Khủng hoảng vùng Vịnh: "Sóng dữ" chưa nguôi

Thứ Ba, 27/06/2017, 09:46
Giới quan sát nhận định, việc hàng loạt quốc gia Vùng Vịnh cắt đứt quan hệ và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Qatar là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây, đẩy quan hệ nội bộ Tổ chức Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) lên mức căng thẳng chưa từng có.

Theo đó, các quốc gia Vùng Vịnh thay nhau đưa tin và nhận định Qatar đang cố tình “bênh vực” Iran dù đất nước này đang hậu thuẫn các nhóm khủng bố đang tung hoành trong khu vực. Trong khi đó, chính quyền Qatar một mực khẳng định những cáo buộc nước này “chống lưng” khủng bố và gây bất ổn trong khu vực là vô căn cứ và thiếu công bằng.

Có một thực tế rằng, khi cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh 2017 xảy ra, những ai quan tâm đến tình hình thế giới đều bị choáng váng, không chỉ bởi đó là cuộc tấn công phong tỏa ngoại giao vô tiền khoáng hậu mà còn bởi những câu chuyện đằng sau nó. Nếu cuộc khủng hoảng này không được “hạ nhiệt”, khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến khốc liệt mới với những hậu quả khôn lường.

Cắt đứt quan hệ

Vùng Vịnh đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng thực sự nghiêm trọng khi nhiều quốc gia (bao gồm cả Arập Saudi và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE) cắt đứt các quan hệ với Qatar. Cụ thể, Arập Saudi tuyên bố cắt đứt mọi liên hệ đường hàng không, đường biển và đất liền với Qatar.

Trong khi đó, UAE cũng đóng các sân bay và bến cảng trước những chuyến bay và tàu hàng từ Qatar. Etihad, Emirates, Fly Dubai và Gulf Air đã hủy tất cả các chuyến bay đến và đi khỏi Doha - thủ đô của Qatar. Những công dân mang quốc tịch Qatar giờ đây phải chính thức rời khỏi các quốc gia láng giềng trong vòng 14 ngày kể từ khi Doha bị các đồng minh và hàng xóm trong khu vực “đóng băng” ngoại giao.

Là quốc gia giàu khí đốt, Qatar từ lâu đã thể hiện sự độc lập nhất định trong chính sách đối ngoại. Tuy là thành viên GCC, song không giống như phần lớn các quốc gia còn lại trong khối có quan điểm chống Iran, Qatar bị cáo buộc “thân” Iran vì sự hợp tác kinh tế sâu rộng, cùng chia sẻ trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới.

Mối quan hệ giữa Doha với Tehran đã trở thành “cái gai” đối với các nước Vùng Vịnh. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi các nước Vùng Vịnh cáo buộc Doha ủng hộ việc Tehran tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Gần đây, mối quan hệ Qatar - Iran đã đi xa hơn việc hợp tác quản lý tài nguyên thông thường khi các quan chức Qatar đã gặp gỡ người đứng đầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Các đồng minh Vùng Vịnh đã nhiều lần chỉ trích Qatar vì cố tình hậu thuẫn cho lực lượng Anh em Hồi giáo - một nhóm Hồi giáo có tuổi đời gần 100 năm vốn bị Arập Saudi và UAE liệt vào danh sách khủng bố. 

Việc hàng loạt quốc gia đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha tài trợ khủng bố đã bộc lộ bất đồng sâu sắc giữa Qatar với các nước Arập, nhất là Arập Saudi, vốn âm ỉ trong thời gian dài và sâu xa hơn là nhắm vào Iran, quốc gia bị coi là “đối đầu” với nhiều nước Vùng Vịnh.

Mặc dù Doha bác bỏ những thông tin trên và cho rằng các tờ báo của Qatar bị tin tặc tấn công nhưng bấy nhiêu cũng không đủ để Arập Saudi - nước đi đầu trong việc cô lập Qatar - cảm thấy hài lòng.

Bước leo thang căng thẳng trong quan hệ ngoại giao ở Vùng Vịnh càng làm phức tạp thêm tình hình ở khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn. Việc các nước đồng loạt đóng cửa đường hàng không, đường bộ và đường biển với Qatar gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động trao đổi thương mại và tạo ra những tổn thất lớn về kinh tế.

Tổn thất rõ nhất là hãng hàng không Qatar Airways phải hủy bỏ các chuyến bay đến hoặc đi qua không phận các quốc gia Vùng Vịnh Arập, đồng thời phải đổi lịch trình bay theo cung đường vòng xa hơn, chủ yếu qua các không phận của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Quan ngại về nguy cơ thiếu hụt lương thực và nước sạch nhập từ các nước Arập khiến giới chức Qatar phải tức tốc xúc tiến thảo luận với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề bảo đảm nguồn cung.

Những căng thẳng hiện nay khiến các nước trong khối GCC và Arập đều bị tổn thất ít nhiều. Nhiều ngân hàng ở khu vực có thể sẽ phải tăng chi phí đi vay nước ngoài nếu những căng thẳng ngoại giao tiếp tục. Cán cân thanh toán sẽ bị thâm hụt, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời cản trở đầu tư ở khu vực Vùng Vịnh nói chung và Qatar nói riêng.

Bên cạnh đó, giữa lúc tình hình an ninh tại Vùng Vịnh “nóng” lên từng ngày, cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc chiến chống khủng bố, khi Qatar hiện là nơi đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, với khoảng 10.000 binh sĩ.

Căng thẳng kéo dài

Thực tế, nguyên nhân sâu xa cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc - tôn giáo sâu sắc và lâu đời giữa người Hồi giáo. Mâu thuẫn được đẩy lên cao vào năm 2016 khi một số nước Vùng Vịnh cáo buộc Qatar ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. 

Khi đó, chính quyền Doha đã phủ nhận tài trợ cho các nhóm cực đoan, nhưng tuyên bố ủng hộ tài chính cho nhóm Hamas hiện đang kiểm soát dải Gaza và cho phép một số quan chức cao cấp Hamas sống lưu vong tại nước này từ năm 2012.

Đến đầu năm nay, khi đã “mất dấu ấn” ở Syria, Qatar lập tức tăng cường các nỗ lực kết nối với phong trào Anh em Hồi giáo và các nhánh của tổ chức này, trong đó có Hamas. Không dừng ở đó, Qatar còn tiếp tục nỗ lực tạo dựng quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ phiến quân Houthi tại Yemen và thử nghiệm kết nối với Hezbollah.

Arập Saudi chỉ trích Qatar cố tình hậu thuẫn cho lực lượng khủng bố.

Tuy nhiên, câu chuyện bề ngoài được tung ra luôn có những lý do chính đáng để lý giải cho những căng thẳng tiềm ẩn. Và lý do thực tế có thể đơn giản hơn rất nhiều so với những gì truyền thông quốc tế đang “vẽ” ra.

Một lần nữa, bản chất sâu xa vẫn chỉ quanh quẩn bên một chủ đề gây tranh cãi: sự thống trị của Qatar trên thị trường dầu mỏ. Dầu mỏ biến Qatar từ một bán đảo nông nghiệp nghèo nàn trở thành một trong những quốc gia giàu nhất, cũng là quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người lên đến 130.000 USD/năm.

Trong suốt hai thập niên qua, Qatar đã trở thành cường quốc cung cấp khí đốt lớn nhất khu vực. Với vị thế mới, Qatar bắt đầu chuyển đổi sự trung thành đối với láng giềng trong khu vực sang một “tay chơi” độc lập trên bàn cờ chính trị thế giới. Có vẻ như, Qatar muốn thoát khỏi cái bóng của Arập Saudi khi dùng tiềm lực kinh tế để “tìm tự do” và tự tạo cho mình một vị thế độc lập.

Thêm vào đó, Qatar không bị phụ thuộc vào OPEC - tổ chức nơi Arập Saudi có tiếng nói quyết định. Đây là nguồn cơn khiến Qatar ngày càng xa cách với các quốc gia láng giềng, dần bị cô lập và đẩy vào cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh chưa biết có hồi kết hay không.

Những căng thẳng ngoại giao hiện nay ở Vùng Vịnh, dù chưa có dấu hiệu leo thang thành một cuộc chiến, nhưng cũng chưa cho thấy sự nhượng bộ từ các bên liên quan để đối thoại giải quyết bất đồng.

Thời gian tới, các quốc gia Vùng Vịnh sẽ có những hành động quyết liệt hơn nhằm tiếp tục gây sức ép với Qatar. Họ có thể là rút toàn bộ các khoản tiền gửi của các nước Vùng Vịnh ra khỏi các ngân hàng của Qatar, hoặc khóa các đường ống dẫn khí từ Qatar sang các quốc gia Vùng Vịnh. Thậm chí, Arập Saudi còn đề xuất ý tưởng lôi kéo thêm các quốc gia trong và ngoài khu vực ủng hộ và cùng tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Qatar.

Tuy nhiên, nếu căng thẳng kéo dài, sẽ càng gây khó khăn cho chính sách của Arập Saudi và UAE, bởi Qatar vốn là một phần của GCC và là thành viên của liên minh chống khủng bố do Riyadh dẫn đầu ở khu vực.

Do vậy, các quốc gia này sẽ tìm cách tác động lên Qatar nhiều hơn nhằm thay đổi hoặc ít nhất thấy được sự nhượng bộ từ phía Doha. Ngoài ra, một loạt nước lớn đang tích cực tận dụng cơ hội để tăng cường quan hệ với Qatar và sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải căng thẳng.

Ngay trong thời điểm lệnh ngăn chặn các tuyến giao thông với Qatar của Arập Saudi có hiệu lực, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với Quốc vương Qatar để bàn về việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị để Washington đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ở Vùng Vịnh bởi lẽ Qatar cũng đem lại cho Mỹ những lợi ích kinh tế và chính trị.

Trong lúc hàng loạt cuộc khủng hoảng ở khu vực Trung Đông chưa được giải quyết, xung đột ngoại giao giữa Qatar với các quốc gia Arập càng đẩy khu vực này đến bờ vực của sự bất ổn.

“Sóng dữ” đang nổi lên ở Vùng Vịnh, có nguy cơ cuốn khu vực này vào cuộc chiến mới và đẩy các nỗ lực chống khủng bố ra xa mục tiêu. Dư luận khu vực và quốc tế cho rằng, giải pháp ngoại giao là con đường duy nhất mà các bên mong đợi. Nếu chấp nhận “quay lại”, Qatar có thể sẽ buộc phải trục xuất ngay các nhân vật thuộc phong trào Anh em Hồi giáo và lực lượng phong trào vũ trang Hamas.

Bên cạnh đó, Qatar cũng sẽ phải cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ các nước Arập Vùng Vịnh để đổi lại việc đòi hỏi một chính sách đối ngoại độc lập - tự chủ...

Doãn Anh
.
.