Ký ức mẹ

Thứ Tư, 10/12/2014, 15:57
Bây giờ mẹ tôi đã là người thiên cổ, vậy mà mùng một, hôm rằm và nhất là ngày đặt mâm cơm lên giỗ mẹ, tôi chắp tay vái, mắt ứa lệ.

1.  Ngày thường công việc bộn bề, lo toan, buồn vui lẫn lộn nên nỗi nhớ chìm xuống, lặn sâu trong tâm khảm. Nhưng bao giờ cũng vậy, cứ vào những ngày giáp giỗ mẹ là y như rằng nỗi nhớ mẹ lại rềnh lên khiến lòng dạ đứa con mặc dù đã vào tuổi U70 vẫn xốn xang, nôn nao. Năm nay là lần giỗ lề thứ 9 của mẹ tôi. Vậy là đã gần một thập niên mẹ tôi từ giã thế gian nhộn nhạo nhưng đầy hấp dẫn này, để lại trong lòng đứa con trai duy nhất của mẹ là tôi khoảng trống không gì lấp nổi.

Mẹ tôi là người bình thường như hàng vạn, hàng triệu người đàn bà trên trái đất này. Ngay vào giờ phút sinh tử biệt ly, giờ phút có thể coi là thiêng liêng nhất của một đời người thì những lời cuối cùng của mẹ tôi cũng thật đơn giản, bình thường. Câu thứ  nhất mẹ tôi hỏi: “Không hiểu đôi dép của mẹ đâu rồi?”. Câu thứ hai mẹ bảo: “Con mèo chưa ăn đâu, liệu mà cho nó ăn”. Và câu thứ ba cũng là câu cuối cùng của một kiếp người, sau khi đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn đứa chắt nội đích tôn,  mẹ dặn: “Trông nó cẩn thận cho tao”.

Gia cảnh đằng ngoại tôi có thể xem là sự thu nhỏ của làng quê, một giai đoạn lịch sử. Ông ngoại tôi ăn cửu phẩm, làm Chánh bá của làng Chèm - một trong những làng cổ của Đại Việt rẻo phía nam sông Hồng. Vì thế nên nhà ông ngoại tôi là toà nhà tây có gác hai tầng duy nhất của làng. Sự bề thế của toà nhà tây đó không nổi bằng sự đa tình của ông. Ngoài ba bà vợ chính trong làng không ít những người có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt ướt với cặp mi cong, dài và tóc xoăn là sở hữu của ông. Mẹ tôi là con bà vợ thứ ba của ông ngoại tôi. Trước khi gá nghĩa với ông ngoại, bà ngoại tôi đã có với người chồng trước bốn người con nếp tẻ đủ cả. Thời đó cửa hàng của bà có thể xem là một cửa hàng kiêm đại lý lớn đủ sức phân hàng cho già nửa phủ Hoài Đức. Cửa hàng kéo dài mười gian nhà ngói có sân rộng mênh mông chứa hàng trăm chum và bể chượp. Mỗi khi gió nồm nam thổi là từng đoàn thuyền chum xứ Thanh, Nghệ lại nương gió ngược sông Cái đến cặp nơi Bến Ngự để đưa muối, mắm và chượp lên cửa hàng bà tôi. Lấy ông ngoại tôi, bà sinh hạ thêm ba người con. Mẹ tôi là đốt giữa mang tên là Gái con. Còn người con gái bà ngoại tôi sinh với người chồng trước thì gọi là Gái lớn. Trong đại gia đình nhiều nhánh con đó sau này xét thành phần thì đúng là một xã hội với đủ mọi phe phái, giai cấp. Bác cả cùng bố với mẹ tôi hiền lành được ông ngoại cho giữ chân hộ lại. Bác cả cùng mẹ với mẹ tôi đi kháng chiến từ nhỏ, sau này một thời là tỉnh uỷ viên tỉnh Yên Bái. Cậu ruột tôi thì đi lính nhẩy dù nhưng bị mật thám Pháp bắt vì nghi là Việt minh. Khi có tuổi hay kêu đau nửa đầu bên trái vì dính “đòn săng tan” thời bị giam ở Hoả Lò. Già Gái lớn tôi vào Sài Gòn làm ăn, lấy một ông hoạt động ngầm trong thành rồi bị bắt giam tận Côn Đảo mãi đến 1975 mới được thả ra. Bác cả cùng mẹ cùng bố với mẹ tôi đi bộ đội trở thành thương binh vì bị cụt một tay trong trận đánh ở đèo Lũng Lô.

Vào năm 1952, 1953 khi tôi lên 3, 4 tuổi thì gia cảnh bên ngoại tôi đã sa sút gần như cùng đinh. Dãy nhà ngói 10 của bà tôi bị tây càn, đốt trụi. Toà nhà có gác tây, tường rạn nứt, cầu thang bằng gỗ mọt ăn khấp khểnh, ngói vảy sộp trên mái nhiều chỗ sụt, vỡ nhưng không có tiền rặm lại. Hầu như các con của ông ngoại tôi đều dồn về toà nhà ấy. Dạo đó làng tôi là làng tề, bố tôi làm công an tận trên Vũ Ẻn vùng chiến khu. Mẹ tôi ngày ngày gánh đôi thúng một bên là tôi, bên kia là rượu ty, thuốc lào và chè mạn. Sáng nào cũng vậy ăn quáng quàng củ khoai, lưng cơm nguội xong mẹ tôi lại tòng teng quang gánh trên vai đi suốt từ bốt bảo chính đoạn đầu cầu sông Đào, qua bốt nhà đoạn ở gảnh đình rồi xuống bốt lính Ba ti giăng đóng ở đầu  làng Nhật Tảo. Thỉnh thoảng vào đêm, mẹ ôm tôi dặn: “Ai hỏi bố đâu thì bảo bố đi buôn bè nhớ chưa?”.

2. Bản tính quyết định thái độ của con người trong cuộc sống. Nếu theo thuyết đó thì mẹ tôi thuộc diện vô tư (bởi chả mấy khi mẹ tôi ca cẩm về sự khổ trong đời dù cuộc đời mẹ tôi quá nhiều đoạn vất vả, cơ cực). Chả biết những người khác thế nào chứ cuộc đời mẹ tôi là sự kết nối đủ mọi sắc thái của đời người. Sum vầy - ly tán. Giàu - nghèo. Đầy đủ - thiếu thốn. Hạnh phúc - đắng cay. Mẹ tôi thường bảo hồi bé già Chúc (tức chị gái cùng bố với mẹ tôi) được ông ngoại cho cưỡi ngựa hồng cùng bố lên huyện đường. Dái tai của già bị rách làm hai thẻo vì đeo vàng nặng mấy đồng cân. Còn mẹ tôi hồi nhỏ thì học tới chín ông thầy, nhưng vốn chữ trong đầu cho đến cuối đời chỉ đủ đánh vần những tờ giấy viết, báo chữ to và kí được chữ Gái con. Hồi tôi còn bé thỉnh thoảng nửa đêm mẹ tôi lại choàng dậy. Tôi nghe mẹ thì thào: “Cứ giao mùa là y như rằng khó ngủ. Trong ống chân xương tuỷ buồn bực như có dòi bò”. “Sao thế hả mẹ?”. Tôi  ngạc  nhiên hỏi. “Duyên do vì đẻ mày có ba ngày đã phải chạy loạn. Cứ chân đất như thế lội òm ọp dọc theo bờ sông. Trăng thì sáng lênh láng như ban ngày. Ơn trời, cũng nhờ có trăng nên mẹ mới tóm được đầu mày giữa mớ tã lót, áo quần lùng nhùng, lướt thướt chứ không mày đã rơi xuống nước”. Hồi còn sống mẹ tôi là người được dân làng đủ mọi thành phần kính vọng, quý nể. Gần 80 tuổi sống trên dương thế từ khi mồ côi cha mẹ theo chúng bạn tham gia tự vệ làng năm 1945, toòng teng quang gánh bán hàng rong thời Pháp thuộc. Sang thời ta, làm công đoàn, làm công nhân lứa đầu tiên của nhà máy bê tông Chèm, quay về chẻ lạt đan mũ và bán rượu… Dù làm gì mẹ tôi ít bị dân làng ca thán vì tính tình xuề xoà, vui vẻ của bà. Không hiểu có phải vì cách nghĩ theo lớp lang, thứ bậc của dân làng cổ khi mẹ tôi là con gái cụ Bá, hay vì sau này mẹ tôi là vợ một viên công an mà cứ về đến dốc đầu làng thì dù giời mưa hay giời nắng bố tôi đều xuống dắt xe đi bộ từ dốc Đá đầu làng đến nhà tôi hơn cây số đường, hay là sự tốt bụng, trực tính mặc dù mỗi khi bực một điều gì thì mẹ tôi nói gay gắt, ràn rạt như chan tương đổ mẻ. Khi mẹ tôi đã khuất núi, người làng mới bảo mẹ tôi là người ác miệng mà thiện lòng. Nói chữ là “Khẩu xà tâm Phật”. “Chẳng thế mà, bà ốm có nửa buổi sáng, gọi con trai, cháu nội về dặn vài câu rồi đi luôn trên tay con trai. Chết thế là chết tiên.

Khi bố tôi mất cũng là gia cảnh một mẹ một con, nên vợ chồng tôi nhất quyết đón mẹ tôi ra ở cùng con cháu. Nhưng không hiểu sao cứ thấy mẹ tôi buồn buồn, ủ rũ kiểu như cây đánh từ vườn mênh mông đưa trồng vào chậu. Hỏi thì mẹ tôi bảo “Nhà bằng cái lỗ mũi lại cứ phải leo lên leo xuống như mèo suốt ngày thế này, mẹ thấy bức bối như đi tù. Thôi cứ cho mẹ về nhà. Vừa nhà khỏi quạnh, bố mày cũng đỡ tủi. Hôm nào rỗi thì đưa chúng nó về với mẹ”. Vật nài thế nào mẹ vẫn không đổi ý.

Mẹ tôi về làng như chim được trở về với vòm trời mênh mông. Đứa em út con cậu lại hợp tính cô nên ngày đi làm, tối sang nhà tôi ngủ. Tôi thì thứ bảy, chủ nhật không đi công tác thì vợ chồng con cái lại kéo nhau về. Có lần ngồi chưa yên chỗ đã thấy mẹ tôi đang ngồi trong nhà chửi vọng ra. Sau này tôi mới nhận ra câu chửi đầu duy nhất của mẹ tôi là “Cha tiên nhân…” rồi ghép với thứ bậc của người mẹ tôi chửi. Hôm ấy nhận ra tiếng chân của người vừa vào sân nhà nên mẹ tôi chửi rành rẽ: “Cha tiên nhân mày, con vợ nó nói mày uống suốt ngày, người lúc nào cũng sực nức như cái cút rượu, giờ lại mang cút sang cho thừa ra à. Mà tiền chịu của tao mấy lần chưa thấy trả một xu. Buôn bán với chúng mày thì tao đến vỡ nợ”. Một giọng đàn ông rè rè, nũng nịu: “Dì. Con với dì đi đâu mà thiệt. Cho con chịu nốt lần này, kì lương này con giả dì hết”. “Bôi vôi vào mồm mày nhé. Hay hớm gì. Uống rượu chỉ tổ hại tâm thôi, nốc gì mà lắm thế”. Anh hàng xóm cầm cút rượu nháy mắt nói thầm với tôi: “Cứ để cụ chửi, nghe quen rồi. Hôm nào không thấy cụ chửi thấy lo lo”. Lại hôm tình cờ gặp chủ tịch xã. Ông chủ tịch cười hề hề bảo tôi: “Chú về đi, tí nữa anh vào thăm cụ. Anh vào để thông báo cho cụ biết không cụ tưởng chưa làm, gặp cụ lại tế cho”. “Chuyện gì thế bác?”. Tôi hơi lo gặng hỏi. Ông chủ tịch tủm tỉm: “Lát nữa anh vào kể chú nghe, giờ anh đang bận phải đi đã”. Về đến nhà nghe tôi hỏi có vẻ trách mẹ. Mẹ tôi thản nhiên bảo: “Ừ, tao chửi nó đấy. Làm chủ tịch xã là phải nghiêm, tuỳ cái nể nang thôi. Ai đời nhà nào làm nhà cũng tranh thủ tòi ra đường một tý. Đứa nào cũng thế thì mai kia, đường làng này chỉ còn bằng cẳng tay đứa thiếu ăn. Đường đâu mà đi”. Tôi phì cười bảo: “Việc của xã mẹ nói làm gì”. Mẹ tôi lại chửi “Cha tiên nhân anh, tao nói thế hệ trọng gì. Mà tao có vơ cho tao cái gì đâu mà sợ”….

Bây giờ mẹ tôi đã là người thiên cổ, vậy mà mùng một, hôm rằm và nhất là ngày đặt mâm cơm lên giỗ mẹ, tôi chắp tay vái,  mắt ứa lệ. Và thoang thoảng trong làn khói hương chập chờn, tôi như bé lại vì nghe đâu đây tiếng mẹ tôi ru:

Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời an biển lặng mới yên tấm lòng…                         

                           Quỳnh Mai, hạ tuần tháng 9

                                Giáp Ngọ dư (15/11/2014)

Nguyễn Hiếu
.
.