Luân chuyển “hạt giống”

Thứ Sáu, 26/07/2019, 11:13
Vừa qua, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiều cán bộ thuộc diện “hạt giống” được điều động, luân chuyển từ Trung ương về địa phương hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Mỗi kỳ luân chuyển, lẽ thường có ý kiến khen chê, kỳ vọng lẫn hoài nghi: người được luân chuyển đã thực sự “hạt giống” đúng nghĩa chưa? Họ sẽ thể hiện ra sao ở vùng đất mới, cống hiến như thế nào? Kỳ vọng sau thời gian luân chuyển là gì?…

Luân chuyển cán bộ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Mục tiêu không gì khác là để những cán bộ này có điều kiện rèn giũa qua thực tiễn công tác tại địa phương, được thể hiện mình một cách đầy đủ cả năng lực, trí tuệ và đạo đức tại những vùng đất mới, con người mới... Vậy, cùng nhìn lại, trong nhiệm kỳ Khóa XI đến nay, việc luân chuyển cán bộ về địa phương đã làm được và chưa làm được những gì?

Tháng 3-2014, Bộ Chính trị luân chuyển, điều động 44 cán bộ thuộc Trung ương quản lý, trong đó có 19 thứ trưởng và tương đương về các địa phương để chuẩn bị nhân sự lãnh đạo cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị nhiệm kỳ 2015-2020. 

Trong 19 thứ trưởng và tương đương được Trung ương luân chuyển về địa phương thời điểm đó, đến nay có 9 người là Ủy viên Trung ương khóa XII, bao gồm các chức vụ như bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng, thứ trưởng...

Một hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương đánh giá công tác luân chuyển cán bộ.

Sau 5 năm thực hiện điều động, luân chuyển 44 cán bộ “hạt giống” về địa phương, cơ bản những người được điều động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra và có sự thăng tiến. Cụ thể, tại thời điểm luân chuyển (3-2014), có 1 Ủy viên Trung ương, 1 Ủy viên dự khuyết; 19 thứ trưởng và tương đương; 25 cục trưởng và tương đương.

Đến Đại hội XII (1-2016), có 11 người được bầu vào Ủy viên Trung ương, 3 người Ủy viên dự khuyết. Tính đến tháng 7-2019, có 29 người nhận nhiệm vụ mới so với thời điểm luân chuyển; 10 người hiện đang giữ chức vụ như khi luân chuyển và 4 người quay trở lại vị trí trước khi luân chuyển.

Như vậy, không phải ai sau 5 năm “đi sứ” cũng đều thăng tiến mà có người lại... trở về vị trí ban đầu. Đặc biệt, chủ trương luân chuyển là để cán bộ đến vùng đất mới với tư cách không bị ràng buộc bởi quê hương, dòng họ, sẽ có tính độc lập tương đối và tránh các rào cản gia đình, bản quán để “tác chiến năng động”. 

Nhưng, không phải ai cũng có tính độc lập tương đối đó để phát huy năng lực, sở trường. Có người đến vùng đất mới đã dính vào kỷ luật khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng.

Từ thực tế, nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét kỹ năng lực, trình độ, đặc biệt là lý lịch tiến thân của những cán bộ luân chuyển. Có người thăng tiến lên cục trưởng một cách nhanh chóng, sau đó được luân chuyển, điều động về địa phương với tham vọng sau này trở lại đảm nhận chức danh cao hơn, lớn hơn. Ngay sau khi ông Thủy bị kỷ luật, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến bàn tán, tỏ sự quan ngại về lý lịch và con đường tiến thân của ông này. 

Chính vì tham vọng luân chuyển để được lên cao, để thăng tiến nhanh nên nhiều người muốn “chen” suất cán bộ luân chuyển giữa các nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cần phải thấy được ý nghĩa, mục đích của nó, nếu chỉ nhằm danh lợi cá nhân là sai lệch ngay từ vạch xuất phát.

Ngày 7-10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.

Mục đích luân chuyển để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ và luân chuyển cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn; đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...

Quy định nêu rõ chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết).

Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có triển vọng phát triển...

Chức danh bố trí luân chuyển áp dụng đối với cán bộ đã giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng; đối với cán bộ trẻ luân chuyển để đào tạo, rèn luyện, chủ yếu bố trí làm cấp phó; trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cán bộ luân chuyển còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển (50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ, trừ cán bộ nữ thuộc diện được kéo dài thời gian công tác theo quy định). Theo quy định này, thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng) đối với một chức danh (trừ chức danh kiêm nhiệm).

Thực tiễn cho thấy, có 2 trạng thái của cán bộ khi luân chuyển về địa phương. Một là cố gắng thể hiện mình, tạo dấu ấn nào đó trong thời gian luân chuyển để khẳng định năng lực, trình độ. Hai là cố gắng “giữ gìn”, không dám dấn thân, đột phá vì sợ sai, sợ xáo trộn; chỉ làm tròn vai, sao cho không để xảy ra điều tiếng để hết hạn luân chuyển là về Trung ương. Nhiều người gọi đây là thời gian “tráng men” địa phương. 

Chính vì lẽ đó, thiết nghĩ quy định thời hạn luân chuyển tối thiểu 3 năm vẫn còn khiêm tốn, vì như vậy chỉ năm về, năm đi, còn 1 năm ở, chưa làm được gì nhiều đã hết hạn luân chuyển. Nên chăng quy định thời hạn luân chuyển phải đủ 5 năm liên tục. Thứ hai, trong thời hạn luân chuyển đó, người được luân chuyển cần được lấy phiếu tín nhiệm tại địa phương.

Chỉ số tín nhiệm là thước đo đánh giá năng lực, đạo đức, uy tín của họ tại địa phương ra sao. Một người tín nhiệm thấp, bị địa phương chê trách thì không thể coi là hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm sao có thể rút về Trung ương giữ chức vị cao hơn?

Đánh giá về công tác luân chuyển cán bộ nói chung, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, về cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, một số nơi việc tổ chức quán triệt Kết luận số 24-KL/TW, Quyết định số 68-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử chưa sâu rộng, chưa kịp thời.

Một số tổ chức đảng đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất, còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi còn tư tưởng cục bộ; tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ chưa cao, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có lợi ích. 

Quy trình bổ nhiệm có trường hợp chưa chặt chẽ, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Có trường hợp bổ nhiệm quá nhanh, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nên sau khi bổ nhiệm đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cán bộ, đảng viên...

Do đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ là để có tầm nhìn xa, có cái khung để đào tạo, bố trí cán bộ, nên phải “động” và “mở”. Làm quy hoạch cán bộ không phải là làm công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ cũng không phải là cái “khuôn cứng”.

Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn là trên cơ sở quy hoạch nhưng đồng thời cũng phải mở rộng ra chứ không phải chỉ nằm trong quy hoạch. Đào tạo nguồn là rất tốt, rất cần thiết, chứ không phải tranh thủ, phấn đấu vào lớp nguồn cốt để có cái mác lớp nguồn vào Trung ương, vào cấp ủy... 

Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, “chạy” luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, ngon ăn nhưng về chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghé đòi về. Rồi cứ nghĩ đi luân chuyển để làm cán bộ chứ không phải để trưởng thành...

An Nhi
.
.