Mịt mờ châu Âu hậu Brexit
- Hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên thời hậu Brexit
- EU nỗ lực tìm “hơi thở mới” sau sự cố Brexit
- EU sẽ như thế nào sau Brexit?
Dù xác định được một số định hướng chung và thể hiện tình đoàn kết, song các quốc gia EU vẫn vướng nhiều bất đồng. Bên cạnh đó, động thái của các nước thành viên EU cũng đang cho thấy xu hướng liên kết nội khối dựa trên lợi ích riêng thay vì hướng tới những mục tiêu chung.
Liên minh đang bị co kéo giữa những thành viên chủ chốt và những quốc gia mới gia nhập liên minh, hay chịu chi phối bởi bối cảnh quốc tế đầy bất lợi.
Loay hoay trong khủng hoảng
Dường như cho đến giờ, EU vẫn chưa chắc chắn về con đường sẽ đi. Trong nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo châu Âu phải nỗ lực suy tính, cân nhắc và tranh luận để tìm ra giải pháp cho một EU đang lúng túng trước những yêu cầu mới của công dân châu Âu.
Cụ thể, công dân sẽ chỉ chấp nhận EU nếu liên minh có thể đem lại cho họ sự phát triển thịnh vượng và một tương lai rõ ràng, bền vững. Gần đây, phần lớn những nỗ lực ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo châu Âu đều nhắm vào việc tìm kiếm nền tảng chung cho các hội nghị về tương lai của EU và cả châu Âu thời hậu Brexit.
Vừa qua, một số nhà nghiên cứu và các quan chức châu Âu cấp cao đã đưa ra một sáng kiến mang tên "đối tác lục địa", bao gồm việc ra quyết định mới biến châu Âu trở thành thị trường duy nhất, trong đó có thể bao gồm Anh cũng như các nước khác ngoài châu Âu (như Thổ Nhĩ Kỳ hay Ukraine).
Tuy nhiên, những người có quan điểm bảo thủ thì lại đang gạt đi những ý tưởng lớn, chẳng hạn như lực lượng quân đội thường trực của EU hay một cơ quan tình báo toàn châu Âu.
Nhiều người đổ lỗi cho Brexit đã tạo nên tình cảnh hỗn loạn của EU hiện nay. Brexit đã đẩy EU vào tình huống khẩn cấp, khiến liên minh này phải sắp xếp và nhìn lại vai trò trung tâm trong khu vực.
Những lá phiếu trưng cầu dân ý tại Vương quốc Anh hôm 23-6 là một đòn đau với một liên minh vốn từng chỉ biết đến sự mở rộng. Vì vậy, cuối tháng 8-2016, nhóm lãnh đạo "bộ tam" chủ chốt của Liên minh châu Âu - gồm Pháp, Đức, Italy - tiến hành họp bất thường với mong muốn tạo ra "hơi thở mới" cho liên minh này.
Nhóm Visegard-V4 tuyên bố mục tiêu tăng cường vai trò trong tiến trình cải cách EU hậu Brexit, có khả năng trở thành một lực lượng ngăn cản hoạt động của EU. |
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cuộc họp lần này mang tính hình thức nhiều hơn nội dung. Thủ tướng Italy, Matteo Renzi, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thất bại trong việc đưa ra một chiến lược kinh tế chung, và cũng không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào về việc đàm phán xung quanh vấn đề Anh rời khỏi EU.
Trong một diễn biến khác, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu ở Bratislava (Slovakia) vừa qua, 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên thống nhất về một lộ trình các chiến lược mới để tái thiết lòng tin công chúng EU hậu Brexit. Dự kiến kế hoạch về những cam kết hợp tác mới này sẽ được công bố vào tháng 3-2017, nhân dịp kỉ niệm 60 năm hiệp ước thành lập EU được kí kết tại Rome (Italy).
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, việc Anh rời EU đã khiến khối này rơi vào một tình huống nghiêm trọng. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo châu Âu trong thời gian tới cần phải có một kế hoạch hành động để giải quyết từng vấn đề như người nhập cư và an ninh biên giới. Theo bà Merkel, EU cần phải có sự đoàn kết và hợp tác hơn nữa - những giá trị đã được các nước sáng lập EU nhất trí vào năm 1957.
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, được gọi là không chính thức do Anh không tham dự, diễn ra nhằm mục tiêu vãn hồi lòng tin của người dân về EU - vốn nhiều thập kỉ qua được xem là tổ chức bảo hộ cho hòa bình và thịnh vượng của châu Âu, song giờ đây lại đang rơi vào một cuộc khủng hoảng.
Đây chỉ là thành công bước đầu trên con đường củng cố tương lai cho toàn liên minh thời kỳ hậu Brexit, bên cạnh các vấn đề khác như khủng hoảng tị nạn, tăng cường quan hệ quốc phòng hay hợp tác phát triển kinh tế.
Thành công lớn nhất là các thành viên EU đã thể hiện tinh thần đoàn kết trong lúc liên minh đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo đó, 27 thành viên muốn viết chương mới cho tương lai, và châu Âu hậu Brexit sẽ thúc đẩy lại các lý tưởng về thống nhất, hòa bình, tự do. Bất chấp những hy vọng về tương lai của châu Âu, sự hoài nghi vẫn nhiều hơn.
Theo nhiều chuyên gia, châu Âu có lẽ phải thực tế hơn, phải đưa ra những đề xuất và định hướng cụ thể. Việc lặp lại những ngôn từ sáo rỗng không thể loại bỏ được những bất đồng.
Bên bờ vực tan rã
Hiện nay, EU đang phải đối mặt với hàng loạt thử thách đe dọa nội bộ liên minh. Căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia thành viên có thể đạt tới điểm tan vỡ. Bất đồng trong việc xử lí dòng người nhập cư lớn vào châu Âu vẫn tiếp diễn.
Thỏa thuận gần đây với Thổ Nhĩ Kỳ dường như hạn chế sự thành lập của lực lượng bảo vệ biên giới trên biển mà các quan chức EU vốn kỳ vọng sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Trong khi đó, chính phủ các nước Đông Âu vẫn kịch liệt phản đối kế hoạch của EU nhằm phân bổ hàng trăm ngàn người tị nạn trên toàn châu Âu.
Trong khi đó, sự bất đồng trong chính sách kinh tế giữa các nước trong EU đang ngày càng gay gắt. Chính sách thắt lưng buộc bụng của Đức liên tục bị chỉ trích, cùng những hạn chế của mục tiêu cân bằng ngân sách bị phơi bày.
Nhiều quốc gia kêu gọi EU cần có biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chống nạn thất nghiệp trong giới trẻ. Mặt khác, những ý tưởng nhằm thúc đẩy hội nhập trong khu vực đồng Euro, từ việc thành lập quỹ bảo hiểm tiền gửi ngân hàng chung cho đến việc bầu ra một bộ trưởng tài chính duy nhất, dường như không mấy "đơm hoa kết trái".
Nhiều năm khủng hoảng kinh tế đã khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng ở khu vực phía Nam châu Âu. Các nhà lãnh đạo đã bàn về một kế hoạch giải quyết tình trạng thanh niên thất nghiệp, nhưng hầu hết các công cụ thực thi đều nằm trong tay chính phủ của mỗi quốc gia mà không phải quốc gia nào cũng biết cách xử lý đúng hướng.
Gần đây, các cuộc biểu tình dữ dội nổ ra trên khắp nước Pháp khi chính phủ thúc đẩy thông qua các cải cách lao động gây tranh cãi. Ngay cả các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Pháp hay Đức sắp tới cũng gây sức ép thỏa hiệp đến các nhà lãnh đạo.
Chưa hết, những cuộc khủng hoảng đã từng được châu Âu chôn vùi lại tiếp tục nổi lên. Cuộc đàm phán của EU với Hy Lạp trong gói cứu trợ tiếp theo sẽ càng khó khăn. Đàm phán thỏa thuận Minsk cho tiến trình hòa bình Ukraine đang trong tình trạng "mắc kẹt".Hiện nay, EU đang phải đối mặt với hàng loạt thử thách đe dọa nội bộ liên minh, một trong số đó là bất đồng tiếp diễn trong việc xử lí dòng người nhập cư. |
Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được mong chờ giữa EU và Mỹ thì bị tuyên bố "đã chết". Bên cạnh đó, tương quan quyền lực và bối cảnh quan hệ quốc tế cũng đang không ủng hộ EU, khi những nguy cơ sát sườn như Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các cuộc khủng hoảng không hồi kết tại Trung Đông, Bắc Phi, càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa lục đục chính trị trong nội bộ EU, tạo nên nguy cơ chia rẽ rõ ràng.
Hàng loạt vụ tấn công do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện cũng như dòng người nhập cư kỉ lục từ những nước bị chiến tranh tàn phá như Syria, Afghanistan và Iraq đã khiến nhiều cử tri các nước châu Âu quay sang ủng hộ các đảng phái có tư tưởng phản đối EU.
Sau hơn nửa thế kỷ các quốc gia EU hợp tác chặt chẽ, niềm tin của người dân châu Âu về một "ngôi nhà chung" hòa bình và thịnh vượng đang bị xói mòn nghiêm trọng. Thậm chí nhiều ý kiến quan ngại rằng EU - mô hình liên kết khu vực thành công nhất trên thế giới - đang đứng bên bờ vực tan rã.
Nguy hiểm hơn, một số quốc gia thành viên EU ngày càng có xu hướng liên kết nội khối dựa trên lợi ích riêng. Sự kiện Brexit đã làm lung lay các nền tảng của EU, khiến các quốc gia thành viên đánh giá lại vai trò - vị thế trong liên minh.
Brexit đã thúc đẩy các quốc gia Nam Âu tăng cường liên kết, hâm nóng ý tưởng xây dựng Liên minh Biển Bắc (MED) giữa các nước Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy.
Ở Đông Âu, nhóm Visegard-V4 (gồm Ba Lan, Czech, Slovakia và Hungary) đã tuyên bố mục tiêu tăng cường vai trò trong tiến trình cải cách EU hậu Brexit. Nhóm này có thể tìm kiếm hỗ trợ tài chính và chính trị thông qua hợp tác với Nga và Trung Quốc, do đó có khả năng trở thành một lực lượng ngăn cản hoạt động của EU…