Lưỡng quốc tỷ phú Alisher Burkhanovich Usmanov mở hầu bao… bao cả nước

Thứ Tư, 04/02/2015, 15:52
Tỷ phú Alisher Burkhanovich Usmanov mới đây đã quyết định chuyển quyền quản lý hai công ty lớn thuộc sở hữu của tập đoàn USM Holdings cho chính phủ, theo lời kêu gọi của Tổng thống Vladimir Putin nhằm “cứu” nền kinh tế Nga. Động thái “mở hầu bao” - hiến tài sản của ông diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang lao đao, khi đồng rúp của nước này đã mất giá khoảng 45% so với đồng USD (thời điểm cuối năm 2014) - hậu quả đến từ các biện pháp trừng phạt hà khắc của phương Tây do vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Sinh năm 1953, Alisher Burkhanovich Usmanov vốn là một doanh nhân người Nga gốc Uzbek. Usmanov hiện là người giàu nhất nước Nga với khối tài sản ròng trị giá 18,6 tỷ USD và là người giàu thứ 34 trên thế giới. Ông làm giàu  từ rất nhiều hoạt động, bao gồm: khai thác mỏ, công nghệ và viễn thông. Chính ông là nhà đồng sáng lập của tổ chức “Từ thiện thể thao và Nghệ thuật” - một trong những đơn vị tài trợ chủ chốt cho World Cup 2018 sẽ diễn ra tại Nga.

Lưỡng quốc tỷ phú

Alisher Burkhanovich Usmanov có cổ phần trong hàng loạt công ty lớn ở Nga, đầu tư mạnh nhất vào sắt thép và khai khoáng. Hiện nay, Usmanov đang là cổ đông lớn tại công ty khai thác quặng sắt lớn nhất của Nga là Metalloinvest. Tỷ phú này cũng thâu tóm vị trí Chủ tịch Gazprominvestholding, công ty đầu tư của hãng dầu khí độc quyền của nhà nước. Thậm chí, tầm với của Usmanov đã vượt ra xa khỏi ngành công nghiệp khai khoáng, khi ông đồng sở hữu MegaFon (tập đoàn cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai Nga), cũng như Mail.ru (doanh nghiệp Internet lớn nhất toàn cầu nói tiếng Nga).

Năm 2006, ông bỏ ra 200 triệu USD để mua lại Kommersant, trở thành tổng biên tập của tờ báo kinh doanh có số lượng phát hành lớn nhất của Nga.

Tiếp sau đó, ông bỏ ra 25 triệu USD để mua 50% cổ phần của kênh truyền hình thể thao 7TV và sau đó chi 300 triệu USD để mua 75% cổ phần của MUZ-TV, kênh truyền hình âm nhạc hàng đầu nước Nga. Hồi tháng 8/2007, Usmanov theo chân người đồng hương Roman Abramovich tiến vào thị trường bóng đá Anh bằng việc mua lại gần 30% cổ phần của đội bóng Arsenal danh tiếng. Qua đó, ông trở thành người nắm cổ phần lớn thứ nhì tại đội bóng thành London và đang lăm le mua đứt đội bóng này.

Năm 2012, tỷ phú Usmanov thành lập tập đoàn đa quốc gia USM Holdings, gộp các công ty và tập đoàn khác mà ông sở hữu về chung một mối, bao gồm: Mail.ru, tập đoàn truyền thông UTV (sở hữu các kênh Disney, Muz-TV và U của Nga), tờ báo Kommersant, MegaFon và Metalloinvest.

Trong bối cảnh Nga đang “gặp nguy”, Usmanov đã quyết định chuyển cổ phiếu của Megafon và Metalloinvest cho công ty nhà nước do Moscow nắm quyền kiểm soát Telekom Holding và USM Metalloinvest. Theo ông, động thái trên được thực hiện theo các chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin, và hai công ty này sẽ đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Nga.

Từ một tỷ phú ngành khai khoáng và sắt thép, Usmanov đã trở thành một ông trùm lớn của làng truyền thông và thể thao. Thông qua Công ty đầu tư Gallagher Holdings ở đảo Síp, ngài tỉ phú nước Nga cũng vươn vòi bạch tuộc ra nhiều nước châu Âu và nhiều khu vực khác. Giờ đây, người ta thấy tiền bạc của Usmanov tham gia vào hoạt động kinh doanh từ Nga tới Anh, từ Papua New Guinea tới Mỹ và Brazil, từ Hà Lan tới Úc. Ông đã có cổ phiếu niêm yết đồng thời tại 2 trụ sở giao dịch chứng khoán ở London và Moscow.

Usmanov thường nói rằng cổ phiếu trong lĩnh vực sắt thép là “mối tình đầu” của mình. Lời ví von này cho thấy con đường trở thành tỉ phú của Usmanov bắt đầu từ ngành sắt thép. Quả đúng vậy, khởi đầu từ sắt thép, Usmanov đã nhanh chóng trở thành “gã khổng lồ” hàng đầu nước Nga.

Năm 2013, tờ báo Anh The Sunday Times bất ngờ công bố Alisher Burkhanovich Usmanov là tỷ phú giàu nhất nước Anh, với khối tài sản ở đây lên tới trên 20 tỷ USD. Tuy chưa mang quốc tịch Anh, nhưng ông lại có thẻ thường trú lâu dài tại Anh (do sở hữu nhiều bất động sản có giá trị cao và có nhiều dự án đầu tư lớn tại Anh). Thế là, Usmanov nghiễm nhiên trở thành người đầu tiên trong lịch sử từng được xếp hạng giàu nhất ở cả hai quốc gia.

Đặt cửa vào công nghệ

Alisher Burkhanovich Usmanov đã thông qua tập đoàn Digital Sky Technologies (nơi ông nắm giữ 32% cổ phần) chi 200 triệu USD để mua 1,96% cổ phần tại Facebook vào tháng 5/2009, khi mạng xã hội này có giá trị vào khoảng 6,5 tỷ USD. Tập đoàn DST đã bán 1,7 tỷ USD cổ phần Facebook vào tháng 5/2012 khi Facebook phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng, giá trị của công ty lúc này được định giá lên đến 100 tỷ USD, giúp Usmanov đã thu về khoảng 1,4 tỷ USD.

Tỷ phú này cho rằng mặc dù đầu tư nhiều rủi ro và cực kỳ mạo hiểm, nhưng ông vẫn đặt niềm tin vào lĩnh vực công nghệ cao và cũng hoàn toàn tin tưởng vào tương lai của Facebook. Bên cạnh đó, tỷ phú người Nga lại tiếp tục cuộc đầu tư khác vào cổ phiếu Apple (AAPL) với số tiền khoảng 100 triệu USD với hy vọng thành công. Usmanov chưa bao giờ mất niềm tin vào “táo cắn dở”, kể cả ở thời kỳ hậu Steve Jobs. Với ông, Apple sẽ là một khoản đầu tư đầy hứa hẹn, trong vòng ba năm tới.

Những tính toán đầu tư của Alisher Burkhanovich Usmanov chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Ông đã “xoay trục” sang các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc có tiềm năng lớn - chiếm khoảng 70-80% danh mục đầu tư vào Internet ở nước ngoài của vị tỷ phú Nga. Quyết định đầu tư vào Trung Quốc của Usmanov được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị vẫn kéo dài ở bán đảo Crimea của Ukraine. Giới kinh doanh ở Nga có thể sẽ phải tìm kiếm các thị trường thương mại mới tại châu Á như Trung Quốc khi Liên minh châu  u (EU) và Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các hoạt động xuất khẩu của Nga nếu tình hình căng thẳng ở Crimea không được xoa dịu.

Tỷ phú giàu nhất nước Nga lo ngại về sự cấm vận của Liên minh châu Âu (EU), nhưng cũng nhấn mạnh rằng điều đó sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động kinh doanh và đầu tư. Phía Trung Quốc hiện không áp đặt bất kì lệnh cấm vận nào. Bởi vậy, Usmanov toan tính thực hiện các giao dịch bằng đồng rúp, đồng nhân dân tệ, hay đồng đô la Hồng Kông hoặc Singapore. Ông cũng lạc quan khi tin tưởng các khoản đầu tư vào Trung Quốc cũng sẽ mang lại lợi nhuận lớn như các khoản đầu tư trước đó vào các công ty Mỹ.

Cả hai đối tác mà Usmanov nhắm tới, Alibaba và JD.com, đều là những tập đoàn công nghệ lớn ở Trung Quốc. Giá trị của các tập đoàn này đều có khả năng tăng vọt nếu hai công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công. Thực tế đã chứng minh: Usmanov đã tính toán đúng, và có phần gặp may sau khi được bù lỗ tổn thất (do nền kinh tế Nga lao dốc) bởi khoản lời thu được từ việc đầu tư vào cổ phiếu của Alibaba và JD.Com.

Chơi ngông và che giấu

Nổi tiếng là một trong những tài phiệt người Nga có cuộc sống xa hoa, Alisher Burkhanovich Usmanov luôn thể hiện thú tiêu tiền rất phóng khoáng. Năm 2004, Usmanov chi 10 triệu USD mua lại biệt thự Tudor, trải dài trên khu đất rộng 120 ha và là một trong những ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất tại Surrey (Anh). Bốn năm sau, ông “chịu chơi” gần 80 triệu USD tậu dinh cơ theo phong cách Victory tại Highgate, London và xây một tổ hợp nhà tắm theo phong cách La Mã tại cơ ngơi này. Phương tiện di chuyển cũng được tỷ phú Nga vô cùng chăm chút: siêu du thuyền Dilbar (có giá 263 triệu USD) và một máy bay Airbus A340 (có giá 500 triệu USD) được coi là chuyên cơ cá nhân lớn nhất tại Nga.

Năm 2007, Usmanov mua lại cả bộ sưu tập nghệ thuật của nghệ sĩ cello thiên tài người Nga Mstislav Rostropovich tại nhà đấu giá Sotheby (Anh) với giá hơn 35 triệu USD, và trưng bày trong dinh cơ tại Nga của mình. Pha chơi ngông của tỉ phú Usmanov khiến cả thế giới sửng sốt. Truyền thông cũng có dịp bàn tán xôn xao về việc một vị tỷ phú giấu tên đã hỏi mua “pháo đài bay” B-52 của Mỹ được trưng bày tại triển lãm hàng không MAKS 2007 ở gần Moscow. Tất nhiên là việc mua bán không thể diễn ra, nhưng cuộc đối đáp này là một câu chuyện khác về thú chơi ngông của giới siêu giàu nước Nga. Hẳn nhiên, chỉ có tỷ phú siêu giàu Usmanov – người đã mua nguyên một cuộc đấu giá – mới có thể dám đưa ra lời đề nghị kỳ lạ đến vậy.

Dù được mệnh danh là “lưỡng quốc tỷ phú” song thông tin về Alisher Burkhanovich Usmanov có vẻ khan hiếm. Thường xuyên tham gia các quỹ từ thiện ở cả Nga lẫn Anh và khiến dư luận “sốc” vì những màn vung tiền mạnh tay nhưng Usmanov luôn trốn tránh ống kính truyền thông. Đời tư của ông được che giấu kín kẽ đến mức nhiều người cho rằng lý do xuất phát từ “vết chàm” bị ngồi tù lúc còn trẻ.

Sinh ra trong một gia đình “có số má” thời Liên Xô còn hùng mạnh, Alisher Usmanov được học hành đến nơi đến chốn và từng tham gia vào các tổ chức thanh niên Cộng sản địa phương. Tuy nhiên, đến năm 1980 thì bi kịch ập đến khi chàng trai 27 tuổi Usmanov – con trai của Phó tổng công tố Uzbekistan - bị bắt và bị kết án 8 năm tù về tội gian lận và tống tiền một sĩ quan quân đội.

Năm 1986, Usmanov được trả tự do sớm, bắt đầu những ngày tháng kêu oan khi cho rằng bi kịch đó là một đòn trả thù chính trị vì kết quả của những cuộc đấu đá bên trong KGB. Cho tới năm 2000, tòa tối cao Uzbekistan đã ra phán quyết phục hồi danh dự cho Usmanov, khẳng định chuyện ông đi tù xưa kia là một án oan.

Tuy nhiên, theo Craig Murray, cựu đại sứ Anh tại Uzbekistan, Usmanov không phải là tù nhân chính trị mà là kẻ cướp đã chịu hình phạt 6 năm tù một cách thích đáng. Ông còn tiết lộ các vụ giao dịch đáng ngờ của Usmanov với chính phủ Uzbekistan liên quan tới các hợp đồng khai thác dầu mỏ và quặng. Thậm chí, nhân vật này còn kết nối với các luật sư của công ty kim cương De Beers đã nộp đơn kiện lên một tòa án ở Denver, Colorado (Mỹ) với cáo buộc Usmanov đã gian lận trong cuộc tranh chấp tại một trong những mỏ kim cương lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên cho đến nay, những ý kiến và bằng chứng của Craig Murray vẫn chưa được chứng minh. Đơn kiện của De Beers thì vẫn nằm im trong ngăn kéo của tòa án tại Mỹ. Còn Alisher Burkhanovich Usmanov thì vẫn sống khỏe, với những dự án kinh doanh khổng lồ, với chiếc du thuyền sang trọng có chỗ đáp máy bay và tiếp tục những trò chơi ngông của một đại tỷ phú…

Lê Nam – Anh Doãn
.
.