Lang thang với chuyện ba người

Thứ Tư, 12/12/2012, 11:15
Một cuộc đời, với ba người vợ, và ba mươi đầu sách cùng những giải thưởng lớn, nhà văn Sao Mai hiện lên một chân dung độc đáo có một không hai trong làng văn Việt Nam. Ông đã ra đi và để lại những điều khó thể kể hết về những cuộc tình. Mỗi bà là một kho cổ tích về tình yêu cho một người, về một người hơn 60 năm qua…

Rồi có dịp bất ngờ tôi quyết định lần mò lên mảnh đất nổi tiếng nhiều người đẹp ở Văn Luông, Tân Sơn, Phú Thọ. Và chính nơi đây còn gắn liền với câu chuyện gia đình họ Tân, do nhà văn nổi tiếng Sao Mai (ông có tên là Tân Khải Minh) lên khai hoang, sinh sống từ năm 1964. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn gắn liền với mảnh đất nhiều hoa khôi này. Mới đấy mà nửa thế kỷ đã trôi qua. Mọi sự đã đổi thay. Tôi lang thang dọc con đường dẫn vào bản Ngọc Chấu xưa, nơi có ngôi nhà lợp lá cọ rừng và thấp thoáng mái tóc bồng bềnh và nụ cười trẻ thơ của nhà văn đang cặm cụi với từng con chữ. Rồi mọi chuyện xảy ra trên đường tình của ông với bao thăng trầm, lúc sinh thời, bỗng ùa về trong tôi.

Ông lấy người vợ đầu, cô Hoàng Thị Tiếng, khi ấy mới 16 tuổi, lại rất đài các, lụa là, ở Nam Định quê ông. Nhưng thực ra ông lấy vợ lúc đó chỉ vì tức tưởi bởi cuộc tình dang dở khác, mà ông là người bị “đá”.  Sau hòa bình lập lại, từ Việt Bắc ông đem theo vợ con về Hà Nội sinh sống. Ông là một trong những văn nhân đã đứng ra thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, và được bầu vào Ban chấp hành khóa I. Nhưng rồi lối sống nay đây mai đó, lang bạt giang hồ đã làm hại ông. Tuy ông đi dạy học để kiếm sống, nhưng lại đàn đúm theo những bạn văn khác ngày đêm hút thuốc phiện. Thấy nguy cơ chồng mình bị nghiện nặng, con cái nheo nhóc, cô Tiếng vô cùng thất vọng, nhưng lại quyết tâm cứu chồng. Bằng mọi cách cô đưa chồng về Nam Định để cai nghiện và tránh xa mọi cám dỗ. May sao, nhà văn Sao Mai đã cai nghiện thực sự và còn ngoan ngoãn trở về làng làm nông dân, sau khi được hợp tác xã chia ruộng cho, theo chính sách cải cách ruộng đất năm 1956. 

Nhưng rồi vốn tính lãng tử, ông không chịu được gian khổ, thấy lam lũ mà vợ con vẫn nghèo đói, nên đã tìm đường về Hà Nội dạy học và viết văn. Và thật bất ngờ, trong một lần về quê để xây dựng đội chèo làng, ông đã yêu cô Loan, một người hát hay, múa dẻo lại xinh xắn.  Hai người yêu nhau chân thành và đi đến hôn nhân. Sau khi cưới, nhà văn Sao Mai cùng cô Loan về Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Ai dè hay tin, cô Tiếng sợ mất chồng, nên cũng ôm con lên Hà Nội ở cùng. Thế là những đứa con thi nhau ra đời. Cả thảy bảy đứa, trứng gà trứng vịt, lít nhít trong một gia đình vô cùng khốn khó. 

Sau gần 8 năm đầy cam go trong cuộc mưu sinh, đến nước cùng kiệt của sự đói nghèo, ông đã kéo vợ con xung phong lên vùng kinh tế mới, ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, năm 1964, theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ. Từ đó ông không còn có ý nghĩ về Hà Nội nữa. Thật trời phù hộ, hai bà vợ đều là những người yêu thương ông hết mực, lo toan cho ông từng tý một, để cho chồng ôm mộng văn chương. Ông viết được nhiều ở thời kỳ này là vì thế.

Thế rồi, ông được bầu vào Ban chấp hành Hội Văn nghệ tỉnh Vĩnh Phú (bây giờ là tỉnh Phú Thọ), và ông quyết định dọn lên ở hẳn Việt Trì, nhưng vẫn để vợ con ở lại quê hương mới. Bởi khi ấy ông đã có tới 11 người con và cơ sở vật chất sinh sống đã khá giả sau 30 năm khai hoang được nhiều trang trại. Thế là lại thêm một lần các bà vợ tần tảo nuôi đàn con để ông rảnh rang “văn nghệ”. Ông đúng là thuộc típ người đi đâu vợ đấy. Cho dù đã tới tuổi 66, nhưng ông rất có duyên và chân tình với mọi người, nên chính ông lại lọt vào đôi mắt xanh của một người đẹp, tên là Lý. Khi này cô Lý, 38 tuổi mới ly hôn và nuôi con.  Ông lại “bị” yêu và chung sống với cô Lý tới 15 năm, dăm bữa nửa tháng mới về thăm hai bà vợ ở rừng. Cho đến khi ốm yếu, mắc bệnh hiểm nghèo, ở tuổi 80, nhà văn Sao Mai được hai bà vợ chính thức và các con đón về chăm sóc cho đến khi mất ở tuổi 85…

Theo người trong bản chỉ dẫn, hai bà vợ nhà văn bây giờ đã ở riêng với con cháu, chứ không cùng một mái nhà như trước đây nữa. Tôi hơi ngỡ ngàng khi đứng trước một ngôi biệt thự khá lớn cùng với vườn cây cảnh sum suê và những đàn gà chín cựa chạy nháo nhác trong sân. Đúng lúc đó, bà cả Tiếng chạy ra đón tôi vào nhà, như đã thân quen từ lâu. Bà hơn 80 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn. Bà mau chuyện và dẫn tôi ra vườn xem những đàn gà chín cựa và hàng chục đõ ong trong vườn vải. Thì ra, bà và các con cháu đang có mô hình làm ăn rất thành đạt, chẳng còn đâu cái ngày phải uống nước lã cầm hơi lên nương để nuôi chồng viết văn. Tôi nghe bà say sưa tỉ tê những kỷ niệm một thời, nào là chuyện ông Lê Đạt lên nhà cùng sửa thơ để in chung với chồng bà; nào là chuyện trước đây ông Xuân Diệu mê anh chàng Sao Mai đẹp trai như thế nào: Lại còn chuyện ông Tô Hoài, ông Vân Long; nhà văn trẻ Văn Chinh nữa… nghĩa là chuyện cứ ríu rít và hiển hiện như mới đây thôi. Bà cười rất hồn nhiên mỗi khi nhớ lại chi tiết nào đó làm tôi vui lây với bao hồi ức như bộ phim quay lại trước mắt.

Bà Loan bên ngôi nhà mái lá mục nát.

Nhưng thật không ngờ bà thừ mặt khi tôi hỏi đến ngôi nhà cũ và cái “Vọng Ngư lầu”, mà bà đã dựng cho ông ngồi viết và tiếp bạn văn một thời. Bà rủ rỉ nói, nơi đó cô em bà đang ở; ý nói bà hai hiện đang trông nom ngôi nhà cũ cùng với con trai, tận xóm trong cơ. Thế là tôi bách bộ sang nhà bà hai; là nơi cả hai bà trước đây đã từng sống mấy chục năm với nhau, cùng chăm lo cho nhà văn Sao Mai.  

Con đường đất vẫn còn bùn đọng ướt trơn vì cơn mưa rừng từ hôm trước. Và đó, trước mắt tôi ngôi nhà mái lá “lịch sử” văn học của gia đình Sao Mai không còn giữ được nguyên vẹn. Anh Tân Khải Hồng, con trai cả của bà hiện là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Văn Luông đưa tôi lên ngôi nhà hai tầng độ vài chục mét vuông. Anh cho biết, từ ngày các con cháu lớn phải xây nơi ở mới, chứ ngôi nhà mái lá cũ mục nát không thể ở được nữa, hiện giữ để làm kho chứa đồ. Bà hai có vẻ rụt rè khi tôi hỏi thăm về “Vọng Ngư lầu”, vì sao bị mất. Dẫn tôi tới bờ vực của ao cá ngày nào, rồi bà nhẹ nhàng nhắc lại những ngày tháng trông nom nhà văn mấy năm trời ốm đau, cái “Vọng Ngư lầu” tự nhiên sập đổ, bà biết mệnh của chồng mình đã hết, cho dù bà đã chạy chữa hết lòng. Mảnh đất rêu phong ghi dấu ký ức kham khổ một thuở; bà nấu cháo cám cho chồng, pha trà cho chồng và hầu quạt cho chồng, mỗi đêm muỗi hàng đàn vo ve khắp nhà.

Gương mặt bà Loan sáng sủa, vẫn còn đọng lại nét mỏng mày hay hạt và nụ cười chúm chím một thuở làm say lòng nhà văn Sao Mai. Giờ đây bà cũng đã tới tuổi 80. Mỗi lần có bạn văn của chồng lên thăm, bà như trẻ lại, nhưng vẫn rụt rè và lẫn lộn những ký ức. Bà chợt nhớ chợt quên. Bà ít nói, vẻ mặt buồn man mác… Tôi chia tay Chiềng Luông trong ánh mắt buồn của bà Loan. Hay chăng còn những điều gì chưa gợi nhớ cho bà, muốn tâm sự mà không không thể cất lời. Một khoảng trống trong ký ức của người già. Tôi nghĩ mông lung và bất chợt nhớ tới bà vợ ba của nhà văn Sao Mai, hiện vẫn ở Việt Trì. Như có sự thôi thúc trong con tim, tôi muốn đi tìm khoảng trống hụt hẫng của kỷ niệm trong suốt 15 năm, mà cả hai bà đều không hề muốn nhắc đến.

Tôi lần mò hỏi mãi rồi cũng gặp được bà Lê Thị Hải Lý, nhưng lại ở một căn nhà đẹp, ba tầng ở ngay mặt phố Liên Phương. Bà Lý không hề vui khi mọi người nói bà là vợ ba của nhà văn Sao Mai, cho dù hai người sống với nhau tới 15 năm. Bà giải thích với tôi rằng, do mến mộ tài năng mà bà quan tâm tới nhà văn. Hơn nữa, hồi đầu thập niên 90 dù nhà văn Sao Mai mang danh thủ trưởng cơ quan Hội Văn nghệ Phú Thọ, nhưng lại quá nghèo, nên bà mới mời về nhà để tiện bề chăm sóc. Bà trở thành “thư ký” cho nhà văn, cho dù kém ông đến 30 tuổi, cũng chấp nhận.

Giờ bà Lý đã bước sang tuổi 60, nhưng bà khá trẻ, và vẫn còn nét duyên với nụ cười có cái răng khểnh. Tôi gợi ý về những kỷ niệm với nhà văn Sao Mai, như trúng mạch ký ức đến bao la của bà Lý. Tôi ghi chép không kịp với nhịp kể chuyện sôi nổi của bà. Nói rồi bà lôi ra một cuốn album lưu rất nhiều ảnh nhà văn Sao Mai. Mỗi ảnh bà lại kể một điều gì đó. Nhất là khi nhớ lại những kỷ niệm vể một thời ở Trường Sơn, hồi tham gia quân đội của bà, thì đôi mắt ấy rưng rưng, nụ cười ấy tươi rói, dáng vóc ấy thanh tú. Cô gái Trường Sơn năm nào hiện lên trước mắt tôi khi bà bỗng đứng lên đọc câu thơ mở đầu cho bài phát biểu mới nhất ở một Lễ hội cựu chiến binh Phú Thọ, năm 2012. Giọng bà trong và ngân vang: “Vào bộ đội năm ấy tuổi trăng tròn/ Em chưa được làm duyên thời con gái/ Mái tóc dài đi theo dải Trường Sơn/ Cũng ba lô, cũng một khẩu súng trường/ Và em bước trên con đường cách mạng”. Tôi nghe và nghĩ cái nét duyên ấy hồi còn trẻ đã giăng lưới bắt giữ nhà văn Sao Mai cũng chả trách được. Có lẽ hai bà ở trại chè Tân Sơn cũng chia sẻ, bởi hồn vía của chồng mình đã bị bỏ bùa mê, thuốc lú mất rồi…

Mọi ký ức đã trôi qua nhưng luôn tồn tại với vẻ đẹp huyền ảo như từng chuyện cổ tích vậy. Ba bà vợ của nhà văn Sao Mai, mỗi người đều có những u uẩn của riêng mình, không dễ có thể chia sẻ hết cùng ai. Những giận hờn đã nhạt phai theo thời gian, nhưng niềm vui và những kỷ niệm đẹp thì mãi mãi diệu kỳ. Tôi ước muốn sẽ có một ngôi nhà lưu niệm của nhà văn Sao Mai, mà ba bà chung tay cùng dựng xây, như cái thời gian khó xưa, với bát cháo cám nóng hổi cùng mọi ngọt bùi thơm thảo của tấm lòng những người vợ. Cả ba người đều tràn ngập những nỗi niềm, mà tôi muốn cảm thông. Họ đầy những ký ức muốn gửi trao cho những ai yêu văn chương Sao Mai.

Văn Luông - Việt Trì - Hà Nội, 10-2012.

Vương Tâm
.
.