Liên minh châu Âu: Rã nát… tim đau
- Hàng trăm người thương vong vì bạo lực "Áo vàng" ở Pháp
- Pháp nỗ lực giải quyết khủng hoảng “Áo gilê vàng”
- Anh sẽ quay lại Liên minh châu Âu nếu đàm phán thất bại?
Sự lên ngôi của phong trào cực hữu, sự phản kháng của người dân cộng thêm những rối rắm kinh tế sau khủng hoảng, cùng “vấn nạn” di cư rình rập hay quan điểm nửa vời về một “đạo quân” chung... đang khiến EU bất hòa.
Nhiều chiến lược đi vào ngõ cụt làm cho nhiều người nghĩ tới việc EU sẽ lụi tàn, tan rã. Tư tưởng muốn rời khỏi EU xuất hiện ngày càng nhiều, đáng báo động.
Dấu hiệu rối loạn
Câu hỏi là vì sao EU cứ phải luôn đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong khi khối này vẫn nuôi tham vọng củng cố vị thế toàn cầu? Xây dựng một tầm nhìn toàn cầu nhằm củng cố vị thế của châu Âu trên trường quốc tế... thực tế đang diễn ra ngược lại hoàn toàn.
Trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 đã bắt đầu và các phong trào dân túy trỗi lên mạnh mẽ, các phong trào phản kháng như phong trào “Áo vàng” đang đồng thời diễn ra khiến EU phải đối mặt với hàng loạt thách thức, thậm chí là một cuộc khủng hoảng mới đe dọa sự tồn tại của khối. Hai luồng suy nghĩ của người dân và lãnh đạo EU cùng lúc diễn ra: Kỳ vọng hoặc thờ ơ.
Châu Âu luôn mơ về một quân đội chung. |
Năm 2014 EU lao đao vì cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, di sản của cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu. Một năm sau, năm 2015, cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát phơi bày sự yếu kém trong các quy định của EU về vấn đề tị nạn.
Cuộc khủng hoảng này bộc lộ những rạn nứt không thể che giấu của liên minh này, bởi cho tới nay EU chưa thể đưa ra một chính sách chung về vấn đề người tị nạn.
Các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy đang giành được sự ủng hộ tại một số nước EU cũng gây nhiều sức ép. Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu đang lan rộng.
Không ít chính trị gia theo xu hướng này đã giành được quyền lực tại Tây Ban Nha, Hungary, Italy hay Áo... và mới nhất là cuộc tổng tuyển cử ở Thụy Điển. Trong khi đó, sự ủng hộ đối với các đảng dân chủ theo chủ nghĩa dân tộc gia tăng khi cử tri ngả sang phe cánh hữu.
Thách thức mới về an ninh tại các nước thành viên EU khiến khối này phải thúc đẩy hành động trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố hay bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy EU ngày càng tỏ ra “dễ bị tổn thương”, thậm chí hầu như không có khả năng “tự bảo vệ” trước những mối đe dọa an ninh.
EU cũng dường như đang lún sâu vào thế đối đầu với Mỹ bởi những bất đồng giữa hai đồng minh truyền thống hai bờ Đại Tây Dương về hàng loạt vấn đề, từ Iran tới thương mại..., hầu như không thể tháo gỡ.
Việc nước Anh rời EU vào cuối tháng 3-2019, còn gọi là Brexit, đang bộc lộ sự “thất bại” của EU. Cuối cùng, mới đây nhất là phong trào “Áo vàng” khởi điểm từ nước Pháp và đang lan rộng ở hàng hoạt quốc gia EU đặt dấu chấm hết cho những hoài nghi về sự vững mạnh và ảnh hưởng toàn cầu của khối này.
Mất cân bằng cấu trúc và thiếu một liên minh chính trị
Nhiều lý do được đề cập để lý giải cho tình trạng lao đao của EU, một trong những nguyên nhân ở tầm vĩ mô được chỉ ra đó là khiếm khuyết cấu trúc do thiếu một liên minh chính trị, tài chính.
Những khiếm khuyết về cấu trúc trong EU khiến liên minh này luôn phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng dai dẳng. Nhưng, để xử lý được điều này, cần phải có những thay đổi bước ngoặt.
Nhìn từ góc độ chính trị, EU luôn phải vật lộn để thích ứng với nền chính trị dân chủ của các thành viên. Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 1999, với sự ra đời của một liên minh tiền tệ nhưng thiếu một liên minh chính trị và tài chính đi kèm. Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng mà không có giải pháp bền vững.
Câu hỏi treo lơ lửng trên đầu nhiều chính trị gia hàng đầu liên minh này là EU sẽ lụi tàn? Nhìn vào câu chuyện điển hình là cuộc đối đầu giữa Chính phủ Italy với quan chức eurozone về trần thâm hụt ngân sách của Italy là minh chứng mới nhất cho thấy sự bất lực của EU trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới tài chính, dân chủ. Mâu thuẫn liên quan tới quy định về tài khóa khiến đa phần cử tri Italy không chấp nhận việc EU kiểm soát nền chính trị nước này.
Những chính sách không rõ ràng của EU đang khiến khối này đi vào ngõ cụt. |
Thực tiễn trên phơi bày tiền lệ xấu rằng bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể phá vỡ cam kết với EU. Không chỉ có thế, những khiếm khuyết về cấu trúc khiến các nước thành viên EU không thể đồng thuận.
Từ góc nhìn chính trị, rạn nứt lớn của EU-Brexit cũng khởi nguồn từ những vấn đề khiếm khuyết cấu trúc. Nhìn vào bản chất thấy rõ, khi khủng hoảng eurozone nổ ra vào năm 2011, những mâu thuẫn căn bản trong eurozone bộc lộ rõ qua trường hợp của Anh, với sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa ECB và Ngân hàng Trung ương Anh.
Cách tiếp cận thắt chặt của ECB đẩy eurozone vào suy thoái, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh giúp kinh tế Anh củng cố đà hồi phục từ sau khủng hoảng tài chính. Mất cân bằng cấu trúc lại càng trầm trọng hơn khi xung đột cấu trúc trong liên minh đa tiền tệ của EU đã tạo ra lực hích giúp cho những người ủng hộ chiến dịch rời khỏi EU giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý ở Anh.
Và thực tế đang diễn ra cho thấy Brexit một lần nữa đã chia cắt EU. Anh rời bỏ EU đã là một phần nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của Liên đoàn Hanseatic mới, nó thúc đẩy các quốc gia từng liên minh với Anh về luật hóa thị trường chung chuyển sang một liên minh với hai quốc gia không phải là thành viên của eurozone là Đan Mạch và Thụy Điển. Nhóm mới này cũng đang tạo ra những khó khăn chính trị cho EU.
Vị trí khán giả...
Theo các chuyên gia, nếu EU không có một liên minh tài khóa có đủ khả năng đáp trả các diễn tiến chính trị, EU sẽ không có đủ hậu thuẫn của công chúng trong nội khối về việc phải hy sinh chủ quyền trong ngân sách quốc gia cũng như chia sẻ gánh nặng nợ nần mà một liên minh như vậy sẽ đưa ra.
Lúc đó, EU có thể phải chuyển giao bớt quyền lực cho các chính phủ quốc gia, nhiều thay đổi bất thường theo hướng tiêu cực sẽ diễn ra và rất khó đạt đồng thuận chính trị để xây dựng một châu Âu thống nhất có thể giữ một vị trí ngày càng quan trọng hơn trên trường quốc tế.
Nhìn vào những gì phong trào “áo vàng” gây ra gần đây, nhiều người đã so sánh tình hình căng thẳng hiện nay ở châu Âu giống như ở những năm 1930. EU đang bị "xé nát" bởi những bất đồng khiến khối liên minh này bị suy yếu.
Các quốc gia trong liên minh do không chung ý nghĩ, không muốn đồng hành cùng nhau trong mọi lĩnh vực khiến EU không hề tạo ra sức mạnh của một khối thống nhất trong cả nguyên tắc và hành động. Chính vì điều này, EU “mãi hài lòng với vị trí của một khán giả” chứ không phải một kiến trúc sư trong các vấn đề quốc tế.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, giới tinh hoa và các nhà hoạch định chính sách EU đã tin rằng mô hình ra quyết định đa phương, quyền lực mềm và sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt thể chế thể hiện tương lai của chính trị quốc tế.
Thậm chí, trong một cuốn sách bán chạy được xuất bản năm 2005, nhà khoa học chính trị Mark Leonard đã đánh giá rằng mô hình EU sau này được mở rộng ra toàn châu Âu sẽ “thống trị thế kỷ 21”. Thế mà theo nhận xét gần đây của nhà bình luận người Anh Janan Ganesh, châu Âu lại đang trở thành một ngoại lệ, chứ không phải một chuẩn mực.
Phong trào “Áo vàng” phơi bày những mặt tối của EU nói chung, nước Pháp nói riêng. |
Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến EU ít mang tính trung tâm hơn trong các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, người Mỹ “coi thường” ra mặt khi EU thiếu đầu tư cho quốc phòng, vì thế không coi lục địa này là một đồng minh đáng tin cậy.
Trong khi đó, EU phật ý trước chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và việc Mỹ không quan tâm đến những mối quan ngại chính sách của khối.
EU không muốn “cái ô” quân sự của Mỹ và NATO, mà EU muốn thứ khác, đầu tư vào nền kinh tế thay vì vào quân đội để giúp EU của tương lai trở thành một lục địa mạnh mẽ về kinh tế và hợp nhất về chính trị đủ sức để khẳng định bản sắc trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt giữa nước lớn.
Để đối phó với những thách thức trên, lãnh đạo EU cho rằng, điều cần nhất là các nước EU cần tái lập lòng tin. Tiếp đó cần củng cố EU về các khía cạnh liên quan đến vấn đề “chủ quyền”, tạo dựng sức mạnh chung.
Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh tế, cần thực hiện chính sách phát triển bền vững, bảo vệ người dân trước các tác động khắc nghiệt từ nhiều phía. Chỉ có như vậy EU mới tránh được chia rẽ nội bộ, tạo dựng sức mạnh trên trường quốc tế và tránh những thất bại ê chề trong cuộc đua với các cường quốc thế giới.
EU nếu không đủ mạnh sẽ giống như Trung Đông hay Mỹ Latinh, trở thành một chiến trường mà kẻ thua luôn là kẻ bị động, thiếu đoàn kết và bị xé nát.