Một bữa xế

Chủ Nhật, 23/05/2021, 14:23
"Làm miếng đi". Ông anh đồng nghiệp buông một câu gọn và đặt trên bàn làm việc của tôi cái túi nylon nhỏ. Chẳng cần mở xem tôi cũng biết nó là thứ gì. Cái mùi, phải, cái mùi vừa quen vừa bắt mũi ấy đến đúng lúc thật. Bây giờ là 4g chiều, giờ ngót bụng. Và chiếc bánh giò nho nhỏ mà người anh mua cho cũng được tôi giải quyết chóng vánh. Nói đúng kiểu thời thượng bây giờ là "30 giây".

Thực tình, đó không phải là chiếc bánh giò ngon. Ăn tạm thì ổn. Nó là thứ được bán ở cái minimart ngay gần bên văn phòng. Lũ chúng tôi thi thoảng vẫn ghé đó mua đồ ăn sáng, và tất nhiên, cả đồ ăn xế. Cái bánh giò ấy thậm chí còn không được mở lớp lá gói bên ngoài. Nhân viên bán hàng chỉ đơn giản cắt một nhát trên chóp bánh và qua cái "cửa mở" đó, thực khách chỉ cần lấy cái muỗng nhựa múc từng muỗng. Đúng nghĩa là khoét bánh mà ăn thì đúng hơn.

Không ngon, ăn kiểu luộm thuộm nhưng thật sự, nhiều khi không ở quanh quanh cơ quan cữ giờ ăn xế, tôi vẫn nhớ cái bánh giò công nghiệp ấy đến lạ. Chẳng phải ăn nhiều thành quen mà có lẽ tại cái bánh giò xế đó nó gợi nhắc nhiều về ký ức. Những ngày ở Hà Nội, cũng cữ bữa xế này, một cái bánh giò ngon thực sự là "thiên đường lộng lẫy" của lót dạ. Nhất là những chiều mùa đông, trời mà hơi có tí mưa phùn, để một miếng bánh giò nóng tan trong miệng, ui cha, bâng khuâng vô cùng.

Xa Hà Nội hơn 20 năm, không biết cái hàng bánh giò "du kích" ở góc ngã tư Trần Xuân Soạn - Ngô Thì Nhậm, gần chợ Hôm, có còn bán hay không. Ngày xưa, nó là thánh địa ăn xế của lũ chúng tôi, đúng nghĩa. Chiều tan tầm, mặc dòng người cứ hối hả, đám thanh niên chúng tôi lại ghé ngang, đá chống xe, "xin bà cái bánh giò" rồi ngồi xuống cái ghế gỗ nhỏ mà nhấm nháp. Bánh nóng, thơm, thêm ít tương ớt cay cay, đủ xua đi cái lành lạnh của mưa phùn. Nếu hôm nào "xông xênh", thêm miếng chả quế, đúng là ngon "nhức người" chứ không chỉ ở tầm "ấm lòng chiến sỹ" nữa.

Đến khi vào nam lập nghiệp rồi, thời gian đầu nhiều lúc thèm bánh giò bữa xế đến tơi tả. Nhưng để kiếm một chiếc bánh giò đúng kiểu chợ Hôm thậm khó. Rồi cũng phát hiện ra được nhà giò chả Minh Châu có bán bánh giò ngon, chuẩn vị Bắc. Nhưng khổ nỗi ở Minh Châu chỉ một loáng buổi sáng là đã hết bánh giò rồi. Cữ chiều sau này họ cũng có bán nhưng hết cũng sớm. Mua được bánh giò bữa xế ở đó lắm khi hoá kỳ tích.

Ăn miếng bánh giò thơm, mềm, ngậy, đậm đà tự dưng tôi lại nhớ thời ấu thơ. Đối diện nhà có ông bà Chi chuyên bán giò chả. Con trai ông bà ấy cũng trạc lứa bọn tôi, được cưng như trứng mỏng. Bọn tôi vẫn hay trêu nó: "Nhà mày ai cũng vạm vỡ khi ngồi nhỉ. Đứng lên thì đùi như que tăm". Sở dĩ có cái trò trêu chọc ấy cũng bởi nhìn cảnh họ ngồi giã giò bằng tay suốt ngày. Hai tay vung chày liên hồi. Lao động như thế, bắp tay kiểu gì chẳng cuồn cuộn. Nhưng ngồi ì mãi một chỗ, tay nhiều lúc còn to hơn chân.

Nhắc đến nghề giò chả, nhắc đến bánh giò, phải thừa nhận cha ông mình tính toán tài thật. Cái căn cơ của họ đủ là bài học tiêu chuẩn, cơ bản nhất của những ai làm kinh tế, làm sản xuất ở bất kỳ thời đại nào, mô hình kinh doanh nào. Cái bánh giò nhỏ xíu, cầm lọt thỏm trong lòng bàn tay kia hoá ra lại mang một ý nghĩa lớn vô cùng. Nó là sự tận dụng một cách triệt để. Nó chính là một loại sản phẩm mang lại giá trị tăng thêm trong cả một chu trình sản xuất của những người làm giò chả.

Hãy nhớ đến câu chuyện kể về một người thầy bỏ sỏi đầy một cái lọ thuỷ tinh và hỏi học sinh "Đã kín cái lọ chưa?". Khi học sinh trả lời "Đã kín rồi", ông thầy lại đổ cát vào cái lọ ấy. Tiếp tục, sau cát là nước. Câu chuyện đó chúng ta chắc chắn nghe đã nhàm tai. Nhưng trong "bài học bánh giò" này, nó không nhàm chán chút nào.

Nhà làm giò chả chắc chắn sẽ sử dụng nguyên liệu là thịt và lá gói bánh. Một cân giò có thể tích khá lớn, với đường kính của nó cũng phải cỡ 10cm và chiều dài hình trụ cũng phải 20 đến 25 cm. Ngần ấy cân giò đưa vào nồi nấu, có khác gì một đám sỏi lớn đưa vào cái lọ thuỷ tinh? Rồi trong quá trình gói giò, chắc chắn cũng sẽ có lá dư, lá vụn, thịt vụn. Và thế là những cái dư thừa, vụn vặt ấy được dùng để chế nên những chiếc bánh giò nhỏ nhắn, xinh xắn, như thể cát lèn thêm trong lọ thuỷ tinh vậy. Rồi ngoài bánh giò còn là bánh tẻ nữa. Bánh tẻ cũng nhỏ xinh kiểu ấy, cũng sử dụng nguyên liệu dư, vụn vặt kiểu ấy.

Những thứ dư thừa, vụn vặt kia thực tế có thể bán được lắm chứ. Nhưng chắc chắn, nó sẽ chỉ mang lại giá trị rẻ bèo của một thứ phế phẩm đơn thuần. Ấy vậy mà khi kết hợp lại với nhau trong dạng hình của cái bánh giò, nó lại được đặt ở một vị trí mới, trang trọng không kém những cân giò thơm, nóng hổi. Đó là vị trí của một dòng sản phẩm khác, được bán với một mức giá rất khác.

Cha ông ta tài tình thật. Cái tài tình của khởi nguồn từ khéo ăn thì no, khéo co thì ấm đã trở thành một tập quán căn cơ và nhạy bén của người kinh doanh. Và thực tế, trừ các cơ sở sản xuất giò chả công nghiệp ra, chẳng có nhà giò chả gia truyền nào mà lại không bán kèm thêm những sản phẩm phụ như bánh giò, bánh tẻ... cả. Có thể nói, nếu họ giàu có nhờ làm nghề ấy thì không phải giò chả cho họ sự giàu có đó, mà chính là cái tập quán căn cơ truyền đời đã mang lại thì đúng hơn.

Có mấy ai bóc tấm bánh giò ăn sáng, ăn xế và nghĩ đến cái cách chiếc bánh ấy ra lò để liên hệ tới công việc mình đang làm hay không? Nó giống như câu chuyện của một thợ may trẻ tôi quen biết vậy. Cô ấy không bao giờ bỏ vải vụn đi cả. Mà cô sử dụng nó may những chiếc áo búp bê xinh xinh, may những đồ móc chìa khoá nho nhỏ và bán online. Và chính tôi đã ngạc nhiên vô cùng khi nghe cô nói "Cái đầm đó em may cho bà kia, tiền công có bốn trăm ngàn à. Nhưng vải vụn của cái đầm ấy bỏ đi, em may được 1 cái áo búp bê và 2 cái móc khoá. Tổng cộng em bán được triệu hai". Một triệu hai so với bốn trăm ngàn. Và quan trọng hơn cả là một triệu hai ấy lại đến từ những thứ bị xem là bỏ đi. Nhưng tôi luôn tin, cô bé ấy rồi sẽ thành công. Không phải vì nghề may mà vì chính sự tính toán rất khoa học mà cô có.

Làm kinh doanh thì phải học và bể học thì lớn vô cùng. Chúng ta sẽ dễ háo hức với cái mới, với sự hiện đại của thế giới ngoài kia nhưng chúng ta đừng bỏ qua những bài học xưa cũ mà ông cha đã đúc rút lại. Như cái bánh giò ăn xế đó thôi, nó đã mở ra cả một quy trình thú vị vô cùng. Đó là một quy trình của kinh nghiệm và không chỉ kinh nghiệm của một người cụ thể nào đó mà của nhiều đời. Thứ kinh nghiệm ấy quý không kém bất kỳ kiến thức trời bể ngoài kia và cơ bản nhất là nó không được viết thành giáo trình, thành sách vở. Nó chỉ mở ra với những ai ưa chiêm nghiệm, ưa thưởng thức một miếng ăn vặt với những tìm tòi về những câu chuyện đằng sau mà chẳng ai kể bao giờ.

Hà Quang Minh
.
.