Lạc quan năm mới

Thứ Ba, 10/02/2015, 13:14
Năm 2014 đã qua đi với gam màu xám là chủ đạo. Thế nhưng, thế giới bước sang năm mới 2015 vẫn hướng đến niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn cho nền kinh tế - vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tàn dư khủng hoảng và đại dịch Ebola.

Giới phân tích cho rằng, việc giá dầu “lao dốc” cùng những dấu hiệu tích cực từ nhóm các quốc gia chi phối nền kinh tế toàn cầu sẽ tạo nên động lực thúc đẩy “cỗ máy khổng lồ này” tiến lên phía trước.

Bên cạnh đó, thế giới cũng chứng kiến những cam kết đầy kỳ vọng từ giới lãnh đạo nhằm xoa dịu mọi căng thẳng - tranh chấp, giải quyết thách thức địa - chính trị ngày càng phức tạp, và quan trọng hơn, tiếp tục hiện thực hóa ước mơ hòa bình trên cơ sở “bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Bức tranh kinh tế đa màu sắc

Nhiều nhà phân tích nhận định dấu hiệu cải thiện của nền kinh tế Mỹ cùng với sự chi phối mạnh mẽ từ nhiều nhóm quốc gia đang là những yếu tố tác động rất tích cực đến bức tranh kinh tế toàn cầu. Đối với nền kinh tế Mỹ đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi, đồng đôla tăng giá mạnh và giá xăng thấp hơn sẽ khiến chi phí sinh hoạt giảm, giúp các gia đình Mỹ tiết kiệm được một khoản chi tiêu.

Do vậy, lần đầu tiên sau một thời gian dài, năm 2015 sẽ chứng kiến sức mua tại Mỹ tăng trở lại. Nhóm các nền kinh tế do Mỹ dẫn đầu sẽ tiếp tục có những bước tiến trong việc nâng cao hiệu suất của nền kinh tế. Thị trường lao động sẽ tươi sáng hơn với nhiều việc làm được tạo ra đi kèm với việc tiền lương được cải thiện. Lợi ích từ sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ được phân phối công bằng hơn so với những năm vừa qua nhưng sự phân cách giàu nghèo, mức độ thu nhập vẫn rất lớn.

Brazil là một nền kinh tế rất tiềm năng trong năm 2015 khi Tổng thống tái đắc cử Dilma Rousseff đã bật đèn xanh cho việc sẵn sàng cải thiện năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, trong đó phản đối chủ trương tập trung quyền lực. Những lợi ích tiềm tàng của chính sách mới này hiện chưa thực sự rõ ràng. Nhưng nếu thành công, Brazil có thể sẽ gia nhập đội ngũ các nước ổn định tại Mỹ Latinh trong năm 2015, góp phần giúp khu vực vượt qua được những hiệu ứng bất lợi từ Venezuela, nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn do giá dầu giảm.

Trong khi đó, nhiều quốc gia đang phát triển giữ mức tăng trưởng ổn định và thấp hơn mức trung bình của những năm trước, đồng thời tiếp tục quá trình hoàn thiện cơ cấu của nền kinh tế. Các nước như Trung Quốc sẽ tiếp tục tái định hướng mô hình tăng trưởng để hướng tới sự phát triển bền vững hơn - một nỗ lực có thể đôi khi làm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo nhưng không chệch hướng.

Các nền kinh tế này sẽ nỗ lực tăng trưởng thị trường nội địa, nâng cao chất lượng các khung pháp lý, khuyến khích lĩnh vực kinh tế tư nhân và mở rộng quy mô của hoạt động quản lý nền kinh tế dựa trên yếu tố thị trường.

Những hứa hẹn cải cách lớn của các thị trường mới nổi cũng đang thu hút lòng tin từ các nhà đầu tư, đặc biệt phải nhắc tới ba cái tên chủ chốt là Indonesia, Mexico và Ấn Độ. Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã quyết định giảm trợ cấp giá nhiên liệu - một dấu hiệu mà các nhà đầu tư cho là cam kết của chính phủ đối với cải cách kinh tế.

Tháng 12/2014, Mexico đã công bố giai đoạn đầu của việc mở cửa ngành dầu mỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các công ty nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1938, được khoan dầu tại nước này. Còn tại Ấn Độ, việc ông Narendra Modi đắc cử Thủ tướng đã khuyến khích lòng tin vào tương lai kinh tế của Ấn Độ. Nếu ông Modi có thể thực hiện những hứa hẹn của mình, triển vọng năm 2015 của Ấn Độ là tương đối sáng sủa.

Quan hệ căng thẳng Nga – phương Tây (đặc biệt giữa Nga và Mỹ) cũng sẽ được các nhà lãnh đạo tận dụng thời khắc năm mới để hạ nhiệt.

Năm 2015 cũng sẽ chứng kiến những nỗ lực thoát khỏi tình trạng trì trệ của nhiều quốc gia châu Âu - thực trạng đã gây nên những bất ổn chính trị xã hội và gây khó khăn cho việc ra các quyết sách của khu vực. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã dịu bớt với nợ của các hộ gia đình đang có chiều hướng giảm.

Một số quốc gia, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Latvia, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải cách cơ cấu, khôi phục tài chính công và hệ thống ngân hàng. Thâm hụt tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo có thể sẽ giảm xuống dưới mức 3% vào năm 2015.

Ở một phương diện khác, việc giá dầu thế giới giảm mạnh đã giúp cắt giảm chi phí năng lượng và khuyến khích các nhà sản xuất gia tăng sản lượng, đồng thời tạo nên những tác động tích cực tới nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá dầu giảm cũng có nghĩa lạm phát sẽ thấp hơn, tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho tăng trưởng.

Ngoài ra, “vàng đen” từ các nước xuất khẩu dầu mỏ vốn có xu hướng tiết kiệm cao sẽ chuyển sang các quốc gia tiêu thụ dầu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, giúp thúc đẩy nguồn cầu thế giới tăng lên.Trong một báo cáo gần đây, IMF cho rằng việc giá dầu mỏ rơi xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới vốn còn yếu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng sự sụp đổ giá dầu có thể tạo ra “căng thẳng tín dụng” gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của Venezuela và Iran, hay ngành công nghiệp năng lượng Mỹ. Giá dầu cũng chi phối mạnh mẽ phúc lợi của Nga. Nếu quốc gia này không thể vượt qua được những khó khăn kinh tế trong năm 2015, sẽ xuất hiện một “hiệu ứng domino” ở các nước láng giềng và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, giá dầu giảm sâu cũng cho thấy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang suy yếu. Hiện nay, nhu cầu của châu Âu và Trung Quốc giảm cùng với việc nguồn cung dồi dào sản lượng dầu cát của Canada và dầu đá phiến của Mỹ đã tăng sức ép lên việc cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC.

Nhưng giá dầu hoàn toàn có thể lội ngược dòng trong năm 2015, khi Ảrập Saudi - thành viên chủ chốt của OPEC - và các đối tác ở Vùng Vịnh có khả năng sẽ kiềm chế sản lượng xuất khẩu dầu mỏ ở mức vừa đủ, để một mặt vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng sản lượng của Mỹ, mặt khác cho phép giá dầu thế giới tăng nhẹ.

Những cam kết đầy kỳ vọng

Một sự kiện diễn ra cuối năm 2014 có thể mang lại nhiều hy vọng chuyển biến mới cho quan hệ ngoại giao thế giới năm 2015 là việc Mỹ và Cuba thông báo bình thường hóa quan hệ. Sau 18 tháng đàm phán bí mật, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân mang tính đột phá, quyết định mở lại đại sứ quán ở mỗi nước và Mỹ sẽ nới lỏng một số biện pháp cấm vận kinh tế đối với Cuba.

Với những tuyên bố thiện chí xích lại gần nhau của “hai cựu thù”, quan hệ song phương Mỹ - Cuba sẽ tiếp tục được cải thiện, nền kinh tế Cuba sẽ trở nên sáng sủa hơn và cuộc sống của người dân sẽ thay đổi tích cực trong năm 2015.

Năm 2015 mong chờ tín hiệu lạc quan về kinh tế cùng những cam kết đầy kỳ vọng hướng tới một thế giới hòa bình và ổn định

Bên cạnh đó, “điểm nóng” quan hệ căng thẳng Nga - phương Tây (đặc biệt giữa Nga và Mỹ) cũng sẽ được các nhà lãnh đạo tận dụng thời khắc năm mới để hạ nhiệt. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp năm mới đến Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Moscow tìm kiếm “sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” trong quan hệ song phương với Washington vào năm 2015.

Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đang cân nhắc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, với điều kiện đưa ra vẫn là Nga phải có những thay đổi tích cực đối với cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine. Có vẻ như các nước phương Tây đã bắt đầu có những thay đổi trong vấn đề gia tăng trừng phạt nhằm vào Nga.

Khác với thái độ cứng rắn và quyết liệt trước đây, các nước EU giờ đang ưu tiên biện pháp đối thoại thay vì đối đầu trong mối quan hệ với Nga liên quan tới khủng hoảng Ukraine. EU cảm thấy mệt mỏi với điệp khúc trừng phạt Nga khi chẳng thể làm thay đổi lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Putin, và cũng đã phần nào “ngấm đòn” bởi các lệnh trừng phạt này tác động không nhỏ đến nền kinh tế của chính các nước phương Tây.

Tại châu Á, một lần nữa, người dân trên bán đảo Triều Tiên hi vọng hòa bình sắp ló rạng, sau khi lãnh đạo hai miền đơn phương tuyên bố nguyện vọng tiến hành đàm phán cấp cao nhất để đi đến hòa giải dân tộc.

Ngày 1/1/2015, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng ông để ngỏ khả năng tiếp tục đàm phán với Hàn Quốc, thậm chí là một hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Hàn Quốc. Ông cũng kêu gọi “sự thay đổi lớn” trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, vốn về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố sẽ thiết lập một nền tảng “thực tế và chi tiết” để mở đường cho việc tái thống nhất hai miền Nam - Bắc, chấm dứt 70 năm chia cắt trên bán đảo Triều Tiên bằng cách khuyến khích Bình Nhưỡng có những thay đổi dựa trên cơ sở lòng tin. Seoul cũng đề xuất đối thoại với Bình Nhưỡng về các vấn đề cùng quan tâm trong tháng 1/2015, đồng thời tổ chức thêm một cuộc đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) ngay trước Tết âm lịch.

Đối với Trung Quốc - Nhật Bản, khả năng cải thiện mối quan hệ vẫn còn nhiều căng thẳng này trong năm nay được dự báo là khá cao. Bên cạnh sự ưu tiên vực dậy nền kinh tế quốc gia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ hy vọng sẽ ra một tuyên bố mới về Tầm nhìn Nhật Bản, nhằm đánh dấu kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2. Tài liệu này rất được dư luận chờ đợi vì trong đó sẽ nhắc tới quan hệ với Trung Quốc - vốn có nhiều “khác biệt” với Nhật Bản về cách nhìn nhận lịch sử.

Nhiều chuyên gia nhận định căng thẳng Trung - Nhật đã lên đến “đỉnh điểm”, cả hai bên đều thấy được quyết tâm của đối phương cũng như các hạn chế của chính sách đối đầu. Vì vậy, trong bối cảnh so sánh lực lượng hai bên không có thay đổi đột biến, việc tiếp tục duy trì căng thẳng chỉ làm cho cả hai “cùng thua”, trong khi đều cần đến nhau và là các đối tác kinh tế hàng đầu của nhau…

Trần Quân – Doãn Anh
.
.