Mạnh mới được tôn trọng

Thứ Sáu, 29/02/2008, 09:30
Phó Thủ tướng Thứ nhất Liên bang Nga Dmitri Medvedev, người được giới thiệu ngày 10/12/2007 làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 2/3 tới, đã bắt đầu những chuyến công du khắp đất nước để vận động cử tri...

Thế nhưng, có lẽ ông sẽ không phải quá mệt nhọc vì chuyện này vì theo kết quả một cuộc điều tra xã hội tiến hành ngày 12 và 13/1/2008 tại 100 điểm thuộc 46 tỉnh, khu vực và nước cộng hòa thuộc LB Nga với 1.500 người tham gia, đã có 76% ý kiến cho rằng, vị Tổng thống tiếp theo của nước Nga chắc chắn sẽ là ông Medvedev, người đang được Tổng thống Vladimir Putin toàn tâm toàn ý ủng hộ.

Còn theo kết quả một cuộc điều tra xã hội khác được tiến hành từ ngày 21 tới ngày 24/12/2007, đa số những người được hỏi ý kiến đều cho rằng những ưu thế lớn nhất của ông Medvedev là sự gần gụi với ông Putin và sự tín nhiệm mà ông Putin hiện đang có trên cương vị Tổng thống. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là ông Medvedev trên cương vị mới sẽ là một bản sao thứ hai của ông Putin.

Tuy hai mà một

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ông Putin sớm công bố tên ứng cử viên mà ông ủng hộ trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới đã giúp cho nước Nga tránh phải tiếp tục chịu đựng những tin đồn và sự bất ổn tiềm tàng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Trông giỏ bỏ thóc, ông Putin đã không có gì lầm lẫn khi đi nước cờ này.

Tuy mới chỉ xuất hiện trong thê đội hàng đầu của Điện Kremli trong ba bốn năm gần đây, nhưng ông Medvedev đã chứng minh được những phẩm chất con người nổi trội của mình, mặc dầu hiện nay ông chưa có được phong thái ung dung tự tại như "người anh lớn".

Tổng thống Putin đã có chủ ý từ lâu khi phân cho ông Medvedev phụ trách hàng loạt các chương trình quốc gia mang tính an dân trợ quốc. Và phải nói rằng, ông Medvedev đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này nên rất được người dân cảm mến.

Không ngẫu nhiên mà theo một cuộc thăm dò dư luận khác, vừa được tiến hành ngày 17/12 tại Nga, đang có tới hơn 50% số người được hỏi ý kiến tuyên bố rằng, họ tin tưởng ở Phó Thủ tướng Thứ nhất Medvedev (chỉ số này đã tăng thêm 6%). Gần 50% số người Nga được hỏi ý kiến cho rằng, ngay trong thời điểm hiện tại, ông Medvedev có đủ những phẩm chất để thực hiện chức trách của nguyên thủ quốc gia.

Đây là một chỉ số tín nhiệm cao. Trong khi đó, những ứng cử viên khác trong cuộc bầu cử ngày 2/3 tới đều có chỉ số tín nhiệm thấp hơn hẳn so với ông Medvedev.

Với một vị Tổng thống đang ở trong giai đoạn chuẩn bị phải chuyển giao quyền lực, điều mà ông Putin cần nhất là sự tin tưởng những công việc mà mình đã bắt tay vào làm đầy hiệu quả sẽ được tiếp tục ở người kế nhiệm mới. Ủng hộ ông Medvedev, ông Putin đã ủng hộ cho chính tương lai chính trị của mình.

Với ông Medvedev trong vai trò cầm chịch ở Điện Kremli, ông Putin sẽ lưu giữ được ảnh hưởng quan trọng của mình trên chính trường Nga một thời gian dài nữa, ngay cả khi có thể ông sẽ không ngồi ghế Thủ tướng sau khi hết nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai liên tiếp.

Có thể giải thích chuyện này bằng nhiều lý do khác nhau. Cũng như trước đây ông Putin đã được vị Tổng thống tiền nhiệm Boris Yeltsin lựa chọn làm người kế nhiệm, sau đó, đã luôn duy trì những cam kết có thể không thành văn nhưng rất dễ hiểu trong mọi công chuyện liên quan tới người đi trước. Một khi ông Medvedev trở thành Tổng thống với sự hậu thuẫn quan trọng của ông Putin, chắc chắn vị nguyên thủ quốc gia mới sẽ không phá bỏ những gì mà ông có thể phải hứa với người tiền nhiệm.

Hơn nữa, mặc dù đã hoạt động trên chính trường gần hai chục năm nay nhưng nhìn chung, ông Medvedev không quá thành thạo những "hoạt động hậu trường" nên ông sẽ phải rất coi trọng sự ủng hộ của ông Putin. Ông Medvedev cũng không phải là người xuất thân từ lực lượng an ninh hay quân đội nên để có được những uy lực cần thiết, ông không thể nào không tính đến quan điểm của một cựu sĩ quan an ninh như ông Putin, ít ra là trong tương lai gần.

Một khi ông Putin đồng ý nhận chức Thủ tướng khi ông Medvedev trở thành Tổng thống, nước Nga có thêm cơ hội để vững tin hơn đi theo con đường đã chọn. Tuy nhiên, cũng có dư luận cho rằng, ông Putin chưa chắc đã tiếp tục hoạt động trên chính trường lâu dài, một khi người kế nhiệm đã đủ sức tự lập chèo lái con thuyền quốc gia.

Những ai gần gụi với đương kim Tổng thống Nga đều biết rằng, không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với ông Putin và ông vốn rất thích những hoạt động sôi nổi và hấp dẫn mang tính trần thế, thậm chí còn hơn cả hoạt động chính trị.

8 năm phải kìm nén những cảm xúc cá nhân để hoàn thành sứ mệnh của một nguyên thủ quốc gia không phải là một khoảng thời gian ngắn. Tất nhiên, quyền lực dễ gây nghiện nhưng với một người bản lĩnh đã được rèn luyện chu đáo như ông Putin, có thể tránh được hiệu ứng đó.--PageBreak--

Hai vẫn là hai

Nhìn vào lịch sử đương đại của nước Nga, có thể nhận thấy một điều, phương thức điều hành quốc gia phụ thuộc rất lớn vào tính cách của người đứng đầu. Theo nhận xét của ông Ariel Cohen, chuyên gia của Quỹ Heritage (Mỹ), thời đại cải tổ của Mikhail Gorbachev hoàn toàn khác với thời đại của Tổng Bí thư Leonid Brezhniev. Về phần mình, khi lên làm vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga mới, ông Yeltsin đã hành xử rất khác so với ông Gorbachev.

Mặc dầu được đích thân ông Yeltsin chọn lựa nhưng đương kim Tổng thống Nga cũng có phong cách khác biệt đến trái ngược với người tiền nhiệm. Cả Gorbachev, Yeltsin lẫn ông Putin đều đã cố gắng chứng minh rằng, họ khác những người tiền nhiệm một cách căn bản và muốn đưa đất nước phát triển theo một con đường mới giàu triển vọng hơn. Và vì thế, sẽ là hời hợt nếu hôm nay ta vội vã cho rằng, ông Medvedev sẽ là "bản sao" của ông Putin trên cương vị Tổng thống.

Tổng thống Putin và Phó Thủ tướng Thứ nhất Medvedev đã biết nhau 17/18 năm qua nhiều công việc khác nhau. Cả hai đều được các cộng sự đánh giá là những đối tác đáng tin cậy và chắc chắn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng họ sẽ hoàn toàn hiểu nhau trên những cương vị mới.

Theo phân tích của GS Aleksey Pushkov ở Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO) trên tờ Izvestia, cho tới hôm nay không ai dám đoan chắc ông Medvedev sẽ thế nào khi ngồi vào ghế Tổng thống. Và nếu ngay cả khi ông Putin đồng ý trở thành Thủ tướng dưới "triều đại" của Tổng thống mới thì điều này cũng không mặc nhiên có nghĩa là trong việc điều hành nước Nga sẽ không có gì thay đổi.

Với tư cách một nhà lãnh đạo ở "Nhà trắng" Moskva (trụ sở của chính phủ Nga), ông Putin có một đội hình cộng sự riêng. Và ông Medvedev với tư cách một nguyên thủ quốc gia rồi cũng sẽ có một đội hình cộng sự riêng. Và ngay cả nếu như đội hình cộng sự của Tổng thống mới được thành lập từ 90% những người tin cậy của ông Putin thì trong giai đoạn mới, cũng sẽ nảy sinh những mâu thuẫn khách quan.

Hãy thử hình dung ra một cảnh như sau: Trong "Nhà trắng" là vị Thủ tướng mới và đồng thời cũng là thủ lĩnh quốc gia; ông ấy có một bộ máy cộng sự vốn quen với việc: ông Putin là nhân vật số 1 ở nước Nga.

Còn ông Medvedev khi làm chủ Điện Kremli rồi cũng có bộ máy riêng, coi nhiệm vụ tất yếu của mình là gia tăng ảnh hưởng của Tổng thống. Chính bộ máy ấy trong Điện Kremli sẽ rất tự nhiên trong việc "kéo chăn" về phía mình nhiều hơn, ngay cả khi bản thân ông Medvedev không quán triệt điều này.

Có thể nhìn thấy rõ những mâu thuẫn tất yếu ấy ngay cả trong việc nhỏ là tại các phòng làm việc của các quan chức, ảnh của ai sẽ được treo? Bây giờ, tục lệ của nước Nga là treo ảnh Tổng thống Putin. Còn sau này? Chẳng lẽ vẫn tiếp tục treo ảnh của ông Putin khi ông chỉ giữ chức Thủ tướng?!

Hơn nữa, sau 8 năm cầm quyền, ông Putin đã làm được một công việc khổng lồ: từ một nước Nga hỗn loạn dưới thời ông Yeltsin, ông đã xây dựng một xã hội mang tính ổn định cao với trung tâm quyền lực là Điện Kremli. Trong Duma Quốc gia, đa số ghế thuộc về Đảng Nước Nga thống nhất, một trong bốn chính đảng đã đồng ý với ông Putin đề cử ông Medvedev làm ứng cử viên Tổng thống.

Chính phủ chỉ đóng vai trò người thừa hành đường lối chứ không phải nơi lập ra đường lối. 84 vị thống đốc đều được "trung ương" cử xuống. Và không chỉ trực tiếp đề bạt các thống đốc mà Tổng thống thường trực tiếp đề bạt Bộ trưởng Quốc phòng cũng như hầu hết lãnh đạo các cơ quan an ninh.

Tóm lại là quyền lực quốc gia trên thực tế tập trung trong Điện Kremli và chỉ ở Điện Kremli. Tất cả những thành quả quan trọng này từ ngày 2/3 tới, ông Putin sẽ bàn giao cho ông Medvedev. Đây cũng chính là lợi thế để ông Medvedev có thêm điều kiện củng cố quyền lực nguyên thủ quốc gia của mình, một khi ông đắc cử Tổng thống.

Theo truyền thống, người dân Nga thường chỉ tôn trọng những vị nguyên thủ mạnh, tự lập. Và vì thế, dù muốn dù không, nếu đắc cử Tổng thống, ông Medvedev cũng sẽ phải tìm mọi cách chứng minh rằng, ông không phải là một vị nguyên thủ quốc gia mềm yếu

Nguyễn Trung Tín
.
.