Kissinger con buôn chính sách

Thứ Bảy, 21/01/2017, 18:01
Được đánh giá như bậc trưởng thượng của làng ngoại giao thế giới, Henry Kissinger vẫn được mời viết bài, được “thỉnh” đến các buổi tọa đàm tại nhiều đại học hàng đầu nước Mỹ, được mời dự các hội thảo nghiên cứu chiến lược quốc tế… Và tiếp tục được nhiều tổng thống Mỹ tham vấn ý kiến trong đó có Tổng thống tân cử Donald Trump.

“Ông ngoại” cố vấn

Kissinger, 93 tuổi, mệnh danh là “ông ngoại của chính sách đối ngoại” (granddaddy of U.S. foreign policy), là một tượng đài của giới ngoại giao Mỹ. Ông là cố vấn đối ngoại của gần như tất cả tổng thống Hoa Kỳ kể từ sau thời Nixon. Ý kiến của ông là vàng bạc. Bà Hillary Clinton là “fan” của Kissinger. Trump không là ngoại lệ.

Tháng 5-2016, Trump gặp “ông ngoại” tại nhà riêng Kissinger, theo yêu cầu của Trump. Cuộc gặp kéo dài một giờ. Một tuần sau khi đắc cử, Trump lại “hầu chuyện” với “cụ”. Lần này tại Trump Tower. ABC News thuật: Trump cho biết mình “dành sự kính trọng đặc biệt đối với Kissinger và rất cám ơn ông ấy đã chia sẻ ý tưởng với tôi”.

Trong thông cáo báo chí về sự kiện, nhóm chuyển giao quyền lực của Trump nói: “Tổng thống tân cử Trump và Tiến sĩ Kissinger đã biết nhau nhiều năm và đã có một cuộc gặp lớn. Họ thảo luận về Trung Quốc, Iran, Nga, EU và nhiều vấn đề khác”.

Báo chí khó có thể biết chính xác Donald Trump và ông Kissinger đã nói gì với nhau. Sau cuộc gặp trên, Kissinger qua Bắc Kinh. Để làm gì? Khó có thể biết. Ngày 1-12, Kissinger gặp Vương Kỳ Sơn.

Ngày 2-12, báo chí Trung Quốc đăng ảnh Kissinger gặp Tập Cận Bình. Hôm đó, Kissinger nói với Tập: “Chúng tôi hy vọng chứng kiến quan hệ Mỹ - Trung đi lên với cách thức ổn định và liên tục”. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, cả ông Tập lẫn Kissinger đều sốc bất ngờ:  Donald Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn!

Ngày 5-12, khi trở về Mỹ, Kissinger trả lời báo chí: “Ông Tập nói với tôi rằng Trung Quốc đang theo dõi sát sao mọi diễn biến”. Tại một sự kiện được tổ chức bởi Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung, Kissinger nói thêm, ông “rất ấn tượng với phản ứng bình tĩnh của giới lãnh đạo Trung Quốc mà theo đó có thể thấy họ bày tỏ quyết tâm nhằm có thể xem xét một cuộc đối thoại bình tĩnh hay không”.

Một ngày sau, ngày 6-12, Kissinger lại gặp Donald Trump, trách móc về cú điện đàm với nguyên thủ Đài Loan. Tuy nhiên, 5 ngày sau, ngày 11-12, trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, Trump chơi một cú nặng hơn nữa: Mỹ chẳng ràng buộc gì với chính sách “Một Trung Quốc” cả.

Con buôn chính trị

Kissinger không “nghỉ chơi” sau khi ván bài với Liên Xô kết thúc. Kissinger luôn tin rằng Trung Quốc là quốc gia đáng được kính trọng và cần được Mỹ cùng chia sẻ quyền lực. 

Từ sau Chiến tranh Lạnh, trong suốt nhiều năm, Kissinger nỗ lực làm điều đó (đến Trung Quốc hơn 80 lần kể từ năm 1971). Không phải tự nhiên mà Kissinger luôn được tiếp đón như thượng khách tại Trung Quốc. Ông thuyết trình tại Bắc Kinh. Ông giảng tại Thượng Hải.

“Nhiều viên chức chính phủ (Mỹ), thành viên Quốc hội và giới truyền thông đang tấn công các chính sách Trung Quốc, từ tỉ giá đến phát triển quân sự… Với nhiều người, sự lớn mạnh Trung Quốc đã trở thành thách thức quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ... 

Chính sách Mỹ tại châu Á không thể để bị thôi miên bởi xu hướng phát triển quân sự Trung Quốc. Trung Quốc, với lợi ích riêng, đang tìm kiếm hợp tác với Mỹ vì nhiều lý do… Lợi ích Mỹ trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc phải đặt trên tinh thần theo đuổi một hệ thống quốc tế ổn định…”.

Nhận xét trên không phải của một giáo sư Trung Quốc đăng trên tờ Hoàn Cầu hoặc Nhân Dân nhật báo mà của Henry Kissinger trên Washington Post ngày 12-6-2005. Quan điểm Kissinger trong bài viết 1.898 từ này, đến nay, vẫn không thay đổi. Tại sao Kissinger luôn kêu gọi nước Mỹ áp dụng chính sách hòa hoãn, thay vì kiềm tỏa, đối với Trung Quốc?

Lợi ích cá nhân là một trong những lý do. Trong quyển The China Threat, tác giả Bill Gertz chỉ ra rằng Kissinger dùng “sự tiếp cận đặc biệt mở rộng của mình với giới lãnh đạo Trung Quốc để giúp hoạt động tư vấn doanh nghiệp của ông phát triển”.

Việc Kissinger dùng chính sách đối ngoại như một thứ hàng hóa không phải mới. Cuối thập niên 1980, New York Times thực hiện một điều tra cho thấy Kissinger Associates Inc. đã tổ chức “thảo luận vấn đề quan hệ Đông - Tây với giới chức hàng đầu Mỹ và Liên Xô nhằm có thể tư vấn tính phí cho một số tập đoàn lớn nhất thế giới…

Kissinger trong một buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

Qua mối quan hệ gần gũi của họ với các chính phủ nước ngoài và kiến thức rộng về các vấn đề đối ngoại, họ (Kissinger Associates Inc.) đã kiếm bộn tiền bằng cách đưa ra những góc nhìn địa chính trị, lời khuyên và cách tiếp cận cho khoảng 30 công ty toàn cầu hàng đầu.

Trong số những công ty sẵn sàng trả 200.000 USD hoặc hơn để trở thành khách hàng của Kissinger Associates Inc., có ITT, American Express, Anheuser-Busch, Coca-Cola, H. J. Heinz, Fiat, Volvo, L. M. Ericsson, Daewoo và Midland Bank”. Bài báo trên tiết lộ: một viên chức Công ty Heinz cho biết, đích thân Kissinger đã giúp họ bằng cách cung cấp “thông tin nền” và chịu trách nhiệm giới thiệu khi công ty dự tính lập nhà máy thực phẩm tại Trung Quốc.

Kissinger Associates Inc. quy tụ toàn thành phần máu mặt: William French Smith (cựu Bộ trưởng Tư pháp) hoặc Zbigniew Brzezinski (cựu cố vấn an ninh quốc gia). New York Times cho biết, Kissinger cùng Brent Scowcroft (cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng thống Ford và Bush cha) từng cố vấn các vấn đề kiểm soát vũ khí cho Tổng thống Reagan ở thời điểm mà họ làm việc cho một số khách hàng nước ngoài đang muốn mua hệ thống tên lửa!

Một số ủy ban liên ngành đóng vai trò quan trọng trong định hình chính sách cũng có mặt Kissinger cùng các cộng sự, chẳng hạn một ủy ban tổng thống về các lực lượng chiến lược (nằm dưới sự điều hành Scowcroft), nơi chịu trách nhiệm đề xuất các địa điểm lắp đặt hệ thống tên lửa MX, vào thời điểm mà Scowcroft đang ngồi ghế Chủ tịch Kissinger Associates cũng như có chân trong ban cố vấn cho các hãng vũ khí Lockheed Corporation và Hugh Burns!

Dù bị báo chí cật vấn, Scowcroft chưa bao giờ công bố danh sách khách hàng của Kissinger Associates. Tuy nhiên, điều tra mở rộng cũng cho thấy Kissinger từng làm cố vấn cho ngân hàng Banco Nationale del Lavaro (Italia) vào thời điểm mà ngân hàng này cho Iraq (thời Saddam Hussein) vay hơn 4 tỷ USD để Baghdad mua vũ khí vài tuần trước khi Saddam tấn công Kuwait.

Trong số báo đề ngày 26-4-1991, tờ Financial Times viết: “Trong báo cáo dài đọc trước Hạ viện, ông Henry Gonzalez, Chủ tịch Ủy ban Chính sách ngân hàng Quốc hội, đã miêu tả cách thức mà Alan Stoga, một giám đốc điều hành của Kissinger Associates, từng gặp Saddam Hussein tại Baghdad vào tháng 6-1989. Nhiều khách hàng Kissinger Associates đã nhận được giấy phép xuất khẩu vũ khí của Mỹ để bán cho Iraq…”.

Đến nay, Kissinger Associates Inc. vẫn tồn tại. Và Kissinger vẫn kiếm tiền bằng nghề “đi buôn chính sách”. Theo Sydney Morning Herald (SMH; 29-3-2015), Kissinger đã bỏ túi gần 5 triệu USD để giúp Tập đoàn khoáng sản Rio Tinto (Australia) phủi tay vụ Hồ Sĩ Thái (Stern Hu), đại diện Rio tại Thượng Hải, bị Trung Quốc bắt tội hối lộ năm 2009 - sự việc ảnh hưởng mạnh đến việc làm ăn của Rio Tinto tại Trung Quốc. Kissinger đã bàn vụ này với Phó thủ tướng (lúc đó) Vương Kỳ Sơn.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây (đăng trên nguyệt san The Atlantic 12-2016), khi được nhà báo Jeffrey Goldberg hỏi rằng ông có sợ không, nếu “tất cả những chuyện này, xuất phát từ Trump, dẫn đến một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc”; Kissinger trả lời: “Hơn bất kỳ điều gì khác, một trật tự thế giới hòa bình và cân bằng luôn dựa vào mối quan hệ ổn định giữa Mỹ với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình miêu tả sự liên tưởng kinh tế là sự “cân bằng và thúc đẩy” cho quan hệ song phương rộng hơn của chúng ta. Một cuộc chiến mậu dịch sẽ tàn phá cả hai nước”.

Lập luận này tiếp tục được lặp lại trong cuộc họp mà Kissinger chủ trì tại New York trung tuần tháng 12-2016 (vào thời điểm mà Donald Trump tổ chức cuộc gặp giới chủ các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ).

Câu hỏi quan trọng nhất cần được nhắc lại: khi tư vấn doanh nghiệp, Kissinger đặt yếu tố quyền lợi nước Mỹ lên trên hay quyền lợi Kissinger Associates Inc.?; và khi kêu gọi Obama, người luôn xem Kissinger như một bậc thầy về ngoại giao, không áp dụng chính sách ngăn chặn Trung Quốc, thì Kissinger đang làm điều đó cho nước Mỹ hay cho Trung Quốc, nơi ông rất có thể nhận được những khoản phí “tư vấn” không bao giờ được tiết lộ? 

Vấn đề còn tai hại ở chỗ, việc “làm chính sách” của Kissinger có thể ảnh hưởng mạnh đến các quan hệ chính trị khu vực lẫn thế giới.

Mạnh Kim
.
.