Lửa cháy đến bao giờ?

Thứ Tư, 27/11/2019, 14:34
Bằng việc công bố đảo ngược chính sách của mình đối với các khu định cư Do Thái mà Israel xây dựng ở Bờ Tây, nước Mỹ của đương kim Tổng thống Donald Trump đã và đang bảo đảm rằng những ước vọng hòa bình ở Trung Đông sẽ ngày càng trở nên mờ mịt, khi chính những đồng minh truyền thống cũng không thể tán đồng với họ được nữa.

Không một lời tán đồng

Dĩ nhiên, không kể đến phản ứng hoan hỉ của Israel, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu đăng đàn phát biểu rằng: Việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ngày 18-11, khẳng định: “Sau khi nghiên cứu kỹ tất cả các khía cạnh của cuộc tranh cãi pháp lý này, chính quyền Mỹ nhất trí rằng việc xây dựng các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây, về bản chất, không phải không phù hợp với luật pháp quốc tế” là một “sự sửa chữa sai lầm để lại từ lịch sử” và “phản ánh sự thật lịch sử là người Do Thái không phải những kẻ thực dân chiếm đóng Judea và Samaria, tên gọi trong Kinh Thánh cho Bờ Tây. Họ được gọi là người Do Thái bởi vì họ là người dân của vùng đất Judea”.

Còn lại, đến ngày 21-11, ngay cả đồng minh thân thiết nhất của nước Mỹ là nước Anh cũng phải lên tiếng (chính thức từ Bộ Ngoại giao Anh): “Lập trường của Anh đối với các khu định cư là rõ ràng. Chúng là bất hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế, gây trở ngại đối với hòa bình và đe dọa khả năng đạt được giải pháp hai nhà nước".

Trước đó, ngay sau tuyên bố từ Washington, Liên đoàn Arab (AL) đã đáp trả: “Tuyên bố của Mỹ ủng hộ các khu định cư Do Thái tại Jerusalem cũng như các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Bờ Tây là hết sức tiêu cực”. AL, dẫn đầu là Saudi Arabia - một trong những đồng minh gần gũi và quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông, còn cảnh báo: “Những thay đổi về mặt quan điểm của Mỹ có thể thúc đẩy bạo lực” và “làm suy giảm mọi triển vọng hòa bình dựa trên việc chấm dứt tình trạng chiếm đóng trong tương lai gần”.

Với những động thái hậu thuẫn Israel công khai của Washington như thế, lửa phản kháng sẽ không bao giờ tắt trong lòng cả cộng đồng Arab lẫn người dân Palestine.

Đó là tiếng đồng vọng mà bất cứ nhà quan sát nào cũng có thể tiên liệu, cất lên để hậu thuẫn cho những lời kết tội từ phía Palestine: Với họ, động thái ấy của Mỹ dĩ  nhiên bị xem là “đi ngược hoàn toàn với luật pháp quốc tế”, “không có giá trị, không thể chấp nhận và đáng bị lên án”, đồng thời khiến Mỹ “đánh mất uy tín và không thể đóng bất cứ vai trò nào trong tiến trình hòa bình Trung Đông”. 

Gần như được đưa ra ngay lập tức, nước Đức - trái tim của Liên minh châu Âu (EU) - nhấn mạnh: Đức và các đối tác trong EU ủng hộ một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột giữa Israel - Palestine và vẫn coi sự tồn tại của các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là vi phạm luật pháp quốc tế, làm suy yếu tiến trình hòa bình cũng như làm phức tạp các cuộc đàm phán về một giải pháp hai nhà nước.

Ở một kênh khác, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nêu rõ lập trường trên của EU là rõ ràng và nhất quán. Bà đánh giá: chính sách định cư của Israel "làm xói mòn triển vọng giải pháp hai nhà nước cũng như triển vọng cho một nền hòa bình lâu dài”. Do đó, EU kêu gọi Israel chấm dứt hoạt động định cư cũng như tuân thủ các nghĩa vụ của mình.

Cùng lúc, 10 nước thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngày 20-11, ra thông cáo chung kêu gọi Israel dừng các hoạt động định cư tại Bờ Tây.

Nước Mỹ dường như đang bất chấp tất cả, vì lợi ích của Israel.

Tiến ba bước, liệu có lùi một bước?

Diễn biến này, thực ra, không có gì quá bất ngờ. Giới quan sát quốc tế đã cảm nhận được rằng nó sẽ phải diễn ra, đặc biệt là trong vị trí tiếp nối của một chuỗi hành động “bất cận nhân tình” đã tuần tự được thực hiện.

Đầu tiên, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem - mảnh đất nghìn năm tranh chấp - là thủ đô mới của Israel và đưa Đại sứ quán của mình từ Tel Aviv về đó. Tiếp theo, họ thông báo rộng rãi về việc chuẩn bị công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan hay Bán đảo Sinai - những phần lãnh thổ mà Israel chiếm đóng sau các chiến thắng quan trọng trong thế kỷ trước, khi đánh bại vòng vây của các nước cộng đồng Hồi giáo Bắc Phi - Trung Đông.

Sau nữa, Washington đưa ra một kế hoạch hòa bình mới cho “Đất Thánh” nhưng trong đó phớt lờ các điều khoản liên quan đến giải pháp “hai nhà nước” mà chỉ chú trọng vào việc kêu gọi cộng đồng Arab bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Tất nhiên, động thái này cũng như tất cả các bước đi trước đó đều đã vấp phải những làn sóng phản đối kịch liệt từ cả AL lẫn dư luận quốc tế. Song, cuối cùng, cái gì phải đến vẫn cứ đến.

Và với tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nước Mỹ đã quay ngoắt lại 180 độ so với quan điểm của chính mình năm 1978, khi họ (có lẽ là buộc phải) cùng các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc khác đánh giá rằng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là “vi phạm pháp luật quốc tế”.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: Vì sao Nhà Trắng lại theo đuổi đến cùng một kế hoạch “thất nhân tâm” đến thế?

Không thể có câu trả lời chắc chắn nhưng dường như một phần của nó nằm ở lời công kích của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - người cũng là ứng viên đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2020: “Quyết định này không phải là vì hòa bình hay an ninh, cũng chẳng phải vì Israel. Nó thậm chí còn làm tổn hại tương lai của Israel, nhằm phục vụ những mục đích chính trị cá nhân của ngài Donald Trump”.

Các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây vẫn bị cả thế giới xem là “vi phạm pháp luật quốc tế”.

Từ khía cạnh này, không cần phải là một chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể liên tưởng đến quyền lực ngầm ghê gớm của các nhà đại tài phiệt Mỹ gốc Do Thái, những người được truyền tụng là hoàn toàn đủ khả năng khuynh đảo kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm tới. Để có được sự hậu thuẫn của họ, việc ông chủ Nhà Trắng từng bước áp đặt cả Palestine, cả AL và cả thế giới chấp nhận một “chuyện đã rồi” là điều không có gì bất ngờ. Chẳng phải khi đưa Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem, mọi chuyện đã diễn ra theo cùng cung cách ấy hay sao?

Nhưng, có lẽ, bên cạnh đó, vẫn còn những dụng ý khác, được lồng ghép khéo léo trong câu chuyện mang đầy tính độc đoán này. Đó có thể là một phép thử dành cho các đồng minh truyền thống bên kia Đại Tây Dương - những người bạn cũ đang mỗi lúc một lạnh nhạt và xa rời. Nếu chấp nhận các quyết định “ngang ngược” này, xem như EU chấp nhận tuân phục Washington. Còn khi họ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ như hiện tại, lại có những cơ hội đàm phán được mở ra, để nước Mỹ quyết định có thỏa hiệp hay không. Mà thỏa hiệp (và nhượng bộ để đạt được thỏa hiệp) hay không, quyền chủ động cũng vẫn thuộc về nước Mỹ. Họ, cũng như bất cứ ai đàm phán trên thế mạnh, đều có thể “tiến vài bước để chỉ lùi một bước”.

Đó cũng có thể là sự tô đậm thêm những khác biệt về chính sách đối ngoại đối với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ, khi cho cử tri thấy diện mạo của một nước Mỹ ngày càng cứng rắn và đủ mạnh mẽ để luôn luôn cứng rắn. Cả thế giới cũng sẽ nhìn thấy điều đó và sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn nếu có ý định chọn lằn ranh khác, trượt khỏi quỹ đạo trật tự thế giới đơn cực mà nước Mỹ muốn duy trì.

Jerusalem có thể sẽ lại bị nhấn chìm trong xung đột và bạo lực, như nghìn năm qua vẫn thế. Giải pháp “hai nhà nước” - niềm tin và ước vọng hòa bình của nhân dân Palestine - xem như đã lại trở nên mờ mịt. Thế giới và cả các chính khách đảng Dân chủ vẫn cứ chỉ trích gay gắt. Nhưng, trong thực tế, ưu thế đang hoàn toàn thuộc về quân đội tinh nhuệ của Israel, dưới cánh tay bảo trợ của Washington.

Thiên Phong
.
.