Lý tưởng thời chiến, giác ngộ thời bình

Thứ Bảy, 25/03/2017, 09:33
Trong môi trường mạng bùng nổ hiện nay, thanh niên nếu thiếu bản lĩnh rất dễ bị tiêm nhiễm bởi những luồng quan điểm, thông tin sai trái, họ dễ là người bị kích động khi cái tôi vốn tồn tại rất lớn trong giới trẻ.

Trong bài làm văn nghị luận về lý tưởng sống của thanh niên ngày nay (lớp 12), một bài viết được lựa chọn văn mẫu đã phân tích lý tưởng sống giữa hai thời kỳ (kháng chiến và thời bình) như sau: “Thế hệ thanh niên - những người nối gót ông cha vẫn lên đường hành quân vì một lý tưởng cao đẹp: "Độc lập tự do của dân tộc". Đó là ở cái thời kỳ lòng yêu nước là tiên quyết, kháng chiến giải phóng dân tộc là nhiệm vụ, không một người thanh niên Việt Nam nào được phép trốn tránh.

Đại bộ phận thanh niên Việt thời bấy giờ đã đi theo lý tưởng Cụ Hồ để gạt bỏ những ước muốn tầm thường, ra đi vì một mục đích cao đẹp. Những con đường hành quân nối dài vẫn cứ tiếp tục dù cho hi sinh, dù cho đã bao người ngã xuống. Bởi họ đã được lý tưởng dẫn đường. 

Chính lý tưởng ấy đã giúp họ có một sức mạnh, một lòng dũng cảm, một trái tim thổn thức để vượt qua những hiểm nguy đang cận kề. Sức mạnh của lý tưởng sống đã được lịch sử chứng minh và không ai có thể phủ nhận. Đó là lịch sử.

Còn hiện tại thì sao? Chúng ta đang sống trong một môi trường hòa bình, là thành quả cách mạng mà thế hệ đi trước để lại. Chúng ta - những con người trẻ tuổi phải làm gì để bảo vệ thành quả cách mạng ấy và đưa đất nước ta phát triển "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời dạy của Bác Hồ. Đó chính là lý tưởng sống cao đẹp nhất của thế hệ thanh niên ngày nay. 

Để làm được điều đó, thanh niên ngày nay phải rèn luyện cả về trí tuệ cũng như tâm hồn. Những kiến thức, bài giảng trên trường lớp không bao giờ là thừa thãi cả. Bạn đừng học với nghĩa lúc nào cũng chỉ chú ý vào điểm số. Hãy chú ý vào những gì mà bạn có được. Mỗi ngày bạn đi học hãy tổng kết lại hôm nay bạn học được những gì. Đừng xô bồ với những thứ không cần thiết...”.

Tuổi trẻ hướng về Trường Sa.

Đương nhiên, phân tích lý tưởng trong làm văn, trong sách vở thường dựa trên những khuôn mẫu hay “văn mẫu” mà nếu viết khác, nói khác chắc những bài làm văn đó bị cho là... lạc đề! Tuy nhiên, dù ở trạng thái nào, việc so sánh lý tưởng thanh niên không có nghĩa để hướng thanh niên thời nay phải gò mình theo lý tưởng như thời chiến, ngược lại đó là giai đoạn hào hùng của dân tộc cần được soi rọi để giáo dục lý tưởng sống cho thanh niên thời bình.

Cách đây 10 năm, việc ra mắt hai cuốn nhật ký thời chiến Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã tạo nên cơn sốt sách hiếm có trong thời bình, gây hiệu ứng xã hội rất lớn, góp phần giáo dục, thức tỉnh lý tưởng sống của thanh niên.

Ngay trang đầu cuốn nhật ký của mình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ghi câu danh ngôn của văn hào N.A.Ostrotsky về lý tưởng sống: “Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Đó cũng là tinh thần bao trùm toàn bộ cuốn nhật ký, là một biểu trưng cho hoài bão, lý tưởng sống của thế hệ thanh niên Việt Nam những năm chống Mỹ cứu nước: sống, chiến đấu vì nền độc lập dân tộc và xây dựng CNXH.

Trong làn bom đạn quân thù, khi nói về suy nghĩ sau ngày hòa bình lập lại liệu có nên đề nghị Nhà nước chiếu cố, ghi công về những hy sinh, mất mát, Thùy Trâm đã khẳng định quan điểm trong trang nhật ký đề ngày 14-6-1970, tức chỉ 8 ngày trước khi chị hy sinh (22-6-1970): “Hôm qua trong cảnh hoang tàn sau trận bom, mọi người gồng gánh ra đi, anh Đạt đăm đăm nhìn mình nửa đùa nửa thật hỏi: “Có ai biết cảnh này không nhỉ? Nếu hòa bình lập lại ắt hẳn phải chiếu cố nhiều đến những người đã qua cảnh này”.

Mình cảm thấy đau nhói trong lòng, mình làm không phải để được chiếu cố nhưng có ai hiểu nỗi ước ao cháy bỏng trong mình không? Mình trả lời anh Đạt: “Ồ, em chả cần chiếu cố đâu. Ước mong của em chỉ là hòa bình trở lại để em được trở về với má em. Có thế thôi”.

Quả thực mình đã không nghĩ đến hạnh phúc của tuổi trẻ, không hề mong ước được sống trong một tình yêu sôi nổi mà lúc này chỉ có tình gia đình, chỉ có ước mong sum họp với gia đình. Có thế thôi chứ không mong hơn ngoài việc phục vụ cho Đảng, cho giai cấp nữa”.

Tôi đọc rất nhiều lần cuốn nhật ký và giờ đây, sau hơn 10 năm ra mắt, đây vẫn là cuốn sách gối đầu giường. Những dòng nhật ký trên để lại chúng ta rất nhiều suy nghĩ. Dòng hội thoại giữa chết chóc, bom đạn nhưng người con gái không màng đến việc xả thân chiến đấu thì cần được chiếu cố gì, không màng hạnh phúc tuổi trẻ, “chỉ có ước mong sum họp với gia đình”. Lý tưởng sống “phục vụ cho Đảng, cho giai cấp” bộc lộ qua hành động, suy nghĩ rất đời thường nhưng toát lên ý nghĩa vô cùng cao quý, thiêng liêng.

Sinh viên Học viện ANND học tập, luyện rèn lập nghiệp.

Đất nước sau hơn 40 năm kể từ ngày thống nhất Bắc - Nam, non sông một dải, thanh niên Việt Nam ngày nay đã có những thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách nói và hành động. Thanh niên không còn viết nhật ký, không còn những lá thư nhắn nhủ về lý tưởng sống, cách mạng gửi về gia đình, người thân.

Thanh niên trở nên bận rộn hơn với vòng quay công việc, lao động, học tập, nhanh nhạy hơn với sức mạnh của công nghệ thông tin toàn cầu và cũng năng động hơn với xu thế hội nhập. Thanh niên bị cuốn hút vào vòng xoáy của tiền - tài - danh vọng, của bao thứ cám dỗ đời thường. Thanh niên không ôm sách, đỏ đèn giữa đêm khuya để đọc Thép đã tôi thế đấy, Đất nước đứng lên, Đất rừng phương Nam... Thanh niên ngày trước chỉ một hình ảnh: bồng súng ra trận, chiến đấu chống giặc thù.

Thanh niên ngày nay biểu hiện muôn hình vạn trạng: góc chiếu này thì ôm máy tính, ôm laptop, ôm iPhone và dán mắt với Facebook, blog với ảnh tự sướng; góc chiếu kia miệt mài trong giảng đường, lò luyện thi, với những khóa luận, luận văn; lại những gương mặt mau lẹ, xử lý nhanh với “cảm biến thị trường”, tận dụng vận hội làm ăn, mua sắm xe cộ, nhà cửa; ở một góc khác là những cậu ấm, cô chiêu chạy xe mui trần, “đốt tiền nấu cháo” bao gái không bận tâm hay hoạt cảnh “đời sống du mục” chích hút, tụ tập gái trai “bầy đàn” trong nhà nghỉ...

Kết quả khảo sát thanh niên trước thềm Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP HCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2014-2019) công bố thông số sau: giá trị xã hội quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay của phần lớn thanh niên TP HCM là “Sống có lý tưởng hoài bão”; hơn 2/3 thanh niên được khảo sát chọn giá trị sống có ích cho xã hội, coi trọng lẽ sống công bằng, sống có lý tưởng hoài bão tốt đẹp, khẳng định vai trò của bản thân và sẵn sàng cống hiến vì cộng đồng.

Các giá trị khác như quyền lực (6,4%) và giàu có (8,1%) được đánh giá rất thấp. Không rõ những khảo sát này dựa vào đối tượng thanh niên nào nhưng dường như thanh niên chưa có công ăn việc làm, thanh niên sa vào tội phạm, tệ nạn xã hội... có vẻ vẫn ngoài vòng khảo sát.

Ngày nay, nhiều góc nhìn phiến diện về thanh niên đang định hình ngay trong mỗi gia đình. Nhiều ông bố bà mẹ dung dưỡng con cái thái quá, lại ngộ nhận về chính con em mình ngay cả khi đã trưởng thành. Trong khi đó, những thói hư tật xấu của thanh niên khi đã bị tiêm nhiễm lại không dễ gì gột rửa.

Một ngày lên mạng, bạn sẽ thấy biết bao vụ việc thanh niên sa vào tệ nạn, tội phạm, những đám thanh niên lêu lổng, chơi bời, những nhóm tụm năm, tụm mười say sưa đốt đời trai trong khói tài mà, trong tiệc rượu và dàn nhạc thâu đêm suốt sáng, những băng đảng côn đồ tụ tập đâm thuê, chém mướn, gây nhức nhối xã hội...

Nhưng thực ra, đó là một góc của xã hội, một sự lãng phí thời gian diễn ra ở bộ phận giới trẻ và chúng ta hoàn toàn không thể đánh đồng đó là lối sống chung của thanh niên ngày nay. Biết bao bạn trẻ vẫn dùi mài sách bút, cống hiến, tìm tòi con đường đi cho chính mình và góp sức cùng sự phát triển của xã hội.

Có điều, trong môi trường mạng bùng nổ hiện nay, thanh niên nếu thiếu bản lĩnh rất dễ bị tiêm nhiễm bởi những luồng quan điểm, thông tin sai trái, họ dễ là người bị kích động khi cái tôi vốn tồn tại rất lớn trong giới trẻ. “Diễn biến hòa bình” - một chiến lược nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm vào các nước XHCN, trong đó có Việt Nam nhưng nhiều người lại chỉ nói lý thuyết mà không nắm rõ những diễn biến thực tế, cho rằng đó là việc của ai, không phải mình. 

Với những thanh niên nghiền mạng xã hội hôm nay, đang có hiện tượng “tắm” trong biển thông tin hỗn độn. Nếu các bạn tự tô vẽ mình, tự tâng bốc, huyễn hoặc mình là “anh minh, hơn thiên hạ”, sĩ diện, ảo tưởng vì cái tôi cá nhân của mình thì chính các bạn dễ trượt dốc quá đà vào làn sóng chỉ trích, phê phán đất nước, phỉ báng chính quyền trên Facebook.

Những suy nghĩ đó, những hành động dù nhỏ (như comment, like) hay mức cao hơn là viết bài, tung ảnh, kêu gọi xuống đường... đều có thể là sự cổ súy, tương hỗ cho kẻ địch thực hiện mưu đồ chống phá đất nước, lật đổ chế độ, phá bỏ nền độc lập, cuộc sống bình yên mà cha ông đã đổ bao máu xương, bước trên bom đạn mới giành được. Vậy nên, chính kiến, bản lĩnh của thanh niên là điều phải được hiểu và tôi luyện.

An Nhi
.
.