tình cảnh dễ bị xét nét trong thời hiện tại, Cụ Tố đã đưa ra lời khuyên: "... mà nay về sau, cái gì không biết thì xin các ông chớ nói, nhất là về môn học Phờ-lăng-se! Vả chăng các ông không biết môn học này, cũng chưa chắc là dốt, bởi vì cụ Khổng nhà ta đã dạy "biết đấy là biết đấy, chẳng biết là chẳng biết, ấy là biết vậy” kia mà". Thật là mềm mỏng lại rất khí khái, kiên định.

TS. CĐĐ: Tôi đồng ý với anh. Và phải thấy rằng tố chất tạo nên cốt cách, dựng nên cơ nghiệp và tài năng Ngô Tất Tố chính là đức học hỏi suốt đời. Thiên tư đã phú cho Cụ Tố có đầu óc thông minh, có con mắt quan sát cuộc sống cực kỳ tinh tế và có trí nhớ lạ thường. Nhưng Cụ Tố rất trọng sự học, cho đó là điều quyết định để nên người, làm cho con người khác loài cầm thú. Cụ Tố đã hoá giải và tuyên ngôn thành nguyên lý: "nhân tài là bộ chủ động của giang sơn", "đào tạo, bồi dưỡng nhân tài tất phải nhờ ở sự học", do vậy phải hiểu sự học là báu vật, luôn luôn quyết định sự sống còn và tiền đồ của cả dân tộc. Muốn thành người thì làm sao để "sống ở đời này mà thấu tỏ chuyện đời xưa, người ở xứ này mà thông thạo cả chuyện người xứ khác". Phải học suốt đời, học ở người thân, ông bà chú bác, học ở thầy, ở bạn và nhất là học ở sách. Sách đối với người ham học như bịch thóc đối với người nông dân, như két sắt đối với thương gia vậy... Học rộng, đọc nhiều và Cụ viết cũng rất nhiều.

PV: Mà lại toàn ở những lĩnh vực đòi hỏi học vấn cao rộng, điển hình như dịch và chú giải Kinh Dịch chẳng hạn...

TS. CĐĐ: Đúng thế. Tổng hợp các lời bình, khai thác tổng thể di tác của tác giả, chúng tôi đồng tình với việc phân chia năm mảng tác phẩm của Cụ: Các tác phẩm báo chí, các tác phẩm văn học, các tác phẩm viết về lịch sử, các tác phẩm khảo cứu phê bình và các tác phẩm dịch thuật. Số lượng thì rất nhiều, chỉ đếm thôi cũng đủ bù đầu. Cụ Tố làm báo mấy chục năm nhưng không bao giờ ngồi ghế chủ báo, chủ bút, suốt đời chỉ là một ký giả nên Cụ đã dốc toàn sức vào để viết.

PV: Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, Cụ Tố viết: "Ngày ngày bên bàn giấy, chiếc ngòi sắt vật chọi với cái nung nấu của trời hè, nửa trang giấy, cạn một chén nước, một giọt mực hoà một giọt bồ hôi, trời nắng cứ nắng, mình viết cứ viết...".

TS. CĐĐ: Đúng thế... Còn ăn thì "ăn các món người ta vẫn bán rao ngoài đường". Ngủ thì "đêm đêm phẩy cái sàn gác nhà báo, trải chiếc chiếu cói mà ngủ với nhau". Thế mà hầu như đều đặn, ngày ngày vẫn phải "đẻ ra" những trang báo mang tính cập nhật cao. Có chuyện vừa xảy ra hôm nay, không phải ở Hà Nội đâu nhé, thế mà ngày mai Cụ đã có bài trên báo! Với trình độ công nghệ thông tin ở những thập niên đầu thế kỷ trước, để viết, chỉ có tờ giấy và cây bút, chứ làm gì có các điều kiện và phương tiện đầy đủ như bây giờ? Thế mà, như các đồng nghiệp thành danh khác, làm được như Cụ, kể thật là kỳ tài!

Tôi cứ nghĩ, Cụ Tố sinh ra trên đời chỉ để viết. Viết, chính là lẽ sống thường ngày. Cụ rất chịu khó viết, miệt mài viết mà không biết mệt, Cụ đam mê đến đắm đuối, chỉ viết và viết... Có thể hình dung như trong đầu Cụ là cả một cái tủ tri thức nhiều ngăn, lúc viết, cần xử lý vấn đề gì trong đời thực thì lập tức là cái ngăn tri thức được tự động mở ra...

PV: Có lúc chúng ta cứ "bới lông tìm vết" đối với phương pháp giáo dục của Nho giáo. Cụ Tố là người từng được giáo dục nơi cửa Khổng sân Trình nhưng như chúng ta đã thấy, cái căn bản văn hóa cổ kính của một nhà Hán học đã giúp Cụ Tố xử lý đúng đắn thông tin đương thời. Cụ biết tiếp cận và chấp nhận những cái hay, cái tốt của thời mới nhưng vẫn đứng vững trên nhiều chuẩn mực và tiêu chí ổn định nghìn năm của tư tưởng phương Đông. Theo tôi nghĩ, không nên nệ cổ và lại càng không nên coi mọi thứ của quá khứ đều đã lỗi thời... Thời xưa, triều đình đâu có "ôm" về mình toàn bộ khâu đào tạo mà chỉ giữ cho mình quyền tổ chức các khoa thi. Có lẽ bây giờ chúng ta cũng nên học làm theo cách này triệt để hơn nữa: Nhà nước chỉ cần giữ vai trò trung tâm "đóng dấu chất lượng" cho các "sản phẩm giáo dục", thay vì chi rất nhiều tiền cho các học đường công mà hiệu quả lắm khi lại không được như yêu cầu?

TS. CĐĐ: Đây là ý hay, rất đáng lưu tâm. Vì lợi ích sống còn của cả dân tộc, toàn xã hội cũng lao vào học tập, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, ai ai cũng suốt đời học hỏi. Xã hội hóa giáo dục như thế phải đặt trong sự phân công rành mạch với quyền uy của Nhà nước cầm quyền, với bổn phận của bộ máy công quyền ngành Giáo dục, thì chính là nên làm như anh nói.

Hiện nay, không ít Chính phủ các nước phát triển cao, đang siết chặt độc quyền "đóng dấu chất lượng" "sản phẩm học tập" và "thành phẩm đào tạo nhân tài" cho cả nước. Ngày xưa, bất kể tuổi tác thế nào, hễ ai muốn theo nghiệp kẻ sĩ, đều có thể tìm học bất cứ ông thầy nào mà mình tín nhiệm. Bắt đầu khi khảo hạch, chọn người dự thí thi Hương, thì bộ máy cai quản xã hội mới xuất hiện, ra tay chỉ đạo, tổ chức khảo thí, định đoạt chất lượng học tập. Và cứ như thế, lên cao hơn nữa: thi Hương, thi Hội, thi Đình... triều đình và vua ban hành quy chế, trực tiếp tổ chức, kiểm tra thi cử.--PageBreak--

PV: Với những quy định khắt khe, công khai.

TS. CĐĐ: Đúng là rất nghiêm!

PV: Có người thuộc lớp hậu sinh cứ hình dung ra nhà văn Ngô Tất Tố đầu búi tó và mặc tấm áo the...

TS. CĐĐ: Mặc áo the, đội khăn đóng thì đúng. Nhưng viết rằng Cụ "búi tó" để gợi thêm sự cũ kỹ của "ông đồ", thì hoàn toàn sai sự thật. Sinh thời không bao giờ Cụ Tố có búi tó. Ai đó quá nhầm lẫn, đã vội mượn cái búi tó của một nhà Hán học uyên bác cùng thời, chuyển sang nơi Cụ Tố...

PV: Tôi nghe nói là, ngay khi mới bước vào con đường văn báo, Cụ Tố đã dịch "Cẩm Hương Đình". Cuốn sách đó nội dung như thế nào, thưa TS?

TS CĐĐ: Năm 22 tuổi, Cụ Tố chọn dịch tiểu thuyết cổ khuyết danh Trung Hoa "Cẩm Hương Đình" với nội dung "phú quý là mồi cạnh tranh, phồn hoa là bả ghen ghét", nêu lên "cái gương luân lý cho người đời sau". Đây chính là cuộc thử bút trước cổng làng văn và Cụ Tố đã thành công với nghệ thuật chuyển ngữ tài hoa.

PV: Ta có thể nói rằng, ngay từ những bước đầu tiên trong làng văn, làng báo, đối với Cụ Ngô Tất Tố chữ nghĩa đã luôn luôn là "văn dĩ tải đạo"....

TS. CĐĐ: Cụ Tố không viết lý luận về nghệ thuật vị nhân sinh nhưng ngay từ đầu, Cụ đã hành xử theo phương châm đó rồi.

PV: Không phải ngẫu nhiên mà Cụ Tố là tác giả của tiểu thuyết "Tắt đèn", một tác phẩm xuất sắc đầu tiên của nền văn học hiện thực nước ta. Và cũng không phải ngẫu nhiên, dù viết với bút danh gì, các tác phẩm của Cụ cũng đều nóng bỏng một tinh thần chiến đấu cao, chống lại cái hắc ám, cái xấu xa, cái hủ tục... Đó là tư duy nhất quán của "nghệ thuật vị nhân sinh"...

TS. CĐĐ: Sống giữa xã hội đầy ngang trái bất công, sứ mệnh hàng đầu của người cầm bút chân chính là như vậy. Nhưng nếu nói đến tác phẩm của Cụ Tố mà cứ chỉ nghĩ tới tố cáo và tranh đấu... thì chưa đủ đâu. Xa hơn nữa, biết bao nỗi niềm ái mộ, quý trọng của nhiều thế hệ công chúng và lớp lớp bạn đọc, kể cả dân mình ở nước ngoài, đã dành cho tấm lòng và trí tuệ yêu đời, quý người mà Cụ Tố để lại. Cụ Tố sống mãi không chỉ trong lòng cách mạng mà cả trong lòng dân tộc. Nghiên cứu về giai đoạn Cụ Tố làm báo ở Nam Kỳ, tôi thấy Cụ đã triển khai hầu hết các thế trận văn chương mà Cụ tiếp tục suốt đời.

PV: Cụ Tố có viết về những ngày cùng Cụ Tản Đà sống ở Sài Gòn.

TS. CĐĐ: Đúng thế. Cụ Tố đã viết bài "Tản Đà ở Nam Kỳ". Cuộc sống nghĩa tình giữa hai Cụ kể từ thời gian làm 10 số An Nam tạp chí đầu tiên ngoài Hà Nội cho tới những ngày đầu vui buồn khi hai Cụ cùng có mặt ở Sài Gòn.

PV: Trong đó có chuyện hai Cụ uống rượu với lời Cụ Tản Đà: "Cứ chén đã! Tiền nhà rồi lại xoay!".

TS. CĐĐ: Thực ra Cụ Tố cũng có uống rượu nhưng so với Cụ Tản Đà thì khác nhiều... Cụ Tố từng viết: "Nếu không có rượu, thì ông Tản Đà sẽ không thành ông Tản Đà" (cười)... Sau này, hai Cụ rất ít gặp gỡ nhau.

Tới gần cuối năm 1930, Cụ Tố có mặt trong đội ngũ ký giả hùng hậu của báo chí Bắc Kỳ với bài tuyên ngôn mở chuyên mục viết tản văn, tiếp theo là loạt bài viết rất thẳng thắn và mạnh mẽ về Cụ Thượng Chi. Mặc dầu như vậy, nhưng Cụ Tố lại rất công tâm, sau này đã đánh giá cao công lao của Cụ Thượng Chi và Cụ Nguyễn Văn Vĩnh trong việc phát triển tiếng Việt.

PV: Người làm báo chuyên nghiệp là phải biết nhìn vào việc mà nói...

TS. CĐĐ: Cụ Tố là người sớm có ý thức về tính chuyên nghiệp và tính đạo đức của hai nghề cùng cầm bút là làm báo, viết văn. Từ năm 1932, Cụ Tố viết: Tờ báo nào cũng phải có tôn chỉ, mục đích, phải biết tôn trọng và xác định những ai là độc giả chính yếu của mình... Hồi đó có diễn ra cuộc tranh luận về "lối viết của ông Hoàng Tích Chu".

PV: Nói chung, theo lý thuyết báo chí hiện đại, câu văn báo chí thường phải ngắn.

TS. CĐĐ: Không chỉ báo chí hiện đại, mà hồi xưa khi viết tản văn, Cụ Tố cũng viết rất ngắn, bài ngắn nhất chừng 150 chữ, dài hơn chỉ vài trăm chữ thôi. Viết ngắn như vậy, bạn đọc vẫn cảm nhận được tấm lòng và học vấn của tác giả. Thế nhưng, Cụ Tố đã không đồng tình với lối văn "cộc lốc, quay cuồng lộn ngược", không đúng với "luật thiên nhiên" của chữ Quốc ngữ của Cụ Hoàng... Mà Cụ Tố lập luận rất thuyết phục!... Cụ Tố còn chê trách một số báo chí thời ấy quá "nhẫn tâm" khi nhận quảng cáo. Cụ chỉ rõ, "các ông nhận của người ta mỗi số 10 đồng" để cho họ tha hồ "dùng mặt báo của các ông mà đánh lừa độc giả".

PV: Hiện nay, đây vẫn là vấn đề chưa dễ dàng thống nhất ý kiến. Cá nhân tôi cũng không đồng tình với việc nhận tiền rồi mặc khách hàng muốn quảng cáo thế nào cũng được. Văn hào Nga Tsekhov đã nói, một con người đẹp phải đẹp từ khuôn mặt, dáng người, áo quần, tâm hồn, tư tưởng... Một tờ báo đứng đắn thì phải trung thực ngay cả ở những trang quảng cáo. Thế nhưng, điều này thực quá khó trong cơ chế thị trường hiện nay.

TS. CĐĐ: Với Cụ Tố, làm báo là phải trung thực. Cụ không ưa thói ăn gian nói dối, nhất là trên báo chí.

PV: Khi viết những bài châm biếm, đả kích, đấu tranh tư tưởng, Cụ Tố thường có chỉ đích danh đối tượng không?

TS. CĐĐ: Rất cụ thể là đằng khác. Không bao giờ phiếm chỉ! Sức mạnh bút lực của Cụ Tố là xác chỉ, trực diện. Trong hơn 800 tiểu phẩm của cụ Tố thì đã có tới khoảng 400 nhân vật đều có họ tên, địa chỉ, sự việc cụ thể.

PV: Kể cả những VIP?

TS. CĐĐ: Chính diện liên tiếp với những VIP chóp bu của chính quyền thực dân, phong kiến... Có điều, khi phê phán, Cụ Tố không bao giờ để ngòi bút sa vào việc mạt sát cá nhân.

PV: Cụ không sợ bị trả thù ư?

TS. CĐĐ: Nhiều người "bầm gan tím ruột". Cụ Tố cũng từng không chỉ một phen lao đao do bị người ta kiện. Thậm chí, có kẻ còn bôi nhọ để trả thù... Nhưng Cụ đã vượt qua hết để giữ cho ngòi bút của mình trung thực...

PV: Xin cảm ơn TS đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này

Quang Hoà
.
.