Mối quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ: Định hình Châu Á

Thứ Bảy, 13/06/2015, 15:37
Châu Á - “sân nhà” của một trong số các nền kinh tế lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới - là khu vực chứa nhiều thay đổi. Giới phân tích nhận định dân số già, căng thẳng địa chính trị và tăng trưởng sẽ nằm trong số những vấn đề mà châu Á phải đối mặt và vượt qua.

Mới đây, CNBC đã liệt kê những nhân vật chủ chốt chi phối các yếu tố chính trị - kinh tế, và văn hóa, từ đó sẽ định hình tương lai của châu Á. Trong đó, đặc biệt phải nhắc tới hai cái tên quyền lực đang có xu hướng “xích lại gần nhau” trên chính trường: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Theo các nhà phân tích, không quá khó để nhìn thấy những điểm tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo này. Họ đang thực hiện hai chương trình nghị sự kinh tế Abenomics và Modinomics nhằm làm sống lại triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán, đồng thời có nhiều động thái tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trên phương diện an ninh quốc phòng.

Thắt chặt tình thân

Ngay từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Modi đã tuyên bố rằng quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu với Nhật Bản cần được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, Ấn Độ và Nhật Bản cùng chia sẻ những giá trị, lợi ích và ưu tiên cơ bản. Điều đặc biệt là cá nhân người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ và Nhật Bản lại tỏ ra khá thân thiết. 

Còn nhớ, ngay khi ông Modi đắc cử Thủ tướng Ấn Độ, ông Abe đã gửi lời chúc mừng trên Twitter. Ông Modi cũng là một trong ba người mà ông Abe “kết bạn” trên mạng xã hội này. Thủ tướng Nhật Bản từng chia sẻ rằng nói chuyện với ông Modi thật tuyệt vời, và luôn mong chờ được đón tiếp ông tại Tokyo để thắt chặt thêm tình bạn của hai quốc gia.

Ông Modi từng năm lần đến thăm Nhật Bản, có quan hệ tốt với cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe và rất ngưỡng mộ đồng nghiệp người Nhật. Thậm chí có quan điểm cho rằng họ có vẻ giống nhau về tính cách, chí hướng và ủng hộ lẫn nhau. Tình bằng hữu nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ được thể hiện rất rõ ràng trong từng chuyến thăm. 

Bằng chứng là Thủ tướng Abe luôn đón người đồng cấp Modi bằng một cái ôm chặt, một hành động hiếm gặp đối với một chính trị gia ở Nhật, nơi sự tiếp xúc cơ thể trước công chúng được giữ ở mức tối thiểu. Báo chí Nhật Bản miêu tả đây là một “sự đón chào nồng ấm nhất” mà ông Abe dành cho ông Modi, bất chấp thực tế rằng ông Abe vốn nổi tiếng là người khá lạnh lùng, ít khi thể hiện tình cảm.

Bản thân ông Modi đã trực tiếp gọi điện thoại chúc mừng ông Abe ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012. Giờ đây, ông Modi chắc chắn sẽ tận dụng những mối quan hệ tốt đẹp này để xây dựng và mở rộng quan hệ kinh tế Ấn - Nhật trong thời gian tới. Trên thực tế, đối tác được tân Thủ tướng Ấn Độ Modi đặc biệt quan tâm trong chính sách kinh tế, đối ngoại là Nhật Bản.

Mối quan hệ thân tình giữa hai nhà lãnh đạo Narendra Modi (phải) và Shinzo Abe (trái) là tình bạn lâu năm, chứ không phải vừa mới bắt đầu.

Lý do không chỉ là giữa Nhật Bản và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược, mà giữa ông Modi và Thủ tướng Abe có nhiều điểm tương đồng.Các nhà phân tích đã đặt ra cụm từ “Modinomics” để bắt đầu so sánh với “Abenomics” cho chiến lược phát triển kinh tế toàn diện của ông Modi trong những năm tới. Sự kết hợp giữa Abenomics và Modinomics sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế của mỗi nước. Theo đó, mục tiêu của hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào việc đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo và từng bước loại bỏ tình trạng bất ổn.

Trong cương lĩnh tranh cử trước cử tri, cả ông Modi và ông Abe hứa hẹn sẽ có nhiều chương trình hợp tác mới để thúc đẩy nền kinh tế mỗi nước bằng các hành động quyết đoán và cụ thể hơn. Theo giới quan sát, ông Abe lên nắm quyền sau những năm bất ổn chính trị đã phản ánh quyết tâm của Nhật Bản khôi phục lại hình ảnh một quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, đồng thời là một đối tác tin cậy ở khu vực Đông Á. Do đó, ông Modi được kỳ vọng sẽ có một chính sách ngoại giao quyết đoán, năng động gần như ông Abe để giúp khôi phục nền kinh tế và an ninh, quốc phòng của Ấn Độ.

Trong hầu hết những lần gặp nhau, Thủ tướng Modi và Thủ tướng Abe đều nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa hai nước, “được thử thách qua thời gian và có tiềm năng nhất trên thế giới”. Chính sự thân thiện giữa hai ông Abe và ông Modi sẽ tăng cường mối quan hệ song phương, bởi họ biết cách lắng nghe nhau trong đối thoại, đều nhìn thế giới cùng một quan điểm. Cả hai đều theo chủ nghĩa dân tộc, cả hai đều trung dung, những giá trị, những tư duy kinh tế của họ cũng tương đồng.

Từ sau khi lên nhậm chức, ngoài các nước láng giềng với Ấn Độ ra, thì Thủ tướng Modi vẫn mong muốn được tới thăm Nhật Bản đầu tiên. Ông nói bản thân ông trong nhiều năm qua vẫn nỗ lực vì mối quan hệ giữa hai nước, và New Delhi rất cần Tokyo.

Ông Modi cho rằng các cuộc đàm thoại với ông Abe đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu giữa hai nước lên một mức “đặc biệt”. Lãnh đạo hai nước đã có nhiều thỏa thuận chung, chủ yếu hướng tới những kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Ông Abe và ông Modi nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại gần gũi giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao của hai nước, cam kết thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, và đánh giá cao tiến trình các cuộc đàm phán nhằm chuyển giao công nghệ quốc phòng và hạt nhân của Nhật cho Ấn Độ.

Cùng với mục tiêu phát triển quan hệ an ninh, hai nhà lãnh đạo cũng đặt mục tiêu tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại cho tương xứng. Thủ tướng Abe đã từng vạch ra một kế hoạch nhằm tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật và số công ty Nhật hoạt động ở Ấn Độ, đồng thời cam kết tổng mức đầu tư 3,5 nghìn tỷ Yên của Nhật vào Ấn trong vòng 5 năm tới.

Trung Quốc lo ngại việc Ấn Độ và Nhật Bản có thể hình thành một liên minh để ứng phó với quốc gia này.

Chung tay đối phó với Trung Quốc

Có thể thấy rằng Ấn Độ và Nhật Bản hiện có những mối quan ngại chung về an ninh, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại biển Đông do các hành động của Trung Quốc làm phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật quốc tế.

Cả New Delhi và Tokyo đều nhận thấy Trung Quốc muốn biến biển Đông thành “cái hồ của Bắc Kinh” - một bước để tiến tới mục tiêu thiết lập vai trò bá chủ của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, họ đều không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, song qua những phát biểu của ông Modi, người ta có thể hiểu rằng ông đang ám chỉ Trung Quốc hiện nay với những động thái “quá lộ và hiếu chiến”.

Do đó Thủ tướng Shinzo Abe và Narendra Modi nhất trí tăng cường quan hệ song phương để duy trì tính nguyên trạng của khu vực. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng và kinh tế trong bối cảnh hai đối tác lớn tại khu vực châu Á tiến tới xây dựng một đối trọng chiến lược với Trung Quốc. Trong một bài phát biểu vừa qua, ông Modi bàn về sự cần thiết đối với Ấn và Nhật thúc đẩy mối quan hệ đối tác gần gũi hơn vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, và “tuyên chiến” với tư duy bành trướng. Đây được xem là một sự ám chỉ tới Trung Quốc, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với cả New Delhi và Tokyo.

Báo giới cho rằng ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy Narendra Modi đang “xích lại gần” Shinzo Abe khi biết rằng Nhật Bản, vốn là một đồng minh của Mỹ, đang nỗ lực “tập hợp” các quốc gia châu Á thành một mặt trận thống nhất trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Trong khi đó, Ấn Độ đã giữ vai trò trung tâm trong chiến lược của ông Abe về xây dựng các liên minh ngoại giao và quốc phòng mật thiết hơn với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Hiện Nhật đang nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí theo chủ trương của Thủ tướng Abe và động thái này làm gia tăng kỳ vọng rằng Nhật sẽ sớm cung cấp máy bay quân sự cho Ấn Độ. Hai nhà lãnh đạo cũng đã đồng ý làm việc nhiều hơn để khởi động các cuộc tham vấn “hai cộng hai” trong khuôn khổ an ninh giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước. Ngoài ra, họ cũng nhất trí tiếp tục tập trận hải quân song phương thường xuyên bên cạnh cuộc tập trận ba bên với Mỹ.

Với cách tiếp cận này, chính quyền Modi và Abe có thể góp phần vào thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực, đồng thời ngăn chặn tham vọng bành trướng của các nước lớn. Ngoài ra, cách tiếp cận trên cũng bổ sung cho phương châm “Tạo ra một châu Á mới” của Ấn Độ, tương ứng với việc đề cao những giá trị dân chủ của Thủ tướng Abe nhằm hướng tới một kênh hợp tác chiến lược mạnh mẽ Ấn - Nhật cả về kinh tế và quân sự. Nếu châu Á trở thành nhà lãnh đạo trong thế kỷ XXI, Nhật Bản - Ấn Độ sẽ dẫn dắt và thúc đẩy khu vực tiến tới một con đường phát triển hòa bình, quyết định bởi cách hai nguyên thủ Narendra Modi - Shinzo Abe hợp tác với nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung.

Nhiều ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Modi - Abe chính là tình bạn lâu năm, chứ không phải vừa mới bắt đầu. Tình cảm thắm thiết giữa hai nguyên thủ Nhật Bản và Ấn Độ đã khiến Trung Quốc giận sôi, cáo buộc Tokyo đang tìm cách chia rẽ mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi. Bản thân Trung Quốc cũng đang cố lấy lòng Ấn Độ khi nhiều lần phát đi tuyên bố rằng ông Modi là “chiến hữu” của Chủ tịch Tập Cận Bình, và vì lẽ đó New Delhi là “hàng xóm thân thiện” chứ không phải kẻ thù của Bắc Kinh. 

Chủ tịch Tập đã phát hiện thấy “luồng gió mới” kể từ khi ông Narendra Modi trúng cử, và sẵn sàng hỗ trợ ông trong hoạt động trẻ hóa Ấn Độ. Tuy nhiên có vẻ như hành trình chinh phục trái tim của Thủ tướng Ấn Độ còn khá gian nan khi ông Modi bộc lộ ngay tình cảm với Nhật Bản và người đứng đầu Chính phủ Shinzo Abe. Đặc biệt, điều khiến Trung Quốc không khỏi nóng mặt là việc Ấn Độ và Nhật Bản có thể hình thành một liên minh để ứng phó với quốc gia này…

Anh Doãn
.
.