Mẹ Việt tại Mỹ vật lộn trong đại dịch

Chủ Nhật, 18/04/2021, 20:21
Nhiều phụ nữ Việt Nam tại Mỹ lao đao chèo chống cuộc sống trong bối cảnh đại dịch, thất nghiệp, thu nhập giảm, con không được đến trường.

Lan Anh, 39 tuổi, là kế toán cho một công ty tư vấn Luật tại khu Brooklyn, New York, Mỹ. 12 năm lập nghiệp ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới, đồng hồ của cô luôn hẹn chuông báo thức lúc 4 giờ sáng. 

Bắt đầu bằng việc dọn dẹp, chuẩn bị các bữa ăn trong ngày, đưa hai bé đến trường và lên tàu điện đến chỗ làm. Một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 9 giờ và kết thúc 5 giờ, cô thuê một người Mỹ gốc Mexico trông con với giá 15 USD/ giờ tại nhà, sau đó tấp cập đến lớp học thêm từ 6 đến 9 giờ tối. 

Về nhà lúc 10 giờ, cô xoay xở với đống giấy tờ từ công việc kinh doanh riêng, chuẩn bị các tờ khai thuế cho khách hàng, nói chuyện - thảo luận với họ lúc 11 giờ tối, thậm chí nửa đêm. Có lần, cô gặp họ lúc 6h sáng, trước giờ đi làm. 

"Dù khó khăn, nhưng tôi không bao giờ phàn nàn, vì tôi là người luôn nhìn nhận mọi thứ tích cực. Đó là động lực giúp tôi vượt qua thách thức", Lan Anh nói. Người phụ nữ quê gốc Nam Định này là điển hình cho hàng triệu người đang theo đuổi giấc mơ Mỹ, chăm chỉ, kiên trì và tin tưởng thành công sẽ đến nhờ nỗ lực.

Nhưng đại dịch COVID-19 ập đến đã giáng một đòn mạnh vào vào sự ổn định của gia đình Lan Anh. Công ty kế toán nơi đem lại cho cô nguồn thu 50 nghìn USD/ năm cắt giảm lương nhân viên trong đó có người phụ nữ gốc Việt này. 

Được làm việc tại nhà nhưng cô vẫn phải xoay sở với hai đứa con cũng học trực tuyến, do nước Mỹ đóng cửa các trường học. Dọn dẹp, bếp núc, đi chợ, khám bác sĩ, nộp thuế, họp phụ huynh, sửa chữa nhà cửa… một mình cô vật lộn vận hành gia đình vì chồng phải làm việc xa nhà hàng nghìn cây số, chỉ gặp nhau một năm vài lần. 

Tháng 2/2021, khi chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa theo Tết cổ truyền người Việt, Lan Anh trải qua một cơn đột quỵ nhẹ, cô phải nhập viện khẩn cấp và may thay đã được kiểm soát bệnh, không để lại di chứng. Bác sĩ chẩn đoán cô bị đường huyết tăng kèm cao huyết áp - căn bệnh sinh ra từ việc ăn uống thất thường, lo âu, căng thẳng, kiệt quệ, thiếu ngủ kéo dài. 

"Lúc đó, tôi chỉ muốn nằm luôn ở viện, vì chợt nhận ra, chính trong căn phòng trắng toát đầy máy móc này là nơi tôi thực sự được nghỉ ngơi. Không còn những tiếng la hét, quát tháo, những sự chán chường, mệt mỏi, khi phải xoay Xở giữa công việc và con cái nơi đất khách quê người, trong cô độc", cô cay đắng nói.

Các nhân viên y tế trong phòng bệnh điều trị COVID-19 ở Apple Valley, California. Ảnh: L.G

Tình trạng kiệt quệ, lo âu, căng thẳng, trầm cảm, thậm chí là những ý nghĩ tử tự của những người mẹ là một hiện tượng phổ biến tại nước Mỹ trong đại dịch. 

"Đối với nhiều phụ nữ di cư từ châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi… tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Nhiều người mẹ gốc Việt mới sinh con, không có sự trợ giúp từ bố mẹ, bị cô lập vì đại dịch, đã rơi vào trầm cảm sau sinh", chị Mỹ Linh, tiến sĩ tâm lý học đang làm việc tại bang Texas, quản trị viên một nhóm bà mẹ Việt Nam sinh hoạt trên Facebook, cho biết. 

"Tình trạng kiệt sức ở cấp độ lâm sàng được xác định bởi các triệu chứng như kiệt sức, cảm giác vô dụng và khó duy trì kết nối cá nhân. Trước kia, ngoài công việc 8 tiếng tại công sở trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều bà mẹ Việt khi trở về nhà phải xoay Xở với dọn dẹp, nấu ăn, đưa đón, dạy dỗ con học. Họ không có lấy một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa. 

Đại dịch ập đến, họ phải gánh chịu thêm áp lực tâm lý từ việc con cái - vợ chồng cùng làm việc tại nhà, ai cũng khó chịu, bức bách, ai cũng muốn nổ tung. Thêm nữa là nỗi nhớ nhà, muốn về quê hương thăm bố mẹ, người thân bệnh nặng, mà cũng bất lực vì khó tìm được đường bay", chị Linh chia sẻ thêm.

Theo một cuộc khảo sát tiến sĩ Linh đưa ra trong nhóm Facebook này, nhiều người mẹ có ý định nghỉ việc, dù tương lai bấp bênh khi gia đình chỉ còn một nguồn thu nhập duy nhất. 

"Dường như chúng tôi không còn lựa chọn", Mai, một bà mẹ sống ở San Jose nói. Gia đình chị không thể kham nổi khoản tiền bán trú 200 USD/ 6 tiếng/ một ngày gửi hai con đến nhà trẻ tự phát. Đại dịch khiến người mẹ phải từ bỏ sự nghiệp vừa mới bắt đầu tại công ty tư vấn luật. Mai chỉ là một trong hàng triệu bà mẹ Mỹ đã, đang và sắp nghỉ việc vì những áp lực đến từ COVID-19. 

Cuộc khảo sát của UBS Group AG hồi tháng 2/2021, cho thấy một xu hướng, những phụ nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi có con nhỏ, đang rời bỏ thị trường việc làm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát phức tạp. 

"Cho dù bạn là một phụ nữ có quyền lực, mạnh về tài chính hay là một người phục vụ trong nhà hàng, bạn sẽ không từ bỏ con cái của mình để đánh đổi lấy công việc", một người trong nhóm nghiên cứu  nhận xét về hậu quả của việc nhiều trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em phải đóng cửa.  

Dữ liệu từ cuộc khảo sát cho biết thêm, 61% phụ nữ Mỹ giàu có được hỏi tin rằng đợt bùng phát COVID-19 đang làm tổn hại đến sự nghiệp của họ, trong đó khoảng 40% cho biết đại dịch đã khiến việc tăng lương và thăng chức bị đình trệ vì họ làm việc ít hơn, dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn. Ngoài ra, 1/4 số người được hỏi cũng cho biết đã trì hoãn kế hoạch nghỉ hưu hoặc cân nhắc rời bỏ thị trường lao động. 

Một cuộc điều tra khác từ McKinsey & Co tiết lộ phụ nữ chiếm 47% lực lượng lao động Hoa Kỳ, nhưng chiếm 54% số vụ mất việc liên quan đến COVID-19. Khoảng 1/5 bà mẹ đang đi làm được khảo sát nói rằng họ cân nhắc từ bỏ sự nghiệp, ít nhất là tạm thời - so với 11% các ông bố. 

Thêm 15% các bà mẹ cho biết họ có thể cắt giảm giờ làm việc hoặc chuyển sang một công việc ít đòi hỏi hơn. Gần một phần tư phụ nữ có con nhỏ nói rằng họ có thể xin nghỉ phép hoặc nghỉ việc hoàn toàn.

Một người phụ nữ mua đồ tại siêu thị. Ảnh: L.G

Vậy làm sao để giải quyết bài toán cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình? Theo tiến sĩ Linh, đáp án cho câu hỏi hóc búa này chưa bao giờ được giải thỏa đáng. "Tôi vẫn thường khuyên các mẹ Việt Nam nên học cách sống "buông bỏ, không cầu toàn", chị nói. 

Là một bà mẹ ba con, 9, 12 và 16 tuổi, chị Linh có nguyên tắc sắp xếp cuộc sống khoa học, chủ động, bằng cách lập kế hoạch công việc theo tháng, tuần, và ngày. Cuối tuần, chị lên danh sách các bữa ăn cho tuần sau rồi mua sắm, sơ chế, bảo quản thực phẩm theo từng túi, có ghi nhãn mác cụ thể. 

"Công việc này tỉ mỉ nhưng vào tuần sau, tôi chỉ mất 30 phút để nấu một bữa ăn ngon lành với các thực phẩm đa dạng, từ bún phở cho đến gà rán, thịt kho, salad", chị chia sẻ. 

Ngôi nhà 5 phòng ngủ ở ngoại ô Texas của gia đình chị luôn gọn gàng, sạch sẽ, nhờ máy hút bụi tự động, máy giặt, sấy, máy rửa bát, máy xén cỏ… Đặc biệt, chị Linh chú trọng rèn nếp sinh hoạt tự lập, chủ động cho các con từ bé, từ nếp tự ngủ, tự dọn dẹp, lau dọn phòng, sắp xếp bữa ăn, đổ rác, chăm sóc thú nuôi… nên người mẹ ba con nhàn hạ, có thời gian chăm sóc và nuôi dưỡng thú vui cá nhân. Cuộc sống gia đình chị nhờ đó cũng vui vẻ, hòa thuận hơn.

Anne Huỳnh, một người mẹ sống ở California, cho biết dù áp lực công việc và gia đình nặng nề đến mấy, chị luôn dành tối thiểu 45 phút mỗi ngày chăm sóc thể chất và tinh thần. Chị tập thiền, yoga theo các bài tập hướng dẫn trên mạng xã hội. Có lúc, chị chạy đường dài trong khu rừng gần nhà, vừa nâng cao sức khoẻ, vừa thư giãn, tận hưởng không khí trong lành. 

"Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, tôi dành ra 5 phút viết về ba điều tôi đang được cuộc đời ban tặng, như công việc, sức khỏe, một mái nhà để chui ra chui vào, trong khi hàng triệu người đang vật lộn với khó khăn. Những đặc ân đó như tiếp thêm sức mạnh để ngày mai tôi lại tiếp tục sống với tâm thế tích cực hơn", chị nói. 

Một bí quyết Anne Huỳnh rút ra khi trải nghiệm cuộc sống trên đất Mỹ, đó là muốn thành công trong sự nghiệp lẫn quản trị gia đình, người phụ nữ phải có kỹ năng quản lý thời gian và cam kết kỷ luật bản thân cao độ. Công việc mỗi ngày đều được chị Huỳnh lên danh sách theo thứ tự ưu tiên, cấp bách và không cấp bách, việc khó - quan trọng được tập trung giải quyết ngay đầu ngày là thời điểm chị khỏe và có năng lượng tích cực nhất. 

Khi làm việc, chị tắt tất cả các thông báo từ điện thoại, máy tính để tập trung cao độ, chỉ cần 2-3 giờ có thể giải quyết 80% khối lượng công việc đề ra. Bên cạnh đó, "tôi yêu cầu người bạn đời phải chia sẻ sòng phẳng trách nhiệm đưa đón, dạy dỗ con và làm việc nhà, không có chuyện một người nấu ăn còn người kia ngồi xem ti vi", chị hài hước chia sẻ.

Bảo Châu
.
.