Lá thư từ Khe Sanh
Tại đây, tôi (kế toán Đại đội 813 và là thành viên Đội Văn nghệ Trung đoàn 45) đã gặp lại thầy Đào Hồng Cẩm (dạy viết kịch) và thầy Nguyễn Minh Châu (dạy viết văn). Tôi đưa tập “Khoảnh khắc chiến tranh” để nhà văn Nguyễn Minh Châu đọc và góp ý. Anh nói: “Tôi đã đọc một số bài viết của Đản. Nên phát triển theo lối nhật ký, thoải mái, trôi ngòi bút, không câu nệ vào thể loại lắm.
Phải tích cực quan sát, ghi chép nhiều. Lúc bấy giờ anh cho là bình thường, nhưng chi tiết đó sau này rất quý và không thể có được. Phải tả cho nó có không khí về cảnh, có dáng về người. Nhạy bén như một thanh nam châm hút được các vấn đề ngoài hỏa tuyến. Tâm hồn như một tờ giấy thấm đọng sâu sắc đậm đà theo nhịp bước của lịch sử. Chớ bỏ qua. Bọn mình đang thèm khát như Đản mà không được. Người trong cuộc chớ thờ ơ. Hãy học tập ở Trần Đăng, Nam Cao về lối ghi chép, viết nhật ký”.
Khi ra Bắc thành lập Đội Tuyên văn Binh chủng Pháo binh, anh đưa cho tôi cuốn tạp chí “Văn nghệ quân đội” số tháng 9/1968, trong đó có đăng “Dũng sĩ mắt thần” của tôi, và kèm theo một lá thư tay. Còn với thầy Đào Hồng Cẩm, thì tôi đã “trả bài” bằng vở “Trên đỉnh Ta Lăng”, chèo một màn, cùng viết với anh Hoàng Cần - trợ lý xe của Trung đoàn 45, do Đội Văn nghệ Trung đoàn 45 biểu diễn và đã giành giải nhất tại Hội diễn Văn nghệ Binh chủng Pháo binh tổ chức ở Trại An dưỡng Thanh Miện, Hải Dương năm 1968. Anh Châu dặn tôi: “Mỗi tháng cậu viết cho mình một lá thư kể chuyện chiến đấu của đơn vị nhé”. Sau đây là bức thư đầu tiên tôi viết gửi anh Châu.
Khe Sanh, ngày 12/4/1968.
Anh Minh Châu kính mến,
Ngồi ở đây viết cho anh một bức thư, tôi cảm thấy thú vị lắm, ý nghĩa lắm anh Châu ạ. Bởi vì vừa mới hôm qua, Sư đoàn Kỵ binh bay của Mỹ đã đổ bộ xuống vùng núi Khe Sanh để chữa cháy cho hơn sáu nghìn lính Mỹ - ngụy bị quân ta giam hãm suốt mùa khô trong nhà thương điên Tà Cơn. Bầu trời Khe Sanh lúc nào cũng vần vũ và ầm ầm tiếng gầm rú của đủ loại máy bay phản lực, máy bay cánh quạt bay tầng tầng, lớp lớp hộ tống cho đàn “kỵ binh bay” đổ quân, hay tiếp tế đạn dược, lương thực xuống các cao điểm.
Pháo bắn cầm canh suốt ngày đêm. Địch dùng tiếng nổ đầu nóng của khẩu trọng pháo để trấn an tinh thần lẫn nhau.
Trong lúc đó, ở Sở chỉ huy Trung đoàn 45, (cụm pháo binh phía Bắc), Ban Tác chiến đang vây quanh tấm bản đồ chăm chú theo dõi chiến sự. Mấy kế toán viên lẩm nhẩm tính toán phần tử cho pháo thủ để “đón tiếp” lũ “ngựa bay”. Chiến sĩ thông tin nói như gào thét để át tiếng phản lực đang gầm rú điên cuồng. Chuông điện thoại réo liên hồi. Điện đánh về tới tấp. Phần tôi đã đồ giải mục tiêu lên yếu đồ xạ kích xong, và tranh thủ viết cho anh lá thư này đây, vì sớm mai có chuyến xe về hậu phương. Nhưng mới viết được vài dòng thì trận chiến đấu bắt đầu. Nhanh thôi. Đợi một lát có tin chiến thắng là tôi lại viết tiếp thư cho anh. Và như vậy, lá thư gửi đi càng thêm nhiều tin tức thời sự nóng hổi.
Hôm 7/8, hai tiểu đoàn ngụy (quân ngụy bao giờ cũng bị đẩy đi trước dọn đường và làm bia đỡ đạn cho quân Mỹ), vừa chân ướt chân ráo nhảy xuống làng Vây (mới), thì bị quân ta pháo kích ngay. Đêm hôm ấy, chúng bị bộ binh ta xóa sổ.
Cứ điểm làng Vây là một trong ba vị trí quan trọng của thế phòng ngự tam giác liên hoàn: Tà Cơn - Khe Sanh - làng Vây. Bởi vậy, từ sớm nay, quân Mỹ lại đổ xuống hai đại đội nữa. Lần này chúng thận trọng hơn. Trước một ngày, pháo cối địch bắn dọn bãi; tiếp đến trực thăng rà sát mặt đất. Thế rồi, đàn “ngựa bay” cắn đuôi nhau lũ lượt nhớn nhác đổ quân xuống các cao điểm.
Qua ống kính đo xa, đài quan sát của ta nhìn rõ từng tên lính Mỹ cởi trần, tiểu liên cực nhanh lăm lăm trong tay, thỉnh thoảng lại xả một tràng liên thanh vào bất cứ mục tiêu nào mà chúng nghi là có Việt Cộng, như thể một liệu pháp trấn an tinh thần. Từ đây, chúng dự định phát triển sang làng Vây (cũ), nơi đã diễn ra trận chiến đấu tuyệt đẹp, chôn vùi trên 1.000 lính Mỹ - ngụy hồi đầu xuân 1968 vừa rồi.
Nhưng dù Mỹ có nghi binh thì tất cả hành động đó đều đã lọt vào ống kính của Trung đội phó Trinh sát Lê Hồng Khê. Anh báo ngay tình hình hoạt động của quân địch về Sở chỉ huy Trung đoàn 45. Tất cả nòng pháo quay sang hướng làng Vây (mới). Loạt đầu đạn hơi gần. Bọn lính Mỹ chạy tan tác và rúc xuống các công sự khoét toen hoẻn bằng cái thúng để phơi cả đống thịt to như con bò mộng. Khê bật cười thầm nghĩ: “Mày có chạy đằng trời!”. Anh hô tiếp:
- Góc tầm tăng 5, bắn!
Trung đoàn trưởng hỏi kế toán viên:
- Đen-ta X.t. bao nhiêu?
- Báo cáo: 4!
Ông bật cười:
- 20m thì có nghĩa lý gì với hai đại đội cụm lại trên một mỏm đồi.
Ba loạt đạn cấp tập đã dìm mấy trăm lính Mỹ trong biển khói lửa mịt mù.
Trung đoàn trưởng thông cảm với nguyện vọng của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 là bắn thêm vài loạt nữa, nhưng rất tiếc là số đạn chỉ còn mỗi khẩu có một viên. Đại đội 5 đêm qua vác được một số đạn chỉ đủ để “biếu” cho bọn lính Mỹ ở làng Vây (mới).
Anh Châu ạ, đạn của ta thì không thiếu. Chỉ có điều là phải vác xa, leo đèo, lội suối hàng ngày trời mới được một viên. Số đạn dự trữ để đánh bọn kỵ binh bay từ hôm 1/4 đến giờ gần nửa tháng trời rồi còn gì, chả mấy ngày là không bắn. Tính đến hôm nay đã diệt gần 1.000 tên, bằng cả tháng chiến đấu ở Cồn Tiên, Dốc Miếu đợt 4 Hè-Thu vừa qua. Cái vất vả của anh lính pháo mang vác là thế đấy, cơ động chỗ nào cũng được. Trận địa đặt kề vào đầu giặc mà bắn. Rất chính xác. Địch ức lắm, căm lắm, đau lắm, muốn phản pháo, nhưng không xác định được tọa độ trận địa pháo của ta. Lúc bắn thì quân ta muốn bắn nhiều, nhưng lại lo tới chuyện vác đủ đạn đánh trận sau. Nhưng pháo thủ họ quen lắm rồi. Vất vả thật nhưng công việc làm kết quả trông thấy thì anh bảo làm gì mà pháo binh chúng tôi không phấn chấn được.
Kế toán Lữ đoàn pháo binh Tất Thắng (Quảng Trị, Mậu Thân 1968). |
Đại đội trưởng Đỗ Đức Cường vừa nhận được lệnh: 18 giờ trận địa A.12 nổ súng. Vác đạn vừa đủ, thì lại có lệnh A.12 tạm dừng, đại đội chuyển sang bắn ĐKB. Cái khó khăn không phải ở chỗ chuyển loại pháo, bởi lẽ bây giờ đại đội anh sử dụng loại gì cũng thành thạo. Mà cái chủ yếu vẫn là vác đạn. Công việc được chuẩn bị khá gấp để 10 giờ đêm hôm sau có thể nổ súng. Nhưng rồi đến chiều thì lại được lệnh trở lại trận địa ĐKB cũ đã bị địch oanh tạc trống huơ trống hoác.
Trong những ngày dồn dập, sôi nổi của cuộc chiến đấu mới, công việc nào cũng muốn thử thách người đại đội trưởng mới mẻ ấy. Nhưng Cường rất hiểu ý định cấp trên. Bởi vì bọn địch không thể ngờ được rằng, mỏm đồi đối diện với 689, nơi bọn Mỹ đóng chốt, đã bị bom B.52, bom tọa độ cày đi xới lại bao lần mà vẫn còn một trận địa pháo hiên ngang bất ngờ giội bão lửa xuống đầu chúng trong trận ngày mai.
Còn A.12, với hỏa lực sấm sét ấy, để dành riêng cho Tà Cơn, “đón chào” Lữ đoàn dù số 3 ngụy và Sư đoàn “kỵ binh bay”, cùng bọn nhà báo ra đây huênh hoang tuyên truyền cho thắng lợi của cuộc hành quân ngựa bay và lên dây cót tinh thần cho bọn lính luôn sống trong nỗi khiếp sợ pháo binh Việt cộng, như Đài BBC của địch thừa nhận.
Anh Châu ạ,
Tất cả những sự biến ở tháng 4, giao thời giữa mùa mưa và mùa khô, làm gì mà không hấp dẫn lôi cuốn chúng tôi, tuy chiến đấu đã trở thành công việc bình thường hàng ngày.
Sống ở đây, từng giờ từng phút đều chứng kiến những sự kiện mà đối với cuộc đời anh chiến sĩ đều là kỷ niệm vô cùng sâu sắc. Lòng dũng cảm, chí kiên cường chiến đấu vì độc lập tự do đã chiến thắng mưa bom bão đạn quân thù. Bây giờ bom đạn không tính ở khoảng cách cây số hay hàng trăm mét mà là tính bằng mét.
Quả bom đào nổ cách Toản 2m, đất phủ kín người khi anh đang đi sửa đường dây điện thoại, nhưng anh không chết. Giũ đất đứng dậy, Toản lại đàng hoàng xách máy đi nối dây. Đường dây đó, nói đúng hơn là con đường máu. Bom tọa độ cứ 10-15 phút lại cày xới nát mất hẳn lối đi. Thế nhưng, mặc dù bom đạn giặc kiềm chế suốt cả mùa khô và lại bước sang mùa mưa, thì đường dây của Toản vẫn vươn qua lớp lớp hố bom, qua vùng đất trống để giữ vững liên lạc, như mạch máu trong anh không bao giờ ngừng chảy. Tôi nghĩ, việc Toản được đề nghị tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba là rất xứng đáng, phải không anh?
Kể ra, lúc chiến đấu, mỗi người, mỗi ngành đều có cái khó khăn và thuận lợi riêng. Pháo thủ Ông Văn Bạ, một chiến sĩ tân binh người dân tộc Nùng, vẫn bình tĩnh lấy phần tử bắn lên kính số 1, trong lúc địch phản pháo, có quả đạn nổ chỉ cách 5m. Đồng đội bị thương, Bạ cùng Khẩu đội trưởng kiêm luôn cả các số 4, 5, 6 tiếp tục chiến đấu. Cửa hầm chính bị sập, Bạ sợ đi vòng cửa phụ mất thời gian, nên ngồi luôn bên pháo bắn cho kịp thời giữa trận địa mịt mùng khói lửa. Có lần, bom hất tung giàn ngụy trang pháo, Bạ lao ra che lại dưới tầm hỏa lực địch.
Chiến đấu pháo binh có những cái mà chính tôi cũng không tưởng tượng nổi. Tôi kể cho anh nghe về Khẩu đội 3 của Thụy ở Đại đội 6, Tiểu đoàn 2. Khẩu đội bao giờ cũng ở những nơi bất ngờ. Chính vì thế mà khẩu đội chịu nhiều nguy hiểm hơn cả. Nhiệm vụ của khẩu đội là thường xuyên vừa bắn kiềm chế, băm nát đường băng, chặn đứt nguồn tiếp tế bằng máy bay của Mỹ ở căn cứ Tà Cơn, vừa thu hút hỏa lực của địch, giúp cho toàn đơn vị an toàn chi viện cho bộ binh.
Nhiệm vụ thật nặng nề và vô cùng nguy hiểm, nhưng đối với tuổi trẻ lần đầu ra trận được trực tiếp cùng đồng đội tiêu diệt quân thù, thì điều đó lại thôi thúc họ thêm hăng say chiến đấu. Sống nơi bom đạn quân thù nhiều như vỏ hến, nhưng khẩu đội Thụy vẫn đàng hoàng ba bữa cơm nóng, canh ngọt; vẫn thay nhau ngủ nghỉ; rỗi rãi thì làm thơ, viết bích báo… bảo đảm sinh hoạt bình thường.
Biết đơn vị có ý định thay khẩu đội khác, Thụy viết một bức quyết tâm thư bám trụ, và không quên xin thêm một khẩu trung liên, vài chục quả lựu đạn, để nếu trực thăng Mỹ liều mạng sà xuống đây cướp pháo, thì các chiến sĩ trẻ sẽ tính sổ với chúng.
Anh Châu,
Trong một bức thư ngắn ngủi và gấp gáp này, tôi làm sao mà kể hết được cuộc sống và chiến đấu của bộ đội Pháo binh trên Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh trong chiến dịch này. Nó sôi động lắm. Biến động không ngừng. Ngay lúc đang viết thư cho anh thì Đại đội 5 bắn bốn loạt đạn vào hai đại đội lính Mỹ đổ quân xuống Phu Cút. Đài Lê Hồng Khê báo về, mới đếm được 30 xác lính Mỹ. Lúc sau, đài tiền duyên của bộ binh báo là 150 xác lính Mỹ. Có lẽ, chỉ khi nào trận này kết thúc, thì tôi mới có điều kiện để viết cho anh chi tiết hơn, đầy đủ hơn. Còn bây giờ, anh vui lòng theo dõi tình hình chiến sự qua Đài Phát thanh Giải phóng vậy nhé. Tạm biệt anh. Hẹn gặp lại anh trong lá thư sau.
Kính thư.
Lê Trung Đản
(Kế toán Đại đội 813, Trung đoàn 45).