“Chúa của ba Vua” Bình An vương Trịnh Tùng:

Máu đào ngôi chúa

Thứ Hai, 12/12/2011, 16:31
Mặc dù là người của đời thứ hai trong họ Trịnh kế tục nhau nắm binh quyền “phù Lê” nhưng Trịnh Tùng (1550-1623) vẫn hiển nhiên là vị chúa Trịnh đầu tiên trong thời Lê Trung hưng. Cha ông, Thượng tướng Thái Quốc công Trịnh Kiểm (1503-1570) chỉ sau khi qua đời mới được phong thụy hiệu Trung Huấn Vương.

Trịnh Tùng được nhà Lê phong tước Bình An vương ngay từ tháng 4/1599 với lời văn sách ngợi khen: “Uy vọng lớn như núi cao bóng cả, đáng võ văn của nhà nước triều đình. Bày mưu đặt kế yên xã tắc, công lao sáng tỏ giữa trời; giữ tín giảng hòa nước láng giềng, sách giỏi giữ êm ngàn cõi. Công đã ngất cao trong vũ trụ, vị phải đứng đầu khắp thần liêu…”.

Để xứng danh ngôi vị, Bình An vương đã phải xuống tay thực hiện rất nhiều hành động quyết liệt, lắm lúc đến độ tàn nhẫn. Máu đào nhuộm đỏ Phủ Chúa của ông và điều đó khiến ông cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn ẩn ức nhiều đau đớn.

Cờ đến tay thì phất

Trịnh Tùng không phải là con trưởng của Trịnh Kiểm. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, là vợ thứ của cha ông (bà là con thứ của danh tướng Nguyễn Kim, Triệu Tổ của nhà Nguyễn sau này). Người con trưởng của Trịnh Kiểm là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối đã được cha chuẩn bị khá công phu cho việc tiếp quản nghiệp nhà.

Ngay từ mùa đông năm Giáp Tý (1569), cảm thấy trong mình bệnh tật trở nên nặng hơn, Trịnh Kiểm đã dâng biểu xin vua Lê Anh Tông cho thôi quyền bính. Và nhà vua đã đặc cách sai Trịnh Cối đốc lĩnh các dinh quân thủy bộ. Thế nhưng, như sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép, Trịnh Cối vốn có nếp sống rất buông thả và ham mê tửu sắc, rông rỡ kiêu ngạo, không thương xót gì kẻ dưới nên các tướng dưới quyền đều không phục. Hơn thế nữa, Trịnh Cối còn định tước đoạt binh sĩ của người em trai cùng cha khác mẹ Trịnh Tùng.

Chính vì thế nên sau khi Trịnh Kiểm qua đời ngày 18/2 năm Canh Ngọ (1570) và Trịnh Cối được vua trao binh quyền thay cha, không ít vị tướng trong triều không phục và muốn phò tá Trịnh Tùng lên ngôi minh chủ. Không rõ thực tâm lúc đó Trịnh Tùng nghĩ như thế nào, nhưng dựa vào ĐVSKTT, có thể thấy rằng, ông đã không chủ động đứng ra tranh giành quyền bính với anh mà đã bị lôi kéo bởi một nhóm tướng lĩnh. Sách ĐVSKTT chép:

“Tới đầu tháng 4/1570, một số viên tướng như Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương hầu Trịnh Bách cùng bọn Lương Quân công, Phổ Quân công và Lai Quân công Phan Công Tích đang đêm đem con em và binh lính tới chỗ Phúc Lương hầu Trịnh Tùng, ép ông phải hành động. Cực chẳng đã, Trịnh Tùng phải thu thập binh tướng, đang đêm chạy về hành ở Yên Trường.

Hôm sau, đến dinh Kim Thành, ép Nghĩa Quận công Đặng Huấn cùng đi đến cửa khuyết vào bái yết vua. Bọn Tùng khóc nói rằng: “Anh thần là Cối say đắm tửu sắc, mất lòng mọi người, sớm muộn thế nào cũng sinh loạn, lại đêm ngày mưu tính đoạt minh tượng và ấn báu của thần nên bọn thần phải nửa đêm trốn vào cửa khuyết, đau xót báo tin, xin thánh thượng thương tình thu nạp”.

Minh họa của Lê Phương.

Vua nói: “Khi thượng phụ còn sống không đến nỗi thế, làm thế nào bây giờ?”.

Cấp Lương hầu cùng bọn Cập Đệ, Vĩnh Thiệu, mật tâu vua rời hành tại vào trong cửa ải Vạn Lai chia quân chiếm giữ cửa lũy để phòng bị quân bên ngoài…”.

Hôm sau Trịnh Cối mang quân tới đánh em. Thế là bùng nổ sự cừu thù huynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt trong gia tộc nhà Trịnh. Lợi dụng tình huống này, tháng 8/1570, vua Mạc sai Mạc Kính Điển đem quân đánh vào Thanh Hóa. Trịnh Cối mang gia quyến và các thuộc tướng ra hàng. Mạc Kính Điển chấp thuận, phong Cối làm Trung Lương Hầu. 14 năm sau, Trịnh Cối chết ở trên đất do nhà Mạc quản lý… Nhà Trịnh về sau không thừa nhận Trịnh Cối là một vị chúa trong gia tộc để ghi vào sử sách…

Đỉnh cao lắm gió

Trở thành người toàn quyền phò nhà Lê giữa thời loạn lạc, lên đến chức Thái úy Trường Quốc công, Tả tướng Trịnh Tùng theo thói thường không thể mềm mỏng làm tôi mà càng ngày càng lấn át quyền vua, “hình tích vô quân” (không đếm xỉa gì đến vua). Đến mức một số công thần trong triều không thể chịu đựng nổi mà nảy sinh ý định làm phản. Trong số này có Thái phó, Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, một đại thần đã từng theo vua từ thời Trịnh Kiểm. Tháng 3 năm Nhâm Thân (1572), Lê Cập Đệ từng có âm mưu rủ Tả tướng ra giữa sông để tìm cơ hội giết.

Tuy nhiên, Trịnh Tùng do đoán trước được thâm ý của Lê Cập Đệ nên đã thoát hiểm. Và cũng từ đấy, giữa hai họ này đã nảy sinh ra những hờn oán, bằng mặt chẳng bằng lòng. Cuối năm 1572, Lê Cập Đệ lại lập mưu cùng vua Lê Anh Tông để giết Trịnh Tùng. Vua tôi hẹn nhau: Hễ đêm đến, nghe thấy tiếng pháo nổ một tiếng thì nhà vua qua sông để cử sự.

Tuy nhiên, Trịnh Tùng đã cao tay hơn, biết chuyện nhưng lại cứ làm như không biết, lại còn cho Lê Cập Đệ  rất nhiều vàng. Khi Lệ Cập Đệ tới tạ ơn theo nghi lễ, Tả tướng sai đao phủ phục ở dưới trướng bắt giết đi. Rồi Tả tướng cho người đi phao tin rằng, ông đã giết kẻ phản nghịch Cập Đệ theo lệnh vua, tướng sĩ không được sợ hãi, kẻ nào chạy trốn làm phản thì giết cả họ…

Hay tin, nhà vua sợ hãi đang đêm đem 4 hoàng tử lớn chạy vào thành Nghệ An và ở lại đó. Trịnh Tùng nhân thế đó đã ra triều bàn với các tướng rằng: “Nay vua nghe lời gièm pha của kẻ tiểu nhân, phút chốc khinh suất mang ngôi báu phiêu dạt ra ngoài. Thiên hạ không thể một ngày không có vua, chi bằng trước hết đi tìm hoàng tử lập nên để yên lòng người…”. Vị hoàng tử được Tả tướng chọn là Lê Duy Đàm, người con thứ năm của vua Lê Anh Tông, lúc đó đang được nuôi dưỡng ở một xã gần Lam Sơn. Đó là vua Lê Thế Tông.

Chỉ sau đó, Trịnh Tùng mới sai người đến Nghệ An bắt vua Lê Anh Tông về, cho quận Bảng Tống Đức Vị luôn theo hầu từng bước để giám sát. Rồi ngày 22 tháng giêng năm Quý Dậu (1573), Tống Đức Vị đã ngầm giết chết nhà vua, rồi nói phao lên rằng nhà vua tự thắt cổ chết. Khi đó, Lê Anh Tông mới 42 tuổi, ở ngôi được 16 năm…

Cũng trong mùa xuân năm 1573, vua Lê Thế Tông đã phong Trịnh Tùng làm Đô tướng Tiết chế các xứ thủy bộ chủ dinh kiêm Quản Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự và Trịnh Tùng “mọi công việc nhà nước đều được tự xử quyết trước rồi mới tâu sau”. Thế là từ đó Trịnh Tùng được nắm trọn quyền trong triều, ngoài trấn, còn vua Lê chỉ ngồi đấy làm vì…

Và cũng từ đấy ông đã dốc sức chiến đấu nhằm tiêu diệt nhà Mạc. Cho tới năm 1580,  khi phụ chính nhà Mạc là Mạc Kính Điển chết và nhà Mạc lâm vào tình trạng ngày một suy yếu, Trịnh Tùng bắt đầu chiếm thế hơn. Tới cuối năm 1592, Trịnh Tùng đã chiếm được thành Thăng Long, buộc tàn dư họ Mạc phải bỏ chạy lên Cao Bằng. Và vua Lê Thế Tông đã buộc phải phong cho ông làm Bình An Vương. Từ đấy, Trịnh Tùng bắt đầu tổ chức bộ máy cai trị quy mô của vị chúa nắm thực quyền. Các con chúa Trịnh cũng được quyền thế tập gọi là Thế tử.

Ông “định lệ cấp bổng cho nhà vua được thu thuế 1.000 xã, gọi là lộc thượng tiến, cấp cho vua 5.000 lính để làm quân túc vệ. Còn những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc về quyền họ Trịnh cả. Chỉ có những khi nào thiết triều hay tiếp sứ mới cần đến vua mà thôi” (theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim). Thậm chí khi vua Lê Thế Tông băng hà tháng 8 năm Kỷ Hợi (1599), ở tuổi 33 sau 27 năm ngồi trên ngôi báu một cách hình thức, Bình An vương Trịnh Tùng cũng tự mình quyết định rằng, Thái tử không thông minh mẫn tiệp nên cần đưa con thứ là Lê Duy Tân lên ngôi. Đó là vua Lê Kính Tông.

Con phản cũng diệt

Mặc dù phải chịu ơn Bình An vương mới có được ngôi báu, nhưng khi đã trở thành vua rồi, Lê Kính Tông cũng không thể chịu nổi được sự lộng quyền ngày một quá quắt hơn của Trịnh Tùng. Và tháng 3 năm Kỷ Mùi (1619), vua đã cùng với con trai thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân (vốn luôn nuôi sự bất mãn đối với cha vì thân phận con thứ, khó có thể lên vị trí thế tử) lập mưu ám sát Bình An vương khi ông đến lầu ở bến Đông kinh thành Thăng Long xem đua thuyền. Việc bất thành, vua Lê Kính Tông phải thắt cổ chết. Con trai trưởng là Lê Duy Kỳ và cũng là cháu ngoại của Trịnh Tùng, lên ngôi, tức vua Lê Thần Tông.

Trịnh Xuân vì là máu mủ của nhà chúa nên chỉ bị tống giam vào nội phủ một thời gian rồi được thả ra. Tuy nhiên, mầm tạo phản đã không thui chột trong lòng vương tử nhà Trịnh này. Vì thế, mùa hạ năm Quý Hợi (1623), sau khi Trịnh Tùng bị cảm và bàn bạc với các quan văn võ về chuyện chọn Thế tử, đã thống nhất đưa con trưởng là Thái phó Thanh Quận công Trịnh Tráng làm người kế vị, Trịnh Xuân đã thêm một lần làm loạn. Ngày 18/6, y tự đem quân lính vào phá nội phủ, cướp đoạt voi ngựa, vàng bạc của cải, buộc cha mình phải ra ngoài thành. Rồi y còn cho phóng hỏa đốt cháy tràn lan các xứ trong kinh kỳ…

Trịnh Tùng trong thế bí phải gượng bệnh lên xe ra tá túc tại nhà em ruột là Trịnh Đỗ ở Quán Bạt (nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội). Mặc dù sức rất yếu nhưng trí còn tỉnh nên Bình An vương đã lập mưu, dụ Trịnh Xuân vào chầu tại nhà Trịnh Đỗ. Vì tưởng cha khi gặp lại sẽ trao lại đại quyền cho mình nên Trịnh Xuân đã tới, ngậm cỏ phủ phục ở sân. Trông thấy mặt đứa con nghịch tử, Trịnh Tùng đã lớn tiếng hặc tội y rồi sai Chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm dùng giáo đâm Trịnh Xuân cho tới chết.

Vài ngày sau, Bình An vương Trịnh Tùng cũng trút hơi thở cuối cùng ở tại chùa Thanh Xuân, huyện Thanh Trì. Ông được đưa về an táng ở Thanh Hóa.

Khi được truy phong là Cung hòa Khoan chính Triết vương năm Giáp Tý (1624), Bình An vương Trịnh Tùng được ca ngợi là “thông minh dĩnh đạt, trí dũng anh hào, lấy lòng nhân nghĩa, cứu vớt sinh linh, giữ yên xã tắc, xoay lại đất trời, giúp vầng nhật nguyệt, công đức cao dầy…”. Còn phần lớn những người đời sau đều đánh giá ông là một quyền thần đa mưu túc trí, nhiều tham vọng và quyết liệt, thậm chí có thể tương đương như Tào Tháo.

Cơ nghiệp hơn hai trăm năm của nhà Trịnh ở miền Bắc nước ta sở dĩ tồn tại được là nhờ công gây dựng rất căn bản từ ông. Nhưng những vinh quang và thành công mà Trịnh Tùng đạt được đều phải trả những cái giá rất đắt cả trên phương diện giáo lý và vì thế, đã tạo nên những ẩn họa suy vi trong chính sự phát triển của gia tộc họ Trịnh sau này

Lưu Hùng Văn
.
.