Lạy trời xin phép nhiệm mầu!

Thứ Hai, 20/07/2009, 15:30
Khi con biết cất tiếng nói đầu tiên của kiếp sống làm người là con kêu lên từ "đau". "Bố mẹ ơi, con đau lắm". Từ "đau" thốt ra từ cái miệng bé xinh, gương mặt thiên thần của con đã xé vỡ trái tim bố mẹ. Bố mẹ có thể chịu đựng mọi khổ ải, thiếu thốn để con được an lành khỏe mạnh. Bố mẹ có thể chịu đựng trăm ngàn thử thách của số phận hơn thế nữa miễn là con đừng bỏ bố mẹ ra đi khi con còn quá bé bỏng và bố mẹ yêu con hơn mọi thứ trên đời.

Ngày con trai mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống của hai vợ chồng bị đảo lộn 180 độ. Tất cả mọi cố gắng phấn đấu cho sự nghiệp, cho danh vọng, thậm chí tiền bạc bỗng dưng hóa ra vô nghĩa lý. Tất cả xoay chuyển, và vợ chồng chỉ còn tập trung mọi sức lực ý chí vào một việc duy nhất thôi là cùng con chiến đấu với bệnh tật và nuôi hy vọng. Lạy trời, xin hãy ban cho con trai một phép nhiệm mầu!

Tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng Đại úy Hoàng Đức Minh trong một buổi chiều Hà Nội oi bức nắng. Bỏ xa phố phường Hà Nội ồn ào và bụi bặm, tôi đi vào hun hút ngõ của đường Giải Phóng, vào tận trong làng Thịnh Liệt và dừng lại ở giữa cánh đồng hoang. Ngôi nhà cấp bốn trong ngách phố không tên, nằm hẻo lánh ở giữa bạt ngàn rừng chuối. Lạ thế, có mấy cây số thôi, mà vào nơi đây rồi, thấy Hà Nội như xa lắm, phố phường như lạc hẳn, để một khoảng trống sum suê cỏ lác và vườn chuối xanh um tùm.

Thì ra, nhà của Đại úy Minh thuộc vào diện nhà làm trên đất canh tác, lại ngấp nghé trong vùng quy hoạch nên chưa có sổ đỏ. Ngày xưa, mua được một rẻo đất bé tý này cạy cục làm được nửa gian nhà cấp 4 để vợ chồng con cái tá túc đã là một nỗ lực phi thường của hai vợ chồng.

Ở Hà Nội, bao nhiêu gia đình nghèo muốn có chỗ tá túc nương thân đều phải đánh bài liều với những vùng đất bỏ trống chưa quy hoạch. Nhưng vợ chồng Đại úy Minh không may mắn như những gia đình nghèo khác, nơi anh ở đã nằm trong vùng quy hoạch của Sở Địa chính Thành phố Hà Nội. Mai này, khi thành phố lấy đất, gia đình anh lại phải một phen lao đao tìm chốn trú thân.

Đại úy Minh cũng không còn trẻ nữa, năm nay đã ngoài 30 tuổi. Tốt nghiệp Học viện Cảnh sát khoa Trại giam khóa 21 từ năm 2000, năm nay nữa là đã tròn 9 năm lăn lộn với nghề Công an. 9 năm vất vả trải qua mấy lần thay đổi công việc. Từ Cảnh sát Trại giam của Trại tạm giam số 2 Hà Nội đóng ở Thường Tín Hà Tây, rồi về công tác tại Trạm Cảnh sát Pháp Vân, bây giờ là Tổ trưởng Tổ Hình sự của Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Công việc của một người lính Cảnh sát ở trên một địa bàn phường trọng điểm Hà Nội thật không thể kể hết nỗi vất vả nhọc nhằn. Trăm ngàn công việc không tên, thượng vàng hạ cám xảy ra trên địa bàn phường đều phải có Công an đến để giải quyết.

Phường Thịnh Liệt có vị trí địa lý khá đặc biệt. Ngay trên địa bàn phường đã có hai bến xe lớn và một ga tàu. Bến xe phía Nam và Bến xe Vận tải hàng hóa, ga Giáp Bát v.v..., ngoài ra còn có nhiều dự án khác. Có thể nói, Thịnh Liệt là nơi tập trung đông dân cư, dân tứ xứ đổ về và chính vì có những tụ điểm như bến xe, ga tàu nên cũng đủ hạng người tồn tại. Riêng trên địa bàn phường, 50% dân số là dân ở tỉnh ngoài.

Khi tôi đến nhà Đại úy Minh thì Tổ Hình sự của anh hôm nay trong lúc đi tuần đã bắt được một đối tượng buôn ma túy. Việc làm án khá vất vả, anh đi suốt từ sáng tới tận chiều mới về, vóc dáng vốn đã gầy gò nhỏ bé, gương mặt giờ lại hốc hác hơn vì tất bật tối ngày. Không chỉ riêng Đại úy Minh mà hầu như tất cả các đồng nghiệp, đồng sự của anh, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp trên của anh ở Công an phường Thịnh Liệt đều vất vả như vậy.

Một địa bàn rộng, tình hình an ninh trật tự hết sức phức tạp, vì thế gần như 100% quân số của đơn vị đều được huy động ở mọi vị trí công tác để giữ gìn trật tự an ninh cho một phường trọng điểm. Đơn vị phường thường số lượng cán bộ không nhiều, nhưng lại là đơn vị gần dân nhất, hằng ngày sống và bám trụ cùng dân nên trăm ngàn công việc của dân bao giờ lực lượng Công an phường cũng phải có mặt kịp thời.

Những công việc không tên nhiều đến nỗi, cánh Công an phường vẫn thường đùa tếu táo với nhau là "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Nói là nói vậy thôi nhưng mọi nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành tốt, ở một phường trọng điểm như Thịnh Liệt, công tác giữ gìn trật tự an ninh cho nhân dân lại càng phải đảm bảo hơn bao giờ hết.

Trong 9 năm công tác, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an phường, trong thành tích và chiến công chung của đơn vị có đóng góp của cá nhân anh, một người lính Cảnh sát tận tụy và mẫn cán với công việc. Đại úy Minh cùng với các đồng nghiệp từng nhận hàng chục bằng khen của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, từng ba năm liền là Chiến sỹ thi đua và không nhớ nổi bao nhiêu lần tham gia đánh án thành công.

Nhớ nhất là năm 2006 trong thời gian diễn ra hội nghị APEC, khi tham gia giai đoạn đầu khám phá vụ án ma túy lớn mà đối tượng đầu vụ là H'Akoong, khi truy bắt đối tượng, Đại úy Minh đã bị gãy tay. Sau khi bàn giao đối tượng cho Công an quận cũng là lúc Đại úy Minh phải vào điều trị ở viện mất gần 1 tháng. Thương tật của anh theo luật hiện hành, nếu làm hồ sơ là đã có thể được chế độ thương binh. Đó là chưa kể những vụ việc phức tạp trong công tác đấu tranh với đối tượng ở bến xe, ga tàu, nơi thường xuyên xảy ra các vụ đánh lộn nhau và gây rối trật tự công cộng.

Công việc đang diễn ra tốt đẹp, Đại úy Minh đã lập gia đình với cô giáo Trần Minh Phương hiện đang là giáo viên hợp đồng ở Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cưới nhau, mất hai năm chạy chữa mong đợi, hạnh phúc đến với vợ chồng họ khi cậu con trai bé bỏng chào đời. Sinh và nuôi con vất vả, con trai không được khỏe, lên hai tuổi rồi vẫn chưa biết nói. Năm ngoái, con trai bỗng dưng khỏe mạnh hẳn lên, bụ bẫm ra trò, hai vợ chồng chưa kịp mừng thì tai họa đã ập xuống. Tháng 6/2008, thấy con trai biếng ăn, mắt bị hụp xuống, hai vợ chồng đưa con vào Viện Nhi Thụy Điển khám thì nhận được tin dữ, cháu bị ung thư máu.

Đó là khoảnh khắc kinh khủng nhất, suy sụp nhất với hai vợ chồng Đại úy Minh kéo theo những ngày tháng sống trong bệnh viện với nước mắt và đau khổ. Ngay sau khi phát hiện ra bệnh, vợ anh, cô giáo Phương gần như phải nghỉ dạy để vào viện chăm sóc con. Những lần truyền hóa chất trị liệu, tiêm kháng sinh đặc trị vào tủy sống là những lần vợ chồng anh đứt ruột vì con.

Con trai cũng biết nói từ khi vào bệnh viện truyền hóa chất. Tiếng nói đầu tiên của bé bật ra sau hai năm đằng đẵng im lặng ấy là từ "đau". "Mẹ ơi con đau quá". Biết nói cũng là biết kêu đau, biết la hét và rên rỉ với điệp khúc "đau" vang lên xé ruột. Đại úy Minh kể rằng, mỗi lần truyền hóa chất vào, cháu đau đớn quá, lao vào cắn, rồi cấu xé mẹ và bố. Những ngày nằm viện truyền thuốc là những ngày hai vợ chồng mặt mày xây xát hết vì các vết cào xé của con.

Nước mắt chảy theo con trong những ngày tháng giam cầm giữa bốn bức tường trong căn phòng nhỏ chật chội với hàng chục bệnh nhân là những đứa trẻ thơ ngơ ngác đều bị mắc căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Nỗi đau như được nhân lên gấp bội ở môi trường này, nhìn đâu cũng thấy xót xa và nước mắt.

Một năm qua, trong sự yêu thương đùm bọc của tập thể giáo viên Trường Đoàn Kết, cô giáo Phương được nhà trường tạo điều kiện để nghỉ dạy chăm sóc con. Cô giáo Phương dạy học ở Trường Đoàn Kết ròng rã 8 năm nay rồi nhưng vẫn chưa được vào biên chế vì thi trượt công chức. Công việc phập phù chờ vào những bản hợp đồng được ký kết từng 6 tháng một. Lương hàng tháng chỉ có mấy trăm ngàn đồng, mới đây sau bao nhiêu đợt điều chỉnh tăng lương thì cô giáo Phương vẫn nằm ở hệ số thấp nhất của lương hợp đồng là 1 triệu 400 ngàn đồng một tháng. Nhưng có đến ba bốn tháng nay, chưa được ký hợp đồng nên cô giáo Phương không có lương, tất cả gánh nặng cơm áo, thuốc thang cho con dựa hết vào đồng lương hàm đại úy của chồng. Cuộc sống đã khốn khó lại càng thêm cơ cực khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo, tiền thuốc và tiền ăn, chế độ chăm sóc đặc biệt đối với bệnh nhân bị ung thư máu rất cao, khiến cho hai vợ chồng Đại úy Minh lâm vào cơn bĩ cực.

Nước mắt của người bố trẻ chảy vào trong tim. Minh nói với tôi, có lẽ di chứng chất độc da cam từ bố anh đã truyền sang cho con trai anh, đứa cháu nội đích tôn của ông.

Bố Đại úy Minh xưa là bộ đội của Tổng cục Hậu cần chuyên chở lương thực vũ khí vào chiến trường B. Những lần đi công tác ở Khe Sanh, Quảng Trị, Nam Lào hàng năm trời đã khiến cho sức khỏe của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Ông sinh được hai người con, thể trạng của Minh gầy yếu, còn em trai anh bị bại liệt một chân do nhiễm chất độc da cam. Hiện em trai anh đã tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán, vừa rồi được sang Mỹ điều trị theo diện trẻ bị nhiễm chất độc da cam một thời gian. Đại úy Minh không dám kết luận nhưng trong nỗi đau của con trai bị ung thư máu, anh ngờ rằng, di chứng chất độc da cam rất có thể đã truyền sang con trai anh một cách gián tiếp.

Cuộc sống của vợ chồng Đại úy Minh một năm nay kể từ khi phát hiện con trai bị bệnh hiểm nghèo đã hoàn toàn thay đổi. Mọi phấn đấu cho sự nghiệp, khát vọng cho tương lai bỗng nhiên hóa thành vô nghĩa. Tất cả mọi ý nghĩ, mọi việc đều dồn hết cho con với một hy vọng dẫu mong manh, ông trời sẽ thương đứa bé vô tội mà không nỡ mang con anh đi.

Căn bệnh ung thư máu của con trai anh, ở Singapore đã có nhiều trường hợp được cứu sống và chữa khỏi hoàn toàn. Báo chí, Internet đã đề cập đến căn bệnh này ở các nước có nền y học tiên tiến và đưa ra kết luận 80% là chữa trị được.

Nhưng để thực hiện được giấc mơ cứu sống con trai mình, vợ chồng Đại úy Minh phải có tiền tỷ, và nhiều tỷ thì mới có thể mang con đi được. Trong khi, với hoàn cảnh hiện tại, hai vợ chồng chỉ sống bằng đồng lương của Đại úy Minh, hầu như hai vợ chồng phải tằn tiện bóp mồm bóp miệng mới đủ thuốc thang và ăn uống cho con. Gom góp được đồng nào, đều mua thức ăn cho con trai hết bởi bệnh của cháu, nếu ăn kém đi, hồng cầu sẽ tụt giảm, nguy hiểm vô cùng. Cả nhà luôn trong tình trạng nơm nớp sẵn sàng cấp tốc đưa cháu vào viện cấp cứu.

Sống cùng với bệnh tật, với nỗi lo âu, cuộc sống của gia đình bé nhỏ này không còn diễn ra bình thường như bao gia đình khác nữa. Cháu bé hầu như phải cách ly với môi trường bên ngoài, và phải được chăm sóc hết sức cẩn thận nên cuộc sống của cháu càng trở nên bó buộc, bí bách.

Cầu mong những tấm lòng hảo tâm của bạn đọc gần xa, hãy sẻ chia tấm lòng với hoàn cảnh gia đình Đại úy Minh để có thêm chút tiền chữa bệnh cho cháu trong hy vọng còn nước còn tát. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Báo CAND, 66 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc Đại úy Minh - Cảnh sát hình sự Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. ĐT: 0912263352. Xin chân thành cảm ơn

N.B.
.
.