Làn sóng Kpop: Hai mặt của một cuộc xâm lăng văn hóa!?
- Nhạc Việt về đâu nếu chỉ là bản sao của Kpop?
- Sôi nổi vòng loại K-POP thế giới tại Việt Nam
- K- pop "giãy chết", nhóm nhạc Việt vẫn cố ăn theo
Tòa nhà chọc trời mang tên 63 Square, cao gần bằng tháp Eiffel của nước Pháp, bên ngoài hoàn toàn dát vàng 24 carat - đó một thời từng là biểu tượng xa hoa của giai đoạn “Kỳ tích sông Hàn”, giai đoạn lội dòng đưa Hàn Quốc từ một nắm tro tàn kiệt quệ vì chiến tranh trở thành xứ sở thần tiên cho những giấc mơ châu Á. 63 Square mở cửa vào năm 1985, thời điểm thịnh vượng nhất của một nửa vùng đất Triều Tiên.
7 năm sau, vẫn tại Seoul đô hội phồn hoa lúc này đã theo thể chế tự do, một chàng trai đeo kính, mặc chiếc áo kiểu Varsity màu ghi cách điệu - người từng từ bỏ vị trí chơi bass trong một nhóm nhạc heavy metal không mấy nổi danh, bước tới cuộc thi tìm kiếm tài năng của Đài truyền hình MBC cùng 2 vũ công vận những chiếc quần yếm điệu đà, và cùng với nhau, họ làm cả không gian sân khấu vốn nhuốm màu disco cổ lỗ cháy bùng lên trong thứ âm nhạc hiphop nghịch âm xa lạ với đôi tai châu Á.
Khỏi phải nói, ban giám khảo không ngần ngại cho họ điểm chạm đáy. Nhưng đó là chuyện của những vị giám khảo già nua, còn với giới thanh niên xứ Kim Chi, chỉ sau một đêm, họ đã bị hớp hồn trước phần biểu diễn ca khúc Nan Arayo chưa từng có tiền lệ ấy và bắt đầu từ đây một “Hán Giang kỳ tích” thứ hai của nước Hàn - sự khai sinh của Kpop.
3 công ty quản lý thần tượng Kpop lớn nhất ngày nay là JYP Entertainment, YG Entertainment và đặc biệt là SM Entertainment của “bố già” Lee Soo Man đều ra đời trong khoảng giữa thập niên 90, kỷ nguyên mà văn hóa nội địa Hàn còn đang chông chênh trước cái bóng quá lớn của cỗ máy giải trí Hương Cảng.
Nhóm nhạc Kpop BTS - những người vừa lập kỳ tích đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 và nhận lời khen đặc biệt từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. |
Nhưng cái chết chua cay của Mai Diễm Phương, sự sa sút của Tứ Đại Thiên Vương, sự lao đao của nền kinh tế Hong Kong sau khi trả về Trung Quốc khiến phim ảnh ca nhạc xứ này chỉ còn là một ký vãng đẹp.
Thế lực cũ mai một, thế lực mới của Đông Á ra đời. Chỉ trong vòng đôi ba năm, làn sóng Hàn Lưu (Hallyu) dậy lên như một cơn sóng thần ầm ầm cuốn đi tất cả.
“Vó ngựa” của Hàn Lưu bước tới đâu sẽ từ từ “giày xéo” văn hóa bản địa ở đó. Chẳng hạn như ở Việt Nam, sự mất phương hướng về căn tính của giới trẻ là có thật.
Lý tưởng của nhiều người đều neo quanh những điều lãng mạn diêm dúa đóng mác Hàn Quốc: ca sĩ trẻ làm nhạc giống nhạc Hàn, phim ảnh bắt chước lối melo của Hàn, thanh thiếu niên ăn mặc kiểu Hàn, phẫu thuật thẩm mỹ giống sao Hàn, các cô gái trẻ ước mơ lấy được những chàng hoàng tử như phim Hàn,...
Thế hệ đi trước không khỏi xót xa cho rằng đấy là thứ độc dược nô dịch văn hóa và những cụm từ như “fan cuồng Kpop” được sử dụng với tính châm biếm sâu sắc.
Nhưng bất chấp cái nhăn mặt của thế hệ lớn tuổi, làn sóng Hàn Lưu mà đặc biệt là Kpop lần lượt chinh phục thế hệ Millenial tại Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á có Việt Nam, rồi mở rộng đế chế của mình sang bên kia bờ đại dương, đầu tiên là Mỹ Latin, và tiếp theo là mon men đến gần tường thành văn hóa tưởng như bất khả chiến bại: nước Mỹ.
“Không đời nào một nhóm nhạc nam Kpop có thể làm nên chuyện ở nước Mỹ. […] Có một khoảng cách văn hóa không thể vượt qua giữa One Direction và Shinee”, nhà báo kỳ cựu John Seabrook viết trong một bài báo dài hơn 7.000 từ trên tờ New Yorker sau khi thưởng thức những anh chàng của nhóm nhạc Kpop Shinee trình diễn với lớp phấn son bán nam bán nữ.
Bài báo chắp bút năm 2012 và chẳng biết rằng Seabrook có hối hận vì những điều mình đã cam đoan hay không. Bây giờ là tháng 6 năm 2018, Shinee quả không thể vượt mặt One Direction, nhưng đã có một nhóm Kpop khác làm thay họ.
BTS, 7 chàng trai “chống đạn” (như ý nghĩa tên nhóm của họ) đã, theo nghĩa đen, trở thành nhóm nhạc nam lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Album xếp số 1 bảng xếp hạng Billboard 200, tạo nên hiện tượng có một không hai khi tham gia các show truyền hình của Mỹ, mọi lúc mọi nơi có các fan nữ gào thét mến mộ.
BTS làm người ta liên tưởng tới cái gì? Westlife ư? Vẫn còn bình thường quá. Phải là The Beatles khi họ mới đáp xuống sân bay J.F.Kennedy năm 1964 mới đúng.
Cơn sốt Beatlemania năm nào giờ đây lại hiện về ở bóng dáng những anh chàng da vàng, tóc bob, vẻ đẹp mong manh nhưng tham vọng vĩ cuồng.
Và một khi đến cả những tạp chí âm nhạc chuyên về classic rock của giới phê bình hợm hĩnh còn phải dành chỗ cho BTS thì chúng ta hiểu rằng, Kpop không chỉ đơn thuần là những cô cậu búp bê ăn vận xinh đẹp, thời trang, biết chút hát hò nhảy múa và được o bế để sống trên đỉnh vinh quang.
Phức cảm Kpop
Thứ nhất, Kpop là sản phẩm công nghiệp nhào nặn trong một dây chuyền sản xuất rập khuôn chẳng khác gì dây chuyền nhà máy trong bộ phim giễu nhại Thời hiện đại của vua hề Sác-lô. Thứ hai, nhiều thần tượng Kpop đơn giản là không có tài, nói như nhạc sĩ Quốc Trung là “tài năng âm nhạc gần như bằng không”.
Họ xinh đẹp, lễ phép, dễ thương, nhưng không có tài. Thứ ba, dù ở đâu trên thế giới cũng không thiếu những cá nhân tài năng hơn các ngôi sao Kpop. Ngay cả những fan hâm mộ Kpop chân chính cũng nhận thức rõ cả ba điều này.
Nhưng tại sao lịch sử lại chọn Kpop? Tại sao Kpop lại có thể lặp lại cái điều mà nửa thế kỷ trước, những tượng đài như The Rolling Stones, Pink Floyd,... đã tạo ra “Cuộc xâm lăng của người Anh” ngay trên thánh địa rock của Elvis và trên cả địa cầu?
Hãy tạm so sánh tình yêu Kpop giống như thứ phức tình mà Tereza dành cho Tomas trong tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera. Tức là một mặt, ta biết nó không hoàn hảo, một mặt khác, ta khó lòng kiềm chế việc dán mắt vào nó và thậm chí là nghiện ngập nó.
Chính nhà báo John Seabrook cũng phải thừa nhận rằng khi xem những video ca nhạc của Girls Generation, nhóm nhạc nữ 9 thành viên từng được dự đoán sẽ là Samsung thứ hai, ông cảm thấy đột ngột một niềm thỏa mãn thuần khiết về mặt nghe-nhìn choán lấy mình.
Các cô gái ăn mặc đáng yêu, hát thứ âm nhạc ngọt ngào như kẹo mút, tỏa sáng rực rỡ giống như những hoạt náo viên làm cuộc sống bỗng chốc sôi nổi và dễ chịu.
Và nếu đi sâu vào thực tế ấy, ta sẽ nhận ra từ trước đến nay những phong trào văn hóa thanh thiếu niên (youth culture) đều xuất phát từ nhu cầu truy tìm những niềm thỏa mãn thuần khiết, sẵn sàng nổi loạn và đi ngược lại với những giá trị thủ cựu nhàm chán.
Thế hệ Beat rong ruổi bốn phương vì niềm hoan lạc thuần khiết được làm khách qua đường trong cuộc đời, đốt mình cho những thú tiêu khiển thể xác.
Phong trào hippie những năm 1960 lại chỉ cần tình yêu, sống trong thời tao loạn chiến tranh phi nghĩa, họ phản kháng bằng cách trần truồng, ca hát, làm tình tập thể công khai trên đường phố. Thuần khiết đến thế cơ mà!
Ở đâu, thời nào cũng có những bất an về chính trị, những nền kinh tế đang trôi nổi như bong bóng, những nạn dịch có nguy cơ bùng nổ, những bấp bênh về hiện tại và tương lai, điều đó khiến những người trẻ phải đi tìm một cộng đồng để nương náu: cộng đồng Otaku (những con mọt truyện tranh), cộng đồng Nerd (những kẻ đầu to mắt cận vì sách vở), cộng đồng fandom (những kẻ cùng mê muội một ai đó hay một điều gì đó),... Và cộng đồng Kpop cũng chỉ là một trong số đó.
“Tất cả những gì chúng tôi làm đều là vì người hâm mộ”, một thành viên của BTS chia sẻ khi xuất hiện trên một chương trình truyền hình của Mỹ. Sau khi lăng xê bất thành một ngôi sao vì anh ta vướng vòng lao lý, ông trùm Lee Soo Man đã quyết định, ông không thể trao tự do cho những thần tượng mình đào tạo.
Luật lệ hà khắc mà Lee Soo Man nghĩ ra dần biến thành “chiếc máy chém” chặt phăng cuộc đời riêng tư của mọi nghệ sĩ Kpop, dù cho họ đến từ công ty quản lý nào. Họ sống vì người hâm mộ, điều đó đã được định đoạt ngay từ đầu.
Nhưng chính vì thế mà những người hâm mộ có cảm giác được yêu thương, thứ mà có lẽ những đứa trẻ thời đô thị hóa đang ngày càng thiếu thốn. Chúng cần được yêu một ai đấy và chúng chọn cách yêu những thần tượng.
Những thần tượng, họ được dạy để nhìn thẳng vào mắt người hâm mộ, họ được dạy để chiều chuộng người hâm mộ trong mọi hoàn cảnh, họ được dạy để cúi đầu, họ được dạy để luôn tỏ ra thân thiết với các thành viên khác. Nói cách khác, họ được đào tạo để đem tới cảm giác yêu, cảm giác được yêu.
Xét cho cùng, The Beach Boys hay The Beatles cũng được tôn thờ đến vậy vì họ đại diện cho tình yêu. Họ tất nhiên không giống như các ngôi sao Kpop, họ là những thiên tài không thể bàn cãi nhưng, quan trọng hơn, họ mang tới tình yêu trong thời đại nhiễu nhương của thể kỷ 20. Còn trong thế kỷ 21 hiện tại, các thần tượng Kpop đã làm nhiệm vụ chuyên chở tình yêu không hề tồi tệ.
Danh ca Psy có thể tự trào trên giấc mơ Gangnam phù phiếm và vật chất, nhưng anh không thể phủ nhận rằng, “Kỳ tích sông Hàn” đã đem cho Hàn Quốc một bộ mặt khác. Người ta cũng có thể nhạo báng thứ âm nhạc gần như đóng hộp của Kpop, những cũng không ai phủ nhận được rằng, nó đem đến cảm giác về tình yêu.
Mà tình yêu dù không đẹp hoàn hảo thì cũng vẫn đẹp hơn nhiều điều khác.