Loạn 12 sứ quân: Lịch sử từ phe chiến thắng

Thứ Hai, 20/05/2019, 18:00
Loạn 12 sứ quân là một sự kiện rất nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thế kỷ X.


Trong các sử liệu của cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, loạn 12 sứ quân được miêu tả như là một cuộc hỗn chiến mù quáng của 12 phe phái chính trị khiến cho đất nước loạn lạc, nhân dân điêu đứng khổ sở.  

Đinh Bộ Lĩnh thấy vậy, bèn dấy cờ nghĩa, đánh dẹp những kẻ làm loạn nhà Ngô, trở thành người cứu tinh của dân chúng, và được dân chúng suy tôn là Vạn Thắng Vương. Tuy nhiên, như một quy luật, việc chép sử phần lớn được thực hiện bởi phe chiến thắng nhằm mục đích mỹ hóa (tô hồng) kẻ thắng trận và xú hóa (bôi xấu) bên bại trận. 

Vậy biểu tượng "loạn 12 sứ quân" đã được kiến tạo như thế nào song song với quá trình tô đắp biểu tượng Đinh Tiên Hoàng?

Những phản đề về Đinh Bộ Lĩnh

Ngòi bút của Ngô Sĩ Liên, Lê Tung và các sử gia đời Lê - Nguyễn, đều coi Đinh Bộ Lĩnh là vị Hoàng đế đầu tiên xây dựng thể chế chính trị Nho giáo tại Việt Nam. Dưới quan điểm chính thống này, các sử quan đều cho rằng Đinh Bộ Lĩnh đã là người nổi lên sau sự kiện loạn 12 sứ quân, là người có công trong việc dẹp loạn, cứu nhân dân khỏi nạn nội chiến giai đoạn 965-967. 

Thế nhưng, Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi rõ sự kiện năm 951, Đinh Bộ Lĩnh nổi lên chống lại nhà Ngô, cát cứ tại Hoa Lư. Đinh Bộ Lĩnh, với "tráng trí đại trượng phu không bắt chước thói đàn bà xót con" đã chủ ý gửi Đinh Liễn làm tù binh/ con tin ở kinh đô Cổ Loa trong vòng 15 năm (từ 951-965). 

Vậy thì, Đinh Bộ Lĩnh không hề là người xuất hiện sau, mà là người "bất tuân phục" sớm nhất trong thời đại nhà Ngô. Nhưng ai cũng biết, ông là người đã chiến thắng, là người đã tiêu diệt 500 con cháu nhà Ngô (Toàn thư), là người đã đánh dẹp 10/12 thứ sử nhà Ngô, và bắt hai người cháu của Ngô Quyền (Ngô Nhật Khánh và Ngô Xương Xí) phải đầu hàng. 

Đinh Bộ Lĩnh như thế đã trở thành người viết nên lịch sử, và cũng là người kiến tạo nên cái nhìn của phe chiến thắng về phe chiến bại. Vậy, quá trình viết sử của phe chiến thắng đã diễn ra như thế nào?

Trước tiên, các sử liệu đều coi Đinh Tiên Hoàng là phe chính thống, nên đã không xếp Đinh Bộ Lĩnh vào danh sách các sứ quân nổi loạn. Các sử gia đều "bỏ lơ" không bình luận chi tiết Đinh Bộ Lĩnh nổi lên năm 951, mà chỉ tập trung vào giai đoạn dẹp loạn của ông, và chiến thắng của ông. Thứ hai, sử quan Nho giáo cho rằng, thời đại nhà Ngô đã kết thúc vào năm 965 khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn chết. 

Khi tính chính thống của nhà Ngô không còn, các sứ quân tranh giành vương vị, nên Đinh Bộ Lĩnh phải dẹp loạn để giành lại "mệnh trời" và "lòng dân". Ngay ở đây ta thấy các kỹ thuật chép sử của phe chiến thắng!

Lễ hội Hoa Lư. Ảnh: L.G.

Xú hóa nhà Ngô - thao tác của bên chiến thắng

Để chứng minh rằng nhà Ngô đã sụp đổ và mất tính chính thống, các sử liệu đều cố gắng làm mờ đi các lực lượng, các nhân vật quan trọng của nhà Ngô.

Đầu tiên là Ngô Nhật Khánh. Ông này được nêu tên 2 lần trong 2 danh sách sứ quân làm loạn (một lần ở phần Ngô sứ quân, một lần ở kỷ nhà Đinh). Toàn thư ghi Ngô Nhật Khánh tiếm xưng là Ngô Lãm Công, chiếm cứ Đường Lâm. Thủ pháp chép sử là giấu nhẹm nguồn gốc Hoàng tộc của Ngô Nhật Khánh, và coi ông như là người đã đứng lên nổi loạn phản bội lại chính cha ông, dòng tộc nhà mình. 

Lý lịch của Ngô Nhật Khánh đã cố tình bị đẩy lui vào thời điểm Khánh chết với tư cách là kẻ phản quốc dẫn quân Chiêm về giày mả tổ năm 979. Toàn thư chép năm 979, khi nghe tin Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Khánh đem quân vào cửa Đại Ác đánh Hoa Lư. 

Nhưng, đoàn thuyền đã bị bão đánh chìm. Cũng chính ở đoạn này, sử liệu cho biết Khánh trong giai đoạn 965-967 là người đã xưng An Vương. Sau đó, Khánh đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh, được Bộ Lĩnh cho làm Phò mã, lại đem em gái Khánh gả cho Đinh Liễn, còn mẹ Khánh thì làm vợ của Đinh Tiên Hoàng. Ba bố con lấy ba mẹ con. 

Sử chép, Khánh bên ngoài cười nói như không, nhưng lòng đầy oán hận. Sau đó, Khánh đem vợ chạy trốn đến cửa biển Nam Giới (Hoan Châu, Hà Tĩnh ngày nay), rạch má vợ và nói, "thù ba bố con mày ăn hiếp ba mẹ con tao,…  , giờ tao phải đi kiếm người có thể giúp tao". Vậy Ngô Nhật Khánh là ai?

Mẹ Ngô Nhật Khánh là ai, mà Đinh Tiên Hoàng không đánh giết mà chỉ chiêu hàng rồi thông hôn? Theo nghiên cứu của tôi, Ngô Nhật Khánh chính là con trai của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, và mẹ Khánh là Hoàng hậu Ngô triều.  

Việc Đinh Tiên Hoàng lấy ba mẹ con nhà Ngô không gì khác nhằm để nối tiếp tính chính thống của nhà Ngô. Cuộc hôn nhân "ba tay" này là một cớ để nhà Đinh có thể tiện ăn nói với nhà Tống trong công tác ngoại giao sau đó. 

Đến đây ta mới hiểu, vì sao Khánh là nhân vật duy nhất xưng là An Vương, và cũng chính từ đây ta biết chỉ có người thứ hai có ý định chiếm vương hiệu nhà Ngô là Đinh Bộ Lĩnh - người xưng Vạn Thắng Vương!

Vậy thì, thủ pháp chép sử của bên chiến thắng đã rõ, sử gia Nho giáo đời sau trên quan điểm nền chính thống thuộc về nhà Đinh, đã viết nên những dòng sử bút chiến thắng về phe chiến bại. An Vương Ngô Nhật Khánh bị giấu nhẹm nguồn gốc Hoàng tộc, và bị hạ xuống hàng sứ quân nổi loạn chống lại gia tộc nhà Ngô nhà mình.

Lý lịch đen của Khánh chỉ xuất hiện trong màn cuối của vở kịch, khi Khánh đóng vai kẻ cõng rắn cắn gà nhà: phò mã nhà Đinh đem quân xâm lược chống lại nhà Đinh.

Từ góc nhìn phe chính thống, Ngô Thì Sĩ đã bàn rằng, mẹ Khánh là "kẻ thù trong kẽ nách" của nhà Đinh, vì có một đứa con phản quốc.  Nhưng không chỉ có mẹ con Ngô Nhật Khánh bị bôi xấu, hạ bệ, chúng ta còn thấy 12 sứ quân cũng chịu chung số phận.

Dựng hiện trường  giả về "loạn 12 sứ quân"

Toàn thư là sử liệu quan phương nhà nước đã "đóng đinh" 12 sứ quân nổi loạn vào lịch sử Việt Nam thế kỷ X. Đây là một cách dựng hiện trường giả từ quan điểm của phe chiến thắng. Việc đóng đinh này được thực hiện rất chỉn chu bằng thao tác liệt kê danh sách. 

Danh sách 12 sứ quân nổi loạn được nêu đích xác họ tên, tước hiệu tiếm xưng, địa điểm cát cứ, và danh sách này được lặp lại 2 lần ở hai vị trí khác nhau. 

Như trên đã nêu, các sử gia Nho giáo đã loại Đinh Bộ Lĩnh ra khỏi danh sách này, mặc dù ông là người duy nhất xưng Vương trong số các bề tôi nhà Ngô, là người nổi lên cát cứ sớm nhất chống lại nhà Ngô.

Theo nghiên cứu mới từ các sử liệu Việt Nam và Trung Quốc, "sứ quân" không hề có hàm nghĩa nổi loạn như vẫn được hiểu, mà chỉ là một cách gọi tôn xưng (trang trọng) dành cho các vị giữ chức Thứ sử. 

Danh sách 12 sứ quân tức là 12 thứ sử của nhà Ngô, bao gồm (1) Ngô Nhật Khánh: thứ sử Hoan Châu, Nghệ An nay), (2) Ngô Xương Xí: Thứ sử Ái Châu (Thanh Hóa nay), (3) Đỗ Cảnh Thạc: Thứ sử châu Đỗ Động Giang (Hà Tây cũ), (4) Trần Lãm: Thứ sử Trường Châu  (tương đương các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình nay), (5) Nguyễn Khoan: thứ sử châu Tam Đái (Vĩnh Phúc nay), (6) Nguyễn Thủ Tiệp: Thứ sử châu Bắc Giang, (7) Phạm Bạch Hổ: Thứ sử Đằng Châu (tương đương Hưng Yên  và một phần Hải Dương - Hải Phòng nay), (8) Phạm Lệnh Công: Thứ sử châu Nam Sách Giang (tương đương phần phía bắc của tỉnh Hải Dương, và tỉnh Quảng Ninh nay), (9) Dương Huy: Thứ sử châu Vũ Ninh (tương đương tỉnh Bắc Ninh và một phần của Bắc Giang), (10) Kiều Công Hãn - Thứ sử Phong Châu (tương đương tỉnh Phú Thọ nay), (11) Thứ sử Lạng Châu (Lạng Sơn nay) hiện chưa biết tên, (12) Ngô Xử Bình (Tham tá của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn) chiếm cứ kinh đô Cổ Loa (Giao Châu, Hà Nội nay). 

Ngoài ra còn một số quan lại cấp thấp khác tham gia cuộc chiến hoặc đứng ngoài. Khi Nam Tấn Vương chết trận, Ngô Xử Bình đã đem thi hài vua về đảo chính Cổ Loa, gây nên tình trạng "rắn mất đầu" của triều Ngô, 500 con cháu nhà Ngô buộc phải chạy về nương nhờ Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động Giang. 

Toàn thư ghi các sứ quân "tự giữ" là với ý mỗi Thứ sử đành phải cai quản lãnh địa trị nhậm của mình. Khi đó, Ngô Nhật Khánh ở Hoan Châu, đã xưng An Vương để tiếp nối vương vị từ cha mình. Nhưng liên minh của Đinh Bộ Lĩnh - Trần Lãm - Phạm Bạch Hổ đã cắt đôi lãnh thổ nhà Ngô. 

Ngô Xương Xí - Ngô Nhật Khánh bị cô lập ở Hoan - Ái, các thứ sử khác ở ngoài Bắc. Cục diện được gọi là "12 sứ quân" đến đây mới bắt đầu, với 3 phe: phe các thứ sử nhà Ngô, phe đảo chính Ngô Xử Bình và phe Đinh - Trần). 

Các Thứ sử nhà Ngô đã tiến đánh cả Ngô Xử Bình ở Cổ Loa và liên minh Trần - Đinh trong các năm 965-967. Đến năm 967 khi Trần Lãm mất, Đỗ Cảnh Thạc cùng 500 con cháu nhà Ngô tấn công Bố Hải Khẩu, và thất bại tại Ô Man. 

Thừa thắng, Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt 500 con cháu nhà Ngô ở Đỗ Động Giang. (Toàn thư) Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã tiêu diệt 8/12 thứ sử, liên minh với 2 thứ sử, và buộc Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh đầu hàng.

Sử thực này cho thấy, thao tác xú hóa "12 sứ quân" đã được thực hiện như sau. Sử quan không dùng chữ "thứ sử" mà dùng "sứ quân" để hạ thấp vai trò vị trí của các vị này, cấp nghĩa xấu với thuật ngữ "loạn 12 sứ quân". Sử liệu liệt kê danh tính 12 người làm loạn với các bằng chứng về tiếm xưng, và cát cứ. 

Thế nhưng cát cứ thực chất chỉ là vấn đề "tự giữ" lãnh thổ trị nhậm. Hầu hết các tiếm xưng đều không đáp ứng tiêu chuẩn của xưng hiệu, hoặc là tên tước tên chức quan, như Kiều Tam Chế là nói tắt từ Tam chế sứ, hoặc chỉ là tên hiệu cá nhân như Thái Bình trong Nguyễn Thái Bình, hoặc chỉ là từ tôn xưng như Phạm Lệnh Công, Lã Tá Công, Đỗ Cảnh Công. 

Chỉ có một người tiếm xưng duy nhất là Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh. Cả Toàn thư Tống sử đều ghi "các sứ quân chém giết lẫn nhau" là một kiểu ghi "vơ đũa cả nắm" để tạo nên hiện trường giả, nhằm củng cố cho hình ảnh anh hùng dẹp loạn của Đinh Bộ Lĩnh.

Như vậy, việc dựng nên hiện trường giả về "loạn 12 sứ quân" và việc làm loạn của các con cháu nhà Ngô là một thao tác chính trị của sử thần Nho giáo nhìn từ phe chiến thắng. Những kẻ bại trận (10/12 vị) hiện lên như những kẻ làm loạn đất nước. 

Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp loạn 12 sứ quân kia thì được xây dựng thành biểu tượng "hoàng đế dẹp loạn". Cặp đôi biểu tượng này là có tính hữu dụng, như một tiền lệ để các triều đình phong kiến sau này chống lại các lực lượng phản kháng bất tuân vương lệnh.

Trần Trọng Dương
.
.