Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên: Những vòng luẩn quẩn
- Mỹ và các đồng minh thái quá trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên?
- Vòng đàm phán mới về hạt nhân Triều Tiên
- Mỹ có trưởng đoàn đàm phán mới về vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Những hình ảnh vệ tinh thu được từ khu thử hạt nhân của Triều Tiên cho thấy, ít nhất 3 vụ thử hạt nhân có thể sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian còn lại của năm.
Hành động của Bình Nhưỡng đã làm dấy lên rất nhiều câu hỏi quan trọng, gây ra một "cơn sóng gió" mới trên bán đảo Triều Tiên, khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối và đặt ra yêu cầu phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về hướng tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân đã lên mức báo động.
Nguy cơ tiềm ẩn
Năm 2016 là năm kỷ lục đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Ngay trong những ngày đầu năm, Triều Tiên đã làm "dậy sóng" khu vực khi bất ngờ tiến hành một vụ thử hạt nhân mới. Đây có thể xem là bước mở màn cho một năm "bận rộn" của chương trình thử hạt nhân Triều Tiên.
Dù đã có những đồn đoán từ trước đó, vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên hôm 9-9 vẫn gây bất ngờ khi có sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay, tạo ra cơn địa chấn 5,3 độ Richter.
Bốn vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên thường chỉ gây ra các trận động đất với cường độ chưa tới 5 độ Richter. Vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 và vụ thử hồi tháng 1-2016 gây ra các trận động đất nhân tạo mạnh 3,9 và 4,8 độ Richter.
Năng lượng giải phóng từ vụ thử ngày 9-9 ước tính lên tới 10-12 kiloton, tương đương 70-80% sức công phá của quả bom nguyên tử 15 kiloton mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945. Cường độ vụ nổ vừa qua cho thấy, Triều Tiên đã đạt bước tiến đáng kể trong việc phát triển chương trình hạt nhân.
Vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên gây bất ngờ khi có sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay, tạo ra cơn địa chấn 5,3 độ Richter. |
Giới chuyên gia tin rằng, với tốc độ phát triển hạt nhân như hiện nay, Triều Tiên có thể triển khai những loại vũ khí hạt nhân mạnh và nguy hiểm hơn trong thời gian sớm hơn dự đoán. Diễn biến này đang khiến nhiều nước - đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản - lo ngại vì mối đe dọa từ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã hiển hiện rõ ràng như hiện nay.
Triều Tiên từng nói rằng việc "tiêu chuẩn hóa" đầu đạn hạt nhân cho phép họ sản xuất theo ý muốn hàng loạt đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, nhẹ và đa dạng với khả năng tấn công cao hơn. Có vẻ như, điều này đã nâng công nghệ lắp đặt đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng lên một tầm cao mới.
Thế nên, Triều Tiên đang tỏ ra rất tự tin về việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, từ đó tiến tới sản xuất hàng loạt và triển khai các đầu đạn này trên tên lửa đạn đạo. Giới chuyên gia nhận định, Triều Tiên có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân đủ sức tấn công các nước láng giềng châu Á. Triều Tiên đang ở rất gần hoặc đã tiến tới mục tiêu gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Những thông tin có được từ 5 vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ thử tên lửa đạn đạo, nhất là trong 12 tháng trở lại đây, cho phép giới kỹ thuật ở quốc gia này thêm tự tin rằng họ có thể triển khai đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo.
Câu hỏi lớn nhất là liệu Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới mức nhỏ và nhẹ đủ để gắn lên tên lửa với tầm bắn đủ sức vươn tới lãnh thổ của Mỹ hay không.
Một số ý kiến khẳng định, Triều Tiên hiện vẫn chưa có khả năng phóng tên lửa tầm trung hoặc tầm xa có thể quay trở lại khí quyển và phải mất nhiều năm nữa mới có thể phát triển thành công tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân đủ sức tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ.
Triều Tiên đang tỏ ra rất tự tin về việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, từ đó tiến tới sản xuất hàng loạt và triển khai các đầu đạn này trên tên lửa đạn đạo. |
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi cấm vận, hiện Triều Tiên không có nhiều nguồn lực. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều khả năng Bình Nhưỡng khó có thể phát triển nhiều loại đầu đạn trên các tên lửa khác nhau.
Tuy nhiên Bình Nhưỡng cũng đang che giấu rất kỹ chương trình làm giàu urani. Nếu chương trình này được đẩy mạnh và chú trọng đầu tư, Triều Tiên có thể sẽ có thêm nguyên liệu phục vụ động thái hạt nhân của mình.
Trong bối cảnh Triều Tiên muốn khẳng định là một quốc gia hạt nhân toàn diện, bất chấp sự phủ nhận của Washington, Seoul và nhiều quốc gia khác, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân khác giúp cải thiện thiết kế đầu đạn và phát triển một loại bom kép có sức công phá lớn.
Bình Nhưỡng có "truyền thống" kỷ niệm các ngày quan trọng bằng những màn phô trương sức mạnh, và dịp kỷ niệm 10 năm ngày Triều Tiên lần đầu tiến hành thử hạt nhân vào ngày 9-10 tới có thể là "cơ hội hoàn hảo" để nước này thực hiện vụ thử hạt nhân thứ sáu.
Tìm kiếm giải pháp
Vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên đang đẩy tình hình căng thẳng tại khu vực leo thang một cách đáng báo động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Sự báo động thể hiện rõ nhất ở phản ứng của Hàn Quốc với những lời lẽ mạnh mẽ một cách bất thường. Seoul tuyên bố đã sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất và đe dọa biến Bình Nhưỡng thành "đống tro tàn".
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lên án động thái thử hạt nhân của Triều Tiên và nhấn mạnh rằng, hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng sẽ chỉ dẫn đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn, cũng như tình trạng bị cô lập hơn của Triều Tiên. Chưa dừng lại ở đó, Hàn Quốc đang lên kế hoạch mua thêm hàng chục chiến đấu cơ tàng hình tối tân thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ để đối phó với Triều Tiên.
Diễn biến trong thời gian qua trên bán đảo Triều Tiên cũng đang làm dấy lên nguy cơ xung đột vũ trang và chạy đua vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân trong khu vực. Khi cả Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên đều "căng như dây đàn" và mất kiên nhẫn, bất kỳ hành động nào dù nhỏ nhất cũng có thể khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh lập trường của Mỹ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Theo đó, ông chủ Nhà Trắng nhất trí làm việc với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các đối tác 6 bên (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên) và cộng đồng quốc tế để thực hiện các bước đi bổ sung quan trọng, trong đó có các biện pháp trừng phạt mới.
Trong một diễn biến khác, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, đồng thời gọi đây là sự vi phạm trắng trợn các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Seoul tuyên bố đã sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất và đe dọa biến Bình Nhưỡng thành "đống tro tàn". |
Ông Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại sâu sắc và hết sức thất vọng về việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân, cho đây là hành động cố ý và khiêu khích, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định của khu vực. Bình Nhưỡng đã chống lại mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng thư ký hối thúc Bình Nhưỡng từ bỏ những hành động như vậy và tuân thủ các nghĩa vụ cũng như cam kết quốc tế.
Trong khi nhiều quốc gia đang hối hả tìm cách tăng cường sức ép lên Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt thì giới chuyên gia nhận định, việc trừng phạt sẽ không tháo gỡ được cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Điều này đã được chứng minh qua thực tế nhiều năm nay với rất nhiều vòng trừng phạt được áp đặt lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vì Triều Tiên không có nhiều quan hệ với các nước khác nên các biện pháp trừng phạt, dù rất mạnh tay của Liên Hiệp Quốc, cũng không có tác dụng.
Mỹ từng trông chờ vào ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên, nhưng thực chất ảnh hưởng này cũng hạn chế. Với hướng đi hiện nay của các bên là tiếp tục "làm căng" và không nhượng bộ, tình hình sẽ khó thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, mà sẽ xấu đi.
Vụ thử hạt nhân vừa qua được xem là một thành công lớn, có thể cho phép Triều Tiên thu hút được nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đồng thời thể hiện tầm vóc một quốc gia mạnh mẽ và bền vững, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, Triều Tiên và các nước liên quan cần thể hiện mong muốn hợp tác, chấp nhận nhượng bộ để đạt được giải pháp tốt nhất.
Lãnh đạo các quốc gia liên quan tới "vòng luẩn quẩn" hạt nhân Triều Tiên cần phải giữ được "cái đầu lạnh", tránh có thêm những hành động gây căng thẳng để cùng nhau tháo gỡ vấn đề. Một khi có thiện chí, chắc chắn sẽ có những nhượng bộ nhất định để đạt được một giải pháp có lợi cho tất cả các bên và được các bên chấp nhận…