Khủng hoảng Ukraine: Dưới búa trên đe

Thứ Ba, 09/12/2014, 15:51
Với những dòng tít lớn ngay trang nhất, nhiều tờ báo trên thế giới đều dự đoán một tương lai đầy bất ổn và trắc trở đang chờ đón Ukraine thời “hậu Yanukovich”. Đó là một quốc gia phải cải cách mọi mặt, và đang đứng bên bờ vực phá sản với số nợ khổng lồ.

Ở trong thời kỳ chuyển tiếp chính trị đầy tế nhị, quốc gia Đông Âu này đối diện với nguy cơ bị phân chia làm hai miền Đông - Tây với những vấn đề kinh tế và văn hóa riêng. Và tình trạng bất ổn chính trị ngày càng u ám hơn khi Ukraine chịu cảnh “trên đe, dưới búa”, bởi cả Liên minh châu Âu (EU) và Nga đều liên tục gia tăng áp lực để lôi kéo Kiev vào vòng ảnh hưởng.

Viễn cảnh u ám

Sau những gian truân trên con đường “Tây tiến” đầy chông gai với những trả giá đắt đỏ về chính trị và lãnh thổ, phe thân phương Tây đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Ukraine hôm 26/10. Một số nhà phân tích cho rằng đây là động thái nhằm đảm bảo có sự ủng hộ thân châu Âu chiếm đa số trong Quốc hội, loại bỏ những chính trị gia trung thành với cựu lãnh đạo đang sống lưu vong Viktor Yanukovych.

Có thể nói cuộc bầu cử này cho thấy Ukraine muốn thành lập cho được một Quốc hội đồng hành với chính sách hướng Tây của chính phủ. Kết quả này cũng hoàn toàn đáp ứng nguyện vọng của Phong trào Maidan, những người đã tạo nên cơn giông bão đường phố để chấm dứt những năm tháng cầm quyền của Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Với họ, cuộc bầu cử Quốc hội này có ý nghĩa biểu tượng để khép lại kỷ nguyên Xôviết và đưa quốc gia bên bờ Biển Đen đến với giấc mơ châu Âu.

Việc Ukraine đang xích lại gần với EU không chỉ đơn thuần là một vấn đề hợp tác về kinh tế, mà còn là “một cuộc đọ sức về phương diện địa chính trị” Nga - EU. Ukraine muốn dùng lá bài châu Âu để làm đối trọng với ảnh hưởng của Nga, bởi lẽ chơi với Liên minh châu Âu sẽ có lợi cho Ukraine về lâu dài. Trong khi đó, đối với EU, lôi kéo được Ukraine là một thắng lợi không nhỏ trong mục đích tạo nên một khu vực ổn định ở Đông Âu.

Cách đây ít lâu, Quốc hội Ukraine và Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp ước Hợp tác về kinh tế và chính trị, nhằm tăng cường mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương giữa Kiev và Brussels (Bỉ). Một khu vực tự do thương mại song phương sẽ được thành lập nhằm đưa kinh tế Ukraine hòa nhập vào nền kinh tế 17.000 tỷ USD với hơn 500 triệu người tiêu dùng của EU, giúp Ukraine tìm kiếm các khoản vay tài chính từ EU dễ dàng hơn. Vậy là Ukraine đã thực hiện được “bước đi đầu tiên đầy quyết đoán” để tiến tới là thành viên EU.

Trong một diễn biến mới nhất, các chính đảng thân phương Tây ở Ukraine đã nhất trí ưu tiên việc Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong một thỏa thuận thành lập liên minh cho phép họ nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh bất kỳ bước đi nào của Kiev hướng đến việc gia nhập NATO cũng đều khiến Nga thêm “phiền muộn”, giữa lúc căng thẳng Đông - Tây đã lên đến đỉnh điểm do cuộc giao tranh giữa các lực lượng Ukraine và phe nổi dậy.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng, Hiệp ước Hợp tác về kinh tế và chính trị là bước đi đầu tiên để Ukraine tiến tới là thành viên Liên minh châu Âu.

NATO đã thể hiện sự hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ kể từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng khi thành lập 4 quỹ ủy thác nhằm cung cấp sự trợ giúp cho quá trình cải cách quân đội của Ukraine, chính thức hoạt động từ ngày 2/12. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, những quỹ ủy thác nêu trên sẽ được sử dụng để cải cách và hiện đại hóa quân đội Ukraine trong 4 lĩnh vực bao gồm: hậu cần, bộ máy điều khiển và chỉ huy, phòng thủ không gian mạng, quân y và phục hồi chức năng dành cho những người bị thương.

Thế nhưng, liệu Ukraine có thể hoàn toàn rũ bỏ quá khứ, xóa đi những trang sử đã không thể thay đổi và bắt đầu một cấu trúc chính trị mới trên những nền tảng về cơ bản vẫn rất cũ? Dù muốn cải cách đến đâu, Kiev cũng không thể thay đổi thực tế Ukraine nằm cạnh một cường quốc Nga rộng lớn đang muốn vươn lên vị thế siêu cường, một nhà cung cấp khí đốt - nhiên liệu chưa thể thay thế cho Kiev, và đặc biệt là sự tương đồng, hay cộng hưởng về nhiều mặt với nước Nga. Vì vậy, chính phủ mới của Ukraine nếu muốn giải quyết mớ bòng bong bất ổn ở miền Đông và gỡ thế mắc kẹt trong cuộc đối đầu nảy lửa giữa phương Tây và Nga thì chắc chắn không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow.

Theo giới phân tích, với chiến thuật vừa dụ vừa dọa, Nga đang gia tăng áp lực với Ukraine. Không phải tình cờ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng tuyên bố “dân tộc Nga và Ukraine chỉ là một”. Ukraine là nước mà Nga không đành chấp nhận thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Moscow. Từ nhiều năm qua, Nga luôn tìm cách lôi kéo Ukraine vào dự án thành lập một liên minh kinh tế và thuế quan giữa các nước thuộc Liên Xô cũ. Việc Moscow công khai ủng hộ và công nhận kết quả cuộc bầu cử tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng diễn ra vào ngày 2/11 bên cạnh tuyên bố hợp tác với Quốc hội mới của Ukraine đã tái khẳng định lập trường không khoan nhượng của Nga trong việc giữ lại những vùng ảnh hưởng truyền thống.

Thậm chí, từng có tin đồn rằng, phía Nga đã đưa ra một “danh sách trừng phạt” nếu Ukraine đi theo Liên minh châu Âu. Nga sẽ ngưng nhập khẩu hàng của Ukraine trong trường hợp Kiev ký kết thỏa thuận đối tác với EU. Ngoài ra, Ukraine sẽ mất đi những ưu đãi và khả năng tiếp cận thị trường 2.500 tỷ USD và 146 triệu người tiêu dùng của Nga. Tuy vậy, Nga cũng thẳng thắn tuyên bố sẽ nhanh chóng thúc đẩy các dự án đầu tư hàng chục tỷ USD để cùng với Ukraine phát triển các lĩnh vực vũ trụ, hàng không hay hạt nhân khi Ukraine thể hiện quan điểm “trung lập”.

Ukraine đang lâm vào cảnh “trên đe, dưới búa”: Theo châu Âu, hay ở lại cùng Nga?

Tương lai nào cho Kiev?

Thời gian gần đây, các phe tham chiến liên tiếp vi phạm thỏa thuận hòa bình và việc những đoàn xe vũ trang không biển số tự do ra vào khu vực do quân ly khai nắm quyền kiểm soát đang thổi bùng lên những nghi ngại về hiệu lực và hiệu quả của lệnh ngừng bắn ký kết ngày 5/9. Rõ ràng là, thỏa thuận ngừng bắn (giữa Kiev và lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông) vốn rất mong manh này đang đứng trên bờ sụp đổ. Các cuộc biểu tình tái diễn đã vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến khung cảnh ở Ukraine trông giống như “cuộc tàn sát hơn là cách mạng”.

Ukraine sẽ càng khó xử trong chính sách cũng như khó khăn để vãn hồi hòa bình, đưa đất nước khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng. Trái với dự báo của Kiev sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2015 sau khi giảm 6% ở năm 2014, Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Ukraine tiếp tục suy giảm. Sắp tới, nhằm cứu vãn nền kinh tế, chính phủ của Thủ tướng Arseny Yatseniuk sẽ phải cắt giảm ngân sách và thả nổi đồng hryvnia vốn đã mất 40% giá trị so với đồng USD từ đầu.

Theo lời Thủ tướng Arseny Yatseniuk, nhiệm vụ của chính phủ liên hiệp mới là tập trung giải quyết những hậu quả kinh tế và chính trị từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Bàn về điều này, Thủ tướng Yatseniuk thẳng thắn thừa nhận, ông không mong đợi nền kinh tế Ukraine có thể khởi sắc cho đến trước năm 2016 bởi gánh nặng tài chính và chi phí cho cuộc nội chiến Ukraine. Đồng thời, ông khẳng định một trong những vấn đề cấp bách nhất của Chính phủ Ukraine là xoay xở được nguồn ngân sách mới, dù nhấn mạnh “nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn”. 

Ukraine hiện đang có một chương trình vay 15 tỷ USD của Nga và đã nhận được khoản vay đầu tiên là 3 tỷ USD. Nhưng các khoản giải ngân tiếp theo có lẽ khó xảy ra, khi Ukraine có một chính phủ mới ngả theo phương Tây. Nếu người châu Âu và người Mỹ lấp chỗ trống này, gần như chắc chắn họ sẽ đòi Ukraine thực hiện chương trình “thắt lưng, buộc bụng” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Song, con dao hai lưỡi “thắt lưng buộc bụng” đã khiến nhiều chính phủ ở châu Âu phải ra đi. Vậy nên, nếu như nhiều bước đi của Ukraine trước đây chủ yếu để chứng tỏ thiện chí với châu Âu thì nay chính sách của chính phủ mới sẽ phải làm hài lòng chính dân chúng Ukraine - những người vừa lựa chọn các thành viên nội các đại diện cho ước muốn bình yên và thịnh vượng của họ.

Có thể nói bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào của phương Tây đều cần cam kết từ phía Ukraine về cắt giảm trợ giá năng lượng và hướng tới mức giá thị trường. Vấn đề sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng, nếu tập đoàn Gazprom của Nga tăng giá khí đốt bán cho Ukraine và hiện đã có những đồn đoán là điều đó có thể xảy ra. Nếu lựa chọn các giải pháp cứng rắn, Điện Kremli dễ dàng gia tăng áp lực lên đất nước Ukraine vốn đã ở bên “bờ vực phá sản và rạn nứt sâu sắc”.

Các phe phái từ vùng công nghiệp phía đông từng lo ngại về những hậu quả kinh tế của kế hoạch hợp tác với Liên minh châu Âu. Mặc dù sự ủng hộ của họ dành cho Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovich đã giảm đi nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ sẽ đi theo lực lượng lãnh đạo hiện nay vốn là phe đối lập. Đã có những vụ biểu tình phản đối chính phủ lâm thời. Khu vực phía đông và nam Ukraine ít tin tưởng vào Phong trào Maidan và lãnh đạo của nó. Dù bây giờ họ không chống đối, điều đó không có nghĩa là những tháng sắp tới sẽ yên ổn.

Các cuộc biểu tình tái diễn đã vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến khung cảnh ở Ukraine trông giống như “cuộc tàn sát hơn là cách mạng”.

Nguy cơ chiến tranh toàn diện quay trở lại miền Đông Ukraine đang đặt thêm nhiều áp lực lên nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của nước này. Trong một thông báo mới đây, bên cạnh tuyên bố rằng Kiev sẽ tiếp tục tìm kiếm một biện pháp hòa bình để giải quyết khủng hoảng, Tổng thống Petro Poroshenko cho biết: “Nếu tình hình Ukraine vẫn không có dấu hiệu khả quan bất chấp kế hoạch hòa bình, quân đội chính phủ luôn sẵn sàng và có đủ khả năng để đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào”.

Trong một bài xã luận, tờ báo Libération (Pháp) nhận định: “Sau khi ông Yanukovich ra đi, Ukraine vẫn là một đất nước trong vòng phá sản và chia rẽ”. Việc đàn áp bạo lực đã tạo cơ hội cho các thế lực cực đoan nổi lên dữ dội và trong tương lai chưa chắc chịu sự dàn xếp của phe đối lập. Tóm lại, Ukraine thời “hậu Yanukovich” không có gì chắc chắn, dưới sự lãnh đạo của phe đối lập. Bài xã luận đã đặt câu hỏi: Phe đối lập khi cầm quyền trong quá khứ cũng không làm gì tốt hơn chính quyền Yanukovich, vậy liệu trong tương lai họ có thể làm tốt hơn không?

Nguyễn Lê Mi - Trần Anh Quân
.
.