Mẹ

Thứ Hai, 27/12/2004, 14:20

Cả căn nhà của Mẹ reo lên. Mẹ chạy ào ra cửa. Đã tám chục tuổi đầu. Đã lâu, lâu lắm rồi Mẹ mới chạy như thế. “Con của Bu về đây rồi!”. “… Đây rồi!”… Mẹ là như thế đấy. Anh và những anh chị em về thăm Mẹ cũng bối rối như chính Mẹ. Bởi tất cả họ đều đã là ông, là bà, là bố, là mẹ…

Cái làng nơi có ngôi nhà mà Mẹ đang sinh sống, nhờ có đổi mới mà đường đã đổ bêtông, ôtô có thể đi thẳng vào làng, vào đến tận cổng nhà. Tuy đã có báo trước để Mẹ lo cơm nước cho cả tám người. Anh dừng xe ở đường liên xã. Đi bộ một đoạn đường làng là đến ngôi nhà Mẹ anh đang sinh sống, những năm có lẽ là hạnh phúc nhất của cuộc đời lam lũ của Mẹ. Như bao nhiêu bà mẹ Việt Nam ở mọi vùng quê đã từng hạnh phúc.

Cứ nhìn cái dáng Mẹ lao ra đón anh. Cứ nghe được âm vang reo lên từ căn nhà của Mẹ. Khi mà bạn bè anh lục tục kéo vào sân nhà của Mẹ là thấy Mẹ chờ mong như thế nào, hạnh phúc như thế nào, ở cấp độ như thế nào. Cho dù Mẹ chỉ biết lơ mơ hoặc tuy chả biết cái gì cả về cái nghề vẽ mà thằng con út ít của Mẹ đã dấn thân vào. Mẹ nhìn thấy nó ở trên vô tuyến, dân làng Mẹ bảo người mà được thấy trên vô tuyến là có tiếng lắm đấy! Họ còn bảo thằng con út của Mẹ làm vinh dự cho cả xã. Người làng cứ rầm rì thế thì Mẹ biết thế. Cả họ hàng nhà Mẹ và những đứa con mà Mẹ sinh ra chả có ai biết vẽ vời gì cả. Duy chỉ có Nó. Nảy nòi thế nào mà đam mê từ bé. Nay thì Nó bảo: “Sống bằng nghề này mà cũng chết vì nghề này”.

Từ xa xưa, người đời hay nhìn nhận con người, đánh giá con người bằng cái lý lịch trích ngang vinh hoa hoặc oan nghiệt. Là nhà văn thì phải có dòng giống ba bốn đời đã từng là văn. Là nhà võ thì chắc là nhiều đời đã là nhà võ. Là họa sĩ thì chí ít cũng phải ba bảy đời đã từng vẽ vời cái gì đấy… Anh thì theo nhân chứng còn sống hẳn hoi. Mẹ bảo cả họ hàng chả có ai vẽ vời gì cả. Theo thói thường thì người ta nghi lắm. Anh theo học trường vẽ như mọi người học trong trường vẽ. Người học trong trường vẽ thì nhiều. Học xong thì có nghề. Có nghề thì có người kiếm sống được. Có người cũng khó mà kiếm sống. Còn anh thật là xuất sắc. Chỉ là số ít những họa sĩ trẻ, bằng nghề nghiệp đã sống được. Sống khá. Được biết đến ở trong nước bằng giải thưởng. Được biết đến ở nước ngoài bằng các cuộc triển lãm tranh, bằng các buổi thuyết trình về cái linh hồn của hội họa Việt Nam.

Hội họa Việt Nam được người nước ngoài biết đến không phải bởi chất liệu sơn mài. Chất liệu sơn mài, người Trung Hoa bảo bắt nguồn từ Trung Hoa, từ đất nước của Triệu Đà. Người Nhật cũng có chất liệu sơn mài chẳng thua kém gì người Trung Hoa. Hội họa Việt Nam người phương Tây biết đến không phải vì chất liệu sơn dầu. Mà là Mẹ. Những người đàn bà là các chị, các em. Người họa sĩ trẻ, trong tất cả những tác phẩm của anh, người ta biết đến, dù là chất liệu sơn mài hay chất liệu sơn dầu là những người đàn bà: những mẹ, những chị, những em. Mà nhờ có lòng Mẹ mà có được những thế hệ người châu Á, người châu Phi, người châu Âu, người châu Úc, người châu Mỹ.

Trong các tác phẩm của anh, đứng hàng đầu trong những người đàn bà là Mẹ: Mẹ từng sinh ra ở một gia đình danh giá, trước cách mạng, Mẹ là một thương hiệu của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Cách mạng về, Mẹ hiến tất cả của nả cho cách mạng. Mẹ về sống ở Hà Nội với chồng và những người con của Mẹ. Đến cả ba mươi năm Mẹ là Tổ trưởng dân phố. Ngày Mẹ mất, chỉ có hàng phố và bè bạn của Mẹ, của các con của Mẹ tiễn đưa.

Chuyện này thật là cảm động. Có một người cùng phố, không biết Mẹ đã ra đi. Bởi không có cáo phó. Thấy đám tang đi qua nhà mình. Ông hỏi. Người ta bảo: “Đấy là đám tang bà Tổ trưởng dân phố”. Ông vội chạy vào nhà, mặc thêm chiếc quần dài để thay chiếc quần cộc. Với chiếc áo sơmi nhàu nát, ông đi theo đám tang Mẹ nốt chiều dài con phố Phó Đức Chính. Ông bảo: “Bà ấy là Tổ trưởng dân phố từ ngày hòa bình lập lại! Bà cụ phúc đức lắm! Chỉ đến khi tuổi già sức yếu, không lo được việc phường, việc phố nữa người ta mới để bà nghỉ”.

Mẹ là người quý con rể hơn cả con gái mình. Những lúc chàng rể và con gái với các cháu về thăm Mẹ, thể nào Mẹ cũng chọn những quả trứng gà tươi, miếng thịt thăn còn giắt mỡ, Mẹ tự mình làm món trứng đúc thịt, món thịt thăn luộc cho các con, các cháu ăn, mẹ ăn ít mà nhỏ nhẹ, mà mảnh mai…

Mẹ vẫn thường mắng con gái yêu của Mẹ: “Chị ăn mặc thời trang nhỉ! Chị cứ đi Đông, đi Tây cho nhiều vào, mặt thì cứ quắt lại!”. Mẹ mà mỗi khi con gái yêu của Mẹ cứ phụng phịu cứ hờn dỗi thì chửi: “Cha cái con mẹ đẻ ra mày!”.

Tranh của anh toàn những người đàn bà. Đó chính là linh hồn hội họa Việt Nam. Những người đàn bà mà “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Như những Bà Trưng, Bà Triệu, những Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan; những người đàn bà yêu con hơn yêu chồng; những người đàn bà cứ đứng như trời trồng trông chờ những người đàn ông xứng đáng mà biến thành đá. Vọng phu có khắp từ Bắc chí Nam. Đây hòn Vọng phu ở miền biên ải. Đây hòn Vọng phu ở vùng đất Mũi…

Hôm nay cả đàn con của Mẹ về thăm Mẹ trong căn nhà cứ reo lên của Mẹ. Trong mảnh vườn có những trái mướp quả thì còn cả màu xanh, quả thì đã khô cứng cả lại cứ đong đưa bên những thân tre, cành tre kẽo cà, kẽo kẹt.  Trong mảnh vườn nhỏ, những trái bưởi cứ tròn trịa như gương mặt thiếu nữ, tò mò nhìn qua những lớp lá vẫn xanh vào mùa đông mà ngắm nghía thằng con út của Mẹ. Lại có cả một cánh đồng, giăng giăng những gốc rạ vàng sẫm sau mùa gặt hái, xa xa là núi Voi vững chãi xanh sẫm… Người đấy cảnh đây, người ta chợt hiểu vì sao người họa sĩ trẻ lại xuất sắc làm vậy.

Những cảm xúc về Mẹ, về vùng quê anh khiến bạn bè anh không muốn rời vùng quê quá mến yêu này. Cứ đùng đùng mà đi. Cứ đùng đùng mà về. Người ta ngắt ba nhành cây trên cánh đồng làng. Cầm trên tay ba nhành cây. Thân, lá, quả đều còn xanh đến chào Mẹ. Mẹ bảo đấy là nhành cây chó đẻ, quê Mẹ nhiều lắm. Loài cây chó đẻ là vị thuốc cho phụ nữ hậu sản. Một căn bệnh nan y từ thời tiền sử. Có người bảo hình như không phải là loài cây chó đẻ. Anh thì anh tin Mẹ. Bởi người Mẹ nào cũng mang nặng đẻ đau. Mẹ chẳng khi nào dối con đâu

Theo ANTĐ Cuối tuần số 9
.
.