Máu đào liệt sĩ

Thứ Hai, 24/07/2017, 16:05
Để giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chỉ tính từ năm 1945 đến nay, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 1 triệu người bị thương và khoảng 2 triệu người dân bị chết, 2 triệu người bị nhiễm chất độc…

Hơn 40 năm kể từ khi Bắc - Nam thống nhất và 30 năm sau đổi mới, những gì cả xã hội làm được để đền báo công ơn các anh hùng liệt sĩ dù đã rất cố gắng song cũng mới chỉ là sự bù đắp phần nào. 

Tới nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, còn nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, nước bạn Lào, Campuchia và có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ tuy đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin danh tính, quê quán…

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người hiểu rõ giá trị nhân văn sự hi sinh của các liệt sĩ, các thương binh đối với dân tộc. Người nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ”.

Người nhắc nhở: “Bổn phận của chúng ta là phải đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ, để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta”.
Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, tặng quà cho các thương, bệnh binh đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam.

Tháng 1-1947, khi nghe tin chiến sĩ Vũ Văn Thành, con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt ở khu vực chợ Hôm (Hà Nội), Bác đã gửi thư thăm hỏi tới gia đình, chia sẻ nỗi đau như chính con ruột của mình. 

Bác sỹ Vũ Đình Tụng kể lại: “Tự nhiên tôi thấy nỗi đau thương và sự mất mát của gia đình tôi trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hi sinh cao cả của Bác Hồ, của cả dân tộc. Tôi nhìn rất rõ mình sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của các con tôi và khỏi phụ lòng Bác”.

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đây là văn bản đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về chế độ, chính sách đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ. 

Tiếp đó, ngày 19-7-1947 Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Thương binh, Cựu binh (nay là Bộ LĐ, TB&XH). Ngày 3-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 101 về thành lập sở, ty thương binh, cựu binh ở khu, tỉnh. 

Đặc biệt, tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh toàn quốc để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn, chăm sóc thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở TƯ, khu và tỉnh Thái Nguyên đã họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ và nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm làm ngày “Thương binh toàn quốc”.

Khoảng 18h ngày 27-7-1947, đại diện Đảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Nha Thông tin, Cục Chính trị quân đội, chính quyền huyện Đại Từ, bộ đội, nhân dân địa phương đã mít tinh để nghe công bố bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh và ghi nhận sự ra đời “Ngày Thương binh toàn quốc”. 

Đầu thư Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh... Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”. 

Cuối thư Bác vận động đồng bào nhường áo, sẻ cơm giúp đỡ thương binh. Riêng Bác đã gửi tặng một chiếc áo lụa của chị em Hội Phụ nữ biếu Người, một tháng lương cùng tiền một bữa ăn của Người và các nhân viên trong Phủ Chủ tịch (tổng cộng 1.127 đồng).

Đất nước giành được độc lập tới nay đã 72 năm nhưng ½ trong số đó là giai đoạn chiến tranh vệ quốc, bảo vệ độc lập. Sau Chiến tranh biên giới 1979, tiếng súng chiến tranh, xung đột vẫn còn vang lên đây đó và phải đến sau 1989, tình hình chiến sự mới thực sự lắng lại hoàn toàn trên đất nước ta. 

Để giữ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chỉ tính từ năm 1945 đến nay, nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 1 triệu người chiến đấu bị thương và là bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, có hơn 127.000 bà mẹ có cả chồng lẫn con hoặc nhiều con đã hy sinh vì Tổ quốc. Số người được công nhận là người có công với nước là 9 triệu người. 

Trong cuộc chiến đó, có khoảng 2 triệu người dân bị chết bởi bom đạn, 2 triệu người khác bị thương và 2 triệu người bị nhiễm các loại chất độc. Rất nhiều di chứng sau chiến tranh vẫn còn dai dẳng, ảnh hưởng trực tiếp tới giống nòi người Việt và môi trường, sức khỏe. 

10 năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động kinh phí để xây mới 90.000 căn nhà và sửa chữa 75.000 căn nhà cho gia đình người có công. Tuy nhiên, với khoản kinh phí xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương như hiện nay khoảng 50 triệu đồng thì độ bền vững của ngôi nhà không cao, chỉ sau thời gian đã xuống cấp, lại cần kinh phí tu bổ, sửa sang. 

Thắp nến tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.

Vì thế, theo UBTƯ MTTQ Việt Nam, nhu cầu xây nhà và sửa nhà cho các gia đình người có công hiện nay còn hơn 280.000 căn.

Năm nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi: Mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi gia đình không thuộc diện nghèo hãy bàn bạc và có một việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, đặc biệt là: Không để một thương binh nào cần xe lăn mà không có xe lăn; các con liệt sĩ và thương binh nặng chưa có việc làm đều được giúp đỡ phù hợp; thêm nhiều căn nhà được xây mới hoặc sửa chữa cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu TNXP, nạn nhân chất độc da cam và gia đình chính sách. 

Cả xã hội hành động để cho máu của hơn 2 triệu liệt sĩ và thương binh đã thấm xuống đất ở Việt Nam, Lào và Campuchia 70 năm qua; để nước mắt của các bà mẹ Việt Nam vì mất chồng, mất con đã chảy 70 năm qua, để nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam hơn 50 năm qua hiện hữu hơn nữa trong trái tim, khối óc của hơn 90 triệu người Việt Nam. 

Việc chăm lo cho người có công hôm nay là trách nhiệm và vinh dự thiêng liêng của mỗi gia đình Việt Nam với quá khứ hào hùng của dân tộc và với tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau.

Đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công. Trong 10 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa hơn 3.481 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa với tổng trị giá trị gần 12.200 tỷ đồng; tặng gần 159.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 955 tỷ đồng; 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng...

Con số xã hội làm được là thực sự hữu ích nhưng tất cả cũng chỉ đáp ứng phần nào. Khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, còn nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia và có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ tuy đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng còn thiếu thông tin danh tính, quê quán. 

Từ thực tế trên, ngày 27-7-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1237/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Đề án 1237); đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để thực hiện (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia 1237).

Công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong LL CAND những năm qua luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy Đảng và lãnh đạo công an các cấp đặc biệt quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện ngày càng tốt hơn.

Việc triển khai thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng góp phần động viên, cổ vũ người có công và gia đình người có công nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống, tiếp tục cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nêu gương sáng để cán bộ, chiến sĩ LL Công an, nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo. 

Nhiều đồng chí đã phấn đấu trở thành tướng lĩnh, nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học xuất sắc; nhiều đồng chí được nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động... 

Hiện, Bộ Công an đang tích cực làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo các công trình tưởng niệm, ghi công các anh hùng liệt sỹ, xác định danh tính liệt sĩ; quan tâm công tác đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm đối với người có công và con em của họ; tăng cường giúp đỡ các gia đình chính sách cả về vật chất và tinh thần; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giáo dục thế hệ trẻ và tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.

PV
.
.