Làm báo theo kiểu Marquez

Thứ Tư, 26/03/2008, 10:10
Ngày 6/3/2008, nhà văn lớn của châu Mỹ Latinh Gabriel Garcia Marquez tròn 80 tuổi. Trong cuộc đời dài lâu của mình, Marquez đã từng làm phóng viên trong nhiều giai đoạn khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Và cho tới hôm nay, với Marquez, làm báo vẫn là một nghề hấp dẫn và cao quý.

Bước chân nghìn dặm

Marquez sinh ra ở một vùng quê tương đối hẻo lánh nằm gần bờ biển Đại Tây Dương. Thuở bé, nhà văn tương lai được tắm mình trong không khí tràn trề những huyền tích dân gian và chính điều này đã khiến Marquez thử bút viết văn từ rất sớm.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, năm 1950, Marquez lại bắt đầu làm phóng viên thời sự. Năm 1951, truyện vừa "Lá rụng" ra đời và trong tác phẩm này lần đầu tiên xuất hiện thành phố nhỏ Macondo, gợi lên hình bóng vùng quê hương Aracataca của nhà văn. Cũng xuất hiện cùng Macondo là chủ đề cô đơn, về sau ám ảnh tuyệt đại đa số các tác phẩm văn học của Marquez.

Năm 1952, Marquez chuyển lên làm báo ở thủ đô Bogotha và chính nghề báo đã giúp ông đi tới nhiều nơi, thấy nhiều thứ. Tháng 7/1955, Marquez trong vai trò phóng viên báo El Espectador đã sang châu Âu. Ông hành nghề ở Rome, đồng thời theo học khoá đạo diễn ở Trung tâm Điện ảnh thử nghiệm.

Rời Rome, Marquez tới Paris. Khi đó một cuộc đảo chính đã xảy ra ở Columbia buộc Marquez phải ở lại Paris thêm một thời gian. Chính ở đó năm 1956, ông đã viết truyện vừa "Không ai viết thư cho đại tá" (in thành sách năm 1961), một tác phẩm thể hiện khá rõ ảnh hưởng của Ernest Hemingway nhưng vẫn in dấu vết đậm đà của nghề làm báo.

Với tư cách phóng viên của nhiều tờ báo châu Mỹ Latinh, Marquez đã tới nhiều nước châu Âu. Có thời gian ông về châu Mỹ Latinh và ở Venezuela… Từ năm 1962, ông chọn Mexico làm nơi cư trú chính. Vừa làm báo, Marquez vừa trau dồi ngòi bút văn chương và năm 1967, ông cho ra mắt tác phẩm chính của đời mình: "Trăm năm cô đơn". Cuốn tiểu thuyết này đã mở ra một thời đại mới với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học châu Mỹ Latinh và nhanh chóng được cả thế giới tôn vinh.

Nhờ "Trăm năm cô đơn" mà Marquez đã được trao giải Nobel Văn học năm 1982… Những tác phẩm tiếp theo của Marquez luôn được coi là sự kiện trong đời sống văn học quốc tế.

Văn học đã giúp Marquez trở thành giàu có và danh tiếng, nhưng cho tới hôm nay, đối với ông, nghề làm báo vẫn đầy hấp dẫn. Với tư cách phóng viên, ông đã đi nghìn dặm xa xôi để thấu hiểu hơn tâm hồn Columbia của dân tộc mình.

Làm báo phải nhân văn

Khi đã là một nhà văn danh tiếng, ông nhớ lại về thời thanh niên sôi nổi làm phóng viên của mình, khi mà như chính ông nói, ở Columbia chưa có bất cứ một học đường nào dạy về báo chí.

Ông viết: "Chúng tôi đã học nghề làm báo ngay trong phòng phóng viên, ở nhà in, ở quán cà phê gần tòa soạn và ở những đêm thứ sáu lang bạt kỳ hồ. Tờ báo chính là nhà máy sản xuất ra các phóng viên và in tin tức một cách toạc móng heo. Cánh phóng viên chúng tôi luôn luôn ở bên nhau, nương tựa vào nhau, sống một cuộc đời chung và đều say mê công việc đến nỗi không trò chuyện với nhau về một chuyện gì khác thế.

Công việc đã giúp gây dựng nên những mối quan hệ bằng hữu bền chặt, và gần như không còn thời gian để sống một cuộc đời riêng tư ngoài công việc. Khi đó không ai tổ chức các cuộc họp giao ban tòa soạn bắt buộc, nhưng hằng ngày cứ vào lúc 5h chiều, các nhà báo tập trung ngồi uống cà phê ở phòng tin tức và lấy lại hơi sau cuộc chạy đua trong ngày.

Chúng tôi chỉ đơn giản trò chuyện với nhau, bàn tán về những tin tức nóng hổi trong từng chuyên mục của tờ báo và bồi thêm những đường nét cuối cùng vào bài vở dành cho số báo sáng mai.

Khi đó, tờ báo chia thành ba phần lớn: tin tức, sự kiện giật gân (những bài "đinh") và các bài của ban biên tập. Bộ phận uy tín cao nhất và "kín" nhất là phòng biên tập: các nhà báo ở bậc thấp nhất của kim tự tháp này, đâu đó giữa nhân viên thực tập và nhân viên loong toong. Thời gian và bản thân công việc về sau chứng minh rằng trung tâm nhạy cảm của nghề báo đặt ở chỗ khác.

Năm 19 tuổi, tôi đã bắt đầu sự nghiệp như một cộng tác viên văn học vô danh trong phòng biên tập và, từ từ, với nhiều khó khăn mới lần lên được nấc thang trên cùng và trở thành phóng viên tập sự…".--PageBreak--

Marquez có vẻ không tin cậy các phương tiện kỹ thuật như sự nhạy cảm sống động của nhà báo. Ông viết: "Sau này mới xuất hiện dần dà những trường dạy làm báo và các công nghệ tiến vào. Các sinh viên tốt nghiệp các trường này kém hiểu biết ngữ pháp và cú pháp học, rất khó khăn trong việc thấu hiểu những khái niệm hơi phức tạp một chút và ở mức độ nguy hiểm không ngộ ra được bản chất nghề nghiệp của mình: sự kiện giật gân bằng bất cứ giá nào cũng làm nghiêng cán cân về nó trước bất kỳ một suy tính đạo đức nào.

Bản thân nghề làm báo có lẽ đã không phát triển nhanh như những công cụ hành nghề. Các phóng viên bị rối lẫn trong mê hồn trận của các công nghệ, thứ mà với sự vội vã điên dại luôn đẩy họ vào tương lai, không hề có gì kiểm soát cả. Nói một cách khác, công việc làm báo đã bị lôi kéo vào cuộc chạy đua quyết liệt để cách tân kỹ thuật và thôi giáo dục một cách nghiệt ngã các chiến sĩ bộ binh (các phóng viên) của mình, quên bẵng đi những thao tác hợp đồng làm việc từng hỗ trợ cho tinh thần của nghề nghiệp.

Các phòng phóng viên dần dà trở thành các phòng thí nghiệm nước cất, nơi làm việc của những con sói cô độc và từ đó có cảm giác như dễ dàng thiết lập các mối quan hệ với các nền văn minh nằm ở ngoài trái đất hơn là với tâm hồn của độc giả. Quá trình phi nhân văn hóa đang phóng nước kiệu.

Trước khi máy đánh tin điện và máy têlếch được sáng chế, một kẻ tự nguyện nào đó chăm chú nghe đài phát thanh để từ mớ hỗn độn gần như gầm gào và réo rít của vũ trụ lọc được các tin tức từ khắp thế giới. Một phóng viên nắm được thông tin tốt đã thường phải lắp ráp các mẩu vụn, vẽ nên khung cảnh và những chi tiết thích hợp, nói tóm lại là phải phục chế lại bộ xương của khủng long theo mẫu của đốt xương sống duy nhất.

Tên tác giả khi ấy bị cấm nêu ra - đó là độc quyền thiêng liêng của tổng biên tập; quy tắc lúc đó là, ngay cả nếu thực sự không phải ông ta viết các bài xã luận hay các cột của tòa soạn, thậm chí bằng thứ ngôn ngữ hỗn độn và hoàn toàn không thể hiểu nổi, và như lịch sử đã cho thấy, đã được sửa sang thành dáng vẻ rất oách bởi nữ nhân viên đánh máy riêng của ông ta, được tuyển mộ chủ yếu là vì mục đích đặc biệt này.

Hiện nay sự việc và ý kiến đã hòa quyện: các lời bình luận thường xuyên xuất hiện trong tin tức, các bài báo của tòa soạn cũng chứa đầy các sự việc. Sản phẩm cuối cùng không trở nên tốt hơn nhờ thế và chưa bao giờ trước đây nghề phóng viên lại mang trong mình nhiều hiểm nguy đến thế.

Những sai lầm cố tình hay vô ý, những tác động đầy động cơ xấu hay những sự bóp méo cay nghiệt đã biến tin tức thành một vũ khí đáng gờm. Những lời dẫn hướng tới "nguồn tin" hay "các viên chức chính phủ" muốn giấu tên và những nhân chứng cái gì cũng biết nhưng lại không được ai biết đến cả đang che giấu tất cả những vi phạm và những vi phạm này không bị trừng trị.

Kẻ có lỗi tỏ ra ngoan cố trong cái quyền không tiết lộ nguồn tin của mình mà không hề tự hỏi rằng, bản thân anh ta có bị trở thành vũ khí ngoan ngoãn trong tay nguồn tin đã lợi dụng anh ta để đưa ra thông tin trong hình thức có lợi cho y nhất.

Theo tôi, chính những nhà báo tồi mới giữ kín nguồn tin như con ngươi của mắt mình, đặc biệt nếu đó là nguồn tin chính thức, họ huyền thoại hóa nó, bảo vệ, nâng niu nó và rốt cuộc đã trở thành đồng loã một cách nguy hiểm với nó, và chối bỏ mọi nguồn thông tin khác.

Bất chấp việc tôi có vẻ như nực cười nhưng theo tôi, còn một tội phạm nữa trong thảm họa này, đó là máy ghi âm. Trước khi sáng chế ra nó, công việc đã được tiến hành trôi chảy với ba phương tiện: sổ tay, những nguyên tắc đạo lý để "phòng ngừa kẻ ngốc" và đôi tai mà người phóng viên dùng để nghe nguồn tin kể cho mình tin tức.

Khi đó chưa ai sáng chế ra sách giáo khoa dạy làm báo và nguyên tắc đạo lý dành cho máy ghi âm. Ai đó cần phải giải thích cho các phóng viên trẻ rằng, máy ghi âm, đó không phải là vật thay thế trí nhớ mà cái cần có là một cuốn sổ tay cũ chất lượng cao, đã được cải tiến và tiện dùng.

Máy ghi âm nghe và lặp lại như con vẹt cơ khí, thế nhưng, nó không biết tư duy. Nó bền vững nhưng nó không có trái tim và rốt cuộc là không thể dựa vào sự tái hiện chuẩn xác câu chữ của nó như dựa vào cảm nhận của một nhà báo sống động, đã lắng nghe người đối diện nói và đồng thời đánh giá những lời nói đó, kiểm nghiệm bằng chính kiến thức và kinh nghiệm cá nhân của mình.

Chính máy ghi âm phải nhận trách nhiệm hoàn toàn về ý nghĩa không xứng danh mà hiện nay thể loại phỏng vấn đang giữ. Rất dễ hiểu là bản chất của đài phát thanh và truyền hình hiện nay đang làm cho thể loại phỏng vấn trở thành chỗ dựa chính. Nhưng hiện nay ngay cả các phương tiện thông tin đại chúng được in ra cũng chấp nhận lầm lẫn chung và cho rằng, dường như giọng nói của chân lý không thuộc về nhà báo mà thuộc về người mà anh ta trò chuyện.

Có lẽ nên quay trở về với cuốn sổ tay khiêm tốn mà ở đó, phóng viên khi nghe người đối diện nói đã ghi vào những dòng đã được được ngẫm ngợi và máy ghi âm chỉ được nhận vai trò của một nhân chứng vô tác dụng. Tôi rất muốn nghĩ là những vi phạm đạo đức và các vấn đề khác, làm giảm phẩm giá của nghề làm báo hiện nay và cản trở công việc đúng đắn của nó sẽ không phải lúc nào cũng là hệ quả của sự vô đạo đức cá nhân nhưng thỉnh thoảng lại xảy ra do sự thiếu chuyên nghiệp thông thường nhất".

Theo Marquez, "tai họa của các trường báo chí có lẽ là ở chỗ, khi truyền thụ một số kỹ năng có ích cho nghề lại không giảng giải đầy đủ về bản chất của nghề. Bất cứ một sự giảng dạy nào trong trường báo chí đều phải dựa trên ba nguyên tắc chính.

Nguyên tắc đầu tiên và căn bản nhất: năng lực hay tài năng, đó là yếu tố cần thiết; thứ hai, phải hiểu rằng, "điều tra của phóng viên" hoàn toàn không phải là một thể loại đặc biệt, bất cứ một công việc làm báo nào cũng là công việc điều tra theo đúng định nghĩa của nó; thứ ba, luân lý đó không phải là điều kiện thứ yếu để hành nghề mà là một phần tất yếu của nghề nghiệp, luân lý và nghề báo là những thứ gắn liền với nhau như con ruồi và tiếng vo ve.

Trong bất cứ trường hợp nào, mục tiêu cuối cùng của bất cứ một trường báo chí nào cũng là trở về với việc dạy những kỹ năng nghề nghiệp căn bản và khôi phục lại nghề báo trong sứ mệnh khởi thuỷ của nó là phục vụ xã hội, khôi phục lại những cuộc thảo luận không hình thức nóng bỏng, diễn ra lúc năm giờ chiều mỗi ngày cạnh tách cà phê trong toà soạn của các tờ báo ngày xưa"

Quốc Long
.
.