Lời hịch cứu quốc

Chủ Nhật, 11/12/2016, 10:54
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông, đất nước, là lời hịch cứu quốc, thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Nhiều nghiên cứu phân tích rằng, trong điều kiện kham khổ, đất nước lâm nguy, đó chính là lúc lợi ích cá nhân bị thu hẹp nhỏ nhất, nhường chỗ cho cái chung, cái nghĩa khí quốc gia. Việc động viên, tổ chức và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong những ngày Bác Hồ phát động toàn quốc kháng chiến, đứng trước vận mệnh Tổ quốc nguy nan, lòng người không có chỗ cho sự ích kỷ, cá nhân bởi không có độc lập thì không có tất cả...

Sau Cách mạng Tháng Tám, được đế quốc Anh và Mỹ tiếp sức ở miền Nam, thực dân Pháp đã đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta.

Đúng như nhận định của Thường vụ Trung ương Đảng tại Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ nhất (19-10-1946): “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Ngày 18-12-1946, chỉ huy quân Pháp đã gửi tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát thủ đô Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ.

Trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông, đất nước, là lời hịch cứu quốc, thể hiện ý chí, quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc, là sự tiếp nối logic bản Tuyên ngôn Độc lập do chính Người đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tiếp đó, quân dân các địa phương khắp từ Bắc vào Nam như: Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đồng loạt đứng lên kháng chiến.

Chúng ta bước vào cuộc kháng chiến trong tình thế vô cùng khó khăn cả về lực lượng, phương tiện kỹ thuật lẫn kinh nghiệm. Đánh giá về tình hình lực lượng vũ trang ta hồi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lúc bắt đầu kháng chiến, quân đội ta là một quân đội thơ ấu. Tinh thần dũng cảm có thừa nhưng thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt”.

Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Sau Cách mạng Tháng Tám, quân đội ta chỉ có hai chi đội, đến trước ngày toàn quốc kháng chiến tăng lên 25 chi đội, 30 trung đoàn với tổng số 85.000 người. Các chi đoàn, tiểu đoàn này do các chiến khu tổ chức, trang bị còn thực tế ta vẫn chưa có đơn vị chủ lực, cơ động chiến lược. Xét tương quan lực lượng, rõ ràng địch hơn hẳn ta về lực lượng, vũ khí trang bị, được huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật tác chiến hiện đại.

Từ thực tiễn cách mạng đã khẳng định: Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, với dấu mốc lịch sử của những ngày toàn quốc kháng chiến do nhiều nhân tố hợp thành, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đường lối đúng đắn, sáng tạo là nhân tố quyết định nhất. 

Trong những ngày toàn quốc kháng chiến cũng như suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã phát huy cao độ tinh thần, khí phách, truyền thống yêu nước, giữ nước của cả dân tộc; ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Thắng lợi của toàn quốc kháng chiến cũng như trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Việt Nam có một nền văn hóa dân tộc mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước. Chính nhờ sức mạnh của nền văn hóa ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, dân tộc ta không hề bị đồng hóa và cuối cùng vùng lên giành lại nền độc lập.

Trong một nghìn năm độc lập tự chủ, dân tộc ta đã đánh thắng mọi kẻ địch xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần. Lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc ta để lại những áng thiên cổ hùng văn như: Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi…

Trong thời đại Hồ Chí Minh, tiếp nối bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là lời hịch cứu quốc, khơi dậy và phát huy tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến là dịp để mỗi người dân Việt Nam nhìn nhận rõ hơn một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước. Trong tình thế hiểm nghèo, tưởng chừng không vượt qua được song Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng, nhận định đúng tình hình và phát động toàn quốc kháng chiến đúng thời điểm. 

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, để triệu người dân như một nhất tề đứng lên kháng chiến, quyết giữ vững nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh chóng, khó lường.

Đặc biệt, tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng..., tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới.

Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu.

Đối với đất nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng quyết liệt. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta có sự phát triển, yêu cầu cao hơn, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn.

Trước bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, lực lượng vũ trang cách mạng với vai trò là lực lượng nòng cốt càng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng ý chí quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Nhiều nghiên cứu phân tích rằng, trong điều kiện kham khổ, đất nước lâm nguy, đó chính là lúc lợi ích cá nhân bị thu hẹp nhỏ nhất, nhường chỗ cho cái chung, cái nghĩa khí quốc gia. Việc động viên, tổ chức và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong những ngày Bác Hồ phát động toàn quốc kháng chiến, đứng trước vận mệnh Tổ quốc nguy nan, lòng người không có chỗ cho sự ích kỷ, cá nhân bởi không có độc lập thì không có tất cả.

Vấn đề giữ nước, giữ nền độc lập là trọng trách, là thiêng liêng, mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, không phân biệt học vấn, chỉ có nhiệm vụ sát cánh bảo vệ Tổ quốc. Mâu thuẫn giai cấp khi đó tuy có tồn tại nhưng không gay gắt, mọi người đều dễ dàng gác lại bất đồng, gác lại những mâu thuẫn trong xã hội để giải quyết yêu cầu cao nhất lúc này, ranh giới thù - bạn cũng rất rõ ràng, phân bạch.

Ngày nay, điều kiện xã hội, thành phần dân cư đa dạng, phức tạp hơn, sự phân tầng giai cấp cũng khiến các lợi ích tồn tại những mâu thuẫn, bất đồng. Trong nền kinh tế nhiều thành phần và vận hành theo cơ chế thị trường, tệ tham nhũng, quan liêu, sự phân hoá giàu nghèo đang khiến một bộ phận quan chức tạo ra ranh giới ngày càng lớn với chính người dân lao động.

Khi sự phân hoá sâu sắc, các mâu thuẫn, tồn tại xã hội không được giải quyết sẽ tác động tiêu cực tới khối đại đoàn kết toàn dân. Trong điều kiện đất nước hoà bình, con người được tạo điều kiện làm kinh tế, hình thành thói quen hưởng thụ, giảm sút lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu, thậm chí nhiều người rơi vào lãng quên trách nhiệm với đất nước, non sông, chỉ lo vun vén cá nhân.

Chính bởi vậy, để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt, không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết  toàn dân tộc”.

An Nhi
.
.