Kỳ án Corrine Sykes: Vụ án mạng hay oan sai bí ẩn bậc nhất của Mỹ?

Thứ Năm, 02/04/2020, 13:10
Hơn 7 thập niên kể từ ngày phạm nhân Corrine Sykes lên ghế điện, án tử cho cô gái trẻ vẫn là câu chuyện tranh cãi. Liệu một cô gái nhỏ bé, yếu ớt có gan giết người đầy nhẫn tâm? Sykes là thủ phạm, hay mắc án oan vì màu da của cô?

Vừa đi làm đã gây án

Ngày 7/12/1944, Harry Wodlinger ghé qua nhà trên đường đi đánh golf. Vốn dĩ chỉ định cất miếng thịt mới mua để dành cho bữa tối, nhưng khi bước chân về nhà, ông lập tức có linh cảm không lành. Cửa trước khép hờ, chú chó nuôi trong nhà sủa lên inh ỏi. Harry cất tiếng gọi, nhưng chẳng có ai lên tiếng trả lời. Ông đi một vòng quanh nhà thì phát hiện thảm cảnh trong nhà tắm.

Bà Freda Wodlinger nằm gục đầu trong bồn, người đầy máu. Tấm rèm che bồn tắm rách tả tơi, cho thấy nạn nhân đã chống trả quyết liệt trước khi bị sát hại. Ngực bà Freda có 4 vết đâm, bao gồm cả nhát dao chí mạng đâm xuyên qua lồng ngực, cắm thẳng vào tim bà. Nhưng đó chưa phải điểm rùng rợn nhất của vụ án.

Trong quá trình khám nghiệm tử thi, các điều tra viên mới thấy ngón tay bà Freda có những vết cắt sâu. Một ngón thậm chí bị cắt đến tận xương, gần như đứt lìa. Điều đó cho thấy nạn nhân cố giành lại con dao từ tay hung thủ nhưng không thành. Toàn bộ nữ trang trên người nạn nhân và tiền tiết kiệm cất trong nhà đều biến mất.

Cái chết thảm của bà Freda Wodlinger, một phụ nữ da trắng giàu có lập tức trở thành đề tài gây rúng động thành phố Philadelphia. Các kênh tin tức địa phương thi nhau khai thác từng chi tiết nhỏ nhất trong vụ án để câu khách. Nghi phạm sau đó cũng nhanh chóng được khoanh vùng. Đó là Corrine Sykes, một hầu gái 20 tuổi mới đến làm việc cho bà Freda được 3 ngày.

Một người hàng xóm của bà Freda kể đã thấy Sykes bước ra khỏi nhà Wodlinger trong buổi sáng ngày có án mạng. Người này còn chắc chắn không thể nhầm lẫn được bởi Sykes có thân hình nhỏ bé, lại còn gầy khẳng khiu. Cảnh sát vào cuộc và họ phát hiện ra một chi tiết đáng ngờ khác: Sykes làm việc ở nhà Wodlinger dưới cái tên giả Heloise Parker.

Điều tra thêm về lý lịch của Sykes, cảnh sát càng có lý do liệt cô gái này là đối tượng tình nghi số một. Trình độ văn hóa kém, từng gây gổ với người khác, lại có tiền án. Nửa năm trước khi giúp việc cho nhà Wodlinger, Sykes vừa thi hành xong án 11 tháng tù giam vì trộm cắp trong siêu thị. Lần theo các mối quan hệ cá nhân của Sykes, cảnh sát tìm thấy cô đang trốn trong nhà nhân tình.

Sykes không hề kháng cự khi bị bắt ngay trong ngày xảy ra án mạng. Cô lập tức bị tống giam mà không có cả chế độ bảo lãnh. Trước mặt các điều tra viên, những lời cô liên tục nói trong 2 tuần đầu tiên bị thẩm vấn là "Tôi không giết bà ta". Khi cảnh sát hỏi ai đã giết bà Freda, Sykes chỉ im lặng. Nhưng sau đó cô bất ngờ thú nhận gây án một mình với động cơ giết người cướp của.

Với lời khai chi tiết từ nghi phạm, tòa án không mất nhiều thời gian để xét xử Sykes. Cô bị kết tội giết người cấp độ 1, là hung thủ duy nhất, phải chịu án tử hình trên ghế điện.

Tình yêu mù quáng với Kelly khiến Sykes phải trả giá đắt.

Gã người tình vô tình

Là con út trong một gia đình có 3 chị em, Corrine Sykes lớn lên trong sự thiếu thốn đủ đường. Cha mẹ cô chấp nhận bị bóc lột sức lao động để đổi lấy những đồng lương rẻ mạt, nhưng chưa bao giờ đủ để giúp cô đi học tử tế. Cuộc đời tưởng chừng như hỏng bét của Sykes bỗng chốc le lói lên một tia sáng hy vọng mang tên Jaycee Kelly.

Kelly là một gã bán rượu lậu tuổi gấp đôi Sykes. Hắn lân la đến mọi ngóc ngách bẩn thỉu nhất của Philadelphia để kiếm tiền, và có liên hệ cả với những băng đảng xã hội đen ở thành phố. Kelly lần đầu gặp Sykes khi cô lang thang trên đường, lòng đau như cắt vì cha mới qua đời. Hắn mời cô vào ăn thịt nướng ở nhà hàng hắn làm chủ, và Sykes lập tức xiêu lòng.

Ban đầu, mối quan hệ giữa Kelly và Sykes là chủ tớ. Nhà hàng kia chỉ là bình phong cho hoạt động bán rượu lậu phía sau. Sykes được trả 25 USD mỗi tuần, và thêm 10 USD nữa nếu mẹ cô đến làm việc cùng. Kelly còn nói hắn yêu cô, một lời tỏ tình không thể chối từ với cô gái mới lớn.

Sykes nhỏ bé, khờ khạo, ngốc nghếch chưa từng có một người bạn trai cho tới khi gặp Kelly. Hắn thậm chí còn là đàn ông, có tiền, đi xe hơi sang. Cô gái trẻ lao vào cuộc tình với người đàn ông hơn mình đến 20 tuổi bất chấp người mẹ can ngăn. Đúng như bà dự đoán, chu kỳ hạnh phúc của mối tình này không kéo dài lâu.

Công việc bán rượu lậu của Kelly gặp khó khăn vì đàn ông Mỹ lũ lượt nhập ngũ tham gia Thế chiến II. Nhà hàng có nguy cơ phải đóng cửa, thế nên lựa chọn duy nhất của hắn là tiếp tục rót mật vào tai cô gái nhỏ nhất trong đám nhân viên. "Anh sẽ tìm cho em một công việc khác. Em sẵn sàng chứ?", Kelly nói với Sykes. Dĩ nhiên là cô mù quáng đồng ý.

Kế hoạch của Kelly là giới thiệu Sykes làm giúp việc cho một gia đình giàu có tại địa phương. Nhưng để giấu đi tiền án của mình, Sykes phải sử dụng tên giả nhằm đi làm trót lọt. Kelly nhiệt tình đánh xe đến đưa cô đi làm trong ngày đầu nhận việc. Vô tình hay hữu ý, cách đó giúp hắn biết đường đi nước bước quanh nhà Wodlinger.

Ban đầu Kelly cũng được xác định là một nghi phạm quan trọng của vụ án. Nhưng khi biết tình nhân cũng bị tạm giam để thẩm vấn, Sykes lập tức thú nhận mọi tội lỗi. Cô thậm chí còn điểm chỉ vào tờ khai dù gần như không biết chữ. Đáp lại điều đó, Kelly một mực phủ nhận quan hệ với Sykes khi đứng trước tòa. Hắn thậm chí khẳng định không quen biết cô.

Hình Sykes xuất hiện dày đặc trên báo chí Mỹ thập niên 40.

Sự chủ quan của tòa án

Khi Sykes được khoanh vùng nghi phạm sát hại bà Freda, một án tử gần như cầm chắc với cô. Cơ quan tố tụng có thể chủ quan vì loại bỏ đối tượng Jaycee Kelly, nhưng điều đó chủ yếu xuất phát từ suy nghĩ phân biệt chủng tộc của những người cầm cân nảy mực. Phiên tòa diễn ra chỉ 3 tháng sau vụ thảm án. Vị luật sư được chỉ định bào chữa cho Sykes là người chỉ có chuyên môn cãi về những vụ tranh chấp bồi thường tai nạn xe hơi.

Một vài điều tra viên nói Sykes khó có thể là hung thủ bởi cô quá nhỏ bé và yếu ớt, không thể dùng sức vật lộn với nạn nhân quyết liệt như thế. Nhưng trong quá trình lập cáo trạng, tòa án cố tình phớt lờ điểm nghi vấn được phía cảnh sát đưa ra. Bộ đồng phục vấy bẩn của Sykes, vật chứng quan trọng nhất của vụ án, không được đem ra trước tòa.

Một điều tra viên nhận định Sykes có thể là hung thủ, nhưng không phải kẻ duy nhất gây án. Cô ấy không thể sát hại bà chủ nếu không có người giúp sức. Nhưng thay vì chú trọng vào những bằng chứng, tòa án chỉ lái vụ việc theo mức độ nghiêm trọng và khủng khiếp của nó. Họ liên tục đề cập đây là vụ án người nghèo da đen giết người giàu da trắng.

Ephraim Lipschutz, công tố viên phụ trách vụ án còn lớn tiếng nói trước tòa: "Không thể giảm nhẹ tội được. Cô ta phải bị xử tử hình. Nếu không làm thế, những người giúp việc khác sẽ sẵn sàng gây án vì họ biết đằng nào cũng không chết". 1 năm 7 tháng sau phiên tòa, Sykes lên ghế điện, bỏ lại một khoảng trống mênh mông những tranh cãi đằng sau một tội ác tày trời.

Sự dung thứ của công chúng

Trong vòng 2 năm từ lúc vụ án xảy ra cho đến khi Sykes bị xử tử, người dân thành phố Philadelphia dần thay đổi suy nghĩ. Từ chỗ liên tục lên án cô là kẻ giết người máu lạnh vô lương tâm, họ dần cảm thấy xót xa khi biết về uẩn khúc đằng sau. Ngày thi hài Sykes được trả về gia đình, hơn 3 ngàn người dân đã xuống đường đưa tang. Họ cùng nhau quyên góp giúp gia đình đưa tiễn cô gái nhỏ trong một quan tài mở, với hàng trăm bông hoa đặt xung quanh.

Hung thủ không ai ngờ tới?

Phần đời còn lại của Kelly đã phải trả giá vì sự tuyệt tình hắn dành cho Sykes. Theo hồ sơ lưu trữ của cảnh sát, Kelly liên tục vào tù ra tội vì trộm cắp cho đến lúc chết. Nhưng có thể cả Kelly lẫn Sykes đều không phải hung thủ giết bà Freda. Trước khi qua đời, ông Harry thừa nhận thực ra ông mới là kẻ sát hại vợ mình. Dù vậy thông tin này đến nay vẫn chưa được kiểm chứng, bởi không có tài liệu nào ghi nhận việc này cả.

Hải Sơn
.
.