“Mâu” và “thuẫn”

Thứ Hai, 29/07/2019, 16:44
Nhưng, những lý do chính trị ẩn sâu dưới bề mặt quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ mới là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cả hai bên lao vào một “cuộc chiến” ồn ào kể từ khi Ankara quyết định mua hệ thống S-400.


Câu chuyện do Hàn Phi, một trong những triết gia đầu tiên của Trung Quốc, kể lại một thương gia nọ quảng cáo bán chiếc khiên, mà thời cổ người Trung Quốc gọi là “thuẫn”, rằng chiếc thuẫn của anh ta cực kỳ chắc chắn, ngay cả ngọn mâu (giáo) sắc nhọn nhất cũng không thể đâm thủng. Rồi anh ta lại quảng cáo để bán mâu, cũng của chính anh ta, đủ sắc nhọn để đâm thủng bất cứ chiếc thuẫn nào, dù cứng đến đâu...

Chính do điển tích này đã hình thành nên từ “mâu thuẫn”, để chỉ các hành vi đối nghịch với nhau ngay trong một con người...

Thời nay, cũng có một sự tương đồng nào đó giữa anh thương gia nọ với... Thổ Nhĩ Kỳ nhưng khác với hành vi của anh thương gia chỉ có tác động nhỏ bé, sự việc diễn ra với Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ Mỹ-Thổ và chắc chắn, nó cũng có tác động lâu dài đến tính bền vững cũng như an ninh của khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, một trong những thiết chế liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Khi Ankara mua “mâu”...

Chương trình phát triển máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ với nhà thầu chính Lockheed Martin và một số nhà thầu phụ khác như Pratt&Whitney, Northrop Grumman, BAE Systems chịu trách nhiệm chế tạo các cấu phần chính, là một trong những chương trình phát triển vũ khí lâu dài và đắt đỏ nhất của Mỹ, được khởi động từ thập niên cuối của thế kỷ trước.

Tham vọng của chương trình này là tạo ra một loại máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại bậc nhất, đủ khả năng thay thế cho các máy bay đang có trong biên chế của quân đội Mỹ và một số nước đồng minh, chiếm ưu thế trên không so với Nga và các kẻ thù tiềm năng của nước Mỹ nếu như xảy ra những cuộc chiến trong tương lai.

Tuy nhiên, giá thành đắt đỏ cộng với quá trình liên kết dây chuyền sản xuất, kể cả trong lĩnh vực chế tạo vũ khí khí tài, đã buộc Mỹ phải kéo một số đồng minh thân thiết vào quy trình chế tạo máy bay F-35, đồng thời các nước (không chỉ có đồng minh) cũng cam kết mua một số lượng máy bay F-35 nhất định, một khi nó được chế tạo xong và đưa vào biên chế.

Hiện, có một số nước tham gia vào chương trình chế tạo máy bay F-35 của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số đó. Ngày 12-7-2002, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên thứ 7, sau Anh, Ý, Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Na Uy tham gia chương trình chế tạo máy bay tiêm kích ném bom phối hợp (JFS) và đến ngày 25-1-2007, ký bản ghi nhớ tham gia sản xuất máy bay F-35.

Theo nguồn tin nước ngoài, hiện nay các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 900 linh kiện trên máy bay F-35 và Tổ hợp Hàng không Thổ nhĩ Kỳ (TAI) là nhà thầu chính cung cấp phần thân giữa của chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Quá trình mua chiếc “mâu” sắc bén mang tên F-35 của Ankara cũng bắt đầu từ năm 2007, khi Thổ Nhĩ Kỳ dự định đặt mua 100 chiếc F-35 phiên bản dành cho không quân, trị giá khi ký kết là 11 tỷ USD.

Các máy bay vận tải hạng nặng An-124 và Il-76 của Nga hạ cánh xuống Thổ Nhĩ Kỳ mang theo các thành phần của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf. Ảnh: L.G.

...rồi lại quyết định mua “thuẫn”

Quá trình mua chiếc “mâu” sắc bén F-35 của Ankara lẽ ra suôn sẻ nếu như không có một ngày đẹp trời tháng 12-2017, Ankara quyết định mua “thuẫn”, tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf của Nga.

Theo giới thiệu của các nhà sản xuất vũ khí Nga, S-400 là tổ hợp tên lửa phòng không cực kỳ hiện đại được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của đối phương. Hệ thống tên lửa này có tầm bắn xa tới 400km, bắn trúng mục tiêu ở độ cao tới 30km, có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu và phát hiện mục tiêu từ khoảng cách xa 600km.

Gọi là tên lửa tầm cao nhưng thực chất, tổ hợp S-400 là hệ thống tên lửa đa tầm, có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27km cũng như các mục tiêu bay cách mặt đất chỉ tầm từ 5-10 mét, một tính năng mà hiện nay, không một hệ thống phòng không cùng thời của bất cứ quốc gia nào có thể thực hiện được.

Nói cách khác, đây là hệ thống phòng không hoàn hảo, một chiếc “thuẫn” có sức bền vô song, về lý thuyết đủ sức để hóa giải những ngọn “mâu” sắc bén nhất!

Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 hiện đại này ở căn cứ không quân gần cơ sở quân sự Latakia ở Syria vào tháng 12-2015, sau khi một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị chính không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trên không phận biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria một tháng trước đó. 

Vụ việc này đã gây nên sự căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ được hóa giải một thời gian sau đó khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan bất ngờ xuống nước và dàn xếp với Nga, sau đó tiến tới bình thường hóa quan hệ với Moscow.

Bởi vậy, thương vụ mua tổ hợp tên lửa S-400 của Nga của Ankara không đơn thuần chỉ là một vụ mua bán trang thiết bị quân sự mà lồng vào trong đó, ít nhiều còn mang tính chính trị nữa.

Đối với thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, Tổng thống Recep Erdogan tỏ ra khá quyết đoán. Ngay sau khi thỏa thuận được ký, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức chuyển tiền đặt cọc cho phía Nga, một động thái cho thấy Ankara rất quyết tâm để mua hệ thống phòng không S-400, bất chấp những phản ứng có thể có từ phía các đồng minh, đặc biệt là từ phía Washington.

Mâu thuẫn trên mọi khía cạnh

Hẳn nhiên, việc Ankara vừa mua “mâu” F-35 của Mỹ lại đồng thời mua “thuẫn” S-400 của Nga đã gây nên mâu thuẫn trầm trọng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay khi Thổ Nhĩ Kỳ thông báo về thương vụ mua hệ thống S-400 của Nga, Mỹ đã bắn đi những tín hiệu bày tỏ sự không hài lòng đối với quyết định của Ankara. Lý do đầu tiên được đưa ra: không tương thích. Trong số các nước thành viên NATO, không một nước nào đang vận hành hệ thống S-400 của Nga. 

Do vậy, cơ sở lập luận của Washington là khi tự trang bị cho mình tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể nào tích hợp được tổ hợp này vào với hệ thống chỉ huy, điều khiển chung của NATO, với Mỹ luôn là một thành viên quan trọng nhất.

Thế nhưng, ẩn phía sau phản ứng ngày càng gay gắt của Mỹ cũng như thái độ ngày càng cương quyết của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thực hiện hợp đồng với Nga là những nguyên nhân sâu xa, cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao lẫn chính trị.

Về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phàn nàn về giá thành quá đắt đỏ của những trang thiết bị quân sự mà nước này phải cắn răng mua của các đồng minh phương Tây. 

Điển hình là trường hợp liên quan đến thiết bị máy bay không người lái của Mỹ mà một nguồn tin giấu tên cho biết Tổng thống Recep Erdogan đã bày tỏ sự không hài lòng vì giá quá đắt, đã yêu cầu lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng những máy bay không người lái cho chính Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo.

Mỹ đã áp dụng Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ (CAATSA), loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chuỗi cung ứng sản xuất máy bay chiến đấu F-35. Ảnh: L.G.

Khía cạnh kinh tế thứ hai là khi quyết định mua tổ hợp S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã dập tắt mọi hy vọng của các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ muốn bán hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ankara.

Về mặt quân sự, từ khi ký thỏa thuận mua tổ hợp S-400, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần khẳng định với phía Mỹ rằng có thể sử dụng tổ hợp này tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO. Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất của Mỹ lại là khi mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 đồng thời lại sở hữu các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm rò rỉ những nhược điểm cũng như tính năng bí mật của máy bay thế hệ thứ 5, một trong những con bài chiến lược của Mỹ trong những năm sắp tới. 

Nhưng, những lý do chính trị ẩn sâu dưới bề mặt quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ mới là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cả hai bên lao vào một “cuộc chiến” ồn ào kể từ khi Ankara quyết định mua hệ thống S-400.

Đã nhiều lần, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự không hài lòng về việc Mỹ từ chối dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fathulah Gulen, người bị cáo buộc đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn thế nữa, việc Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurd ở Syria cũng khiến Ankara hết sức bất bình vì Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng này là đồng minh với tổ chức người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố từ lâu.

Những mâu thuẫn chồng chéo đó khiến phi vụ mua đồng thời cả “mâu” lẫn “thuẫn” của Thổ Nhĩ Kỳ gặp phải phản ứng quyết liệt của Washington. Mỹ đã áp dụng Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ CAATSA, loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chuỗi cung ứng sản xuất máy bay chiến đấu F-35. 

Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì sau khi nhận những lô hàng đầu tiên của tổ hợp S-400, cũng đã lùi thời gian lắp đặt hệ thống này tới tháng 4-2020, một thời hạn lâu bất thường. Phải chăng Ankara đang cân nhắc trì hoãn để xem xét những bước đi tiếp theo của Mỹ?

Cho dù thế nào đi nữa thì mâu thuẫn giữa hai đồng minh quan trọng bậc nhất trong NATO vẫn còn đó.

Yên Ba
.
.