Lan man về cây

Thứ Hai, 04/08/2014, 08:00
Tôi không nhớ mình đã bao lần “chạm” tới cây, cả ở nghĩa đen là đụng tới nó, lẫn ở nghĩa bóng là nghe kể về nó. Nhưng trong đầu tôi, và chắc rằng trong đầu những người khác cũng thế, đều có ít nhất bóng dáng một cái cây. Cái cây ấy có thể nhiều lúc bị khuất lấp đi bởi những toan tính, những bon chen, những lo lắng, nhưng khi xuất hiện, nó đánh tan hết thảy mọi âu sầu, nó cho ta cảm giác sảng khoái.

Không phải ngẫu nhiên, hai thế kỷ trước, một nhà Nho tài tử, một viên quan muốn kiếp sau làm một cái cây. Trước ông ta bốn thế kỷ, một viên dũng tướng cũng muốn làm một cái cây. Mười thế kỷ trước, một vị vua đêm đêm ngồi ước mình sẽ là cây. Cuối cùng, chúng ta chẳng biết được ai trong số đó sẽ thực sự toại nguyện.

Sự có mặt của những cái cây thần bí như sự xuất hiện của con người, và tôi cho mọi cắt nghĩa đều là thừa. Những câu chuyện dân gian phần lớn chỉ lưu tâm tới cây cổ thụ vì chúng có linh khí. Ở khía cạnh này tôi có thể hiểu rằng những cây cổ thụ già hơn mọi câu chuyện vì chúng ra đời trước khi câu chuyện kể về chúng ra đời. Tôi cố chấp, gàn dở tới mức luôn nghĩ cây cổ thụ là cổ thụ ngay từ lúc nó xuất hiện, dù về mặt lôgic điều ấy là sai bét.

Tôi nhớ những bức tranh vẽ cây cuồn cuộn như lửa của Van Gogh, chủ yếu ở phần trên, nơi sự chới với của ngọn cây khi tiếp xúc với trời xanh thể hiện rõ nhất cái hoang mang của người nghệ sĩ. Tôi cũng nhớ bức tranh vẽ gốc cây của Courbet với phần gốc bề thế, như một mặc định rằng sự tĩnh tại nằm ở phần dưới, không nằm ở chới với phía trên. Tất nhiên đó chỉ là cảm giác của riêng tôi. Cũng như, chỉ là cảm giác, khi đọc tác phẩm của Tolstoy, của Pasternax, của Bunin, của Cela, của Raymon Jimenet tôi thấy rợp trời cây, điều mà tôi sẽ không thấy trong tác phẩm của Dostoievski, Kafka hay của Lỗ Tấn. Ở tác phẩm của các bậc thầy, những cái cây, dù vô hình hay hữu hình, đều như nhân chứng, nhiều lúc như một nạn nhân và lúc khác, cũng hiếm hoi thôi, là thần tượng của con người. Tác phẩm văn học kiệt xuất bản thân nó đã là một cái cây và thật hạnh phúc khi chúng ta được đắm mình trong sự sum suê của nó.

Minh họa: Tt Tuấn.

Cây trong câu chuyện hồi thơ bé của tôi có thân bằng vàng, lá bằng bạc, quả bằng kim cương. Câu chuyện mà ông bạn hàng xóm hiện nay của tôi kể, cũng có bóng dáng của cây, nhưng là những cây dung chứa sự ma quái. Dù thế nào, thì âm thanh trầm trầm của những loại cây ấy vẫn là lời động viên âm thầm cho mỗi người gắng gỏi sống, ngay cả khi sa mạc đang vây bủa.

Tôi dị ứng với hình ảnh kinh điển trong các câu chuyện cổ: tiều phu vác dao vào rừng. Mối nguy về sự tuyệt chủng loài người không hẳn từ bom nguyên tử, mà bắt đầu từ lúc nhân loại biết rèn ra con dao để chặt cây. Hành động đi ngược tự nhiên này phá vỡ nhịp điệu ôn hòa của thế giới mà chúng ta là phần nhỏ trong đó. Không sự thiếu thiện cảm nào hơn hình ảnh một người xách dao vào rừng, không gì ghê rợn hơn tiếng chặt dai dẳng vang lên giữa biển lá xanh rì rào. Thế nhưng tôi lại thấy trong trường ca Đẻ đất đẻ nước vẻ đẹp hùng vĩ của cây Chu Đồng khi bị chặt và có lẽ đó là hình ảnh đẹp nhất về giây phút sập đổ mà tôi nhận được từ văn học. Cả một sự sống quật cường, cả một dũng khí, cả một cơn thịnh nộ bùng lên trong giây phút sập đổ ấy. Liệu những giờ phút sập đổ của cuộc đời có huy hoàng và mạnh mẽ được như thế không? 

Ban đêm, tôi thường đi bộ, ngó những cây lớn trên phố, tôi cứ thắc mắc tại sao phải loay hoay mãi trong khi chỉ cần làm nổi bật những cây cổ thụ là đủ đẹp cho thành phố. Dùng ánh sáng của vài ba ngọn đèn để tôn một cây cổ thụ lên trong đêm, chúng ta sẽ có một kiệt tác hoàn hảo để chiêm ngưỡng. Quanh ta có hàng ngàn kiệt tác hoàn hảo như thế đang chờ được khai thác mà lại bị bỏ lơ đi. Hãy hình dung một đêm, khi những cái cây lộng lẫy, sảng khoái đứng giữa ánh sáng, còn con người lùi lại trong bóng tối, sự thanh tịnh sẽ là nhường nào. Nếu hằng năm, có một đêm để tôn vinh những cây cổ thụ, tôi nghĩ đầu óc chúng ta sẽ quang quẻ vì ai ai cũng sẽ bứng cây cổ thụ ra khỏi suy nghĩ của mình. Tại sao phải giam cái cây trong đầu khi mà nó có cơ hội được nâng niu, tôn kính ở bên ngoài?

N.B.P.
.
.