Mối đe dọa từ “Khủng bố giá rẻ”

Thứ Ba, 14/04/2015, 16:01
Sau cuộc thảm sát 148 sinh viên tại Trường Đại học Moi ở thị trấn Garissa (Đông Bắc Kenya), lực lượng Hồi giáo Al-Shabaab của Somali có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã đe dọa người dân Kenya về “một cuộc tắm máu kế tiếp”.

Cũng giống như Al-Qaeda, Al-Shabaab không chỉ thực hiện nhiều cuộc tấn công chết người ngay trên quê hương mà còn ở các quốc gia láng giềng từng tham gia chống lại nhóm này. Kể từ khi thành lập năm 2003, tiền thân là một đơn vị ly khai của lực lượng vũ trang Hồi giáo Somali, Al-Shabaab - tiếng Ả Rập là “thanh niên” - đã phát triển thành một trong những nhóm khủng bố khét tiếng nhất thế giới, luôn tuyển dụng thành viên quốc tế, ngay cả những người Somali nhập cư ở Mỹ.

Với những hành động tàn sát đẫm máu, Al-Shabaab đang trở thành một mối đe dọa lớn với an ninh trong khu vực và toàn cầu, bất chấp những chiến dịch thanh trừng của nhiều quốc gia và cái chết của những tên thủ lĩnh.

Mầm mống nguy hiểm mới

Al-Shabaab gồm nhiều phe nhóm: một số theo chủ nghĩa dân tộc, chủ trương đánh để chiếm quyền lực ở Somali và biến nơi đây thành quốc gia Hồi giáo; trong khi đó, nhiều nhóm khác có liên hệ với Al-Qaeda lại chủ trương thánh chiến toàn cầu. Al-Shabaab phát triển mạnh mẽ một phần là do điều kiện sống ảm đạm của Somali, một đất nước khốn khổ sống trong nội chiến và nạn đói, cũng như tồn tại nhiều năm mà không có một chính quyền trung ương mạnh mẽ. Điều kiện này đã biến Somali thành mảnh đất màu mỡ cho một số nhóm cực đoan, trong đó có Al-Itthiad Al-Islami, một tổ chức từng tìm cách xây dựng nhà nước Hồi giáo trong Somali.

Năm 2003, những thủ lĩnh cực đoan của nhóm này đã tách ra và thành lập Al-Shabaab, tiến hành một chiến dịch cai trị Hồi giáo trên khắp Somali, hình thành một mạng lưới liên minh với các tòa án Hồi giáo để nắm quyền kiểm soát thủ đô Mogadishu vào năm 2006. Sau khi quân đội nước láng giềng Ethiopia xâm lược Somali và kiểm soát Mogadishu, Al-Shabaab đã rút về phía nam Somali, làm bàn đạp vừa tấn công du kích lực lượng Ethiopia, vừa tiếp tục chiếm phần lớn lãnh thổ miền trung và miền nam đất nước để mở rộng lực lượng. Từ đây, thành viên của Al-Shabaab tăng lên con số hàng nghìn.

Hiện nay, Al-Shabaab là một trong hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất Somali, có liên kết với những tổ chức Hồi giáo khác tại châu Phi như Boko Haram ở Nigeria hay Al-Qeada ở sa mạc Sahara. Một số lãnh đạo cấp cao của tổ chức này từng được Al-Qaeda huấn luyện và chiến đấu tại Afghanistan.

Từ tháng 2/2008, Mỹ chính thức liệt Al-Shabaab là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Những năm sau đó, Al-Shabaab đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên ở nước ngoài, với hàng loạt các vụ đánh bom tự sát ở Uganda trong năm 2010. Ngoài ra, tổ chức này còn thực hiện nhiều cuộc tấn công tại Kenya, nhắm mục tiêu vào binh lính thuộc Liên minh châu Phi và các tòa nhà chính phủ tại Somali.

Al-Shabaab vẫn tiếp tục lia cỗ máy chém giết đi khắp nơi. Trong tháng 6/2014, nhóm tấn công một văn phòng của Liên Hiệp Quốc ở Mogadishu, giết chết 22 người. Tháng 2/2015, Al-Shabaab cũng nhận trách nhiệm vụ tấn công một khách sạn Mogadishu, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng. Mới nhất là vụ tấn công vào Trường Đại học Moi ở thị trấn Garissa, bắn chết gần 150 sinh viên. Đây được coi là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Kenya kể từ vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Nairobi đã giết chết 213 người năm 1998. Điều đó đã làm dấy lên nỗi sợ hãi rằng Al-Shabaab đang hướng tới các hoạt động quy mô lớn hơn. Al-Shabaab duy trì một hệ thống truyền thông bao gồm cả mạng xã hội Twitter hết sức tinh vi.

Thậm chí năm 2009, tổ chức này còn sản xuất hẳn một chương trình truyền hình thực tế, nhằm kêu gọi những người trẻ gia nhập nhóm. Về tài chính, ngoài việc nhận tài trợ của Al-Qaeda, Al-Shabaab còn có “thu nhập” từ một loạt các hoạt động bất hợp pháp khác như thu thuế và các lệ phí tại các sân bay, cảng biển, thuế hàng hóa hoặc tống tiền giả danh những khoản đóng góp vì nghĩa vụ tôn giáo. Như vậy, trung bình hàng năm tổ chức khủng bố này có thể thu về từ 70 đến 100 triệu USD.

Al-Shabaab thiết lập một mạng lưới tuyển mộ tại Kenya, đặc biệt là gần bến cảng của thành phố Mombasa, nơi có nhiều người Hồi giáo sinh sống. Tổ chức này cũng “chịu khó” đưa các chiến binh sang Afghanistan và Iraq chiến đấu cũng như học tập kinh nghiệm tác chiến. Al-Shabaab đã bắt đầu dung nạp nhiều phần tử thánh chiến nước ngoài, trong đó có nhiều công dân tới từ Mỹ và châu Âu.

Al-Shabaab nhập khẩu kỹ thuật đánh bom tự sát, áp đặt luật đạo Hồi Sharia hà khắc tại những khu vực mà tổ chức này kiểm soát, trong đó có việc ném đá đến chết những phụ nữ ngoại tình và chặt tay những ai ăn cắp. Thậm chí, những tên khủng bố còn phân loại nạn nhân trước họng súng nhằm “cắt giảm” việc thảm sát quá nhiều người Hồi giáo. Các nạn nhân thường bị yêu cầu đọc một đoạn kinh Koran hoặc trả lời các câu hỏi về đạo Hồi, và những ai không thực hiện được điều này đều bị bắn chết.

Khủng bố… giá rẻ

Trong “thời vàng son”, Al-Shabaab từng suýt thống lĩnh cả đất nước Somali, kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn (bằng cả đất nước Hà Lan) và mở rộng tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, tổ chức khủng bố này đã liên tục bị “dập” tơi bời trong suốt nhiều năm qua. Thủ lĩnh khét tiếng Ahmed Abdi Godane đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ hồi năm ngoái, trong khi nhiều thủ lĩnh khác cũng bị máy bay không người lái của Mỹ giết chết.

Tờ báo The New York Times dẫn một phân tích cho rằng lực lượng thực tế của Al-Shabaab đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3 nghìn tay súng so với con số 7 nghìn trước đây. Trong bối cảnh này, Al-Shabaab cũng đang hứng chịu thảm kịch mất nhiều vị trí chiến lược cùng lúc, chẳng hạn như mất thành phố cảng Kismayo trước lực lượng của Chính phủ Somali. Tài chính cạn kiệt, Al-Shabaab thất thu hàng triệu USD khi không còn khả năng khai thác than hay nhập khẩu xe hơi.

Al-Shabaab nhập khẩu kỹ thuật đánh bom tự sát, áp đặt luật đạo Hồi Sharia hà khắc và phân loại nạn nhân trước họng súng.

Trong khi bị mất rất nhiều vùng đất có tính chất quyết định về kinh tế, Al-Shabaab lại không có được những đoàn xe bọc thép kiên cố như Boko Haram, không có những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn như Taliban, hay những mỏ dầu trù phú như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhưng Al-Shabaab rất giỏi thay đổi chiến thuật khi chúng chuyển sang đơn giản hóa các hoạt động khủng bố vì… hết tiền.

Trước đây, tổ chức này thường dùng ôtô đánh bom khủng bố, thì nay Al-Shabaab sử dụng các chiến binh trẻ được huấn luyện bài bản, có kỷ luật rất cao, mang theo súng trường và lựu đạn đi thảm sát. Rõ ràng, chiến thuật này “giá thành” rẻ hơn trước rất nhiều.

Có thể thấy rằng, trước những tổn thất to lớn của tổ chức, Al-Shabaab không ồn ã bành trướng ở các thành phố lớn nữa mà âm thầm nhưng dai dẳng trườn dài ra từ làng quê này đến làng quê khác, mở rộng mạng lưới tuyển mộ và hoạt động.

Al-Shabaab lựa chọn rất kỹ các mục tiêu tấn công, như đánh bom trung tâm mua sắm Westgate - biểu tượng của sự giàu sang tại Nairobi, hay Trường Đại học Moi - nơi tập trung rất nhiều sinh viên con nhà khá giả không theo đạo Hồi. Chúng cũng tập trung tàn sát thường dân một cách tàn bạo để tăng uy tín nhằm thu hút các thanh niên cực đoan, tương tự như chiến thuật của IS. Với chiến lược này, Al-Shabaab đang thu hút được nhiều phần tử cực đoan ở Kenya, Tanzania và Uganda.

Về cơ bản, thế giới đang chứng kiến sự ra đời của một nhóm Boko Haram ở Kenya. Al-Shabaab có chiến lược rõ ràng, đầu tiên là làm suy yếu quyền lực của chính quyền trung ương Kenya đối với toàn bộ khu vực đông bắc và khiến cho cộng đồng thiểu số Somali xa lánh những người Kenya còn lại. Mặc dù Al-Shabaab mất dần quyền kiểm soát các khu vực ở Somali và bị phân tán lực lượng, nhưng các nhà ngoại giao cảnh báo nhóm này vẫn có khả năng gây ra những vụ tấn công tàn bạo theo kiểu du kích.

Vụ tấn công khủng bố tại Trường Đại học Moi vừa qua đặt ra những câu hỏi về chiến lược an ninh của Chính phủ Kenya mà những nhà chỉ trích cho rằng đang khiến những người Hồi giáo và cộng đồng người Somali ở Kenya trở nên xa lánh với những cộng đồng khác trong xã hội. Rõ ràng, Al-Shabaab muốn tạo ra một bầu không khí lo sợ và nghi ngờ nhằm giành lấy chỗ đứng lâu dài. Và chúng có thể thành công nếu phản ứng của Kenya không được tính toán kỹ lưỡng. Từ đây, Al-Shabaab sẽ tạo được bàn đạp để khôi phục lại “thời vàng son”, và lập kế hoạch xa hơn để tạo nên “nỗi sợ khủng bố mới” trên toàn thế giới.

Với quan ngại sâu sắc về mức độ bạo lực của Al-Shabaab và nguy cơ tấn công, Nhà Trắng đã chi gần một tỉ USD cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh châu Phi để truy quét Al-Shabaab. Tuy nhiên, mọi học thuyết quân sự hiện đại để nhổ tận gốc Al-Shabaab dường như đều trở nên vô dụng khi tổ chức này vẫn đủ sức tồn tại bất chấp sức ép dữ dội từ phía lực lượng Liên minh châu Phi. Các nhà quan sát cho rằng chỉ dùng sức mạnh quân sự sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn được Al-Shabaab. Đây không phải là một cuộc chơi dễ dàng.

Các chính phủ phải áp dụng chiến thuật đặt người dân làm trung tâm, phải đem ổn định đến cho các ngôi làng ở Somali và ngăn chặn tham nhũng trong hàng ngũ an ninh Kenya. Điệp khúc “Al-Shabaab đang hấp hối” được cất lên quá nhiều trong thời gian qua, nhưng kỳ thực tổ chức khủng bố này vẫn đang “sống đủ khỏe để tiếp tục tàn sát”…

Anh Doãn - Lê Nam
.
.