Căng thẳng an ninh mạng Mỹ - Trung:

Leo thang vượt giới hạn

Thứ Bảy, 29/08/2015, 07:48
Giới chức Mỹ mới đây đã cáo buộc một cựu quân nhân Trung Quốc đánh cắp dữ liệu mật từ một mạng máy tính quân sự của Washington. Cùng với những lùm xùm trước đó, vụ việc lần này cho thấy cuộc tranh cãi liên quan đến hoạt động gián điệp mạng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang ở giai đoạn ngày càng căng thẳng. 

Nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc là rất cao. Lực lượng của Mỹ - với khả năng tác chiến cao hơn 100 lần so với Trung Quốc - có khả năng “xóa sạch” các tên miền Internet của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang chứng tỏ rằng quốc gia này là một thách thức chiến tranh mạng không hề dễ đối phó đối với nhiều đối thủ khác.

Liên tiếp những cáo buộc

Trên thực tế, đến nay Mỹ và Trung Quốc đã xảy ra không ít tranh cãi vì các vụ đánh cắp dữ liệu mật hay những cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp mạng. Điển hình như cuối tháng 7 vừa qua, cả nước Mỹ đã rúng động khi tin tặc đột nhập vào hệ thống dữ liệu của Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM) và đánh cắp dữ liệu cá nhân của ít nhất 4 triệu nhân viên liên bang, bao gồm cả nhân viên đã nghỉ hưu. Ngoài ra, hồ sơ của 750.000 nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã bị xâm nhập. Trong khi Mỹ cho rằng, Trung Quốc đứng đằng sau vụ việc này, phía Bắc Kinh lại bác bỏ mọi cáo buộc.

Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Wei Chen, một cựu quân nhân Trung Quốc, với tội sao chép các tệp dữ liệu mật từ một mạng máy tính quân sự của Mỹ trong thời gian được thuê làm nhà thầu quốc phòng cho nước này tại Kuwait vào năm 2013. Wei Chen, hiện sống ở bang Massachusetts, bị buộc tội khai báo không trung thực và phá hoại các máy tính của quân đội Mỹ. Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Wei Chen đã sao chép các tệp dữ liệu mật của máy tính sang thiết bị lưu trữ cá nhân và tìm cách che giấu hành vi này bằng cách xóa nhật ký mạng.

Điều đáng nói là mặc dù hiện đã có quốc tịch Mỹ, nhưng Wei Chen trước đây đã từng phục vụ ở một đơn vị phòng không của quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1971 tới 1976. Được biết, Wei Chen đã “giấu nhẹm” thông tin này khi đặt chân vào làm việc ở Kuwait. Theo giới chức tư pháp bang Massachusetts, nếu các quân nhân và nhà thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ cố tình vi phạm chính sách an ninh mạng và xóa dấu vết, sẽ bị buộc tội và truy tố. Trong vụ việc của Wei Chen, nếu bị kết tội, người đàn ông 61 tuổi này sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 15 năm.

Hoạt động bên trong một trung tâm an ninh mạng của quân đội Mỹ.

Cũng chỉ ít lâu sau đó, Mỹ lại tiếp tục cáo buộc các tin tặc Trung Quốc đang sở hữu những thông tin nhạy cảm của khoảng 14 triệu nhân viên liên bang nước này, trong đó có các nhân viên tình báo, quân đội đã từng trải qua các cuộc kiểm tra lý lịch an ninh phức tạp trước khi được chính thức làm việc. 

Trước đó khoảng một tháng, chính quyền Mỹ cũng cáo buộc 6 công dân Trung Quốc đã lấy cắp những bí mật từ hai công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ là Avago Technologies Ltd và Skyworks Solutions Inc. Cả hai công ty này đều tập trung phát triển công nghệ được sử dụng chủ yếu trên các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, các thiết bị định vị toàn cầu (GPS) và dùng cho các mục đích quân sự.

Ngoài ra, 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc cũng đã bị bồi thẩm đoàn liên bang của Mỹ ở thành phố Pittsburg, bang Pensylvania cáo buộc tham gia hoạt động gián điệp mạng nhằm vào các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ. Phía Washington cho rằng, mặc dù chưa từng đặt chân vào lãnh thổ Mỹ, song những người này đã tấn công hệ thống máy tính của các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ để đánh cắp các thông tin về thiết kế các nhà máy hạt nhân, quy trình sản xuất các sản phẩm năng lượng mặt trời và các bí mật thương mại khác.

Những vụ việc nói trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang ngày càng chú trọng vào việc ngăn chặn các hoạt động gián điệp kinh tế và quân sự. Đây cũng là vấn đề mà Washington coi là mối lo ngại an ninh quốc gia hàng đầu. Nói về thực trạng các vụ gián điệp kinh tế đe dọa nước Mỹ trong thời gian qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke mới đây tuyên bố, chính quyền của Tổng thống Barack Obama “sẽ làm tất cả để bảo vệ bí mật thương mại của các công ty Mỹ”, bởi đây là vấn đề sống còn đối với nước Mỹ.

Nguy cơ chiến tranh mạng

Nhiều nguồn tin tiết lộ, Bắc Kinh đang âm thầm lên kế hoạch tấn công mạng Internet đối với Mỹ, đồng thời có khả năng thông qua mạng Internet cắt đứt mạng lưới điện tại một số khu vực của Mỹ. “Kẻ thù của nước Mỹ” muốn tiến hành giám sát điện tử định kỳ đối với nước này, có thể phát động tấn công đối với các hệ thống điều khiển như các công trình thiết bị hóa học và các nhà máy xử lý nước. Các báo cáo cho thấy mạng lưới điện và các hệ thống quan trọng khác của Mỹ bước đầu đã bị các tin tặc Trung Quốc thâm nhập, qua đó dự báo trước âm mưu tấn công trong tương lai.

Các quân nhân Trung Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng.

Hiện nay, nhìn từ toàn cục, quan hệ Mỹ - Trung không hề êm thấm khi giữa hai nước đều tồn tại khả năng chiến tranh. Về phương diện công nghệ mạng Internet và tập hợp lực lượng quốc gia, Trung Quốc có năng lực để tiến hành một cuộc chiến tranh mạng. 20 năm trước, Trung Quốc đã từng đề cập đến một cuộc chiến tranh “vượt giới hạn”. Do vậy, trong những năm qua, Bắc Kinh đã không tiếc công sức, tiền của để phát triển hệ thống gián điệp, tình báo mạng Internet, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia.

Do vậy, nói rằng Mỹ sắp phải hứng chịu một cuộc càn quét diện rộng trên Internet từ phía Trung Quốc là có căn cứ rõ ràng. Mặc dù lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung không ngừng bắt tay và tổ chức những buổi hội đàm kín, thế nhưng mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: hình thái ý thức của hai nước khác nhau. Khả năng hai nước xảy ra đối đầu toàn diện, thậm chí xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh, là rất cao.

Ngay từ năm 2013, hãng bảo mật Mandiant công bố báo cáo về nhóm tin tặc liên tục tấn công mạng các công ty, tổ chức và cơ quan chính phủ Mỹ, từ một tòa nhà 12 tầng ở ngoại ô Thượng Hải. Mandiant xác định đây chính là nhóm 61398 thuộc Cục Trinh sát kỹ thuật (Cục 3) của Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc. Vào cuối tháng 7, hãng bảo mật FireEye (Mỹ) cũng công bố báo cáo về hoạt động của nhóm tin tặc APT 30 đặt tại Trung Quốc, tấn công các nước Đông Nam Á suốt 10 năm.

Bắc Kinh cũng thừa nhận sự hiện hữu của lực lượng chiến tranh mạng trong Sách trắng quốc phòng vừa được công bố, nhưng khẳng định lực lượng này chủ yếu chỉ có mục đích phòng thủ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh vừa phát triển vũ khí mạng mới có tên “Great Cannon” - công cụ hủy diệt tiềm năng, và là một trong những vũ khí mạng lớn nhất từng được phát hiện. Đây chính là những điểm mấu chốt khiến dư luận cho rằng, Trung Quốc đang nung nấu một cuộc chiến tranh mạng thật sự.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định hành vi đóng cửa mạng Internet và tấn công đối với các hệ thống chủ chốt không hẳn đồng nghĩa với việc phát động một cuộc chiến tranh mạng toàn diện. Và khi đó, khả năng nổ ra chiến tranh mạng toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ là không lớn. Nếu như có tình huống đó, năng lực tấn công chiến tranh mạng của Mỹ có lẽ sẽ cao hơn gấp 100 lần so với Trung Quốc. Không một cá nhân nào dại dột mà lại tiến hành một cuộc chiến an ninh mạng Internet với Mỹ.

Sự giám sát và quản lý mạng Internet toàn cầu của Mỹ có ưu thế không quốc gia nào sánh kịp. Về mặt lý thuyết, Mỹ có thể tiến hành “xóa sạch” các tên miền Trung Quốc thông qua mạng Internet vào bất cứ lúc nào, để từ đó đưa Trung Quốc “trở về thời đại đồ đá”. Ngoài ra, nhiều quốc gia đang không ngừng chỉ trích hành vi gián điệp mạng của phía Trung Quốc. Thế nên, Bắc Kinh càng phải tỏ ra thận trọng và dè chừng với những toan tính cá nhân, chứ không thể vội vã hành động.

Trong thời buổi công nghệ thông tin đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội thế giới, một cú nhấn chuột có thể gây hậu quả khôn lường. Nếu có một cuộc chiến tranh mạng, nó không chỉ ảnh hưởng lợi ích một quốc gia đơn lẻ mà sẽ hệ lụy với toàn cầu. 

Vẫn biết, Mỹ dễ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh mạng nhất vì quốc gia này sử dụng Internet nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Vì vậy, Lầu Năm Góc đã phải công bố chiến lược an ninh mạng mới, khẳng định nếu xảy ra xung đột với kẻ thù thì lựa chọn hàng đầu của quân đội Mỹ sẽ là tác chiến mạng. 

Tuy vậy, những cáo buộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc khiến dư luận không khỏi lo ngại một cuộc chiến tranh mạng đang đe dọa cả thế giới. Đây có lẽ sẽ tiếp tục trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi, thậm chí ít nhiều cản trở nỗ lực tăng cường ngoại giao giữa hai cường quốc này trong thời gian tới…

Việt Dũng
.
.