Lại ăn tối và lại nắn gân

Thứ Ba, 25/12/2018, 09:43
Lúc ấy là vào buổi tối theo giờ Argentina. Theo lịch trình từ trước về những hoạt động bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới G20, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bữa ăn tối ngày 1-12 ở Buenos Aires.


Một bữa ăn tối có lẽ là độc nhất vô nhị khi cả thế giới chăm chú theo dõi, không phải để xem hai nhà lãnh đạo ăn gì mà xem họ trao đổi với nhau những gì, bởi hai cường quốc đang ra đòn nhằm vào nhau trong cuộc thương chiến khốc liệt có nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Sau khoảng hai tiếng rưỡi đồng hồ, cả Tổng thống Donald Trump lẫn Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc bữa ăn với vẻ nhẹ nhõm: hai bên đã đạt được thỏa thuận hưu chiến trong 90 ngày, tạm thời hạ nhiệt cuộc đối đầu căng thẳng trên địa hạt thương mại.

Thế nhưng ở thời điểm đó, có rất ít người biết rằng bà Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, một doanh nhân người Trung Quốc vừa bị cảnh sát Canada bắt giữ khi đang làm thủ tục nối chuyến bay ở sân bay Vancouver trên đường đi Mexico.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ăn tối ngày 1-12 ở Buenos Aires. Ảnh: L.G.

Sẽ không có gì phải ầm ĩ nếu như bà Mạnh Vãn Chu không phải là con gái của Nhiệm Chính Phi - người sáng lập Tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) - và bà cũng là Giám đốc Tài chính kiêm Phó Chủ tịch tập đoàn này. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vào một ngày đẹp trời nào đó, bà Mạnh hoàn toàn có khả năng kế thừa quyền lãnh đạo Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Cũng chẳng có gì phải đao to búa lớn nếu như cảnh sát Canada không tiến hành vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ, trên cơ sở các cáo buộc Huawei vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Mặc dù giới chức Mỹ nhanh chóng tuyên bố rằng Tổng thống Donald Trump không hề biết về vụ bắt giữ bà Mạnh trong khi đang ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (và đạt được thỏa thuận hưu chiến trong 90 ngày) nhưng điều đó cũng chẳng thay đổi được nhiều bản chất vụ việc. Phong cách nắn gân đối thủ một cách không nể nang của ông Trump đã có tiền lệ.

Người ta không quên hồi tháng 4, khi tiếp thân mật Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng xa hoa Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống Trump đã bất thần thông báo cho ông Tập biết Mỹ vừa phóng 58 quả tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở Syrie, một hành động mà chắc chắn Trung Quốc sẽ phản đối. Ông Tập không phản ứng gì, chỉ yêu cầu ông Trump nhắc lại một lần nữa...

Vụ cảnh sát Canada bắt giữ Phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei của Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ chỉ thêm một lần nữa khẳng định rằng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ tạm dừng không có nghĩa là “hòa bình” đã được tái lập. Nó là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy ông Donald Trump nói riêng và nước Mỹ nói chung không dừng lại chỉ ở ý định lấp đầy khoảng thâm hụt thương mại khổng lồ với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. 

Mục tiêu ở đây mang tính chiến lược và toan tính hơn nhiều: chặn đứng đà phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Địa chính trị về công nghệ

Bởi nếu chỉ dừng lại ở chiến tranh thương mại, ông Donald Trump biết thừa là Mỹ nắm ưu thế. Theo các nhà kinh tế thuộc Công ty quản lý tài sản Candriam, nếu cuộc chiến thuế quan bước sang giai đoạn 3, tức là tăng thuế lên 25% đối với 267 tỷ USD giá trị hàng mà Mỹ nhập của Trung Quốc thì trong năm 2019 tới, Bắc Kinh có thể mất đến 1,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khi Mỹ cùng lắm chỉ thiệt hại chừng 0,2-0,3% GDP.

Những con số này có sức hấp dẫn ghê gớm với ông Trump, người ưa thích trò chơi “có tổng bằng 0”, khi thiệt hại của người này cũng chính là lợi ích mà đối thủ đạt được. Nó cũng lý giải vì sao Trung Quốc lại nhanh chóng đồng ý thiết lập thỏa thuận “đình chiến” với Mỹ ở Buenos Aires, một động thái có thể khiến những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc giận dữ.

Vấn đề nằm ở chỗ ông Trump đánh giá rủi ro lớn đối với nước Mỹ không chỉ nằm trong sự thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước; sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ của Trung Quốc, trong đó đặc biệt liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm là trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ viễn thông 5G với những nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu như Huawei, mới là hiểm họa chính đe dọa vị thế siêu cường độc tôn của Mỹ.

Bằng mọi giá, Mỹ phải hành động để ngăn chặn chiều hướng này.

Đòn nắn gân đầu tiên nhằm vào ZTE, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc (cũng chính là đối thủ của Huawei). Với cáo buộc ZTE vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran và Triều Tiên, Mỹ ban lệnh cấm trong thời hạn 7 năm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE. Do sự phụ thuộc quá lớn vào các sản phẩm linh kiện của Mỹ nên lệnh cấm của Mỹ khiến cho ZTE gần như phá sản.

Chỉ đến khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt ZTE, lệnh cấm mới được bãi bỏ từng phần với điều kiện kèm theo là ZTE phải nộp phạt 1,4 tỷ USD, thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo và thực hiện những biện pháp “bảo đảm an ninh với cấp độ cao”. ZTE đáp ứng toàn bộ các điều kiện này.

Rồi đến Huawei. Vụ bắt giữ bà Mạnh thật ra chỉ là phần nổi của cả một núi băng ngầm các chiến dịch mà Mỹ nhằm vào Huawei, do Mỹ lo ngại rằng đây là tập đoàn có vai trò ngày càng quyết định đối với chương trình nhiều tham vọng “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, một thách thức to lớn đối với vị thế độc tôn trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ.

Chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại những lợi ích to lớn cho các tập đoàn công nghệ nhưng cũng là điểm yếu chí tử đối với các tập đoàn này khi chỉ một mắt xích trong chuỗi bị chặt đứt (bởi mệnh lệnh hành chính hay những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội).

Đó là điều có thể xảy ra với Huawei. Giống trường hợp ZTE, Tập đoàn Huawei cũng quá phụ thuộc vào linh kiện Mỹ. Trong số 92 nhà cung ứng linh kiện cho Tập đoàn Huawei có tới 33 công ty Mỹ. Bằng một cách nào đó mà những công ty này không chịu cung cấp linh kiện cho Huawei thì đó sẽ là thảm họa không chỉ đối với tập đoàn này mà còn đối với cả chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.

Nếu điều đó xảy ra thì nó chính là biểu hiện rõ nét của một hình thái mới trong quan hệ Mỹ-Trung: cạnh tranh địa chính trị công nghệ.

Nhân tố Canada

Bỗng dưng Canada bị mắc kẹt vào giữa cuộc cạnh tranh địa chính trị về công nghệ giữa hai ông lớn!

Bởi nếu có ai đó nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng thúc thủ trước những đòn nắn gân của Mỹ mà không đáp trả thì đã lầm to!

Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ảnh: L.G.

Chỉ ít ngày sau khi bà Mạnh bị phía Canada bắt giữ theo đề nghị của Mỹ, cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Canada Micharl Spavor đã bị Trung Quốc bắt với cáo buộc “tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước Trung Quốc”.

Cho dù phía Trung Quốc tuyên bố vụ bắt giữ hai công dân Canada không liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, thế nhưng ai cũng hiểu rằng đây là một trong vô số những đòn nắn gân Canada mà Trung Quốc đưa ra để giúp cho bà Mạnh nhanh chóng được trở về nước.

Thông điệp từ Bắc Kinh khá rõ ràng: đây là “cuộc chiến” Mỹ-Trung và bất cứ nước nào nhảy vào “vòng chiến” để ủng hộ bên kia đều phải gánh hậu họa!

Đây không phải là đòn bẩy duy nhất mà Trung Quốc có thể áp dụng đối với Canada. Trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và Canada, quốc gia Bắc Mỹ là phía được hưởng lợi. Kim ngạch thương mại năm 2017 giữa Bắc Kinh và Ottawa là 9,5 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc rộng lớn có lợi ích tiềm tàng rất lớn đối với Canada. Nếu vì vụ bà Mạnh mà Trung Quốc tiến hành trả đũa về kinh tế đối với Canada thì thiệt hại sẽ vô cùng to lớn.

Chỉ có điều là ngay cả Chính phủ Canada, nếu tiếp cận vụ việc trên khía cạnh lợi ích, cũng khó có thể can thiệp vào quy trình của hệ thống tư pháp Canada. Đến ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, vừa tuyên bố rằng sẽ can thiệp với phía Canada để dẫn độ bà Mạnh ngõ hầu có thể giành được một số ưu thế nào đó trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, đã phải hứng chịu những cơn giận dữ của giới chức Canada lẫn của... Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Freeland tuyên bố: “Đối tác của chúng tôi (chỉ Mỹ) không nên chính trị hóa quá trình dẫn độ”, còn Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demer nói: “Bộ chúng tôi không phải là một công cụ thương mại!”.

Phía sau những đòn nắn gân nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, bị mắc kẹt, nguy cơ trở thành con tin không chỉ là những cá nhân mà có thể là cả những quốc gia!

Yên Ba
.
.