Mong manh tháp cúc

Thứ Hai, 24/03/2014, 11:17
Tiễn nhau một bận qua bậu cửa/ Tiễn nhau lần nữa trong chiêm bao. Đó là hai câu thơ tuyệt hay của Trần Quốc Thực. Hơn sáu năm rồi anh đã ra đi và chúng tôi không còn có dịp để đọc thơ, để tâm sự, để tranh luận và cả bình luận về người này người kia nữa, mà chỉ có thể gặp và tiễn nhau trong chiêm bao. Ngày giỗ anh giáp tết vừa rồi là giỗ lần thứ sáu. Lần cuối cùng tôi gặp anh trên cái phòng vừa bé tẹo vừa cheo leo như tổ chim ở Đội Cấn cũng cách đây gần 7 năm. Hôm đó trông anh đã gầy quắt như một pho tượng la hán bằng đất, ngồi ngơ ngác và cô đơn trên giường…

Nhớ Trần Quốc Thực là tôi lại nghĩ tới những cay nghiệt của số phận, những éo le khi khát vọng không đồng hành cùng may mắn và nghĩ đến một tháp cúc tài hoa đấy mà cũng mong manh đấy. Cứ như đã có một lời nguyền  nào đó đã đi cùng đời sống nhiều người trong gia đình nhà thơ này. Bố Thực mất sớm từ khi anh còn nhỏ. Anh trai, Trần Quốc Anh, một thầy giáo yêu thơ, có tài và đã để lại nhiều bài thơ ấn tượng cho  bạn đọc những năm 70 cũng sớm từ giã cuộc đời và thơ ca khi mới ở tuổi 38. Con đường thi ca của Trần Quốc Thực dài hơn anh trai  nhưng đường đời lại vất vả hơn. Thực đã in được bốn tập thơ mà Tháp cúc (NXB Hội Nhà văn năm 2003) là tập cuối cùng - tập thơ anh vĩnh biệt vợ con, bạn bè và độc giả:

Ở xa, trên cánh đồng bầu trời đang chín
Anh dõi xuống một ngày mọng
Một ngày lịm trong dịu dàng.
         (Áng mây)

Đầu năm 1983, tôi rời Đà Nẵng ra học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du. Trong khóa ấy, xét về thành tựu văn học thì quá nửa đã là những tác giả chững chạc. Có người nổi tiếng từ bé như Trần Đăng Khoa. Trần Tự (Hải Phòng) đã có vài cuốn tiểu thuyết làm vốn. Phạm Thị Minh Thư vào trường với vòng nguyệt quế báo Văn nghệ cho truyện ngắn Có một đêm như thế. Y Phương cũng đã có giải thưởng thơ. Tôi ở cùng phòng Pờ Sảo Mìn nhưng lại chơi thân với Nguyễn Thanh Kim và Trần Quốc Thực. Cả tôi, Thực và Kim đều là những tác giả tỉnh lẻ mới về thủ đô, tiếng tăm chửa có gì nhưng được cái nhu mì và chất phác.

Trong ba chúng tôi, Trần Quốc Thực tài hoa hơn cả.  Anh có nhiều câu thơ mông lung và lạ. Còn tôi vẫn đậm chất nhà giáo, Nguyễn Thanh Kim thì thật hồn nhiên nhưng lại đắm đuối thơ. Thơ Kim tinh tế giản dị nhưng đặc biệt cây bút Kinh Bắc này rất có duyên với những trang viết ngắn mà trong đó  lý luận văn học đan xen nhuần nhị với những linh giác nghệ thuật  và thực tế sáng tạo. Hồi ở trường, Nguyễn Thanh Kim có một biệt danh vui là “địa chỉ trên yên xe đạp”. Anh cả ngày rong ruổi xe  qua các tòa soạn hay  la đà cùng các nhà thơ đến nỗi ngày Hương - vợ Kim - “vỡ đê”, cả lớp không ai biết cái “xe đạp thơ” ấy đang ở đâu mà gọi về. Bạn bè đành phân nhau đưa giúp phu nhân thi sĩ tới Bệnh viện Bạch Mai .Tôi và Thực được cử  ngồi lại đợi ở cửa chờ cho tới khi nghe tiếng cháu bé khóc chào đời thì báo về. Thế mà năm ngoái, nhà thơ có địa chỉ trên yên xe đạp ấy đã lên chức ông ngoại.

Trở lại chuyện Trần Quốc Thực. Hôm ấy, đã là buổi trưa. Khi các học viên Trường Nguyễn Du nhập học trước vừa ăn cơm xong và chuẩn bị nghỉ ngơi để chiều lên lớp tiếp thì trên cái sân đất nện trước ký túc xá xuất hiện hai người tiến vào. Một đàn ông và một đàn bà. Người đàn bà ngoài ba mươi nhưng đã chớm lộ những nét vất vả. Gương mặt rám nâu lấm tấm tàn nhang. Trên vai chị là đôi quang gánh. Một đầu quang  xếp chật xoong nồi, bếp dầu, đèn bàn, đũa cái đũa con, bát đĩa… và cả mấy thanh củi. Đầu kia là một cái vali gỗ buộc chung với “Hamlet, Tagor, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Lý Bạch….” - toàn tác giả, tác phẩm kinh điển và mấy xấp vở học trò. Đôi quang gánh có vẻ hơi nặng nhưng người đàn bà tỏ ra vẫn đủ sức chịu đựng. Đi sau chị khoảng hơn mét là người đàn ông đầu trần, gầy gò, vẻ phong sương nhưng mỗi  bước đi đều rất tự tin. Đó là nhà thơ trẻ Trần Quốc Thực.

Yến -  người vợ đầu của Thực - gánh gạo đưa chồng trẩy kinh nhập học. Chị  yêu chồng và rất tự hào với danh hiệu thi sĩ của chồng. Yến là một cô giáo dạy văn cấp 3 giỏi ở Phủ Lý. Còn Trần Quốc Thực từng đi thanh niên xung phong, trong quân ngũ,  học đại học dở dang, làm nhiều nghề khác nhau và trước ngày nhập học ấy là thợ ảnh ở Phủ Lý. Đã một hai lần Thực rủ tôi về thị xã nhỏ bé và lúc ấy khá nghèo để thăm mẹ anh, thăm phố phường và uống chén rượu ngoài hàng - tuy nhạt “nhưng mà là rượu gạo” - Thực nói vậy.

Gương mặt Thực vuông vức rất nam tính. Cả hàng ria đen  mà đầu những năm 80  bao cấp và đói ấy  còn là lạ và  ngoài vòng thẩm mỹ “công nông”. Nhưng anh lại có gì rất thu hút khiến tôi muốn làm quen. Đầy nam tính song thể trạng Trần Quốc Thực lại yếu, lúc nào cũng yếu - vì tuổi thơ mồ côi  nghèo khó, bệnh tật, thiếu ăn. Kém tôi hai tuổi nhưng Thực lại “thích làm anh”.Tôi nhớ hồi đó nhiều lần Thực nói với tôi là anh  sinh năm 1948 . Dù sau này có một số bài lại viết Thực  sinh 1946 nhưng tôi vẫn tin anh là Mậu Tý (1948). Linh cảm bảo vậy. Chơi với anh, tôi có cảm giác trong anh chất chứa những thôi thúc mạnh mẽ nào đó. Anh như luôn khao khát, tìm kiếm, luôn muốn bứt phá và gồng mình để như chống lại một định mệnh mơ hồ áp đặt lên số phận. Sau những bứt phá và tự gồng lên ấy có khi là sự suy sụp, có khi là sự bải hoải rất tội. Tuy vậy bề ngoài trong sinh hoạt hàng ngày nhiều lúc anh lại có vẻ như bất cần, bặm bạo. Còn “tình cảm” thì  hễ có ai xô là đổ.

Một buổi sáng Thực nghỉ học. Trước khi lên lớp tôi đưa nốt cho Thực ít tem phiếu đậu phụ của mình để anh ra cửa hàng mua về cho có thức ăn. Anh nhập học nhưng không có lương, không tem phiếu gì nên ăn uống rất thất thường, đạm bạc. Giờ giải lao tôi tạt về thì thấy anh đang ngồi trên giường uống rượu, lưng tựa hẳn vào tường. Cạnh chai rượu là chiếc đĩa còn vài miếng đậu phụ sống. Thì ra, đi chợ mua đậu về, gặp cô hàng rượu qua trường, thay vì xúc gạo nấu cơm anh đã xúc bò gạo cuối cùng để đổi  rượu. Việc ăn hay không ăn cơm đối với anh nhiều khi không quan trọng. Nhưng không thể nói Thực nghiện rượu. Anh uống không được nhiều. Hình như anh - yêu - sự - uống - rượu hơn là yêu - rượu. “Một tay nâng chén dâng ngang mày” (Tiễn) là khí phách cao nhất của ông (Trần Quốc Thực)”. Tôi thích cái nhận định ấy của Hoàng Hải Vân.

Hay lần đi thực tế. Tôi, Nguyễn Văn Chương và Thanh Kim được xếp đi  Đồng Nai. Chúng tôi dù chỉ vài đồng lương còm nhưng  cũng gọi là có tiền mà cũng chỉ dám lên tàu hỏa. Còn Trần Quốc Thực không lương, không chế độ tàu xe,  nhuận bút cũng chả thấy  nhưng  lần ấy tôi nghe bạn bè nói anh mua vé… bay lên tận Pleiku. Tất nhiên là sẽ cam go vất vả lúc về, có ngày phải “khất thực”. Nhưng tính  Trần Quốc Thực là vậy. Dạo ấy tôi cũng biết anh đang có bạn gái, một nữ họa sĩ. Không hiểu người  ấy có giúp anh về vật chất  không nhưng  tinh thần thì chắc có.

Nhưng chính nhờ những chuyến đi vừa “hoành tráng” vừa bi tráng như chuyến thượng sơn đầy ngẫu hứng bất tử kiểu vậy, trời đất lại cho anh những bài thơ vạm vỡ, vượt ra ngoài thể trạng yếu đuối của anh. Nó là sự vạm vỡ sinh ra từ ý chí, từ những khát khao u uẩn trong tâm hồn nhà thơ. Miền sáng rừng tràm là một bài thơ như vậy với ngồn ngộn những chi tiết văn xuôi và hơi thơ sung mãn.

Nhưng thường thì thơ Thực nặng về cảm xúc, nặng về những run rẩy tinh tế và thường là buồn. Một nỗi buồn u uẩn của số phận, của sự mách bảo nghiệt ngã của trời đất cho người biết mình phận mỏng. Cái buồn của một tâm hồn tiếp nhận được những run rẩy tinh tế của tình yêu, tiếng thở dài mơn trớn của gió, cái nóng ấm của gia đình nhưng lại không tiếp cận được hạnh phúc, không bảo vệ được tổ ấm. Anh và Yến - người vợ đầu -  người đã gánh gồng trên vai cả áo cơm, củi đuốc, sách vở lẫn tuổi trẻ và  hy vọng  của mình theo chồng lên Hà Nội - chia tay nhau chỉ hai ba năm sau khi Thực tốt nghiệp Nguyễn Du rồi Yến cũng tốt nghiệp cao học.

Tôi không thể nào quên gương mặt Yến bệch bạc  thêm sau mỗi sáng đến trước Nhà xuất bản nơi tôi làm việc - mà chị chỉ dám đứng bên kia đường - để nhờ tôi níu giữ giúp gia đình khỏi tan vỡ. Ngày Yến còn theo cao học trong Cầu Giấy tôi cũng đã từng theo Thực vào đó.Nhưng học xong thì mẹ con Yến không còn chỗ ở và Yến cũng thất nghiệp vì không xin  dạy ở đâu được, kể cả dạy cấp I. Chị Ngọc Trai, lúc ấy là Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ đã thương tình cho vợ chồng Thực tá túc một thời gian ở cơ quan. Tôi không thể nào quên cảnh sớm sớm hai mẹ con Yến dắt nhau ra khỏi 17 Trần Quốc Toản và chiều  trở về kéo giường kéo bếp ra khỏi gầm tủ để nấu nướng và ăn ngủ ngay tại  báo. Cũng may, ra trường Thực được nhận về báo làm việc.

Không hiểu sao cuộc đời anh khổ thế. Nhiều mâu thuẫn thế. Nếu nói anh khổ là tại anh thôi như ai đó thì cũng hơi đơn giản và bất nhẫn. Rồi anh tục huyền. Sau những mới mẻ ngắn ngủi lại đến ngay  những  nặng nề và chông chênh trước viễn cảnh tan đàn xẻ nghé mới. Có sớm quần áo anh sặc mùi dầu. Có chiều đầu tóc như rơm. Rồi anh lại ra ngoài sống một mình:

Xa nghìn trùng bố gọi cho con/ Con gái bé bỏng của bố con gái ốm o của bố con gái hay dỗi của bố/ tiếng con ngàn ngạt nghe sao mà thương/ bố ở nơi đầu mom, bố ở chỗ đầu nguồn/ mưa nắng thất thường và bố cũng không được khoẻ/ chỉ khi nghe tiếng con bố mới bớt được ưu phiền (Từ nơi xa xôi).

Chỉ sau khi bị tai nạn, và cũng phải nhờ tới bè bạn, anh mới lại được về bên người vợ thứ hai - nhà thơ Phạm Hồ Thu - và con gái Nguyệt Đức của mình. Biết trách ai dù trước đó, những ngày sống ngoài dệ đê sông Hồng anh đã thổ lộ cho tôi nhiều  đắng cay và bất lực của mình. Anh luôn yếu đuối và bất lực. Có lúc, tôi biết, anh cũng muốn thay đổi - kể cả sự thay đổi lối sống - mà không được.

Mà không chỉ cuộc đời, cả quá trình sáng tác của anh cũng không suôn sẻ và hay bị bỏ dở giữa chừng. Tâm sự về nghề, Trần Quốc Thực viết: “Nghiệp thơ đến với tôi muộn màng. Có lẽ tại tôi còn mải đi thu gom tàn của những vàng hương tôi vừa hóa để làm màu mỡ thêm miền tôi được thừa tự! Có lẽ tại vì thế chăng? Hay còn bởi những huyền bí khác nữa nảy sinh sau mỗi bước hành hương vào Trời Đất…”. Những bước hành hương vào Trời Đất không phải một cách nói văn hoa mà là một linh cảm sớm. Từ tập Nét khắc  bên các câu thơ tinh tế đã có những câu thơ xa vắng thoát tục:

Ngồi trước nỗi vắng xa trái tim ta tan nắng gió/ Ngồi bên đầm sen với những lá miên man/ Ban mai chạm đến đâu cánh mở tới đó/ Ta hóa một trong muôn vàn bông sen/ Ta làm một ngôi đền nhỏ (Nhập định).

Còn đọc  những dòng thơ này thì đôi lần tôi đã khóc:

Con ơi, bố biết mọi cuộc chia tay Trời đều định trước/ Bố tự nguyện lùi rất xa để mẹ được toàn quyền về con/ Bố lặng lẽ đến trường con học để được nhìn con từ rất xa,/ nhìn con rất gần rồi bố gọi/ Con ào đến bố một lúc rồi chạy ra chơi với bạn bè/ Con chơi với sân trường. Cái sân trường cứ nghiêng nghiêng/ thế nào ấy trong mắt bố/ Sân trường cứ nghiêng nghiêng mà bố không dám hỏi vì sao (Sân trường nghiêng).

Sân trường nghiêng theo tôi là một trong những bài thơ hay và cảm động về tình cha con trong thơ ca Việt.

Đó là những câu thơ như chắt ra từ máu mủ yêu thương. Nó giản dị biết bao. Khi viết, nhà thơ đã hoàn toàn không nghĩ đến vần điệu, câu chữ hình ảnh nhưng những yêu thương tràn trề trong anh, những khổ đau từng vắt kiệt anh, những khát khao từng đốt cháy anh đã làm cho mỗi vần điệu, câu chữ, hình ảnh trở nên đầy ám ảnh, đầy xót xa lay động tình cảm độc giả.

Cắt nghĩa giá trị cùng những mới mẻ  của thơ anh có lẽ phải bắt đầu từ sự chân thành gan ruột ấy của ngòi bút anh và từ chính cuộc đời cô đơn đau khổ ấy của anh. Cùng với tài năng cái khó và cái dễ của thơ có lẽ đều ở đấy

Thơ ca trước hết là số phận cá nhân nhà thơ, bắt đầu từ số phận nhà thơ  rồi sau đó mới là những gì rộng lớn hơn. Có thể có người phê bình thơ Trần Quốc Thực  “bé bỏng”, ít chất công dân, thiếu cái vạm vỡ cứng cỏi cần thiết để đưa con người thoát ra khỏi những tù túng  bất hạnh của cuộc đời. Điều đó là đúng nhưng chưa đủ. Gánh nặng công dân và sự vạm vỡ ấy có lẽ nàng Thơ dành đặt lên vai những nhà thơ khác. Bạn tôi chỉ là nhà thơ của Mẹ anh, của anh trai anh, của vợ con anh, của những người tình trong cuộc đời anh, của bến nước sông Châu và bờ đê sông Đuống… nghĩa là trước hết của cuộc đời anh. Anh chỉ là một tháp cúc “đầy hoe bóng người” và những “linh giác” (chữ của Trần Quốc Thực). 

Và các thi sĩ xây được cho mình một “tháp cúc” dù khiêm tốn mong manh như Trần Quốc Thực không hẳn là những thi sĩ “bé bỏng”. Và sức sống, sự thắm đượm của thơ bạn tôi trong cuộc đời đa đoan này vẫn là điều tôi hằng tin tưởng

Nguyễn Trác
.
.